Đây là một trong những nhân vật nổi bật nhất trong lịch sử ngành tình báo thế giới. Các nhà nghiên cứu đánh giá ông là “điệp viên – gián điệp vĩ đại của hoàng đế Napoleon, người có thể được mệnh danh là “Napoleon của ngành tình báo”. Trong cuốn sách Kí sự mật vụ xuất bản ở London năm 1938 của mình, sử gia tình báo R. Rouan viết: “Hơn một trăm hai mươi lăm năm đã trôi qua kể từ khi hoạt động của Sulmaster chấm dứt, nhưng trong suốt cả thời kì huy hoàng đó của lịch sử châu Âu không hề xuất hiện thêm một điệp viên quả cảm và can đảm hơn Sulmaster.
Hết sức bạo gan, như chính bản thân Bonaparte, con người ông là sự kết hợp của tính trí xảo, thói vô sỉ, đểu giả – tức là những đặc tính cố hữu của tất cả gián điệp mật vụ tầm cỡ, với những phẩm chất đặc thù như sức bền bỉ của thể chất, sự năng động, dũng cảm, thông minh kèm tính cách hóm hỉnh, khôi hài”.
Ông sinh năm 1770 tại vùng Elzasa giáp biên giới Đức trong gia đình một mục sư giáo phái Luther. Do vậy tiếng Pháp và tiếng Đức với ông đều là tiếng mẹ đẻ, thậm chí cả tiếng Hungari. Điều này có được do ảnh hưởng của bà mẹ ông là người luôn coi mình là hậu duệ của một dòng họ danh tiếng và cổ xưa của Hungari. Sinh thời, Sulmaster cũng luôn khẳng định nguồn gốc quý tộc của mình nhưng toàn bằng giấy tờ giả.
Carl thừa hưởng từ mẹ tính nhã nhặn, thanh lịch, phù hợp với “nguồn gốc quý tộc” của ông. Ông thích nổi bật ngoài xã hội, ẩu đả rất hăng và lúc nào cũng phải là người đứng đầu. Cũng vì lẽ đó mà ông đã tìm những thầy dạy khiêu vũ giỏi nhất châu Âu để theo học. Tài khiêu vũ về sau này khiến ông thành công trong xã hội thượng lưu.
Nhưng cuộc sống nơi tỉnh lẻ tuần tự trôi qua. Đến tuổi trưởng thành, cha mẹ tìm cho ông một cô vợ người trong vùng và bắt đầu kinh doanh thực phẩm, sắt thép. Thu nhập chủ yếu của Carl có được từ buôn lậu. Điều đó lí giải thái độ miệt thị của ông đối với pháp luật. Những đồng tiền đầu tiên ông kiếm được năm mười bảy tuổi là từ buôn lậu và ông không coi thường công việc này ngay cả khi đã trở nên giàu có, thành một quý ông sang trọng. Ông chẳng bao giờ hổ thẹn khi thú nhận điều này mà thậm chí còn nói thêm rằng công việc buôn lậu đòi hỏi lòng dũng cảm đặc biệt và tinh thần hết sức rắn rỏi. Nó không chỉ mang lại cho ông sự thỏa mãn về vật chất mà cả những giá trị đạo đức tinh thần.
Cuộc cách mạng 1789 đã thu hút không chỉ các chiến sĩ đấu tranh cho tự do đến Paris, mà cả rất nhiều những kẻ phiêu lưu, những tên đầu cơ, vô số những hạng đểu giả vô lại khác. Trong số họ có Sulmaster.
Ban đầu, với một nghề phi pháp nào đó ông làm chỉ điểm của cảnh sát. Nhưng các “chiến công” thời kì này của ông không được lịch sử nhắc đến.
Chỉ biết rằng vào năm 1799 bằng cách nào đó ông làm quen được với đại tá Xavary, công tước Rovigo tương lai, viên tướng, nhà ngoại giao, người lãnh đạo cơ quan tình báo và bộ trưởng cảnh sát. Tình bạn kì lạ này đã đơm hoa kết trái.
Năm 1804, Xavary, lúc này đã lên tướng và là người thân cận với Napoleon, nhớ đến những biệt tài của “ông bạn” mình đã quyết định giao cho ông tiến hành chiến dịch được coi là một trong những “chiến công” khả nghi và đáng ghê tởm nhất của cơ quan mật vụ của Napoleon.
Công tước Enghienski là một trong những đại diện cuối cùng của dòng tộc Kapenting (Bourbon là một nhánh đằng ngoại của dòng tộc này). Sau cách mạng Pháp ông này di cư sang một trong các lãnh địa nhỏ thuộc nước Đức là Badena. Và mặc dù thời đó người Anh và phái Bảo hoàng bày đặt nhiều âm mưu chống Napoleon, nhưng công tước Enghienski sống rất khiêm tốn với khoản tiền trợ cấp của người Anh và không tham gia vào các hoạt động chống Napoleon. Nhưng Napoleon đã quyết định cho phái Bảo hoàng một bài học bằng cách hãm hại và xử tử một người trong số đó để làm cho tất cả phải khiếp hãi. Công tước Enghienski lúc này đang ở thành phố nhỏ Ettinheima, sống những ngày vô công rồi nghề và theo đuổi các cuộc phiêu lưu tình ái.
Sulmaster đã lợi dụng điểm yếu này của vị công tước. Ông bắt cóc người đàn bà trẻ mà công tước say mê mang đến thành phố Belfor ở giáp biên giới. Công tước biết điều đó, ít lâu sau lại nhận được lá thư của người tình do Sulmaster làm giả cầu khẩn công tước hãy đến cứu nàng. Công tước vội lao bổ đến nơi người tình kêu gọi, hi vọng mua chuộc được lính canh và giải thoát cho nàng. Sulmaster chỉ chờ có vậy. Công tước Enghienski vừa vượt qua biên giới liền bị người của Sulmaster bắt giữ luôn và đưa thẳng về Paris, bị xét xử và xử bắn ngay trong đêm tại rừng Vensenski. Khi hành quyết người ta còn bắt ông này cầm một cây đèn trong tay để tiện cho việc ngắm đúng mục tiêu.
Nhờ thành công trong chiến dịch này, Sulmaster được thưởng ba mươi nghìn dollar – số tiền rất lớn thời bấy giờ. Mọi việc diễn ra nhanh đến mức cho phép Napoleon sau này khẳng định rằng hoàng đế không biết gì về vụ hành quyết. Sự kiện đáng buồn này sẽ đóng vai trò rất lớn về sau trong lịch sử.
Một năm sau vụ bắn công tước Enghienski, Xavary tiến cử điệp viên đáng tin cậy của mình với Napoleon bằng những lời như sau: “Đây, tâu bệ hạ, là con người được làm ra hoàn toàn từ óc, không có trái tim”. Napoleon mỉm cười khoan khoái nhưng không tặng thưởng thêm huân chương cho Sulmaster, mà ông thì rất ao ước có một chiếc huân chương Bắc đẩu Bội tinh.
Napoleon có thái độ riêng đối với các nhà tình báo và gián điệp. Ông nói: “Gián điệp là kẻ phản bội hiển nhiên” và không đưa công lao phục vụ của họ cùng hàng với công lao của các sĩ quan và tướng lĩnh.
Cũng trong năm đó, năm 1805, chiến dịch của Napoleon chống Áo và Nga mở màn. Đó là chiến dịch không thành công bao nhiêu đối với quân đội cả hai nước thì lại hiển hách bấy nhiêu đối với quân đội của Napoleon. Và có thể nói không quá rằng Napoleon có được thành công như vậy phần lớn nhờ vào điệp viên khiêm tốn Sulmaster của ông. Các sử gia ngạc nhiên với bản kế hoạch của chiến dịch 1805 mà Napoleon vạch ra tại Boulogne sau vụ phá sản của cuộc đổ bộ vào Anh và sau thất bại của hạm đội hải quân trong trận chiến Trafalgarski.
Sử gia nổi tiếng Segur viết: “Vị hoàng đế thiên tài đã vượt qua được tất cả: thời gian, không gian và những chướng ngại có thể, đã dự kiến tất cả những điều có thể xảy ra trong tương lai. Với khả năng dự đoán tương lai một cách chính xác như vậy, với trí nhớ tuyệt vời như vậy, từ Boulogne ông đã nhìn thấy trước được các sự kiện chủ yếu của cuộc chiến tranh trước mắt, ngày tháng và những hậu quả kết cục của nó, chẳng khác nào ông viết lại từ hồi ức chỉ một tháng sau khi xảy ra các sự kiện đó vậy”.
Napoleon biết rằng tất cả mọi hi vọng của quân Áo vào thành công của cuộc chiến tranh sắp tới dựa trên kinh nghiệm và uy tín của tướng Mak – tổng chỉ huy quân đội Áo. Đó là một con người đặc biệt. Là một viên thống soái kém tài, năm 1800 đã chịu thất bại trong trận chiến chống quân Pháp, ông ta có tư tưởng phục thù điên cuồng vì những thất bại của mình. Là người suy nghĩ hẹp hòi và một chiều, theo chủ nghĩa quân chủ cực đoan, ông ta không thể hiểu nổi tại sao người Pháp lại nhìn thấy một anh hùng và thiên tài trong cái gã không tổ quốc – “cái kẻ tiếm ngôi người xứ Corse” đó (Napoleon là người đảo Corse).
Khá lâu trước khi bắt đầu chiến dịch năm 1805, trong nhóm người thân cận của tướng Mak xuất hiện một chàng trai trẻ thuộc dòng dõi quý tộc Hungari, bị Napoleon trục xuất khỏi nước Pháp vì nghi là làm gián điệp cho Anh. Có thể đoán ngay được “nhà quý tộc Hungari” chính là Sulmaster. “Thư kí”, người tin cẩn của ông ta là một nhân vật Ripmann nào đó. Nếu Sulmaster là linh hồn và bộ não của chiến dịch tình báo này, thì Ripmann là hệ thần kinh của nó – ông ta là người tổ chức đường liên lạc bảo mật liên tục với bộ tổng hành dinh của Napoleon. Cho đến nay người ta vẫn còn chưa giải đáp được bằng cách nào mà ông ta có thể chuyển những bí mật do Sulmaster khai thác được không phải trong vòng vài ngày mà phải nói là chỉ trong vài giờ về được nước Pháp cho tổng hành dinh.
Trong một buổi dạ hội quý tộc, “nhà quý tộc Hungari” “tình cờ” gặp tướng Mak. Viên tướng lập tức bị quyến rũ. Hóa ra họ có những quan điểm hoàn toàn trùng hợp. Cả nhà quý tộc lẫn vị tướng đều căm ghét Napoleon thậm tệ, coi ông là kẻ tiếm quyền đoạt vị, một tên lính tẩy bất tài vô dụng chẳng qua chỉ may mắn gặp thời mà thôi.
Sulmaster chia sẻ với Mak tất cả mọi chuyện mà ông biết về nước Pháp. Mak hết sức kinh ngạc về những tin tức mang tính chất quân sự và chính trị do Sulmaster cung cấp. Ngoài ra ông ta còn bị lừa vì những thông tin đó lại trùng với suy nghĩ của chính bản thân ông ta. Mak giới thiệu người bạn mới của mình vào câu lạc bộ sĩ quan đặc quyền của thành Vienna, phong hàm sĩ quan cho ông ta và đưa vào biên chế bộ tổng tham mưu của mình. Sulmaster còn khả ái đến mức được Mak chỉ định làm… giám đốc cơ quan tình báo quân sự của Áo!
Như vậy từ trước khi chiến tranh nổ ra, Sulmaster, mà thông qua ông là cả Napoleon, đã biết hết các kế hoạch của những đối thủ tương lai của mình. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng tầm nhìn xa trông rộng của Napoleon không chỉ dựa trên những báo cáo của Sulmaster, nhưng những báo cáo đó quả thật đã đóng một vai trò không nhỏ chút nào.
Khi chiến tranh xảy ra, Mak, cùng với ông ta là Sulmaster và viên “thư kí” Ripmann đều có mặt trong quân đội tác chiến, nhà tình báo Pháp đã khéo léo thông báo cho Napoleon nhất cử nhất động và mọi ý đồ của quân Áo.
Sulmaster nhận từ bộ tổng tham mưu Pháp không ít tiền bạc và hào phóng chia sẻ với các gián điệp làm việc cho mình. Ông không chỉ thu thập và chuyển cho người Pháp những bí mật của quân đội Áo. Trên cương vị giám đốc cơ quan tình báo của Áo, ông đã “khai thác” và cung cấp cho Mak và ban tham mưu của ông này những thông tin bóp méo sai lạc về các hoạt động và ý đồ của Napoleon. Để làm cho các bản báo cáo có thêm sức nặng và có vẻ đáng tin cậy, ông đã mua chuộc hai sĩ quan tham mưu là Vendt và Rulski cẩn thận kiện toàn thêm cho thông tin sai lạc đó bằng những bản báo cáo làm ra vẻ là khai thác được từ các điệp viên của họ.
Mak thích mọi chuyện ở nước Pháp và trong quân đội Pháp phải tồi tệ. Ông ta hài lòng và tin tưởng tiếp nhận bất cứ thông tin nào về các mối hiềm khích bất hòa trong dân Pháp, về sự gia tăng tinh thần bất mãn trong binh lính Pháp, về những lộn xộn trong đời sống dân sự và nói chung là về tất thảy những chuyện không hay bất kì diễn ra ở hậu phương của Napoleon. Ông ta nóng lòng chờ đợi thời điểm khi Napoleon, nhà nước và quân đội của ông tự thân sụp đổ.
Sulmaster đã khiến ông này mãn nguyện khi cung cấp những bức thư “bắt được” từ những kẻ “bất mãn” trong quân đội Pháp.
Hơn nữa – còn có một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử, đặc biệt dành riêng cho Mak theo ý đồ của Napoleon, trong một ấn phẩm báo xuất bản ở Pháp, mỗi số đều có những bài báo khẳng định nguồn tin của Sulmaster về tình trạng nghèo đói của nước Pháp và trong quân đội Pháp. Sulmaster làm như khó khăn lắm mới kiếm được những tờ báo này và trao cho Mak cả tin. Ông này thì lại quá tự tin vào những điều bản thân muốn tin!
Sulmaster khẳng định rằng nước Pháp đang có nguy cơ dấy loạn và Napoleon buộc phải căng quân của mình đến tận biên giới sông Rein. Tin chắc vào điều này, Mak chỉ huy đội quân ba mươi nghìn người rời bỏ thành phố chiến lược quan trọng Ulm để đuổi theo đạo quân của nguyên soái Nei. Thông qua Sulmaster, nắm chắc ý định của Mak, Napoleon thực hiện một số thủ đoạn nghi binh phức tạp khiến rốt cục Mak rơi vào bẫy. Đạo quân của Mak quay trở về Ulm, chịu cảnh thiếu thốn lương thực trầm trọng. Mak chỉ còn trông cậy vào viện quân Nga. Nhưng khi biết rằng quân Nga còn ở quá xa, ông ta suy sụp, không còn dũng khí, quyết định mang ba mươi ba nghìn quân ra hàng cùng với sáu mươi khẩu đại bác và bốn mươi lá cờ. Sự kiện xảy ra ngày 20 tháng 10 năm 1805. Đội quân Áo một trăm nghìn người tan rã trong vòng ba tuần lễ.
Sulmaster bị bắt làm tù binh cùng với tướng Mak. Nhưng ông đã thực hiện thành công “vụ trốn thoát kì lạ”, “bí mật” vượt phòng tuyến mặt trận và trở về. Trong khi “Mak đáng thương” bị hành hạ trong cảnh tù đày thì Sulmaster đã kịp khôi phục lòng tin vào bản thân và lại ở trung tâm các sự kiện. Ông đã tổ chức một vài cuộc họp quân sự bí mật có sự tham gia chủ tọa lần lượt của sa hoàng Nga và hoàng đế Áo. Ông thậm chí còn phát biểu trong các cuộc họp này và thuyết phục được các thành viên nghiêm túc lắng nghe và xem xét các kiến giải cũng như những kế hoạch dường như nhất định sẽ làm chuyển biến tình hình theo hướng có lợi cho quân đồng minh. Sử dụng tài liệu giả, ông làm họ rối trí.
Nhưng tại Vienna từ đầu tháng 11 năm 1805 có những tin đồn tố cáo Sulmaster, thậm chí đã có lệnh bắt giữ ông. Cùng bị bắt với ông có cả viên trợ lí trung thành là Ripmann. Giả sử quân Áo giữ được Vienna, Sulmaster có lẽ đã bị truy tố, xét xử và kết án tử hình. Nhưng quân Pháp đã tấn công kịp thời. Hoàng đế Frans II rời bỏ kinh thành. Sulmaster và Ripmann được giải thoát khỏi nhà tù.
Sulmaster được Napoleon tặng thưởng một khoản tài sản không lớn. Ông khoe khoang rằng cũng đã nhận được chừng đó từ tay người Áo cho công lao của mình.
Nhưng phải thành thật công nhận rằng Napoleon đã đánh giá không đúng mức những công trạng của nhà tình báo của mình. Ông đã ban thưởng cả chức tước, bổng lộc, trang ấp và những đặc quyền này nọ cho các tướng lĩnh, những tay phiêu lưu các loại có công trạng kém hơn Sulmaster nhiều lần. Một người bạn thân thiết của Sulmaster là tướng Lassal đã thử tìm cách thuyết phục Napoleon ban thưởng cho Sulmaster huân chương Bắc đẩu Bội tinh. Trở về sau cuộc tiếp kiến hoàng đế, ông này kể với Sulmaster rằng hoàng đế nhất quyết từ chối và nói rằng đối với một gián điệp, vàng là phần thưởng duy nhất thích hợp.
Nhận thấy ác cảm của hoàng đế đối với các “gián điệp”, Sulmaster đã hết sức nỗ lực thể hiện bản thân mình trong lĩnh vực hoạt động quân sự.
Ông thực sự là một chiến binh dũng cảm, năng động. Chỉ với mười ba kị binh nhẹ, ông đã tiến công và chiếm thành phố Vismar của Đức. Trong trận đánh ở ngoại ô Landsgut, Sulmaster đã chỉ huy một đội quân tấn công cầu qua sông Izar và ngăn cản quân địch đốt cầu.
Thực hiện nhiệm vụ do Xavary, lúc này đã trở thành bộ trưởng cảnh sát, giao phó, Sulmaster đến Strasburg, nơi dân chúng đang sôi sục bất bình. Không lâu sau những làn sóng công phẫn đã biến thành cuộc bạo loạn thực sự. Trước sự chứng kiến của đám đông đang nổi cơn khùng điên, giận dữ và không phải là không có vũ trang, Sulmaster chỉ bằng một phát đạn duy nhất đã hạ gục người cầm đầu và dẹp yên được những kẻ nổi loạn.
Sulmaster đã bị thương mấy lần trong các trận đánh. Đặc biệt là tại trận diễn ra ở ngoại ô Fridland, ông đã bị bắn trọng thương.
Ngày 27 tháng 9 năm 1808, hội nghị Erfurt, nơi gặp gỡ của Napoleon và sa hoàng Alecxandr với sự hiện diện của một số vị quân vương các lãnh địa Đức, khai mạc. Napoleon đặt ra nhiệm vụ phải thu hút sự quan tâm, làm sửng sốt và lóa mắt sa hoàng Nga. Ông mang theo mình tất cả những gì tuyệt vời nhất, gồm có cả toàn bộ nữ diễn viên đoàn hài kịch Pháp, đội cận vệ và các cận thần.
Sulmaster với sự tiến cử của Xavary được chỉ định làm giám đốc Cơ quan mật vụ Pháp. Ông còn là người đã có công chặn đứng được một vụ mưu sát Napoleon do một sinh viên người Đức thực hiện. Các nhân viên mật thám của Sulmaster không muốn làm ầm ĩ chuyện này nên đã sắp xếp để anh chàng sinh viên tự động từ bỏ ý định.
Nhưng nhiệm vụ chủ yếu của Sulmaster lại khác. Như chính ông viết cho Xavary, mỗi buổi sáng hoàng đế giao cho ông công việc đầu tiên là tìm hiểu hai vấn đề: đêm qua Goethe đã gặp gỡ với ai (Napoleon có thái độ rất ghen tuông đối với nhà thơ vĩ đại này và đang tìm cách chiếm được tình cảm bạn bè và sự tin cậy của ông) và sa hoàng qua đêm với ai. Hóa ra những phụ nữ khả ái vệ tinh của Alecxandr (trong số đó chủ yếu là các diễn viên đoàn hài kịch Pháp) đều là do thám của giám đốc cơ quan mật vụ Pháp Sulmaster. Họ thông báo cho ông biết tâm trạng và những lời nói của sa hoàng Alecxandr Đệ nhất. Nhìn chung, Sulmaster đã lọt mắt hoàng đế của mình.
Năm 1809 bắt đầu chiến dịch tấn công nước Áo mới của Napoleon. Tháng 5 năm đó, trong khi truy kích quân Áo tháo chạy, Napoleon đã gần như không phải đánh đấm gì cả đã chiếm được thủ đô của Áo. Lần này Sulmaster xuất hiện trong vai trò mới, không phải khoác chiếc mặt nạ là một nhà quý tộc Hungari nữa. Ông được chỉ định làm thanh tra cảnh sát, đồng thời là người kiểm duyệt báo chí, hoạt động sân khấu, xuất bản và các cơ quan tôn giáo. Trên cương vị công tác mới này, ông được kính trọng thực sự. Ông đã thể hiện bản thân là một nhà khai sáng thực thụ, luôn cố gắng truyền bá trong các dân tộc Áo và Hung tác phẩm của Volter, Monteskier, Goldbach, Didero, Helvesia – những tác giả trước thời kì này bị cấm xuất bản ở đây.
Kade De Gasicur, thày thuốc của Napoleon đã để lại hồi kí của mình có đoạn kể về Sulmaster thời kì ở Vienna như sau: “Sáng nay tôi vừa gặp thanh tra cảnh sát tư pháp ở Vienna. Đó là một người gan dạ, có tinh thần kiên định và sáng suốt đến kinh ngạc. Tôi tò mò nhìn ông, con người gắn với hàng nghìn câu chuyện kể kì lạ. Một mình ông tác động đến dân chúng thành Vienna mạnh mẽ ngang với cả một quân đoàn. Bề ngoài của ông cũng tương xứng với thanh danh ông. Ông có đôi mắt sáng lấp lánh, cái nhìn thấu suốt, nét mặt khắc nghiệt và cương nghị, động tác mạnh mẽ, dứt khoát, giọng nói mạnh và vang; tầm vóc trung bình, rắn chắc, đậm người; khí chất sôi nổi, dễ nổi nóng. Ông hoàn toàn nắm chắc các công việc của người Áo và biết rõ tất cả những nhà hoạt động nổi bật nhất của nước Áo. Trên trán ông có những vết sẹo sâu chứng tỏ ông không quen bỏ chạy trong phút nguy cấp. Mặt khác ông lại cũng là người nhân hậu: nhận hai trẻ mồ côi làm con nuôi. Tôi trò chuyện một lát với ông về “Các nữ tu” và cám ơn vì ông đã cho chúng tôi cơ hội được thưởng thức vở kịch đó”.
Sau thời kì ở Vienna, một dạo Sulmaster còn là tổng thanh tra quân nhu của quân đội hoàng gia khi hành quân. Nhưng chẳng bao lâu sau ông từ bỏ vị trí béo bở đó và trở về với hoạt động tình báo.
Công lao của Sulmaster so sánh với các sủng thần của Napoleon tuy được đền đáp có thể hơi khiêm tốn nhưng không phải là tồi. Ông trở nên giàu có, mua lâu đài tráng lệ Meino ở Elzas, năm 1807 lại mua lâu đài thứ hai ở gần Paris. Cả hai tòa lâu đài tính theo giá hiện nay phải trên nửa triệu dollar. Và ông lại tiếp tục buôn lậu.
Nhưng sự đi lên trong cuộc đời và sự nghiệp của ông đột ngột gãy đứt nửa chừng vào năm 1810, khi ông vừa được bốn mươi tuổi. Năm đó Napoleon kết hôn với Maria Louisa, công chúa Áo. Hoàng hậu mới đến Paris mang theo ảnh hưởng mạnh mẽ của nước Áo. Người ta nhớ đến hoạt động chống nước Áo của Sulmaster những năm chiến tranh, và ông buộc phải từ chức.
Ông trở về lâu đài Meino của mình, sống thoải mái, nhàn tản nhưng vẫn không chia tay với nghề buôn lậu, là một ông chủ vui tính, hiếu khách, làm từ thiện, chiếm được tình cảm và lòng kính trọng của các đồng bào mình.
Người Áo tức giận tên gián điệp đã làm ô danh thống soái Mak của họ nên khi quân đội tiến vào Elzas, cả một trung đoàn pháo binh đã được cử riêng đến trút đạn và tàn phá trang ấp của Sulmaster.
Trong thời gian cuộc chiến tranh Một trăm ngày (20 tháng 3 – 18 tháng 6 năm 1815) Sulmaster quên giận dỗi, lại quay trở về với Napoleon. Sau khi hoàng đế bị phế truất, ông cũng bị bắt và thoát ra nhờ trả khoản tiền chuộc rất lớn. Vì vậy Sulmaster trở nên khánh kiệt và buộc phải xoay sang đầu cơ chứng khoán, nghề không phải sở trường nên lần này ông hết sạch tiền.
Ông sống đến năm 1853, là chủ của một cửa hàng thuốc lá khiêm nhường. Đôi khi ông kể cho các khách quen nghe về những cuộc phiêu lưu của mình nhưng nghe chuyện của ông già họ chỉ cười không tin. Sự nghi ngờ đó đã bị xóa tan khi vào năm 1850 thái tử Louis Napoleon, về sau là hoàng đế Napoleon III, và sau nữa là tổng thống Pháp trong chuyến đi khắp đất nước đã tìm thấy nhà tình báo huyền thoại và đã bắt tay ông trước sự chứng kiến của những người hàng xóm.