Tên tuổi ông được giữ kín một thời gian dài, hồ sơ lưu trữ của ông bị bao phủ bởi một lớp bụi cho đến năm 1991. Công lao to lớn của Stephan Lang (tên mà bạn bè thường gọi cũng như tên ông thường ký dưới các bức thư) là chính ông đã tạo dựng ra nhóm “bộ ngũ điệp viên nổi tiếng” hoạt động nhiều năm trong các vị trí quan trọng ở nước Anh. Họ đã bước vào nghề tình báo dưới sự dẫn dắt của ông.
Deitch sinh ra trong một gia đình tiểu thương, cha làm thầy giáo làng ở Slovakia. Ông tham gia cách mạng từ năm 1920. Năm 1932, ông tới Moskva theo con đường Quốc tế Cộng sản. Vài năm sau ông bắt đầu hoạt động cho cơ quan tình báo Liên Xô dưới cái tên Stephan Lang. Ông có kinh nghiệm hoạt động bí mật, biết vài ngoại ngữ vì vậy không mất nhiều thời gian để trở thành điệp viên. Tháng 10 năm 1933, ông nhận nhiệm vụ tới London hoạt động. Cùng hoạt động với ông có ba người từ Áo tới. Đó là “John” người Anh, thực hiện nhiệm vụ Deitch giao, cụ thể là giúp điệp viên thứ hai “Strela” gây dựng ở London. Cô tốt nghiệp khoá học chụp ảnh, là nhà nhiếp ảnh giỏi, căn hộ của cô được sử dụng để chụp và rửa các tài liệu tình báo. Người thứ ba là “Edit” (Edit Tudor Hart), lấy chồng là bác sĩ người Anh, sau đó nhập quốc tịch Anh, có mối quan hệ với giới thượng lưu Anh. Nhiệm vụ của cô là tìm hiểu những thanh niên có triển vọng và những người làm việc tại các cơ quan tình báo Liên Xô quan tâm. Chính cô là người đã giới thiệu Philby với Deitch.
Năm 1934, Stephan nhập học tại trường Đại học London, ông nghiên cứu tâm lý học. Đó là cơ hội để ông làm quen với giới học sinh, sinh viên. Ông chú ý tới các sinh viên có khả năng và triển vọng giúp ông trong công tác tình báo. Ông thường tìm kiếm những người xuất thân từ tầng lớp thượng lưu, nhưng thực tế ở trường Đại học London không có những người như vậy. Stephan tìm hiểu kỹ lưỡng hệ thống tuyển chọn các chuyên gia và quan chức vào các cơ quan quan trọng của nhà nước. Ông hiểu rằng ứng cử viên vào các chức vụ đó là sinh viên của các trường Đại học Cambridge và Oxford. Và ông chú ý nhiều tới hướng đó. Trong lúc đó tư tưởng XHCN ở Liên Xô được nhiều người khá giả trong xã hội Anh, đặc biệt là tầng lớp thanh niên ủng hộ. Nước Nga Xô Viết là nước duy nhất phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa phát xít Đức. Vì vậy ở các trường như Cambridge và Oxford có những người sẵn sàng đấu tranh vì tư tưởng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Nhưng cần phải phát hiện ra họ, đánh giá được khả năng hoạt động của họ, hướng dẫn các quy tắc hoạt động bí mật cũng như chiến thuật ứng xử.
Để mang lại kết quả cần có sự thận trọng và lý lẽ sắc bén. Stephan không phải là điệp viên “đao búa” hoặc thích dùng tiền, ông không có kế hoạch đe dọa hay mua chuộc để lôi kéo mọi người. Chỉ có tư tưởng, đó là điều có thể làm được mọi thứ.
Trong thời gian hoạt động tại London, Deitch Stephan đã gây dựng được hơn hai mươi cơ sở cung cấp thông tin. Những điệp viên do Deitch đào tạo mà hiện nay chúng ta biết, đều là sinh viên của trường Đại học Cambridge. Nhưng trong số những người do ông tuyển mộ cũng có những người là sinh viên của Oxford và họ tỏ ra không kém tài năng và trung thành. Khác với các sinh viên của Cambridge, không ai trong số họ bị phát hiện. Nhà nghiên cứu người Anh Kostelo đã viết: Những chú chuột Oxford” của Stalin hẳn đã đào được đường hầm tới chính phủ Anh như các đồng nghiệp ở Cambridge, nhưng phần đông họ đã mang theo các hoạt động bí mật của mình cho Moskva xuống mộ. Có thể thấy họ đã giành được địa vị cao và nắm giữ nhiều bí mật quốc gia như thế nào.”
Nhưng chính “bộ ngũ Cambridge” là Kim Philby, Donald Maclean, Guy Burgess, Anthony Blunt và John Caincross đã đem lại vinh quang cho Arnold Deitch.
Nhân vật thứ hai trong “bộ ngũ” là Donald Maclean. Ông sinh ngày 25 tháng 5 năm 1913 tại London, là con trai của nhà hoạt động chính trị nổi tiếng, đồng thời là một nghị sĩ. Khi trở thành sinh viên trường Đại học Cambridge, Donald lập tức bị lôi cuốn vào các cuộc tranh luận chính trị, gia nhập hiệp hội XHCN của sinh viên. Ông mơ ước tới nước Nga để làm nghề kéo lái máy kéo bình dị hoặc làm nghề giáo viên. Cũng như Philby và các thành viên khác của “bộ ngũ”, ông đã từ bỏ những quan điểm cánh tả sau khi được Philby giác ngộ vào tháng 8 năm 1934 theo yêu cầu của Deitch. Sau khi tốt nghiệp đại học, Donald Maclean làm việc tại Bộ Ngoại giao Anh. Từ đó tới lúc ông thôi không làm tại đại sứ quán Anh và rời nước Pháp vào năm 1940 ông đã cung cấp cho cơ quan phản gián Liên Xô một số lượng tài liệu lên đến bốn nhăm tập, mỗi tập hơn ba trăm trang.
Công việc của ông vào những năm sau đó cũng không kém phần sôi động cho tới ngày có nguy cơ bị lộ và phải chuyển tới Moskva năm 1951 (lúc đó ông là trưởng phòng phụ trách quan hệ với Mỹ của Bộ Ngoại giao Anh). Chính ông là người đã thông báo vào tháng 9 năm 1941 rằng chính phủ Anh đã ra chỉ thị triển khai dự án “luyện ống” – dự án chế tạo bom nguyên tử. Những ngày cuối đời Maclean sống tại Moskva. Có thể nói bên cạnh công việc tình báo ông còn là một nhà khoa học có tiếng tăm, một tiến sĩ khoa học.
Nhân vật thứ ba trong “bộ ngũ” là Guy Francis de Moncy Burgess, sinh năm 1911 trong một gia đình sĩ quan hàng hải. Sau khi tốt nghiệp Đại học Cambridge ông làm việc cho BBC và tuân theo nhiệm vụ do Deitch giao và đã lọt được vào cơ quan an ninh. Năm 1938, ông là nhân viên vụ chiến lược tình báo Anh. Ông là điệp viên xuất sắc đã gây dựng được nhiều cơ sở cho cơ quan phản gián Liên Xô. Năm 1944, ông là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, năm 1950 được cử sang Mỹ làm cán bộ ngoại giao. Những tài liệu của ông về chiến thuật quân sự của Anh và về hoạt động gián điệp của Anh và Mỹ có giá trị đặc biệt quan trọng. Năm 1951 ông sang Liên Xô cư trú vì có nguy cơ bị lộ. Ông mất tại Moskva năm 1963.
Nếu như tên tuổi của Philby, Maclean, Burgess được biết đến đã hơn ba mươi năm thì tên tuổi của hai thành viên còn lại mới được biết đến trong những năm gần đây.
John Caincross sinh năm 1913 tại Scotland trong một gia đình buôn bán nhỏ. Nhờ giỏi giang và thông minh ông đã đỗ vào Đại học Cambridge. Sau khi tốt nghiệp đại học ông được nhận vào Bộ Ngoại giao và từ năm 1940 là thư ký riêng của nghị sĩ Henki, người có quan hệ trực tiếp với cơ quan tình báo Anh. Caincross đã cung cấp nhiều thông tin liên quan tới việc quân Đức chuẩn bị tấn công Liên Xô. Tháng 9 năm 1941 ông gửi cho Nga báo cáo của Churchill về việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Từ năm 1942, Caincross làm việc ở đơn vị thu sóng và giải mã. Ông đã chụp cho Liên Xô những tài liệu tối mật mà chỉ có ba bản dành cho Churchill, bộ trưởng Bộ Quốc phòng và cục trưởng SIS, và cả những tài liệu có liên quan tới nước Đức và mặt trận Xô-Đức. Caincross đã chuyển những thông tin quan trọng về việc Đức chuẩn bị tấn công vành đai Kursk mà London đã lờ đi không thông báo cho đồng minh của mình. Như vậy Caincross đã cứu mạng sống cho hàng chục nghìn lính Xô Viết. Sau đó ông làm việc tại SIS về vấn đề tình báo ở Liên Xô và các nước Balcan. Nhờ ông mà Liên Xô đã có một danh sách các điệp viên của Đức và Anh. Vì sức khoẻ yếu nên ông đã phải thôi công việc tình báo và ngừng mọi liên lạc. Ông mất năm 1995 ở tuổi 82.
Và cuối cùng, thành viên thứ năm của “bộ ngũ” là Anthony Blunt, nhà nghiên cứu nghệ thuật nổi tiếng. Ông sinh tháng 9 năm 1907 trong một gia đình linh mục. Bà mẹ xuất thân từ gia đình quý tộc quyền quý và điều này có ảnh hưởng quyết định tới tương lai của ông, trong đó đặc biệt là việc theo học tại Cambridge. Trong thời gian chiến tranh ông làm việc tại cơ quan tình báo Anh. Ông đã cung cấp thông tin về các hoạt động chống lại tình báo Liên Xô và các cuộc đàm phán bí mật riêng rẽ giữa Anh-Mỹ và đại diện của Đức trong những năm 1944-1945. Sau chiến tranh Blunt giữ chức vụ bảo quản các bức tranh của Hoàng gia và điều này giúp ông tiếp cận với các nhân vật chính trị cao cấp của Anh. Ông đã cung cấp những thông tin quan trọng cho Liên Xô, nhưng theo thỏa thuận trước đó với tình báo Nga là không liên quan tới Hoàng gia. Từ năm 1952 ông làm cố vấn cho Nữ hoàng về nghệ thuật. Ngày 26 tháng 5 năm 1983 Anthony Blunt qua đời.
Đó là tiểu sử tóm tắt của các thành viên trong “bộ ngũ”. Chỉ trong thời gian chiến tranh họ đã cung cấp cho Moskva hơn hai mươi nghìn tài liệu bí mật. Ngoài những tin tức chính trị, quân sự còn có các báo cáo về ngày giờ và địa điểm tung gián điệp vào Liên Xô có giá trị quan trọng để kịp thời vô hiệu hoá chúng.
Tháng 9 năm 1937, Arnold Deitch bị gọi về Moskva. Ông may mắn không chịu số phận bi thảm như những điệp viên khác là bị thanh trừng và xử tử. Ông thậm chí còn được phép quay về London để phát triển mạng lưới điệp viên. Deitch đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao kỹ thuật nghiệp vụ. Vừa tìm kiếm các quan hệ mới, gặp gỡ các cộng sự, lên kế hoạch thực hiện các công việc phức tạp, ông còn làm được nhiều việc khác. Riêng ở Anh ông đã có sáu sáng kiến. Là một người tìm tòi, ông cải tiến phương pháp chụp các tài liệu tình báo và gửi về Trung Tâm, chú ý áp dụng các phát minh khoa học, kỹ thuật, cụ thể là sử dụng tia cực tím để chụp ảnh trong bóng tối, đề ra một số cách ghi chép mới bằng mật mã. Nhưng khi trở về London ông không hoạt động được. Ý định đưa ông sang Mỹ cũng không thành. Thực tế ông trở nên thất nghiệp. Cuối năm 1938, Deitch hợp tác với Viện Kinh tế Thế giới và Chính trị Thế giới của Viện Hàn lâm Liên Xô. Sau ngày 22 tháng 6 năm 1941, ban lãnh đạo tình báo quyết định đưa Deitch đi Argentina, một đất nước duy trì quan hệ chính trị và kinh tế với nước Đức phát xít.
Nhóm điệp viên của ông dự định vòng qua Iran, ấn Độ và các nước Đông Nam Á, nhưng sau ngày mùng 7 tháng 12 năm 1941 (trận Trân Châu Cảng), thì con đường này trở nên nguy hiểm. Cuối tháng 6 năm 1942, nhóm của ông đã tới Teheran. Từ đây ông đã gửi cho lãnh đạo tình báo bức thư riêng bày tỏ tấm lòng trăn trở của một người ăn không ngồi rồi khi vận mệnh của đất nước đang lâm nguy. Bức thư đó như sau:
“Đồng chí Phichin thân mến! Tôi viết thư cho anh như cho một người lãnh đạo và cũng là như cho một người bạn. Tôi cùng các đồng chí khác đã lên đường được tám tháng, nhưng vẫn như lúc bắt đầu, chúng tôi vẫn còn cách xa mục tiêu. Chúng tôi đã không gặp may. Tám tháng đã trôi qua, tám tháng qua người dân Xô Viết cống hiến sức lực ngoài mặt trận và trong lao động. Nếu không tính ba tháng trên tàu thuỷ ở ấn Độ, nơi tôi làm được vài điều cho sự nghiệp chung, thì tôi chưa làm được điều gì có ích cho cuộc chiến. Hơn khi nào hết, thời gian hiện nay là quý giá. Tôi thấy xấu hổ về “kỷ lục lao động” của mình trong thời gian chiến tranh Vệ quốc. Việc tôi không có lỗi gì cũng không thể nào an ủi được tôi.
Chúng tôi không biết sẽ phải đợi đến bao giờ. Điều đó làm lương tâm tôi bứt rứt. Tình hình ở các nước nằm trong nhiệm vụ của chúng ta đã thay đổi nhiều kể từ khi chúng tôi rời Moskva. Những nhiệm vụ chúng ta đặt ra khi đó, theo tôi nghĩ, khó mà thành hiện thực. Sớm nhất cũng phải ba, bốn tháng nữa chúng tôi mới tới nơi. Đến lúc đó chiến tranh sẽ kết thúc hoặc gần đến hồi kết.
Mục đích của bức thư này là bày tỏ những suy nghĩ của tôi và đề nghị anh như một người lãnh đạo và một người bạn giúp tôi chuyển sang công việc hữu ích khác và lấy lại quãng thời gian đã mất.
Xin lỗi vì đã làm phiền anh, nhưng tôi không có cơ hội trực tiếp trò chuyện cùng anh và hoàn cảnh của chúng tôi hiện nay không cho phép.
Hãy cho tôi trở về Liên Xô và trực tiếp ra mặt trận chiến đấu. Anh nhớ là tôi được cử đi từ Cục Chính trị của Bộ tổng tham mưu (RKKA). Tôi có thể làm việc cho các anh, nhưng rất mong là không phải ở hậu phương. Vả lại, khi quân đội Xô Viết vượt qua biên giới Đức tiến vào Đức hoặc Áo thì sẽ có nhiều việc cho tôi làm.
Nếu cần, hãy giao cho tôi nhiệm vụ hoạt động bí mật ở đâu cũng được để tôi có cảm giác rằng mình đang trực tiếp chiến đấu, góp phần giành thắng lợi.
Chiến tranh đang diễn ra, là một đảng viên cộng sản, tôi hiểu rằng phải chấp hành mọi mệnh lệnh của anh. Thế nhưng tám tháng đã trôi đi, và việc sẽ còn phải tiếp tục ăn không ngồi rồi buộc tôi viết thư cho anh và đề nghị anh sớm giải quyết.
Gửi anh lời chào thân ái. Stephan”.
Vài ngày sau, một bức điện được gửi tới Teheran gọi Stephan và nhóm của ông về Moskva. Một kế hoạch mới lên Phương Bắc được vạch ra. Tháng 10 năm 1942, Stephan lên đường tới bờ biển Đông của nước Mỹ trên con tàu “Donbass”. Ngày 7 tháng 10, tàu bị máy bay Đức và sau đó là tàu “Đô đốc Seer” tấn công. Con tàu bị cắt đôi và chìm xuống biển. Toàn bộ hành khách được coi là đã hi sinh. Nhưng thực ra, một số thuỷ thủ của “Donbass” được cứu sống và bị Đức bắt làm tù binh. Thuyền trưởng Silke sau này trở về tiếp tục làm việc trong hạm đội Hắc Hải. Ông quả quyết rằng, đã thấy Stephan bị thương nặng, cụt hai chân và chìm xuống biển cùng con tàu.