Đối với một quốc gia, hơn nữa lại là một quốc gia đang lâm vào thời điểm nguy kịch, thì còn có bí mật nào cần được giữ kín hơn là những lá thư tuyệt mật trao đổi giữa người lãnh đạo quốc gia đó với người lãnh đạo một quốc gia khác, vừa hùng mạnh lại vừa thân hữu?
Anna Volcova, người phụ nữ quý tộc Nga đã xâm nhập được vào bí mật này, là một tấm gương hiếm hoi về sự tận tuỵ với ý tưởng – không phải ý tưởng nhà nước, ý tưởng chính trị hay ái quốc, mà là ý tưởng cá nhân, dựa trên lòng căm thù mang tính chất chủng tộc và dân tộc. Bà đã trở thành một điệp viên khác thường.
Anna Volcova sinh năm 1902 ở Saint Petersburg, nơi mà gia đình bà chiếm một địa vị cao trong triều đình Nga hoàng. Một người bác của bà được đích thân Nga hoàng Alecxandr dạy dỗ, một người bác khác là tướng chỉ huy trung đoàn cận vệ của Nga hoàng. Ông Voncov bố bà là một thuỷ binh, phục vụ cho đến cấp phó thuỷ sư đô đốc và đã từng là tuỳ viên hải quân tại một loạt quốc gia châu Âu. Hai người con của ông – cô con gái Anna và người con trai Alecxandr – lớn lên trong môi trường ngoại giao nên cảm thấy hết sức thoải mái khi tiếp xúc với những nhân vật thuộc các quốc tịch khác nhau ở Paris, Berlin, Roma, Copenhaghen. Trong thời gian Thế chiến thứ nhất, khi làm tuỳ viên hải quân ở London, phó thuỷ sư đô đốc Voncov đã được vua George tặng cho danh hiệu quý tộc Anh. Năm 1917, khi cách mạng tháng mười lật đổ Nga hoàng, gia đình Voncov chạy ra nước ngoài. Ngôi nhà của họ ở Petersburg và lãnh địa của họ ở miền Nam nước Nga bị cướp phá, tất cả tài sản của họ bị tịch thu.
Đô đốc cùng gia đình sang Anh cư trú và chẳng bao lâu, họ lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Nhờ sự giúp đỡ của những kiều dân Nga gặp may hơn, họ mở một tiệm cà phê nhỏ ở Kentsington. Khi bố mẹ Anna mất toàn bộ tài sản và chỉ còn sở hữu một tiệm cà phê nhỏ thì Anna mới mười bốn tuổi. Anna tỏ ra có năng khiếu ngôn ngữ, cô nói tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Đức cũng thông thạo như tiếng Nga. Cô còn học nhạc, tỏ ra là một họa sĩ có tài và những bức tranh thuốc nước của cô đã nhiều lần được trưng bầy tại các cuộc triển lãm nghiệp dư. Do đọc nhiều và am hiểu nghệ thuật, cô là vị khách mong đợi trong các gia đình thuộc tầng lớp cầm quyền ở Anh. Vào những lúc các kiều dân Nga lưu vong tụ họp lại tại “tiệm trà Nga” trên phố Harrington, nơi yêu thích của mọi Nga kiều sống ở London, các câu chuyện đương nhiên là xoay quanh tình hình ở Nga. Những kẻ tứ cố vô thân này mà giờ đây phải làm những nghề thấp kém như bán hàng, hầu bàn, gác đêm, công nhân, không thể cam chịu với ý nghĩ là tại Nga đã xẩy ra một cuộc cách mạng có ảnh hưởng lớn lao đến lịch sử nhân loại. Nhiều người trong số họ buộc tội Troski và những người Do Thái khác là đã gây ra cuộc cách mạng khiến họ phải lâm vào cuộc sống thiếu thốn. Anna Volcova lớn lên trong bầu không khí đó.
Từ hồi trẻ, bà đã nung nấu lòng căm thù bệnh hoạn đối với người Do Thái và chủ nghĩa cộng sản. Nhiều họ hàng và bạn bè của bà cũng chia sẻ những quan điểm của bà nhưng họ giữ kín trong lòng. Còn Anna thì dành cả cuộc đời cho một mục tiêu là đấu tranh với những người Do Thái và dân tộc Do Thái. Điều đáng chú ý là về tất cả các mặt khác thì bà là một phụ nữ bình thường, thậm chí còn khả ái nữa.
Vậy mà bà đã mưu toan thực hiện những ý tưởng điên rồ của mình vào những ngày nguy kịch nhất đối với nước Anh trong cuộc chiến tranh với nước Đức phát xít.
Bà là một điệp viên tinh tế, nhưng không phải là điệp viên của bất kỳ ai, không phục vụ cho bất kỳ ai, không nhận tiền của bất kỳ ai. Nhưng đồng thời, bà đã trở thành kẻ phản bội nước Anh là nước đã cho bà trú ngụ và đưa bà vào tầng lớp cầm quyền. Bà cũng đã trở thành công cụ chuyển giao cho bọn quốc xã Đức những tin tức chính xác về các lực lượng vũ trang Anh, về những kế hoạch chống trả cuộc xâm lược của Đức và về sự giúp đỡ của người Mỹ cho nước Anh trong những giờ phút ảm đạm trước và sau khi nước Pháp thua trận.
Vào một buổi đêm tháng 6 năm 1940, thủ tướng Anh Winston Churchill buộc phải tạm ngừng phiên họp của nội các chiến tranh Anh quốc – tên gọi của chính phủ Anh trong những năm Thế chiến thứ hai. Ông vừa nhận được một tin khẩn cần phản ứng ngay lập tức. Ông bước ra khỏi phòng làm việc và đi sang phòng bên cạnh. Tại đây, cục trưởng Cục Tình báo đang chờ ông và lập tức bắt đầu báo cáo.
— Cục phản gián MI-5 đã phát hiện ra một điệp viên quốc xã trong sứ quán Mỹ, y thông thạo loại mật mã mà đại sứ Josef Kentedy vẫn sử dụng trong thư từ trao đổi với tổng thống Mỹ Roosevelt và Bộ Ngoại giao Mỹ, – cục trưởng Cục Tình báo ngừng một chút rồi nói tiếp:
— Ngoài ra, y còn biết hết về những bức thông điệp của ngài gửi cho tổng thống Roosevelt. Cùng với một phụ nữ đồng phạm, y có khả năng chuyển cho người Đức tất cả những bức điện mà ngài, cũng như bộ trưởng ngoại giao Halifax và cựu thủ tướng Chamberlin, đã và đang gửi đi thông qua sứ quán Mỹ. Có những tài liệu cho thấy những bức điện đó đã an toàn đến Berlin.
Churchill yên lặng lắng nghe. Ông nhớ lại những bức thông điệp khẩn cầu gần đây nhất mà ông gửi cho tổng thống Roosevelt và giờ đây, chắc hẳn những kẻ nào đó ở Berlin đang vừa đọc vừa mỉm cười giễu cợt.
Churchill gửi Roosevelt. Tôi yêu cầu ngài giúp đỡ. Tôi tha thiết yêu cầu ngài giúp tất cả những gì ngài có thể giúp được. Trước hết, chúng tôi cần từ bốn mươi đến năm mươi tàu phóng ngư lôi cũ. Thứ hai, chúng tôi cần vài trăm chiếc máy bay. Thứ ba, chúng tôi cần có đủ pháo phòng không và đạn dược cho sang năm… nếu chúng tôi còn sống sót để được thấy những thứ ấy…”
Trong một bức thư khác, Churchill viết: “Tình hình ngày càng xấu đi… Sau thảm họa ở Pháp, chúng tôi chờ đợi bị tấn công từ trên không và cuộc đổ bộ đường không trong tương lai sắp tới, và chúng tôi đã sẵn sàng đương đầu… Chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến tranh một mình và chúng tôi không sợ…”
Vài phút sau cuộc trò chuyện nói trên giữa cục trưởng Cục Tình báo với thủ tướng Churchill, bộ trưởng ngoại giao Halifax gọi điện đánh thức đại sứ Mỹ Kentedy dậy và kể tóm tắt cho ông ta biết thực chất sự việc. Đại sứ Kentedy đồng ý thu lại quyền miễn trừ ngoại giao của một nhân viên sứ quán Mỹ. Sau đó vài phút, các sĩ quan phòng đặc nhiệm của cơ quan tình báo Anh đến một căn hộ trên phố Gloyster và bắt giữ một nhà ngoại giao Mỹ trẻ tuổi. Đó là Tailor Kent, xuất thân trong một gia đình quý tộc Mỹ ở bang New England, cùng bang với đại sứ Josef Kentedy, bố của tổng thống Mỹ tương lai John Kentedy. Hai ngày sau, việc bắt giữ Tailor được đích thân tổng thống Roosevelt phê chuẩn. Tailor chính là người tình của Anna Volcova. Quá trình thẩm vấn cho thấy anh ta là công cụ trong tay Volcova. Ít nhất là hơn một ngàn rưởi tài liệu tuyệt mật của sứ quán Mỹ đã được Tailor sao chép lại rồi chuyển cho Volcova. Ngoài ra còn một loạt những tài liệu khác gửi cho ngoại trưởng Mỹ Cordell Hell và đại sứ của tất cả các nước châu Âu. Nhiều tài liệu chứa đựng những đoạn trích quan trọng từ những mệnh lệnh và báo cáo tuyệt mật. Những tài liệu đó được gửi qua London bởi vì Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng chỉ sứ quán Mỹ ở London là có loại mật mã “bất khả xâm phạm”. Rất có thể loại mật mã ấy là “bất khả xâm phạm” đối với các cơ quan giải mã của kẻ thù, nhưng không một loại mật mã nào giữ kín được đối với kẻ biết rõ và làm việc với mật mã đó. Tailor Kent chính là kẻ như vậy bởi vì anh ta là trưởng phòng mật mã của sứ quán Mỹ tại Anh. Điều này đã cho phép người Đức không những biết rõ mối quan hệ Mỹ – Anh mà còn tiết kiệm được tiền bạc chi vào việc tổ chức do thám người Mỹ tại các nước khác ở châu Âu. Vậy lý do gì đã đẩy Tailor Kent đi đến chỗ phản bội?
Anh ta làm việc này không phải vì tiền bạc. Anh ta không nhận được của bất kỳ ai một xu nào và tại toà án anh ta khẳng định rằng thậm chí anh ta không biết là những tài liệu đó lại đến tay Hitler. Vào lúc bị bắt giữ, Tailor vừa tròn hai mươi tám tuổi. Bố anh ta đã từng phục vụ trong ngành ngoại giao Mỹ. Năm 1911, khi Tailor ra đời, bố anh ta là tổng lãnh sự Mỹ ở Trung Quốc. Tailor là đứa con duy nhất trong gia đình và bố mẹ anh ta làm tất cả mọi việc để anh ta có được bước khởi đầu tốt đẹp trong cuộc đời. Anh ta theo học những trường phổ thông và đại học danh giá nhất châu Âu và Mỹ, anh ta thông thạo vài thứ tiếng châu Âu, trong đó có tiếng Pháp và tiếng Đức, anh ta được đào tạo cẩn thận để hoạt động trong ngành ngoại giao và triển vọng của anh ta xem ra hết sức sáng sủa. Một chàng thanh niên dễ mến, một cầu thủ bóng bầu dục xuất sắc, một chàng trai dễ kết bạn và nổi tiếng là nhanh trí và thông minh. Tuy quả thật là anh ta rất hay bối rối ngượng ngùng khi gặp những phụ nữ đẹp. Tại London, Tailor gặp Anna Volcova. Những người biết Volcova đều khẳng định rằng không một nữ điệp viên hiện đại nào, kể cả Mata Hari lừng danh, lại thích hợp với định nghĩa “người phụ nữ định mệnh” như Volcova, chí ít thì cũng là đối với Tailor Kent. Khi họ lần đầu tiên gặp nhau ở London thì Tailor hai mươi bảy tuổi, còn Volcova ba mươi tám tuổi. Nhưng thật bất công nếu trút mọi tội lỗi về việc Tailor “sa ngã” lên đầu Volcova hoặc thậm chí coi ảnh hưởng của Volcova có ý nghĩa quyết định. Những nguyên nhân chính trị đã tác động một cách cơ bản đến cách xử sự của Tailor ngay từ trước khi anh ta được cử đến London.
Chỉ ít lâu sau khi Tailor tròn hai mươi ba tuổi và tốt nghiệp xuất sắc đại học, anh ta được nhận vào làm trong ngành ngoại giao Mỹ và được cử đến công tác tại sứ quán Mỹ ở Moskva. Anh ta đặt chân đến Moskva vào tháng 2 năm 1934. Thời gian Tailor làm nhiệm vụ ở Moskva trùng với thời gian diễn ra những cuộc thanh trừng dữ dội của Stalin. Vốn xuất thân trong một gia đình quý tộc Mỹ và được giáo dục theo tinh thần chống cộng, Tailor không chỉ căm thù chủ nghĩa cộng sản mà khi rời khỏi Moskva, anh ta còn trở thành một phần tử bài Do Thái quyết liệt. Trước kia, cho đến năm mười tám tuổi, anh ta chưa hề gặp một người Do Thái nào. Trong xã hội mà anh ta là một thành viên, những người Do Thái cho dù có giàu chăng nữa, cũng chỉ là những kẻ xa lạ. Anh ta chưa bao giờ nhìn thấy họ trong các trường tư danh giá. Cả trong giới sinh viên trường đại học Prinston cũng có rất ít người Do Thái. Nhưng đa số họ là những người có tài và đầy tham vọng. Rất có thể việc anh ta ít khi tiếp xúc với họ đã khiến một thanh niên chưa trưởng thành như anh ta cảm thấy xa cách họ. Khi đến Moskva, Tailor có dịp gặp nhiều nhân vật chính thức của Bộ Ngoại giao Liên Xô. Và mặc dù vào quãng thời gian đó, nhiều người Do Thái đã bị gạt khỏi những cương vị cao cấp nhưng phần lớn những nhân viên bình thường mà Tailor tiếp xúc đều là người Do Thái. Nói chung, họ tỏ ra thờ ơ với những cuộc thanh trừng của Stalin, những cuộc thanh trừng mà Tailor cho là “tàn bạo” và cũng theo ý kiến anh ta, lẽ ra khiến họ phải công phẫn mới đúng, bởi vậy anh ta rút cuộc đi đến kết luận rằng tất cả người Do Thái đều tàn ác, phản trắc và vô đạo đức. Đó không chỉ là sai lầm bi thảm của anh ta mà còn là nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã của anh ta.
Khi Tailor đi sang Đức nghỉ phép ở Berlin và dãy Anpes vùng Bavari thì Hitler đã cầm quyền ở Đức được hai năm. Anh ta gặp gỡ nhiều đảng viên quốc xã, nhiều nhân viên Bộ Ngoại giao Đức và cảm thấy ngạc nhiên một cách dễ chịu trước phong thái có văn hoá và khả ái của người Đức. Người Đức mau chóng nhận thấy mối thiện cảm đó của Tailor đối với họ. Không phải ngẫu nhiên mà Tailor được đón nhận vào nhóm của giáo sư Hawsholfe, nhà tiên tri độc đáo của thuyết “địa chính trị chủng tộc Aryan”. Thông qua ông ta, Tailor làm quen với một “triết gia” quốc xã là Afred Rodenberg và được giới thiệu với bộ trưởng tuyên truyền Herbben và được mời đến dự một buổi chiêu đãi xa hoa của Hering, một nhân vật đầy thế lực của nước Đức phát xít. Sau khi được đi thăm những “tủ kính” của nhà nước quốc xã, Tailor trở về với niềm tin chắc chắn rằng “triết thuyết Aryan” sẽ thống trị thế giới trong thiên kỷ mới. Dưới ảnh hưởng của bọn quốc xã, Tailor trở thành một phần tử bài Do Thái quyết liệt. Trong tâm trạng như vậy, anh ta được cử đến làm việc tại sứ quán Mỹ ở London ngay trước Thế chiến thứ hai. Lúc đó, anh ta đã mang hàm bí thư thứ ba và chờ đợi được đề bạt cao hơn nữa.
Hồi ở Moskva, Tailor đã đảm nhiệm chức vụ trưởng phòng mật mã của sứ quán Mỹ và tỏ ra có năng lực đến nỗi Bộ Ngoại giao Mỹ khuyên đại sứ Kentedy bổ nhiệm anh ta vào chức vụ tương tự ở London. Trong những sứ quán quan trọng như sứ quán Mỹ ở London, chức vụ này thường trao cho một nhà ngoại giao có hàm cao hơn. Nhưng trình độ chuyên môn vững vàng của Tailor cũng như ấn tượng tốt đẹp mà anh ta gây ra được đối với đại sứ Kentedy cùng quá khứ không một vết nhơ của anh ta đã ảnh hưởng đến quyết định của đại sứ. Anh ta được trao phòng mật mã của sứ quán Mỹ ở London. Và như vậy, anh ta có điều kiện tiếp xúc với phần lớn những bí mật có tầm quan trọng sống còn của sứ quán Mỹ: những cuốn sổ chứa đựng loại mật mã “bất khả xâm phạm” mà chỉ riêng đại sứ mới có quyền sử dụng để trao đổi công văn thư từ với tổng thống và bộ trưởng ngoại giao Mỹ.
Thủ tướng Anh Churchill có thói quen làm việc vào ban đêm. Đôi khi, các liên lạc viên có các sĩ quan vũ trang thuộc phân đội đặc nhiệm đi kèm, đem thư từ của Churchill đến sứ quán Mỹ vào lúc trời còn chưa sáng, và Tailor xung phong tự tay gửi tất cả những bức thư ấy cho tổng thống Mỹ và chờ trả lời, cho dù có phải thức trắng đêm chăng nữa. Anh ta làm việc đến kiệt sức. Đại sứ Kentedy lưu ý đến anh ta và tỏ ra quan ngại đến sức khoẻ của anh ta, khuyên anh ta nên giữ gìn sức khoẻ. Nhưng anh ta đáp:
— Tôi có nghĩa vụ làm tất cả những gì tôi có thể làm.
Không ai có thể xác định được Tailor và Volcova đã gặp nhau ở đâu và khi nào. Rất có thể Tailor đã để mắt đến Volcova trong ngày hội của câu lạc bộ Đức – Anh có tên là “Ling”. Một trong những người sáng lập ra câu lạc bộ này là huân trước Lodesday, bố vợ của Osvan Mosli, viên thủ lĩnh khá nổi tiếng của phong trào thân phát xít ở Anh. Cũng rất có thể là Anna Volcova, một phụ nữ cao, cân đối và hấp dẫn, đã đích thân tổ chức cuộc gặp gỡ này…
Hồi đó, vào tháng 4 năm 1939, sau khi trải qua một cuộc phẫu thuật và đang dần dần lành bệnh, Volcova đi nghỉ ở vùng Sudeten là vùng bị Hitler chiếm đóng sau hoà ước Munich năm 1938. Tại đây và ở Đức, bà gặp gỡ nhiều viên thủ lãnh quốc xã. Sau khi trở về Anh, bà đưa cho thành viên của “Câu lạc bộ hữu phái” một bản ghi nhớ để biện minh cho những hành động của chế độ phát xít.
Đương nhiên là hoạt động của Volcova, đặc biệt là từ khi chiến tranh bùng nổ, không thể không bị để ý. Cơ quan phản gián Anh quyết định theo dõi bà và những bạn bè của bà và khi cơ quan này biết được những cuộc gặp gỡ của bà với nhân viên các sứ quán Đức và Italia thì việc theo dõi được tăng cường, và Volcova trở thành đối tượng của một cuộc điều tra nghiêm túc. Cơ quan phản gián Anh quyết định thu lượm tin tức từ những nguồn trực tiếp, tức là từ “Câu lạc bộ hữu phái”, nơi mà hiện giờ Volcova dùng phần lớn thời gian ở đây. Hai cô gái trẻ – “miss A” và “miss B” – được huy động vào công việc này. Là người lãnh đạo “Câu lạc bộ hữu phái”, Volcova rất cần có cộng tác viên mới và bà dang cả hai tay đón nhận “miss A” khi cô đến xin việc thông qua sự giới thiệu của vài ba người mà Volcova biết rằng họ ủng hộ phong trào bài Do Thái; “miss A” được nhận vào làm thư ký đánh máy. Vài ngày sau thì cả “miss B” cũng xuất hiện. Volcova rất sung sướng vì hai cô chia sẻ những quan điểm chính trị của mình. Chỉ sau mấy tuần lễ, cả hai cô đã chiếm được lòng tin trọn vẹn của Volcova. “Miss B” được biết rằng Volcova hy vọng là trong ban lãnh đạo tương lai của nước Anh, bà sẽ nhận được chức vụ giám đốc bộ phận phụ trách việc tiêu diệt những người Do Thái ở Anh. Bà hứa với “miss B” là sẽ chọn cô làm trợ lý. Đó chính là thời gian Volcova thường xuyên gặp gỡ nhà ngoại giao Mỹ trẻ tuổi Tailor Kent. Anh ta thấy ở bà một người mẹ, một người tình và một người cha tinh thần. Tailor báo cho Volcova biết rằng anh ta biết rõ những thư từ trao đổi giữa Churchill và Roosevelt. Volcova giao cho Tailor những chỉ thị hết sức tỷ mỉ. Anh ta phải ở lại chỗ làm của mình sau khi tất cả các nhân viên khác ra về để sao chép mọi tài liệu đi và đến đã được mã hoá rồi chuyển chúng cho bà. Anh ta dần dần táo bạo lên và chẳng bao lâu sau đã bắt đầu đem đến cho Volcova từng tập tài liệu dầy, họ cùng nhau sao chép suốt đêm, đôi khi tạm ngừng để dành cho những trò chơi yêu đương. Công việc tiến triển hết sức thuận lợi mà tài liệu thì ngày càng nhiều nên chỉ ít lâu sau, Volcova phải thuê một thợ ảnh chuyên nghiệp để chụp micrô phim.
Các thám tử của cơ quan tình báo Anh và các nhân viên phản gián Anh bám sát hoạt động của Volcova. Họ tiến hành bắt giữ và hỏi cung người thợ ảnh làm việc cho bà, người này vẫn cho rằng mình làm một công việc hoàn toàn hợp pháp khi chụp những tài liệu nào đó cho một quý bà thuộc sứ quán Mỹ. Các sĩ quan phản gián kinh hoàng nhìn tấm ảnh mà người thợ ảnh cho chiếu lên màn hình. Bên trên là dấu “Tuyệt mật”. Bên dưới là dòng chữ “Cựu thuỷ binh Winston Churchill” – tên gọi mà thủ tướng Anh thường dùng để ký những thư từ riêng của ông gửi tổng thống Mỹ Roosevelt. Người thợ ảnh cùng những cuộn phim của anh ta được gửi đến cơ quan tình báo Anh. Vài phút sau, chánh thanh tra Canninh trao đổi qua điện thoại với trưởng phòng phản gián đại tá Hinli Cook…
Không phải mọi thông tin mà “miss A” và “miss B” cung cấp về sau đều được đem ra trình toà. Nhưng nhiều thứ tìm thấy trong văn phòng của Volcova đã được đưa ra trước toà làm vật chứng. Người ta xác định được rằng Volcova đã sử dụng những chiếc cặp ngoại giao của sứ quán Italia và những cuộc tiếp xúc với các nhà ngoại giao Rumani để gửi những tài liệu sao chụp được đến Berlin. Volcova cũng duy trì mối quan hệ với William Joys tức “huân trước Haw-Haw” nổi tiếng là kẻ đã thực hiện những cuộc tuyên truyền hướng tới đất Anh qua đài phát thanh Đức. Bà còn gửi đến Joys và các ông chủ thuộc bộ tuyên truyền của Herbben những đề xuất nhằm cải tiến những buổi phát thanh tuyên truyền này. Đồng thời bà thông báo cho chúng biết tần số và mã số cần sử dụng để liên lạc. Chỉ như thế thôi cũng đã đủ để kết án bà tù dài hạn. Nhưng vai trò của bà với tư cách một kẻ chỉ đạo việc đánh cắp những tài liệu tuyệt mật của sứ quán Mỹ đã khiến bà có nguy cơ phải chịu hình phạt nặng nề hơn nhiều, kể cả án tử hình.
Sau khi chiến tranh kết thúc, đại sứ Kentedy đã bình luận toàn bộ vụ việc này như sau: “Tailor Kent phụ trách công việc sử dụng loại mã “bất khả xâm phạm”. Do sự phản bội của anh ta mà toàn bộ thông tin ngoại giao về chính sách đối ngoại của Mỹ đã bị huỷ hoại vào thời điểm nguy kịch nhất trong lịch sử – vào thời điểm diễn ra trận Dunkirt và nước Pháp sụp đổ. Sự cố ngoại giao liên quan đến sứ quán Mỹ và các phái đoàn ngoại giao của Mỹ trên khắp thế giới kéo dài từ hai đến sáu tuần, cho tới khi liên lạc viên từ Washington đem đến bộ mã mới. Đó là một trọng tội ghê gớm. Tailor Kent luôn luôn có bên mình bộ mã “bất khả xâm phạm”. Và điều này đã gây ra mối tai hại khôn lường. Trong những tháng chiến tranh đầu tiên, ngài Churchill có tôi làm trung gian đã trao đổi toàn bộ sự thật với tổng thống Roosevelt, bỏ qua mọi ước lệ ngoại giao. Ngài Churchill và những thành viên khác trong nội các Anh đã giới thiệu cho tôi biết một bức tranh đầy đủ: những số liệu chính xác về số lượng các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển, cách bố trí các đơn vị quân đội Anh và những kế hoạch cơ bản phòng thủ nước Anh… Những tin tức đó hết tuần này sang tuần khác đến tay tổng thống Roosevelt. Và chúng ta có thể tin rằng những tin tức đó cũng hết tuần này sang tuần khác đã đến Berlin thông qua Tailor Kent và Volcova…”
Anna Volcova tự bào chữa trước toà hết sức khôn khéo nhưng vẫn bị buộc tội về tất cả các điểm của cáo trạng. Về tội danh tiếp tay cho kẻ thù, bà chịu mức án mười năm tù. Về những tội danh khác, kể cả tội trao đổi thư từ với William Joys (“huân tước Haw – Haw”), bà chịu mức án năm năm tù. Mức án cao nhất là mười năm tù. Vào tháng 6 năm 1946, bà được phóng thích và qua đời vào năm 1970.