Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, giữa CIA và KGB đã diễn ra cuộc đối đầu gay go quyết liệt, tuy không phải bằng súng đạn nhưng các trận đánh “giáp lá cà” ở các buổi lễ hội, các ngõ phố hay những lần đối đầu bằng vệ tinh gián điệp trên không, tàu ngầm nằm sâu dưới đáy biển v.v… tất cả đều làm cho người ta không thể lý giải, phân biệt đâu là thật, đâu là giả. Việc Mỹ sử dụng tàu ngầm hạt nhân bí mật hoạt động và lắp đặt thiết bị nghe trộm điện thoại của Hạm đội Thái Bình Dương (Liên Xô) dưới đáy biển Okhotsk là một trong những ví dụ điển hình nhất.
Nhiệm vụ chủ yếu của Thượng tá Bradly, Trưởng phòng Tác chiến trên biển, thuộc Cục Tình báo Hải quân Mỹ, là thu thập các yêu cầu tình báo của Cục An ninh quốc gia, Lầu Năm Góc, Nhà Trắng, sau đó lập kế hoạch – thông qua các phương thức như theo dõi hoạt động của tàu ngầm, giám sát việc thử tên lửa, thu thập tín hiệu điện tử của Liên Xô để có được những tin tức tình báo cần thiết. Mỹ vừa phóng một số vệ tinh gián điệp thế hệ mới nhất “Sky eyes”, chúng có thể tiến hành trinh sát các địa điểm phóng tên lửa trên bộ và các xưởng chế tạo tàu ngầm mới nhất của Liên Xô, vậy mà phía Hải quân Mỹ đang muốn những chiếc vệ tinh này không chỉ chụp được ảnh loại tàu ngầm mới nhất, mà còn thu thập được các tin tức tình báo có liên quan đến các tính năng của loại tên lửa được Liên Xô lắp đặt trên tàu ngầm mới nhất đó. Sau khi nhận được mệnh lệnh, Bradly dự định điều một chiếc tàu ngầm đặc chủng của Hải quân bí mật đột nhập vào vùng biển Okhotsk do Liên Xô kiểm soát nhằm nghe trộm cáp điện có thể được Liên Xô lắp đặt dưới đáy biển. Đầu của dây cáp điện hình như bắt nguồn từ căn cứ tàu ngầm của Liên Xô nằm ở Petropavlovsk, xuyên qua biển Okhotsk tiếp nối với Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, sau cùng được nối thẳng về Bộ tư lệnh Hải quân ở Moscva. Nếu như chiếc tàu ngầm đặc chủng của Hải quân Mỹ phát hiện và nghe trộm được cáp điện thì Mỹ sẽ xâm nhập được vào lĩnh vực cơ mật nhất của Liên Xô, thu thập được nhiều tin tức tình báo như tính năng kỹ thuật tàu ngầm hạt nhân, dự đoán được khả năng tác chiến, báo cáo thử nghiệm tên lửa vượt đại châu và tên lửa thuộc căn cứ trên biển, ý đồ tác chiến của các quan chức chỉ huy Liên Xô. Nhưng tất cả đều được đặt dấu chấm hỏi: có đúng là có dây cáp điện của Liên Xô bố trí ở dưới biển Okhotsk không? Và nếu có thì làm thế nào để tìm được nó. Bằng kinh nghiệm nhiều năm hoạt động tình báo, Bradly biết rằng, các sĩ quan chỉ huy của Liên Xô đóng tại các căn cứ quân sự ở nước ngoài thường xuyên thông báo hoạt động tác chiến của họ cho chỉ huy cấp cao ở trong nước. Do vậy, Liên Xô đã lập ra được một hệ thống mật mã điện báo khổng lồ. Tuy nhiên, các sĩ quan Hải quân Liên Xô chưa chắc đã sử dụng hệ thống truyền tin phức tạp mà họ sẽ sử dụng phương pháp truyền tin nhanh và đơn giản. Phương pháp truyền tin này chỉ có thể sử dụng hệ thống cáp điện thoại. Như vậy, đường dây cáp nối từ Petropavlovsc đến Bộ tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Liên Xô nhất định phải đi qua biển Okhotsk.
Khi đặt giả thiết có thể có đường dây cáp điện của Liên Xô dưới đáy biển Okhotsk, Bradly vẫn trằn trọc suy nghĩ dây cáp điện đó sẽ nằm ở vị trí nào dưới đáy biển Okhotsk rộng lớn. Nghĩ đến đây, Bradly nhắm mắt lại và hồi tưởng về thời ấu thơ của mình: Khi còn là một cậu bé, Bradly đã cùng gia đình ngồi tàu thủy qua sông Mississippi, khi qua sông, ngoài việc nhìn thấy mấy bảng chỉ dẫn, Bradly còn nhìn thấy một biển báo: “ở đây có dây cáp, cấm không được neo đậu tàu”. Liên tưởng đến những gì đã nhìn thấy trên sông Mississippi, Bradly đặt giả thiết có khả năng sẽ có biển báo như vậy trên biển Okhotsk, tàu ngầm của Mỹ sẽ dựa vào biển báo này để tìm ra được dây cáp điện. Nghĩ đến đây, Bradly quyết định sẽ điều chiếc tàu ngầm đặc chủng SSGN-587 đến biển Okhotsk tìm kiếm dây cáp điện.
Chiếc tàu SSGN-587 là loại tàu ngầm được thiết kế kém nhất về động lực học thể lưu trong hạm đội tàu ngầm của Mỹ, dáng vẻ bên ngoài của nó trông như một con quái vật dưới biển, bộ phận bên trên nhô lên trông như bướu con lạc đà, phía sau là khoang tàu trông như mồm của con cá mập lớn. Nhìn bên ngoài con tàu thật không có một chút cảm tình, nhưng nó sẽ là loại tàu ngầm đặc chủng lý tưởng, không gian rộng lớn của chiếc tàu có thể lắp đặt được thiết bị gián điệp đặc chủng vì khoang của tàu có đường kính 6,7m. Tháng 2-1965, tàu SSGN-587 được đưa đến cải tiến ở Trân Châu Cảng. Tháng 5-1965, tàu SSGN-587 hoàn tất phần cải tiến. Phía ngoài tàu với đài chỉ huy cao lớn trước đây đã được vứt bỏ, thay vào đó là ăngten và kính tiềm vọng để thu và ngăn chặn thông tin từ các tàu của Liên Xô. Bên trong tàu có một gian phòng kín, một phòng phân tích và một phòng máy tính hiện đại. Ngoài ra, tàu còn có đủ giường nghỉ cho 16 thủy thủ và các nhân viên trinh sát. Đặc biệt, trên tàu có thiết bị chụp ảnh đặc chủng có tên là “Fish”, nặng khoảng 2 tấn, dài 3,7m, được lắp thiết bị đặc biệt có thể chụp ảnh trong bóng tối ở độ sâu dưới đáy biển. Năm 1969, Mỹ có những bước tiến vượt bậc về kỹ thuật lặn dưới biển sâu, tàu SSGN-587 lại được cải tiến một lần nữa, nhờ vậy, nó có thể mang theo các thợ lặn tiến hành hoạt động gián điệp ở dưới biển. Đến mùa hè năm 1971, công việc cải tiến đã hoàn thành sơ bộ.
Ngày 22-10, tàu SSGN-587 bắt đầu rời khỏi căn cứ đến biển Okhotsk. Khi đến Okhotsk, các thủy thủ dễ dàng nhìn thấy núi lửa đang hoạt động thông qua kính tiềm vọng, nhưng điều khiến họ sợ nhất đó là ánh Mặt Trời, bất cứ ánh phản quang nhỏ nào trên kính tiềm vọng cũng có thể bị máy bay chống tàu ngầm và tàu đánh cá của Liên Xô phát hiện. Thuyền trưởng McNish ra lệnh cho tàu đi theo đường ven biển của Liên Xô, đồng thời cho kính tiềm vọng truy tìm mục tiêu. Sau một tuần tìm kiếm, họ đã tìm thấy biển báo ở phía Bắc biển Okhotsk giống như lời Bradly đã từng nói, một biển báo được ghi bằng tiếng Nga: “Cấm neo đậu thuyền ở đây, phía dưới có dây cáp điện”. McNish ra lệnh thả thiết bị “Fish” ra. Hình ảnh xung quanh được hiện lên qua máy theo dõi. Theo hướng dẫn của máy theo dõi, thiết bị “Fish” bắt đầu chụp ảnh, với tốc độ 24 ảnh/giây. Đến đây các thủy thủ cho rằng họ đã tìm thấy dây cáp điện, nhưng muốn biết chính xác cần phải đợi rửa ảnh xong, mà muốn rửa ảnh thì phải cho tàu nổi lên trên mặt nước. Do đó, họ phải đợi đến đêm mới cho tàu nổi lên. ở gian phòng kín của con tàu, các thợ ảnh và các nhân viên trong “Nhóm công tác đặc biệt” khi thực hiện rửa ảnh xong đã tận mắt nhìn thấy mục tiêu mà họ cần tìm – dây cáp điện của Liên Xô. Công việc của họ bây giờ là tìm một địa điểm thích hợp gần với đường dây cáp điện. Lúc này cũng chính là lúc các thợ lặn ra tay. Khi tiếp cận được dây cáp điện, các thợ lặn phải gạt bỏ lớp bùn cát phủ trên dây cáp, sau đó bắt đầu lắp thiết bị nghe trộm có kích cỡ như máy ghi âm, bên trong máy được cài thêm một bình ắc quy Urani để cung cấp điện, sau đó họ lắp một máy tiếp nối dạng cảm ứng trùm lên dây cáp điện, lúc này nhân viên trực máy theo dõi nghe rõ tiếng đối thoại bằng tiếng Nga qua dây cáp, các nhân viên trong “Nhóm công tác đặc biệt” thật không thể tin nổi kế hoạch gián điệp mạo hiểm của tình báo Hải quân Mỹ lại thành công một cách dễ dàng như vậy. Sau hai tuần hoạt động, tàu SSGN-587 về đến cảng Mali an toàn.
Trước khi tàu SSGN-587 rời khỏi vị trí để trở về, băng ghi âm nghe trộm được qua dây cáp điện đã được gửi về Trung Tâm Trinh sát Điện tử thuộc Cục An ninh quốc gia Mỹ, trung tâm này chuyên giải mật mã và phân tích các tin tức, tín hiệu tình báo mà Bộ Quốc phòng Mỹ có được thông qua tàu ngầm và các phương thức gián điệp khác. Bradly nhanh chóng biết được nội dung đã nghe trộm, tất cả đều là thông tin quân sự của Hải quân Liên Xô, như vậy Mỹ lại có thêm một nguồn thông tin tình báo mới. Các vệ tinh gián điệp, máy bay gián điệp, trạm theo dõi có thể theo dõi và nghe trộm được mọi việc làm của Liên Xô, nhưng hệ thống nghe trộm tiên tiến nhất của Mỹ vẫn chưa xâm nhập được vào hệ thống điện thoại hữu tuyến cố định của Liên Xô. Mỹ chỉ có máy vệ tinh tập trung theo dõi ở Moscva và bờ biển Bắc của Liên Xô, còn tín hiệu trinh sát từ Hạm đội Thái Bình Dương vẫn chỉ là con số không, như vậy nếu như lấy được thông tin qua dây cáp dưới đáy biển Okhotsk thì Mỹ sẽ lấp được chỗ trống này. Bradly tiếp tục lập phương án hành động mới, cần phải nghe được nhanh, nhiều thông tin từ đường dây điện thoại của dây cáp điện. Bradly nghĩ ra ý tưởng nghiên cứu chế tạo một thiết bị nghe trộm có thể làm việc liên tục trong một tháng, thậm chí cả một năm. Nắm bắt được ý tưởng của Bradly, Công ty Bells đã nghiên cứu ra thiết bị đó với trọng lượng nặng 6 tấn, dài 20m, rộng 3m, sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp điện, thời gian nghe trộm kéo dài trong một năm, có thể nghe được 10 cú điện thoại qua mỗi lần nghe trộm, nếu như lắp ráp vào với dây cáp điện thì một năm sau mới phải quay lại để kiểm tra lấy tin tức. Chuẩn bị xong xuôi mọi việc, Bradly tiến hành hội báo phương án hành động của mình. Sau khi nghe các cuốn băng do tàu SSGN-587 ghi được, các quan chức cấp cao của Mỹ đều nhất trí thông qua kế hoạch của Bradly, đồng thời đặt tên cho kế hoạch này là “Chuông gió”. Ngày 4-8-1972, tàu SSGN-587 lần thứ hai đến biển Okhotsk, sau khi lắp ráp thiết bị mới vào dây cáp điện, con tàu đã hoạt động dưới biển hơn một tuần, thu thập được khá nhiều cuộc nói chuyện bằng điện thoại của Hải quân Liên Xô, sau đó nó tiếp tục quay trở về căn cứ an toàn.
Kế hoạch “Chuông gió” được tiến hành đến năm thứ 10, tức năm 1981, thì Cơ quan Tình báo Liên Xô phát hiện ra thiết bị nghe trộm dưới đáy biển Okhotsk và cho trục vớt lên. Tuy Mỹ bị mất một “kho vàng tình báo” quý giá nhưng cũng vào thời điểm đó Mỹ đã triển khai một thiết bị nghe trộm khác lắp ráp vào dây cáp điện của Liên Xô trên biển Barents ở Bắc Băng Dương với quy mô ngày càng lớn hơn và khó bị phát hiện hơn.