Kể từ tháng 11 năm 1927 đến tháng 12 năm 1931, trong sự tàn khốc của các cuộc khủng bố trắng, do bè lũ phản động gây nên tại Thượng Hải, Chu Ân Lai với tài trí hơn người đã sáng lập và lãnh đạo Cơ quan Đặc vụ Trung ương Trung Quốc, phục vụ cho yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng và viết nên những trang sử hào hùng mang đầy màu sắc truyền kỳ, bí hiểm.
Nhằm bồi dưỡng các cán bộ cho công tác bảo vệ chính trị, tháng 9 năm 1926, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử Cố Thuận Chương và Trần Canh sang Liên Xô học tập. Sau khi Tưởng Giới Thạch phát động cuộc chính biến phản cách mạng “12-4”, do nhu cầu cấp bách của tình thế, tháng 5 năm 1927, tại Vũ Hán, Chu Ân Lai đã quyết định thành lập Phòng Công tác đặc vụ (tiền thân của Cơ quan Đặc vụ Trung ương) với các công tác như tình báo, đặc vụ và bảo vệ những yếu nhân, trong đó công tác tình báo là chủ yếu. Đây là cơ quan bảo vệ chính trị đầu tiên của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (khi đó Chu Ân Lai đang đảm trách chức vụ bí thư Quân ủy). Phòng Công tác đặc vụ này đã phát huy tác dụng to lớn trong thời kỳ đấu tranh Quốc – Cộng. Ví như trước khi xảy ra biến cố Mã Nhật, do Hứa Khắc Tường phát động, hay Tưởng Giới Thạch gặp Phùng Ngọc Tường, đều không qua nổi tai mắt của Phòng Công tác đặc vụ.
Sau tháng 9 năm 1927, Cơ quan Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc chuyển từ Vũ Hán về Thượng Hải. Trong phiên họp ngày 9 và 10 tháng 10, Cục Chính trị lâm thời đã quyết định Chu Ân Lai tiếp tục đảm trách chức vụ bí thư Quân ủy Trung ương và phụ trách việc chuẩn bị thành lập Cơ quan Đặc vụ Trung ương. Sau đó Chu Ân Lai đã chủ trì việc xây dựng mô hình tổ chức, điển hình cơ cấu chính trị, phát triển Phòng Công tác đặc vụ thành Cơ quan Đặc vụ Trung ương.
Đến năm 1929, cơ quan này đã tương đối hoàn chỉnh. Nó bao gồm 4 phòng: tổng hợp, tình báo, hành động và giao thông. Với nhiệm vụ cơ bản là: “Đảm bảo an toàn cho bộ máy lãnh đạo Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc; thu thập tin tức tình báo; ngăn chặn bọn phản động; giải cứu các đồng chí bị bắt và xây dựng đài phát thanh bí mật”.
Trong 4 phòng của Cơ quan Đặc vụ Trung ương thì Phòng Tổng hợp được thành lập sớm nhất và trưởng phòng là Hồng Dương Sinh. Còn trưởng phòng tình báo là Trần Canh, Phòng Hành động được thành lập tháng 4 năm 1928, do Cố Thuận Chương làm trưởng phòng. Cuối cùng là Phòng Giao thông hay còn gọi là Phòng Thông tin vô tuyến điện, được thiết lập thêm vào năm 1929.
Tóm lại, cơ cấu tổ chức của Cơ quan Đặc vụ Trung ương chặt chẽ, có tính cơ động cao và sức chiến đấu mạnh. Chu Ân Lai vừa là người đề ra quyết sách chính, vừa là người phụ trách tổ chức thực hiện.
Những cống hiến của Chu Ân Lai
Thứ nhất: Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Cơ quan Trung ương Đảng.
Năm 1927, sau khi Cơ quan Trung ương Đảng di chuyển căn cứ từ Vũ Hán về Thượng Hải, nhằm ngụy trang cho công tác bí mật, cần phải thuê địa điểm để mở gấp căn cứ và các phòng, ban trực thuộc. Nhưng khó khăn là muốn thuê nhà cần có người đứng ra bảo lãnh. Trước tình hình đó, Chu Ân Lai chỉ thị cho Hồng Dương Sinh và các đồng chí khác bằng mọi cách phải thiết lập các mối quan hệ xã hội để giải quyết khó khăn trên. Nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, bước đầu đã xây dựng được 3 cơ sở cho cơ quan đặc vụ. Thứ nhất, phòng chụp ảnh Tam Dân ở đường Bắc Tứ Xuyên, chủ hiệu là Phạm Ngư Nhân, người có tư tưởng tiến bộ, sau này thường tham gia mua vũ khí và chuyển giấy tờ mật cho cơ quan đặc vụ. Thứ hai, tiệm vải của Lý Thụy Sinh nằm trên đường Uy Hải Vệ, sau này cũng trở thành địa điểm liên lạc của Trung ương Đảng. Và thứ ba, cửa hàng đồ điện của Trương Nghĩa An trên đường Lao Hợp (nay là đường Lục Hợp). Nhờ sự bảo lãnh của 3 cửa hàng trên mà cơ quan đặc vụ có thể thuê địa điểm trên khắp Thượng Hải, lập nên mạng lưới bí mật của mình.
Thứ hai: Cơ quan Đặc vụ Trung ương thường áp dụng ba phương pháp: Nếu đồng chí bị bắt chưa lộ thì công khai mời luật sư bào chữa để giải cứu một cách hợp pháp. Nếu bị lộ, phải tìm nội ứng để giải thoát, hoặc dùng tiền để lo lót. Gặp trường hợp phức tạp mà cả hai phương pháp trên không thể áp dụng được thì phải dùng vũ lực. Đây là phương pháp cuối cùng, “vạn bất đắc dĩ” mới dùng.
Thứ ba: Xây dựng một mạng lưới tình báo rộng lớn.
Chu Ân Lai đặt ra phương châm cho Phòng Tình báo là “đưa người vào” và “kéo người ra”. “Đưa người vào” tức lợi dụng mọi mối quan hệ để đưa người vào các bộ phận chủ chốt của kẻ thù để làm công tác tình báo, còn “kéo người ra” là mua chuộc những nhân viên thuộc cơ quan mật vụ của Quốc dân đảng và cơ quan tô giới của đế quốc làm việc cho mình. Sau khi Cơ quan Đặc vụ Trung ương thành lập không lâu, Trung ương Đảng ra chỉ thị cho các cấp: “Phải cử một hoặc hai người đáng tin cậy để thâm nhập vào đảng bộ Quốc dân đảng cùng một số cơ cấu phản động khác nhằm do thám và tiến hành công tác phá hoại”. Theo chỉ thị này, Chu Ân Lai đã cử Tiền Tráng Phi, Lý Khắc Nông và Hồ Để, ba người này đã thâm nhập vào sào huyệt, đấu mưu, đấu trí cùng kẻ thù, và về sau đã viết nên những trang hiển hách trong lịch sử đấu tranh bí mật của Đảng. Tiền Tráng Phi do được sự tín nhiệm của Từ Ân Tăng – Trưởng phòng Điều tra – Bộ Tổ chức của Quốc dân đảng, vì vậy được giữ chức bí thư Cục Quản lý vô tuyến điện Thượng Hải. Hồ Để được giao nhiệm vụ phụ trách Thông tấn xã Dân Chí tại Nam Kinh, sau này được điều về Thiên Tân để thành lập Thông tấn xã Trường Thành và Thông tấn xã Trường Giang. Như vậy, dưới sự phụ trách của Tiền Tráng Phi, những cơ quan đặc vụ của Quốc dân đảng đã hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ví dụ điển hình nhất về phương châm “kéo người ra” là thiết lập mối quan hệ với Dương Đăng Doanh – một nhân sĩ tiến bộ cánh tả của Quốc dân đảng. Đầu năm 1928, qua mối quan hệ với những thủ lĩnh đặc vụ của Quốc dân đảng như Trương Đạo Phan, Dương Kiến Hồng, Dương Đăng Doanh đã thâm nhập vào Phòng Điều tra đảng vụ thuộc Bộ Tổ chức Trung ương, cơ quan đặc vụ tối cao Quốc dân đảng, rồi trở thành nhân viên tình báo cao cấp. Không lâu sau đó, Dương Đăng Doanh tiếp xúc với Trần Dưỡng Sơn – công tác tại Tỉnh ủy Quốc dân đảng tỉnh Giang Tô – người nguyện cung cấp những tin tức tình báo có lợi cho Đảng Cộng sản mà ông ta được biết. Sau khi suy nghĩ thận trọng, Chu Ân Lai và các đồng chí phụ trách khác đã đồng ý cùng Dương Đăng Doanh thiết lập quan hệ đặc tình. Sau này Dương Đăng Doanh được ủy nhiệm làm đặc phái viên của Quốc dân đảng phụ trách xử lý tin tức, hồ sơ của cơ quan Quốc dân đảng tại Thượng Hải. Sự thiết lập quan hệ đặc tình này đã phát huy tác dụng vô cùng to lớn trong việc giải cứu người của Đảng Cộng sản bị bắt và trừng trị bọn phản loạn.
Thứ tư: Chỉ huy trừng phạt những tên tay sai đầu sỏ.
Đây là sứ mệnh hàng đầu của Phòng Hành động với nhiệm vụ cụ thể do đội hồng binh đảm nhận (còn gọi là đội khủng bố đỏ) tên tục là đội “đả cẩu” (trừng phạt bè lũ tay sai).
Sau cuộc chính biến phản cách mạng “12-4”, Tỉnh ủy tỉnh Giang Tô đã chọn ra một số công nhân có tư tưởng chính trị vững vàng, võ thuật cao cường, biết bắn súng và thông thuộc tình hình Thượng Hải, trên cơ sở đội duy trì trật tự lập thành một tiểu đội để phụ trách trấn áp bọn đặc vụ, bè lũ phản động và nội gián.
Đội hồng binh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chu Ân Lai, đã trừng trị được những tên tay sai sừng sỏ như Hà Gia Hưng, Đới Băng Thạch và bọn thủ lĩnh đặc vụ của Quốc dân đảng như Vương Vũ, Mã Thiện Vũ…
Thứ năm: Chỉ huy chế tạo và lập đài phát bí mật.
Sau Đại hội Trung ương lần thứ 6, các căn cứ địa cách mạng phát triển mạnh mẽ, tổ chức Đảng tại bạch khu (khu do bè lũ phản động khống chế) dần dần được khôi phục. Để tăng cường sự liên hệ và chỉ đạo giữa tổ chức Đảng của các địa phương với Hồng quân thì việc cần thiết phải xây dựng đài phát thanh bí mật là vô cùng bức bách. Và nhiệm vụ này đã được đặt lên vai Cơ quan Đặc vụ Trung ương.
Ngay từ thập niên 20, Trung ương Đảng đã đặt ra yêu cầu với một số lưu học sinh ở Đại học Lao động chủ nghĩa cộng sản Moskva, theo học ngành Vô tuyến điện. Thời kỳ ở Moskva, Chu Ân Lai đã từng động viên Mao Tề Hoa và một số đồng chí khác cần tranh thủ học hỏi vì “nước ta đang rất cần kỹ thuật thông tin vô tuyến điện.” Về đến Thượng Hải, ông còn gặp Lý Cường, Trương Thẩm Xuyên yêu cầu họ phải khắc phục mọi khó khăn để học kỹ thuật thông tin vô tuyến điện nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của cách mạng.
Đến tháng 10 năm 1927, sau nhiều nỗ lực, họ đã chế tạo thành công một số máy thu phát. Cho dù máy rất cồng kềnh, nghe chưa được rõ và công suất cũng chỉ là 50W nhưng nó lại là thiết bị thông tin vô tuyến điện đầu tiên do Đảng Cộng sản Trung Quốc tự chế tạo ra. Sau đó, nó được lắp đặt tại số 11 đường Mạc Nhĩ Minh với đội ngũ công tác là Mao Tề Hoa, Tăng Tam… Tháng 1 năm 1930, bản tin đầu tiên đã được phát đi thành công.
Sự ra đời của đài thu phát vô tuyến điện bí mật đã góp phần tăng cường sự chỉ huy, chỉ đạo được nhanh chóng, tăng cường mối quan hệ giữa Trung ương Đảng với tổ chức Đảng các địa phương và Quốc tế Cộng sản, góp phần thúc đẩy sự phát triển của Cách mạng Trung Quốc.