Daniel Defoe (1660 – 1731) Nhà Buôn, Người Viết Sách, Tên Do Thám

“Phản gián” là một khái niệm rộng. Đó không chỉ là hoạt động tình báo săn tìm thông tin về đối phương như người ta vẫn quan niệm. Đó còn là những “biện pháp tích cực” đưa ra những quan điểm của mình để điều khiển đối phương và dư luận, đó là việc tung tin giả và tiết lộ có chủ định… Một trong những bậc thầy của loại hình phản gián trên là Daniel Defoe – tác giả cuốn “Robinson Crusoe” nổi tiếng. Tổ tiên của Daniel Defoe là người Flaman mang họ Defoe nhập cư vào Anh từ cuối thế kỷ 15. Cha ông – James – làm nghề bán thịt và sản xuất nến, vì vậy từ “De” trong họ Defoe đối với gia đình ông là thừa và đã được rút gọn là “foe”. Mãi đến năm 35 tuổi Daniel mới lấy lại đầy đủ họ Defoe.

Daniel Defoe sinh năm 1660 tại London trong một gia đình Cơ đốc giáo. Ông đã nhiều lần bị lên án ăn ở hai lòng, hay thay đổi quan điểm tín ngưỡng, nhưng ông luôn khẳng định chưa bao giờ phản lại lập trường chính thống của mình. Tuy về hình thức ông là tín đồ Cơ đốc, song về thực tế ông đã có bất đồng và từ bỏ hàng ngũ. Bản tính con người ông phức tạp là vậy. Khi mẹ ông vốn là người Anh chính gốc mất, ông mới mười sáu tuổi và được đưa vào trường nội trú, sau đó theo học trường dòng. Cùng học với ông có một người tên là Timoti Crudsoe sau này trở thành nhà truyền đạo Cơ đốc nổi tiếng. Daniel Defoe đã lấy họ ông ta đặt cho cuốn sách nổi tiếng được viết vào lúc ông đã 50 tuổi.

Tốt nghiệp trường dòng Defoe biết ba thứ tiếng – Pháp, Tây Ban Nha và Italia (sau này cả tiếng Slav) – và được trang bị đầy đủ kiến thức triết học, lịch sử, địa lý, thậm chí cả tốc ký, nhưng lại theo nghề buôn bán của ông bố. Ông đã đặt chân lên nhiều đất nước châu Âu như Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…, đã từng rơi vào tay bọn cướp biển. Song ông làm ăn thua lỗ và đã bị phá sản. Sau đó ông phải làm rất nhiều việc, kể cả chăn nuôi cầy hương lấy nguyên liệu cho công nghiệp sản xuất nước hoa, nhưng rồi lại bị khánh kiệt. Ông đã tự bạch “Mười ba lần tôi ăn nên làm ra giàu có, rồi lại bị khánh tận”. Cả cuộc đời ông là cuộc sống bí ẩn của một con người không được xã hội trọng vọng. Ông đã tự gọi mình là “nhà buôn, người viết sách đả kích, tên do thám”. Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng ông đã phải làm gia nhân tùy tùng cho các nhà giàu thuộc giới thượng lưu.

Có một thời Defoe kết thân với hoàng tử Wilhem Oranski – sau này trở thành vua William Đệ Tam của Anh quốc. Defoe còn được Huân tước Thượng thư Robert Garley che chở lấy lại được vị trí của mình. Nhưng không bao lâu sau nhà vua mất do ngã ngựa. Nữ hoàng Anna lên ngôi trị vì. Thời gian này Defoe đã viết hai bài đả kích, trong đó đưa ra những ý kiến trái ngược nhau khiến người đọc không hiểu được tác giả chống ai và ủng hộ ai – chống lại những người Cơ đốc hay ủng hộ họ? Cả hai phía đều phản ứng, khiến ông phải lẩn trốn suốt nửa năm ròng. Tuy nhiên cuối cùng ông vẫn bị bắt và bị kết án bêu cọc. Hình phạt tuy chỉ là tượng trưng nhưng lại rất nguy hiểm: đầu và tay tội phạm bị kẹp chặt vào cột. Phạm nhân bị ném rác rưởi và gạch đá – nhiều khi bị ném đến chết. Defoe đã bị bêu như vậy ở ba quảng trường tới vài tiếng đồng hồ trong ba ngày 29, 30 và 31 tháng 7. Còn những người đọc kỹ các bài đả kích của Defoe lại rất hoan nghênh ông và đã đến tung hoa ủng hộ ông. Huân tước Garley đã can thiệp đưa ông về nhà làm trợ lý. Ông không những được ân xá của triều đình mà còn được trợ cấp lương. Ông được giao việc in ấn các quan điểm và kiến giải của chính phủ, bất kể thành phần nội các cũng như đường lối chính sách của họ như thế nào.

Năm 1704 Defoe cho xuất bản tờ “Quan sát” của mình. Tờ báo tồn tại 9 năm và được chính phủ – mà vai trò quan trọng là huân tước Garley – bảo trợ. Thế nhưng rõ ràng huân tước và Defoe thuộc hai phái đối lập – huân tước là “người của nữ hoàng Anna”, của Đảng Bảo thủ, còn Defoe thuộc phái tự do, đại diện quyền lợi cho tầng lớp tư sản. Defoe vẫn giữ cho tờ báo của mình phạm vi tự do nhất định. Ông giới thiệu với độc giả ý nguyện của huân tước mà chính ông cũng cho là cần thiết. Đôi khi có cảm giác mọi ý kiến của Defoe đi ngược với quyền lợi của chính phủ, nhưng thực ra đó chỉ là ấn tượng ban đầu.

Mùa thu năm 1706 Defoe được huân tước trao nhiệm vụ quan trọng đầu tiên. Ông tới Edinburg – thủ đô của xứ Scotland, hồi đó là một quốc gia độc lập. Bên đó ông có nhiệm vụ tìm hiểu tình hình rồi thực hiện “Những biện pháp tích cực” trên tờ báo của mình.

Trong suốt thời gian dài từ năm 1706 đến năm 1714 Defoe đã có 17 chuyến đi do thám vất vả vì đường sá xa xôi. Chính ông đã lên kế hoạch thực thi nhiệm vụ (trong thư gửi huân tước Garley):

1. Nắm vững toàn bộ tình hình của các phái chống đối lại đường lối hợp nhất của chúng ta, cố gắng ngăn chặn mọi ý đồ của họ.

2. Trao đổi với dân địa phương, bằng mọi phương tiện có thể để hướng họ theo chiều có lợi cho việc hợp nhất.

3. Bác bỏ trên báo chí mọi phát biểu làm tổn hại tới tư tưởng liên minh, tới người Anh, tới triều đình Anh quốc về mọi mặt có liên quan tới tư tưởng liên minh đó.

4. Xóa tan mọi nghi ngờ băn khoăn của mọi người liên quan tới những âm mưu bí mật chống lại nhà thờ Scotland.

Trong một lá thư khác gửi huân tước Garley, Defoe đã báo cáo việc thực thi nhiệm vụ của mình. Ông viết:

Tuy còn chưa chắc chắn về kết quả, nhưng tôi hi vọng ngài sẽ không phải hối tiếc vì đã tin tưởng phái tôi tới đây. Những bước đi đầu tiên của tôi đã rất tốt đẹp, hoàn toàn thành công ở chỗ không ai nghi ngờ tôi có bất kỳ mối quan hệ gì với Anh quốc. Tôi đã rất thận trọng trong các mối quan hệ với tín đồ các giáo phái khác nhau và bọn vô đạo. Tôi nghĩ rằng ngài sẽ không phê phán cách cư xử của tôi. Tôi có những người bạn đáng tin ở mọi nơi, mọi giới, với ai tôi cũng tìm được tiếng nói chung. Với giới doanh nhân tôi hỏi ý kiến xem có nên buôn bán ở đây không, đóng tàu bè như thế nào… Với luật sư tôi tham khảo chuyện mua bán bất động sản. Như ngài thấy đấy, tôi có ý định đưa gia đình sang đây sinh sống (tiền ở đâu, có trời biết được!).

Hôm nay tôi trao đổi với một nghị sĩ về ngành sản xuất thủy tinh, ngày mai tôi nói chuyện với người khác về việc khai thác muối. Với dân nổi loạn ở Glazgo tôi là người buôn cá, với dân vùng biển Abedin tôi lại là người buôn len, còn với cư dân vùng Pec hoặc các khu miền Tây thì mối quan tâm của tôi lại hướng tới vải vóc, tuy nhiên mọi câu chuyện cuối cùng vẫn dẫn tới tư tưởng hợp nhất và dù cho tôi là thế nào đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ đạt được một điều gì đó”.

Ở xứ Scotland không phải lúc nào cũng được an toàn: có lần Defoe suýt bị đám đông trên đường phố đánh chết chỉ vì họ nghe thấy ông nói tiếng Anh. Về sau một người còn nói: “Nếu như biết ông ta đến đây do thám thì chúng tôi đã xé xác ông ta ra rồi”.

Defoe đã tạm chuyển tờ “Quan sát” của mình đến Edinburg, cho ấn hành đều đặn hai – ba kỳ mỗi tuần. Là tác giả duy nhất, Defoe viết đủ thể loại – báo, thơ, bút ký, với các bút danh khác nhau: Alexander Goldsmith, Andrew Moreton, Clot Geo… Mùa xuân năm 1707 Defoe đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh được giao phó: Nghị viện của hai nước hợp nhất làm một. Bộ trưởng Gordonphin đề cử Defoe phụ trách thuế quan ở Scotland. Huân tước Garley ngoài mặt đồng ý, nhưng lại ngầm bảo Defoe từ chối để tiếp tục làm điệp viên cho mình.

Defoe từ Scotland trở lại London chưa được bao lâu thì tình hình biến đổi. Huân tước Garley bị bãi nhiệm, thay thế ông là Gordonphin.

Defoe thở phào nhẹ nhõm: ông sẽ được giải phóng khỏi nhiệm vụ “phục vụ ngai vàng” vẫn đè nặng vai ông bấy lâu. Nhưng mọi việc lại không như ông mong muốn. Huân tước ra lệnh cho ông không được từ bỏ vị trí. Thế là ông đành phải tiếp tục công việc nô dịch nặng nợ trong chính phủ. Gordonphin tiến cử ông với Nữ hoàng. Sau khi tuyên thệ trung thành, Defoe lại đến Scotland với nhiệm vụ theo dõi hoạt động của phái ủng hộ nhà vua Jacob Stuward. Ở London, huân tước đã quay trở lại chính trường. Một lần nữa ông ta lại giải cứu Defoe ra khỏi tù – đây là lần thứ ba trong năm 1713 do Defoe không trả được nợ. Nhưng chỉ ngay hôm sau Defoe lại bị bắt giam theo yêu cầu của sứ quán Nga do đã nhạo báng Piot’r Đại Đế là “gấu xứ Siberi”. Defoe phải xin lỗi nhà vua.

Sự việc được ém nhẹm, song Defoe lại bị bắt giam. Lần này thì thật nghiêm trọng. Ông bị cáo buộc tội phản quốc. Hai bài báo châm biếm “Điều gì sẽ xảy ra một khi Nữ hoàng băng hà?” và “Bỗng xuất hiện người kế vị” bị coi là âm mưu xúi giục phản loạn và rủa Nữ hoàng lúc này đang bệnh. Một lần nữa huân tước lại đứng ra bênh vực Defoe mặc dù thực chất chính ông ta cũng đang mong đợi cái chết của Nữ hoàng. Cũng như nhiều người kề cận ngôi báu, ông ta cân nhắc xem ai trong số những người kế vị sẽ được nối ngôi.

Nữ hoàng Anna qua đời, Đức vua George Đệ Nhất – đại diện của vương triều Hannove người Đức – đăng quang. Huân tước Garley bị tống giam ở pháo đài Taue. Để trả nghĩa ông ta, Daniel Defoe đã viết cuốn “Sự nghiệp của huân tước Garley” gồm ba tập, đưa ra những tư liệu quan trọng nhất khai thác từ những nguồn tin mật nói về các mưu đồ toan tính của các bộ trưởng và nêu bật vai trò đáng kể của huân tước.

Năm 1717 từ nhiều nguồn tin khác nhau (trong đó có thể cả từ Defoe) chính phủ Anh biết được rằng phái Jacobanh âm mưu dấy lên một cuộc nổi dậy mới mà mọi đầu mối là ở sứ quán Thụy Điển. Ngay lập tức nhà vua Charles thứ mười hai trở thành đối tượng công kích của người Anh. Defoe đã đề đạt kế hoạch. Nhân chuyện chín năm trước vào năm 1708 nhà vua Thụy Điển đã hành hình ông Patcun – nhà quý tộc xứ Livon trên bánh xe với tội danh làm do thám cho Pie Đại Đế, Defoe đã nhanh chóng viết bài đả kích nhà vua dưới hình thức bản dịch nguyên gốc câu chuyện của một mục sư chứng kiến những giây phút cuối của Patcun. Ngài đại sứ Thụy Điển – bá tước – đã đòi nghiêm trị tác giả dám phê phán quốc vương của họ. Nhưng nhà đương trách Anh “không thể nào” tìm ra “thủ phạm”. Năm 1713 tờ “Quan sát” đã bị đóng cửa, từ đó Defoe dường như chỉ làm biên tập cho tờ “Thương nhân”. Song thực tế ông vẫn tiếp tục bút chiến trên hai mươi sáu tờ báo, tạp chí có khuynh hướng hoàn toàn khác hẳn nhau. Ở tờ báo này Defoe nêu ý kiến, nhưng ở tờ khác ông lại đập lại chính quan điểm của mình, sang tờ thứ ba ông viết bài đả kích bài đã đăng ở tờ thứ hai, rồi ở tờ báo thứ tư… Trong lá thư gửi ông Santerlen, thứ trưởng mới của Bộ Ngoại giao, viết ngày 26 tháng 4 năm 1718, ông đã giải thích vụ việc như sau: “Được chính phủ phê chuẩn tôi đã vào làm biên dịch cho tờ báo ra hàng ngày của ngài Mits nhằm bí mật kiểm soát, khống chế không cho tờ báo gây tổn hại. Không một ai, kể cả ông Mits, biết được nhiệm vụ thực của tôi. Nhờ vậy mà các tờ nhật báo “Chuyện hàng ngày”, “Bưu điện Dormerop”, “Sao Thủy trên bầu trời chính trị ” – được coi là cơ quan ngôn luận của phái Tori – thực tế đã hoàn toàn bị vô hiệu hóa trong việc làm tổn hại đến quốc gia”.

Có lần xưởng in của tòa báo bị khám đột xuất: người ta muốn tìm bản gốc lá thư chống đối chính phủ được đăng trên báo với bút danh “Tử tước Andrew Politic”. Ngài Mits đã khai tên tác giả là Daniel Defoe, song vụ việc đã được ém nhẹm bởi huân tước Santerlen biết rõ lá thư trên từ chính Defoe. Defoe đã bảo lãnh cho ngài Mits ra khỏi tù rồi sau đó ông còn hai lần can thiệp cho Mits khỏi bị bắt giam. Mặc dù biết rõ thực chất vai trò của Defoe, ngài Mits vẫn gây gổ tấn công ông. Defoe buộc phải tự vệ và làm ông ta bị thương. Vì việc này năm 1719 ông đã bị tước quyền làm báo và hoạt động chính trị. Một điều may mắn lớn cho độc giả vì mùa đông năm ấy chỉ trong hai tháng Defoe đã viết xong cuốn “Robinson Crusoe”. Thành công vang dội, ông bắt tay viết luôn cuốn nữa. Hàng loạt tiểu thuyết ra đời, trong đó có các cuốn nổi tiếng như: “Mon Frandes”, “Roscana” và “Chuyện Piot’r Alecxeevitr chí công vô tư”.

Trong suốt thời gian vài năm liền Defoe sống bình lặng ở ngôi nhà sang trọng của mình, đôi khi ông cãi cọ với hàng xóm và chỉ có viết, và viết…

Những năm cuối đời Defoe nếu không sống trong cảnh nghèo túng thì cũng trong cô đơn. Để tránh bị tịch thu tài sản vì nợ nần, ông đã bỏ nhà ra đi, để lại tất cả của cải cho con cái. Ông qua đời ngày 24 tháng 4 năm 1731 ở tuổi 72. Vào thế kỷ 20, trong đống thư tín của ông để lại người ta tìm thấy bản viết tay không ghi rõ ngày tháng và chưa được công bố liên quan đến đề tài phản gián mà chúng tôi đã đề cập. Chắc chắn đó là bản thảo những bức thư gửi huân tước Garley. Ở đó ông đã trình bày sơ đồ thành lập tổ chức bí mật của nước Anh. Nhờ tổ chức đó các bộ trưởng sẽ nhận được những thông tin đáng kể và tin cậy từ khắp nơi về thái độ của các thành phố và tỉnh thành đối với chính phủ. Ngoại trưởng cần có trong tay danh sách các gia đình quý tộc ở mỗi tỉnh và nắm được mọi thông tin về đời sống tư tưởng và tinh thần của các giáo sĩ và pháp quan tại mỗi xứ đạo. Ông cần nắm được danh sách những người có uy tín nhất ở mỗi thành phố và các vùng phụ cận để biết họ sẽ ủng hộ phái nào khi bầu cử, cần biết được ảnh hưởng của các đảng phái ở những vùng khác nhau, cuối cùng là cần đặt bộ phận tình báo thường trực ở Scotland. Để có được những thông tin cần thiết, theo Defoe, phải giăng một mạng lưới những người tin cẩn rộng khắp vương quốc Anh.

error: Content is protected !!