Artur Artuzov tên thật là Frautri, cha là người Thụy Sỹ lưu vong sang Nga từ năm 1861 làm nghề sản xuất pho mát theo kiểu thủ công, mẹ là người Latvia. Ông sinh năm 1891 tại làng Utstino Casixki, một làng quê hẻo lánh vùng Tverxki và tự coi mình là người Nga lâu đời. Hai bác rể của ông, một là Kedrov, một người bolsevich, một nhà tình báo đã hi sinh vì những vụ trấn áp vô căn cứ, người kia là Podvoixki cũng là đảng viên cộng sản.
Artur say mê âm nhạc từ nhỏ (ông có giọng nam cao thật ngọt ngào). Vì vậy sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường trung học, sau đó là trường đại học Bách khoa Petrograd vào năm 1917, Artur đã mơ ước được học ở nhạc viện. Giáo sư Grum Grưgimailo có lời mời chàng trai mới tốt nghiệp làm việc cho “Văn phòng luyện kim” của mình. Nhưng Artur đã không làm diễn viên cũng chẳng là kỹ sư.
Tháng 12 năm 1918, giữa lúc cuộc Nội chiến diễn ra ác liệt nhất, Trung ương Đảng Cộng sản bolsevich đã quyết định bổ nhiệm Kedrov phụ trách bộ phận đặc nhiệm của ủy ban khẩn cấp toàn Nga chống bọn phản cách mạng và khủng bố. Artur trở thành thư ký cho ông bác và là một nhân vật có đặc quyền ở bộ phận này.
Nhiệm vụ đầu tiên Artur hoàn thành độc lập là vụ thâm nhập vào cái gọi là “Trung tâm dân tộc” chống phá bolsevich. Trung tâm bị phát hiện thật tình cờ. Trong một lần vây ráp chợ người ta đã bắt giữ một cô bé mười lăm tuổi đang cố vứt bỏ khẩu súng lục trong người. Cô bé tình cờ đã làm lộ ông bố tên là Biurs và ở chỗ ông ta đã phát hiện được hầm bí mật với các báo cáo tình báo và các địa chỉ liên lạc. Tên Biurs quá khiếp sợ đã khai nhận có tham gia vào việc chuẩn bị nổi loạn ở Petrograd và giữ chân liên lạc cho bộ máy lãnh đạo của “Trung tâm”. Cô bé còn khai thêm một “quý cô” nào đó. Cô này đã bị bắt giam và Artur trực tiếp hỏi cung một cách nhẹ nhàng khôn khéo. Cô này khai ra tên cầm đầu, rồi qua tên này phát hiện ra tên điệp viên ngầm của Anh là Ducs. Từ đó khẳng định mối nghi ngờ rằng các tổ chức bí mật ít nhiều có liên quan tới cơ quan phản gián của các nước thuộc khối Antanta. Thành công đã giúp cho Artuzov trưởng thành trong nghiệp vụ và không bao lâu sau ông đã được giao độc lập phụ trách một mảng hoạt động riêng.
Nội chiến kết thúc, những thế lực chủ yếu chống phá chính quyền Xô Viết là các tổ chức của bọn Bạch vệ lưu vong hoạt động với sự trợ giúp của các tổ chức phản gián các nước khối Antanta. Xuất phát từ tình hình đó Ban nước ngoài (INO) của Cục Đặc nhiệm toàn liên bang đã ra đời. Một trong những người điều hành là Artuzov. INO có nhiệm vụ nghiên cứu theo dõi hoạt động của các tổ chức phản cách mạng lưu vong, tìm hiểu rõ mọi kế hoạch của bọn chúng, việc bố trí các chi nhánh và điệp viên trên khắp lãnh thổ Liên Xô, làm phân hóa từ bên trong các tổ chức của chúng, đập tan mọi phương kế phá hoại, khủng bố của địch. Một trong những thành tích đầu tiên của INO trong năm 1921 là tìm ra mật mã của các tổ chức chống Liên Xô ở London và Paris.
Đầu năm 1921, Savincov, một kẻ khủng bố, đảng viên xã hội cách mạng nổi tiếng đã đứng ra thành lập ở nước ngoài một tổ chức chiến đấu lấy tên “Liên minh dân tộc bảo vệ đất nước và tự do”. Tại Nga người ta đã bắt giam gần 50 hội viên tích cực của “Liên minh”, vạch trần mối liên hệ giữa tổ chức của Savincov với các cơ quan phản gián Ba Lan và Pháp, bóc trần mưu đồ chuẩn bị nổi loạn và thâm nhập vào nước Nga. Thấy rõ mức độ nguy hiểm của phong trào Savincov và của chính hắn, INO bắt đầu “trò chơi” dưới tên gọi “Nghiệp đoàn”. Họ tung tin rằng một “phân hội” có tên “Các nhà dân chủ tự do” đã ra đời ở nước Nga. Và dường như phân hội này đã sẵn sàng cho những hoạt động quyết liệt chống lại bolsevich và rất cần có một người lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm tầm cỡ như Savincov. Bắt đầu tích cực trao đổi thư từ, Savincov đã gửi điệp viên tới Moskva trợ giúp cho phân hội “Các nhà dân chủ tự do”. Các điệp viên này hoặc bị bắt giam hoặc được chiêu mộ lại, đôi khi “không bị phát hiện” để những tên này quay trở lại Paris báo cáo một cách khách quan về hoạt động của phân hội. “Trò chơi” kéo dài ba năm và đã được miêu tả cụ thể trong văn học hoặc đã được dựng thành phim. Cùng với trò chơi “Nghiệp đoàn”, Artuzov còn cùng một số cán bộ lãnh đạo khác triển khai chiến dịch “Tơrớt” cũng thành công không kém.
Thành công của Artuzov còn trong việc tổ chức hoạt động phản gián bí mật ở nước ngoài. Một trong những điệp viên ngầm tin cậy của ông là Roman Birk, sĩ quan quân đội người Estonia, được tuyển chọn từ lúc triển khai chiến dịch “Tơrớt” và từ đó đã hoàn thành không ít nhiệm vụ. Điệp viên này đã sinh cơ lập nghiệp ở Đức và tạo dựng được nhiều mối quan hệ trong hàng ngũ sĩ quan quân báo và quốc xã Cục Đặc nhiệm Đức cũng như trong giới chức trách thân cận với chính phủ. Thông tin của Birk đều đặn chuyển về cho mãi tới năm 1934 khi ông buộc phải rời khỏi Đức. Một điệp viên khác là Nicolai Crotsco. Hoạt động của ông đóng góp nhiều cho việc phanh phui nhiều mưu đồ xảo trá của địch cũng như việc công nhận Liên Xô về mặt ngoại giao.
Tháng 1 năm 1930, tại phiên họp của Bộ Chính trị Artuzov đã đọc báo cáo về tình hình hoạt động phản gián, về những thất bại và nguyên nhân của chúng. Sau đó hè năm 1931, thủ trưởng của INO chuyển công tác khác, Artuzov lên thay. Theo chỉ thị của Stalin ông bắt tay vào cải tổ hoạt động ngoại gián mà phạm vi nhiệm vụ đã mở rộng đáng kể.
Nếu như trước đây mục tiêu là bọn Bạch vệ lưu vong, thì bây giờ hoạt động ngoại gián chú ý cả đến Anh, Pháp, Đức, Nhật và các nước sát biên giới, nhằm thu thập các thông tin về khoa học kỹ thuật cũng như kế hoạch của chính phủ các quốc gia đó.
Dưới sự điều hành của Artuzov mọi hoạt động cả bí mật cũng như công khai đều được đẩy mạnh. Thời gian này đúng lúc Liên Xô được các nước công nhận nên càng tạo điều kiện cho hoạt động phản gián mở rộng phát triển.
Vấn đề quan trọng trước mắt đối với lãnh đạo là thái độ của Ba Lan đối với Đức và Liên Xô. Hè năm 1933, hội nghị đại diện Bộ dân ủy ngoại giao, Ban thông tin quốc tế Trung ương Đảng, Cục Phản gián và INO đã được triệu tập tại Cremli. Tất cả mọi người đều báo cáo Stalin là Ba Lan đã ngả về Liên Xô, và chuyện liên minh chỉ là ngày một ngày hai. Riêng mình Artuzov tuyên bố không bao giờ Ba Lan bắt tay với Liên Xô và căn cứ vào những thông tin có được thì khả năng Ba Lan sáp gần với Liên Xô chỉ là bước đi có tính chiến lược nhằm làm ta mất cảnh giác. Khi ấy không một quyết định nào được thông qua, song Stalin đã ghi nhớ lời phát biểu của Artuzov. Và không bao lâu sau những nhận định của Artuzov đã được thực tế chứng minh: Ba Lan đã ký hiệp ước liên minh với Đức.
Công việc cứ tiếp diễn. Đúng lúc Artuzov nắm quyền điều hành INO, một điệp viên ngầm là Arnold Deitch đã đặt cơ sở cho việc thành lập “Bộ ngũ” nổi tiếng của Cambridge: Đó là Kim Filby, Donald Maklean, Guy Burgess, Anthony Blunt, John Caincross và nhiều người vô danh khác nữa. Chính vào thời kỳ Artuzov lãnh đạo là lúc bắt đầu cuộc đời hoạt động phản gián của các nhà tình báo nổi tiếng Zarubin, Corotcov, Bưstroliotov, Rosin…. với vụ bắt cóc tướng Cutepov đã giáng cho bọn Bạch vệ một đòn đích đáng hay như hoạt động của điệp viên xuất sắc nhất, điệp viên “Franchesco” mà cho tới giờ tên thật vẫn còn là bí mật. Điệp viên này đã cung cấp số tư liệu mật về lĩnh vực ngoại giao nhiều đến mức có thể in ra tới vài chục tập.
Tất nhiên có thể coi Artuzov là cha đỡ đầu của “Dàn đồng ca đỏ” ở Berlin. Chính có Artuzov nắm quyền điều hành nên “chuẩn úy” Harro Schulze-Boysen, “anh chàng đảo Corse” Arvit Harnar, “cụ già” Adam Cuckhov và nhiều người khác đã gia nhập hàng ngũ điệp viên Xô Viết.
Thời gian này bên quân báo liên tiếp chịu hàng loạt tổn thất. Stalin phải ra quyết định áp dụng những biện pháp khẩn cấp. Ngày 25 tháng 5 năm 1934, Artuzov được lệnh về Cremli. Lúc 13 giờ 20 phút ông bước vào phòng làm việc của Stalin và đã thấy Vorosilov và nguyên soái Iagoda ngồi chờ. Cuộc trao đổi cụ thể kéo dài sáu tiếng. Artuzov được đề nghị chuyển xuống Cục Phản gián.
Chuyển sang bộ phận khác, cho dù cùng một loại công việc nhưng chức vụ bị giảm lại không có một bảo đảm tương lai nào thì tất nhiên chẳng ai muốn. Artuzov thừa hiểu rằng vốn là một cán bộ dân sự thì không bao giờ trở thành cán bộ lãnh đạo cơ quan quân báo được. Nhưng trong cuộc trao đổi Stalin đã nói: “Ngay từ thời Lenin Đảng ta đã rất có kỷ luật và một đảng viên cộng sản có nghĩa vụ nhận bất kỳ nhiệm vụ nào được giao phó”. Câu ấy không cho phép từ chối công việc với bất kỳ hình thức nào. Là đảng viên, Artuzov làm sao có thể tranh cãi với Tổng Bí thư. Ông chỉ còn nước xin được mang theo nhóm cộng sự mà ông đào tạo được trong quá trình làm ở INO và Stalin đã chấp thuận.
Thế là cùng chuyển sang công tác mới với Artuzov có hai, ba chục cán bộ đảm nhận những chức vụ cao. Sau này tháng 11 năm 1935, Artuzov, cựu cục trưởng quân báo Radovedup Berdin, cục trưởng đương chức Uriski và các cán bộ khác như Carin, Steinbruc đều được phong là chính ủy quân đoàn (tương đương hàm trung tướng).
Tháng 6 năm 1934, Artuzov trình lên Stalin và Vorosilov bản báo cáo chi tiết về hoạt động của Cục có phân tích cụ thể những thất bại và khiếm khuyết. Báo cáo có nhận xét là các cơ sở tình báo ngầm về thực chất đã không còn tồn tại ở Rumani, Latvia, Pháp, Phần Lan, Estonia, Italia và chỉ còn ở mỗi Đức, Ba Lan, Trung Quốc và Mãn Châu. Theo Artuzov, sai lầm nghiêm trọng là đã tuyển chọn điệp viên trong số đảng viên cộng sản nước ngoài và những nhân vật có quan hệ với các Đảng Cộng sản. Ông đề nghị tán thành nguyên tắc “Không tuyển chọn điệp viên hoạt động ở một nước nào đó ngay trong số đảng viên cộng sản của chính nước đó.” Tiếc là ý kiến của ông đã không được chú ý tới và chỉ còn là trên giấy tờ.
Artuzov đề xuất hàng loạt đề nghị cải tổ cơ cấu, cụ thể là đề nghị tổ chức theo INO, loại bỏ bộ phận phân tích thông tin. Đó là một sai lầm của Artuzov và đã ảnh hưởng tới việc chuẩn bị cho chiến tranh của bộ phận quân báo.
Công việc tiến hành đều đều. Tháng 10 năm 1935, điệp viên Sandor Rado, đảng viên Đảng Cộng sản Hungari, đến Moskva và được Artuzov giới thiệu với cục trưởng phản gián. Trong khi trò chuyện trao đổi hai bên đã nảy sinh kế hoạch thành lập cơ sở phản gián mới lấy tên là “Dora”. Cơ sở sau này trở nên nổi tiếng. Nhưng không bao lâu sau đã xảy ra vụ bại lộ gọi là “cuộc hội kiến các điệp viên”, một thất bại nhục nhã lớn nhất trong lịch sử phản gián Xô Viết. Thủ phạm chính là Ulanovxki phụ trách cơ sở liên lạc ở Đan Mạch, do điệp viên này bất chấp lệnh cấm vẫn tiếp tục tuyển chọn những người cộng sản. Hậu quả dẫn tới sự phản bội, trong hai ngày 19 và 20 tháng 2 năm 1935, cảnh sát Đan Mạch đã bố trí mai phục địa điểm liên lạc và bắt đi bốn cán bộ Trung Tâm và mười điệp viên nước ngoài thuộc Ban quân báo. Những người bị bắt đều không có việc gì cần đến Trung Tâm mà chỉ tiện đường qua Đan Mạch rồi rẽ qua địa điểm liên lạc để “gặp gỡ bạn bè”.
Trong báo cáo gửi Bộ Quốc phòng, Artuzov đã vạch ra: “Rõ ràng là việc bỏ phong tục thăm hỏi bạn bè của quê hương mình là điều thật khó khăn”. Vorosilov sau khi đọc xong báo cáo đã kết luận: “Qua bản báo cáo rất mơ hồ và ngây thơ thấy rõ một điều là cơ quan phản gián nước ngoài của ta vẫn còn hoàn toàn què quặt. Và đồng chí Artuzov đóng góp cho chúng ta quá ít trong việc hoàn thiện công việc quan trọng này… “
Sau vụ việc trên cục trưởng phản gián Berdin đã đệ đơn từ chức và được chuẩn y. Uriski một cán bộ năng động và quyết đoán lên thay. Nhưng cả Berdin, cả Uriski cũng như Artuzov đều không củng cố được ý thức kỷ luật: Họ hoặc không chịu tuân thủ triệt để những yêu cầu sơ đẳng nhất, hoặc không thực thi cặn kẽ thận trọng chỉ thị của cấp trên. Đã thế lại còn có sự chia rẽ nội bộ, có sự phân biệt và ganh ghét nhau giữa người của Berdin, của Artuzov và của Uriski khiến mối quan hệ giữa Artuzov và Uriski có phần rạn nứt. Thủ trưởng mới chuyên quyền và thô bạo đã ra những chỉ thị mang tính nhạo báng, thậm chí không bao lâu sau còn qua mặt không thèm bàn bạc gì với cục phó là Artuzov.
Rồi năm 1936, vào lúc ở Liên Xô có hàng loạt những vụ bắt giam những người cộng sản nước ngoài, Uriski đã nhân đà nêu lên “những mối ngờ vực về mặt chính trị” không rõ ràng về trợ lý gần gũi của Artuzov là Steinbruc, vốn là người Đức.
Ngày 11 tháng 1 năm 1937, nguyên soái Vorosilov đã yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định chuyển hai ông về Bộ dân ủy Nội vụ. Artuzov không được phụ trách bộ phận ngoại gián mà chỉ đảm trách một chức vụ nhỏ là điều hành phòng đặc biệt của Bộ nội vụ, nghe thì rất kêu nhưng thực chất chỉ là phòng lưu trữ hồ sơ.
Artuzov tìm mọi cách gặp và viết thư cho Ezov nhưng không làm được. Vậy là thời gian đối với Artuzov đã được định đoạt chỉ ngày một ngày hai.
Nhân viên Cục Phản gián bị bắt giam hàng loạt. Các cán bộ lãnh đạo – tất cả cán bộ phụ trách các phòng và rất nhiều nhân viên cấp dưới đều bị loại trừ. Cơ cấu đội ngũ điệp viên có thay đổi về độ tuổi và quốc tịch. Thay thế cho những người Latvia, Ba Lan và Do Thái là người Nga. Thay thế cho các cấp tướng bây giờ là các thiếu tá, những người mới tốt nghiệp học viện quân sự và ở cột khai thành phần xuất thân đều thấy ghi “công nhân”, “nông dân”. Cần phải thừa nhận là họ đã làm được một điều kỳ diệu. Đội quân phản gián bị đánh tan tác, sống dở chết dở, không có triển vọng chỉ hơn hai năm sau đã hồi sinh và trở thành một trong những lực lượng mạnh nhất thế giới ở Thế chiến thứ hai.
Còn với riêng Artuzov thì chuyện gì đã xảy ra với ông?
Ngày 13 tháng 5 năm 1937, tại cuộc họp những đảng viên tích cực của Bộ dân ủy Nội vụ Frinovxki, một cán bộ lãnh đạo của Cục đã tố cáo ông là gián điệp. Lập tức đêm hôm đó Artuzov đã bị bắt ngay tại phòng làm việc của mình. Những tên đao phủ, chiến hữu cùng một tổ chức trước kia đã “làm việc” với ông suốt hai tuần liền. Và đã không uổng công. Không chịu được những cuộc hỏi cung liên miên, con người mạnh mẽ đó đã đầu hàng, sẵn sàng không chỉ nhận mọi lỗi lầm về mình mà còn khai bừa ra những người khác, đặc biệt là Steinbruc. Vụ việc của Artuzov được ghi thành hai biên bản hỏi cung: ngày 27 tháng 5 và ngày 15 tháng 6 năm 1937.
Ngày 21 tháng 8 năm 1937, Artuzov đã bị tuyên án tử hình và bản án được thi hành ngay hôm đó.
Mãi năm 1956 ông mới được phục hồi danh dự.