Charles Luseto (? – 1932) Sự Nghiệp Lên Trang Sách

Có những điệp viên mà cả cuộc đời là hàng loạt chiến công, mà những cuộc phiêu lưu tình báo của họ có thể viết nên hàng pho truyện. Lại có những người chỉ thực thi có một vụ việc, nhưng tầm quan trọng và ý nghĩa lại đáng được đưa vào biên niên sử của ngành. Một trong những người đó là Charles Luseto – một người Pháp yêu nước, một sĩ quan trong Thế chiến thứ nhất và là tác giả của nhiều truyện tình báo.

Là người vùng Andes nhưng trông Charles lại giống người Đức hơn và ông rất thông thạo tiếng Đức. Khi chiến tranh bùng nổ ông đang là kỹ sư và bị động viên vào đội phản gián. Nhưng không bao lâu sau thủ trưởng đã nhận ra tư chất tình báo ở Charles và thế là cuộc đời ông đột ngột ngoặt hướng khác. Thay vì đi bắt bọn điệp viên của đối phương ông lại nhận nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch. Ông đóng vai một người Đức được cử tới vùng công nghiệp Rein nghiên cứu về sản xuất đạn dược ở đây. Luseto đã thu thập được những thông tin cụ thể về nhà máy Crupa – một nhà máy lớn ở Essen. Thực chất Essen là một thành phố được bảo vệ cẩn mật vì ở đó sản xuất các vũ khí hạng nặng, đạn trái phá và rất nhiều mặt hàng khác phục vụ chiến tranh. Mọi thông tin dữ liệu, kế hoạch và sơ đồ, Luseto đã chuyển được về Pháp. Và mặc dù nhiệm vụ của ông không liên quan tới nhà máy Anilin ở Baden và nhà máy xút ở Mangey nhưng ông đã kiến tạo được các mối quan hệ hữu hiệu ở đấy để phòng khi cần.

Ngày 22 tháng 4 năm 1915, đã xảy ra thảm họa bên bờ sông Íp ở Bỉ. Đức thử nghiệm lần đầu vũ khí mới – hơi ngạt. Khí ngạt Clo được xả ra từ các bình chứa bằng kim loại mà đã được bí mật chuyển ra mặt trận. Tuy nhiên, cần lưu ý là việc Đức sử dụng khí độc hẳn sẽ không gây bất ngờ cho quân Đồng minh, vì qua hoạt động tình báo và các nguồn tin khác, họ đã biết về điều này. Thế nhưng, duy nhất tướng Ferry, chỉ huy sư đoàn 11 của Pháp, nhìn nhận nghiêm túc sự việc và cảnh báo về nguy cơ trên cho quân Anh đóng gần nơi thử nghiệm. Trước đó, ngày 13 tháng 4, người ta đã phát hiện loại mặt nạ chống hơi độc đơn giản ở tên lính Đức ra hàng gần Langhemac. Theo lời tên này thì mỗi người lính ra trận đều được trang bị loại mặt nạ đó. Cấp trên đã quở trách tướng Ferry tự ý trực tiếp cảnh báo quân Anh mà không chịu thông qua đại bản doanh tướng Joffre như quy định. Tuy nhiên sau lần tấn công đầu tiên bằng hơi độc thành công tốt đẹp, mà chính Bộ chỉ huy Đức vẫn sợ bị thất bại, tướng Ferry vẫn bị cách chức cho dù ông đúng.

Trận công kích bằng khí độc đã khiến hai sư đoàn Pháp run sợ rút lui làm quân Canada bị hở sườn. Song quân Canada và Anh vẫn giữ được trận tuyến. Tuy muộn màng nhưng các cánh quân đã được trang bị mặt nạ chống hơi độc đầu tiên. Vì vậy mọi mưu đồ dùng hơi độc tiếp theo lại gây tai hại cho chính quân Đức. Chúng đã không tính đến chuyện gió ở Frandli có hai hướng Tây và Tây-Nam. Gió đột ngột đổi hướng đã đẩy màn mây độc về phía quân Đức làm hàng trăm binh lính tử trận.

Vậy là Đức sẽ tìm các cách sử dụng hơi độc khác. Luseto lại được ném trở lại vùng hậu địch để tìm hiểu. Ông đến Mangey. Thông qua các mối quan hệ cũ ông đã biết khí độc được sản xuất tại đây, nhưng đóng bình ở nơi khác. Quan sát tuyến đường sắt, Luseto đã xác định được rất nhiều toa xitéc được vận chuyển bằng xe lửa từ các nhà máy hóa chất lớn. Những xitéc đó được chuyển đi đâu, để làm gì? Ông đã tìm hiểu, biết được điểm đến là các nhà máy Crupa ở Essen. Thế là Luseto buộc phải đến Essen, cho dù ông biết rất rõ cơ quan phản gián Đức ở vùng này rất mạnh. Ông lại đóng vai một lính Đức bị thương về nghỉ phép. Ông la cà ở quán cà phê, nơi thợ và cán bộ kỹ thuật ở các nhà máy Louis tới những lúc rảnh rỗi. Ông thường mời bia họ và qua câu chuyện của họ thu lượm được một số tin tức. Ông còn kết bạn với một cảnh sát đứng tuổi làm nhiệm vụ bảo vệ nhà máy. Tay này hàng giờ liền kể chuyện gia đình mình, kể những chuyện phiêu lưu tuổi trẻ cũng như chuyện ngoài mặt trận thật buồn tẻ và chán ngắt. Song Luseto đã chứng tỏ mình là một người tiếp chuyện tuyệt vời, bởi ông chăm chú lắng nghe không ngắt lời. Và Luseto đã gặp may. Một lần tay cảnh sát kể cho ông nghe rằng người ta đang chuẩn bị một thử nghiệm đáng kinh ngạc với những trái phá hơi độc. “Khí độc trong các trái phá? – Luseto sửng sốt. Mà dành cho dã pháo bình thường ư? Không thể có chuyện đó được!” Tay cảnh sát một mực khăng khăng khẳng định là quả đạn trái phá có thể chứa được khí độc. Hắn nói rằng chẳng bao lâu nữa dã pháo sẽ sử dụng các đạn trái phá hơi độc và hắn có thể chứng minh điều đó.

Luseto đánh cuộc hai ngàn mark và tay bảo vệ đã cho ông đi theo đến cuộc thử nghiệm. Cả hai tìm cho mình một chỗ khuất nẻo nhưng rất tiện cho việc theo dõi thử nghiệm. Từ chỗ nấp Luseto đã nhìn rõ chiếc xe chở chính đức vua Wilhelm, bộ tham mưu của ông và các nhân vật quan trọng khác tới các vị trí chiến đấu.

Để thử nghiệm người ta đã chuẩn bị khẩu dã pháo 77mm và khẩu đại bác cỡ nặng dùng trên biển. Đích bắn là đàn cừu đang gặm cỏ cách đó 1200 mét. Khẩu dã pháo bắn đầu tiên. Đạn nổ lốp đốp chứ không vang như bình thường. Sau đó là khẩu đại bác. Không một trái phá nào rơi thẳng vào đàn cừu, nhưng sau mỗi phát lại bốc lên một luồng khói màu xanh vàng được gió thổi thẳng đến đàn cừu. Khi khói tan ở chỗ đó không còn lấy một sinh vật sống. Cả tay cảnh sát lẫn “người lính bị thương” đều thán phục trước sự việc được nhìn thấy. Cả hai đều hi vọng và tin tưởng đế chế Đức sẽ chiến thắng. Đặc biệt tay cảnh sát còn rất vui với món tiền hai ngàn mark được cuộc một cách lương thiện. Tuy vậy Luseto vẫn chưa hài lòng. Ông còn muốn có một mảnh đạn làm vật kỷ niệm. Tay cảnh sát sốt sắng chạy ra bãi thử để lấy cho ông.

Luseto đã tìm mọi cách một mình vượt qua mặt trận và chỉ ba ngày sau đã đưa được mảnh trái phá về Paris. Ngay lập tức mảnh đạn được gửi tới phòng thí nghiệm của nhà hóa học nổi tiếng Edmon Bali. Ông đã xác định trái phá được bơm đầy các chất hơi ngạt. Vậy là cần phải chế tạo gấp các mặt nạ chống độc hoàn hảo. Đồng thời Anh và Pháp cũng bắt tay vào sản xuất bom và trái phá khí độc.

Luseto còn hoàn thành trót lọt một vài điệp vụ nữa ở hậu phương quân Đức mà không hề bị phát giác. Chiến tranh kết thúc, Luseto bắt đầu viết văn. Ông là tác giả hàng loạt truyện tình báo. Chỉ trong vòng 4 năm từ 1928 đến 1932 ông đã cho xuất bản nhiều cuốn như “Người đẹp điện Cremli”, “Nhiệm vụ đặc biệt”, “Trung thành với kẻ địch”, “Quỷ đen” (truyện phản gián thời chiến ở Bỉ), “Điệp viên của vua Phổ”, “Nữ tình báo trong những bàn tay đẫm máu”, “Đàn sói”.

Luseto đã hư cấu nhân vật mang tên “Jan giấu mặt” mà nguyên mẫu chính là ông. Tuy có phần hư cấu nghệ thuật song các tác phẩm của Luseto chứa đựng những thông tin cực kỳ chính xác không chỉ về diễn biến của thế chiến mà còn về những điệp vụ của cả Đức và Liên Xô vào những năm 30. Các bức ảnh, bản đồ và sơ đồ tổ chức chính xác đến mức có thể nghĩ đó là tư liệu từ một nguồn rất thông thạo thông tin, đó là cơ quan phản gián. Không phải ngẫu nhiên mà các tác phẩm của ông đều được nhà xuất bản Becgie Luvre ấn hành. Nhà xuất bản này thường chỉ ấn hành hồi ký của các cộng tác viên Phòng nhì (cơ quan tình báo Pháp). Cũng cần nói thêm rằng trong các tác phẩm của mình Luseto có bày tỏ mối quan hệ thân thiết của mình với sếp của tình báo Pháp. Đó chính là Lone, người đứng đầu Phòng nhì những năm từ 1928 đến 1932, chuyên viên tình báo về các vấn đề có liên quan tới Liên Xô.

Năm 1932, Luseto công bố cuốn “Hồ sơ lưu trữ của Treca” sắp được xuất bản, nhưng không bao lâu sau đó ông đã đột ngột qua đời.

error: Content is protected !!