Bert Hall (1888 – ?) Cha Đẻ Của Ngành Tình Báo Hàng Không

Phi công người Mỹ Bert Hall có thể được coi là cha đẻ ngành tình báo hàng không.

Ông sinh ở bang Kentukki năm 1888. Từ thời thanh niên ông đã say mê núi non. Lúc nhỏ xíu ông đã trèo lên đỉnh núi cao nhất gần nhà, nhìn xuống thung lũng trải dài dưới chân, mơ ước được bay trên đó như cánh đại bàng. Ông cũng yêu thích kỹ thuật và rất say mê tốc độ cao. Thế là ông bắt đầu lái xe đua, coi đó là hạnh phúc tuyệt vời. Ông đã từng chiến thắng, chiến bại, đã từng lộn nhào, đã cận kề cái chết, nhưng không bao giờ bỏ nghề cho tới một ngày nghe thấy trên đầu mình có tiếng động cơ lạ và nhìn thấy một điều kỳ diệu – một người đội mũ sắt, đeo kính, mặc áo da, bay ngang bầu trời như cánh đại bàng. Từ ngày đó cho đến khi nhắm mắt trái tim ông đã thuộc về ngành hàng không. Ông học lái máy bay, sau đó quyết định mang truyền thống xe đua lên trời và trở thành người tiên phong của thể thao máy bay. Nghề này khiến ông kiếm được nhiều tiền, nhưng tiền không bao giờ đủ. “Nếu đã có lính bộ đánh thuê, thì sao lại không có lính phi công đánh thuê?” – ông nghĩ thế và bắt đầu đi tìm nơi thể hiện tri thức và kinh nghiệm của mình. Và số phận đã mỉm cười với ông.

Năm 1912 bắt đầu chiến tranh Balcan. Những người Xerbi và Bungari chống lại quân Thổ, cùng hợp sức với họ là người Hy Lạp. Bert Hall vội vã sang châu Âu. Bằng số tiền dành dụm được ông mua một chiếc máy bay cánh đơn của Pháp và đến xin làm việc cho người Thổ. Người Thổ mừng quá, cấp cho ông một khoản lương lớn – một trăm đô la vàng mỗi ngày, nhưng phải hoàn thành được công việc. Hàng ngày, cùng với thợ máy, một người Pháp tên là Andrey Pyers, ông phải đi khảo sát. Đôi khi ông bay là là thấp sát mặt đất và phải bật cười khi thấy bọn lính ở những làng mạc xa xôi hẻo lánh lần đầu tiên nhìn thấy máy bay phải quì xuống mà làm dấu thánh.

Song, mặc dù Bert Hall đã rất cố gắng, quân Thổ vẫn thua, vẫn bị đánh tan ngày 24 tháng 10 tại Kirk-Kilis, năm ngày sau, 29 tháng 10, lại bị đại bại ở Burgas. Quân đội Xerbi-Bungari đã bao vây được thành phố chính và pháo đài của Thổ ở Frakia là Adrianopol, bịt được con đường dẫn tới Stambul (Konstantinopol).

Người Thổ yêu cầu ông ngoài việc tiến hành do thám phải bỏ bom vào hàng ngũ địch. Nhưng Bert Hall không chịu vì ông không có ý định giết ai cả, nhất là những người theo đạo Thiên chúa như ông. Thế là ông không được trả lương nữa.

Hall đã tìm được một lối thoát đơn giản. Cùng với anh thợ máy ông lại bay về phía người Bungari. Ông lại được trả khoản lương như của người Thổ, nhưng ông mang lại được nhiều lợi ích hơn, bởi vì ông đã biết rõ hệ thống các công trình phòng ngự của Thổ. Tuy vậy, đối với người Bungari như thế vẫn là ít. Ngoài việc khảo sát họ còn yêu cầu ông làm mật thám nữa. Được thêm tiền, lần đầu tiên ông bay vượt qua phòng tuyến, hạ cánh và thả vào hậu phương quân Thổ một điệp viên Bungari.

Hall làm việc hết mình, thế nhưng một tháng sau người Bungari chậm trả tiền ông. Ông quyết định rời bỏ họ, nhưng ngay tại máy bay ông đã bị họ bắt, đưa về cảnh sát, tại đây ông bị buộc tội làm gián điệp cho Thổ. Hall không phủ định, nhưng khó chứng minh được rằng ông đã thôi. Ông muốn liên hệ với lãnh sự Mỹ nhưng không được phép. Ông bị đưa ra toà án quân sự. Không ai nghe những lời thanh minh của ông, không chú ý đến những lời giải thích rằng ông bỏ đi vì họ không trả thêm tiền và ông bị kết án xử tử.

Người cứu ông là anh thợ máy được thả tự do. Anh đem một phần “kho vàng” của mình, tìm đến những cửa cần thiết, và chỉ mấy giờ trước khi hành hình Hall được thả ra. Ông cùng với người thợ máy trở về Pháp. Ít lâu sau nổ ra Đại chiến I. Đến ngày thứ hai của cuộc chiến ông ghi tên vào đoàn quân lê dương, sau 3 tháng ông được chuyển vào đội bay nổi tiếng của Lafayette, các phi công ở đây được gọi là “những con quỉ bay”.

Bây giờ những kinh nghiệm của Hall rất có giá trị. Ông được giao trách nhiệm thả điệp viên vào hậu phương quân Đức. Muốn vậy, cần phải biết bay và thả quân vào ban đêm, nói đúng hơn là vào những giờ rạng sáng, cũng như phải biết hạ cánh xuống những nơi lạ lùng, chưa được chuẩn bị. Cứ mấy hôm ông lại phải bay một lần, lần nào cũng nguy hiểm chết người. Nhưng tài năng và sự chai lỳ của ông bao giờ cũng chiến thắng.

Một lần ông bị giăng bẫy. Lần ấy ông phải hạ cánh xuống phía bên kia chiến tuyến để đón một điệp viên trở về. Nhưng tên này đã hợp tác với Đức và chúng đã chuẩn bị phục kích. Nhưng trong số lính Đức có kẻ không đủ kiên nhẫn nên đã nổ súng ngay khi máy bay sắp hạ cánh. Ông bị thương nhẹ, nhưng đã kịp vọt lên trời trở về. Nếu ông bị Đức bắt, chắc ông bị tử hình vì tội gián điệp. Lúc bấy giờ còn có những luật lệ hiệp sĩ. Nếu phi công mặc quân phục thì được coi là quân nhân, chứ không phải là gián điệp. Ngày 30 tháng 10 năm 1915 đã có một tiền lệ: toà án Đức đã tha tội gián điệp cho 2 phi công Pháp, vì khi bị bắt họ mặc quân phục. Họ chỉ bị tù có 3 năm thôi.

Đến cuối chiến tranh trong đội “những con quỉ bay” có hai người sống sót, trong đó có Bert Hall.

error: Content is protected !!