Andre Timote D’Eon De Bomon (1728-1810) Hiệp Sĩ D’Enon Bí Ẩn: Đàn Ông Hay Đàn Bà?

Nói về những con người hoạt động trong ngành tình báo, chúng ta không thể nào không nhớ đến một nhân vật bí ẩn, nửa huyền thoại là hiệp sĩ D’Eon. Hiệp sĩ này là ai – đàn ông hay đàn bà? Đó là điều người ta vẫn đang còn tranh cãi. Chúng ta sẽ không tham dự vào đó làm gì, mà chỉ tìm hiểu xem hiệp sĩ D’Eon nổi tiếng ở khía cạnh nào – một nhà phiêu lưu, chiến binh, tên gián điệp, luật sư, kiếm thủ, nhà ngoại giao, kẻ đe dọa và người đóng các vai đàn bà (hay đàn ông) tài năng.

Hiệp sĩ sinh ra trong một gia đình quí tộc và từ nhỏ đã có những kì vọng lớn. Người ta kể rằng khi hiệp sĩ lên bốn, bà mẹ không hiểu sao ưa diện cho con thành con gái nên cho đến khi bảy tuổi đứa bé vẫn thường xuyên mặc váy. Và điều này đã có ảnh hưởng đến lối sống và tư tưởng của cậu bé sau này. Nhưng thời niên thiếu D’Eon được giáo dục để trở thành một nhà quý tộc thực thụ. Đứa trẻ được học luật pháp và kiếm pháp, với vẻ ngoài mảnh khảnh yếu ớt nhưng tài đấu kiếm vào hàng cao thủ và được mọi người nhất trí chọn làm trưởng câu lạc bộ kiếm thủ. Dù còn rất trẻ, D’Eon đạt học vị tiến sĩ luật dân sự, luật nhà thờ và được tiếp nhận vào đoàn luật sư. Khi cảm thấy thành phố quê hương Tonner trở nên quá chật hẹp đối với mình, D’Eon đã đi Paris.

Ông hoàn toàn không để thời gian trôi qua một cách phí hoài. Trong tay không có tiền, ông đã bắt tay viết luận văn về tình hình tài chính nước Pháp dưới triều vua Louis XIV, khiến nhà vua phải chú ý. Vì quốc khố luôn eo hẹp, nhà vua hi vọng cải thiện tình hình nhờ vào những bộ óc thông minh mới mẻ. Hiệp sĩ D’Eon được tiến cử và gây ấn tượng tốt với nhà vua. Chàng thanh niên đã khởi nghiệp hoạt động tài chính một cách thành công. Nhưng khi đó trên lục địa Âu châu đang diễn ra những sự kiện ảnh hưởng sâu sắc đến số phận của hiệp sĩ D’Eon.

Tình hình châu Âu hết sức phức tạp. Kẻ khuấy động sự yên bình là vua Fridrich Đại Đế II, lên ngôi năm 1740. Ông ta tấn công nước Áo và chiếm miền trù phú nhất của lãnh địa này là Silezia. Đứng về phe nước Phổ trong cuộc chiến tranh này là Pháp và Bavaria. Áo được Anh và Hà Lan ủng hộ. Mỗi một phe đối lập đương nhiên đều mong có đồng minh hùng mạnh như nước Nga. Nhưng chính phủ Nga thì lại dao động. Một mặt, Nga đã kí kết hiệp ước liên minh Nga-Anh trong những năm 1741-1742. Mặt khác, giữa Nga và Phổ cũng đã có những cuộc đàm phán kết thúc với cam kết vào năm 1743 lập liên minh phòng thủ. Nga lại còn đang vướng vào cuộc chiến tranh bắt đầu năm 1741 với Thụy Điển, lôi kéo cả các nước Pháp, Phổ, thậm chí cả Iran và Thổ Nhĩ Kì tham gia vào đó.

Triều đình của nữ hoàng Elizabeth chia đôi – một phái ủng hộ Anh và một phái ủng hộ Pháp, hay theo cách nói hiện nay là hai nhóm hành lang nghị viện. Thủ tướng Bestuzev-Rumin đại diện cho nhóm thứ nhất, phó thủ tướng Voronxov đại diện cho nhóm thứ hai. Số còn lại dao động giữa hai phe.

Đại sứ Anh Dickens đề nghị Bestuzev-Rumin năm trăm nghìn Funt Sterling nếu ông này đưa sáu trăm nghìn lính Nga ra tham chiến. Nhưng âm mưu bại lộ, Dickens phải từ chức. Đại sứ mới là ông William thành công hơn. Ông ta đã kí được hiệp định mà theo đó nước Nga có trách nhiệm điều ra mặt trận ba mươi nghìn lính để chi viện cho vua George và các đồng minh của Hannover đổi lấy một số vàng do người Anh cung cấp, con số này không được nêu rõ trong nội dung bản hiệp định. Hiệp định còn một điều khoản quan trọng là không lập tức có hiệu lực ngay mà phải đợi việc phê chuẩn phải xảy ra sau hai tháng nữa. Vua Louis XV biết điều đó nên quyết định bằng mọi cách cản trở việc phê chuẩn. Cần phải vội vã. Nhưng hành động ngoại giao của nhà vua kết thúc một cách thảm hại vì phái viên của nhà vua là hiệp sĩ De Valkruasan trong khi tìm cách tiếp cận nữ hoàng Elizabeth để đích thân bày tỏ lòng tôn kính và thay mặt vua Louis thảo luận với bà đã bị bắt, bị kết tội do thám và nhốt vào ngục. Các bức thư của nhà vua bị thám tử của Bestuzev – Rumin thu mất. Nói tóm lại là Louis không có khả năng chính thức nào để liên lạc với “bà chị” đội vương miện. Chính vào lúc đó Louis XV nảy ra ý định phái hiệp sĩ D’Eon đến Saint Peterburg.

Khi đó Louis XV đã được nghe kể về một vài mánh khóe của chàng hiệp sĩ trẻ khi giả làm phụ nữ để lừa những người xung quanh. Nhà vua chợt có ý nghĩ – một người đàn ông không thể tiếp cận nữ hoàng Elizabeth nhưng một phụ nữ thì lại rất có thể làm được điều này. Ông bèn cho vời D’Eon vào tiếp kiến, đề nghị chàng biểu diễn tài nghệ và hết sức hài lòng.

— Ta rất ngạc nhiên! – nhà vua thốt lên, ngừng một lát và tiếp: – Hiệp sĩ, ta muốn giao cho nhà ngươi một nhiệm vụ mà việc hoàn thành nó có thể khiến thay đổi số phận nước Pháp.

— Thần sẵn sàng vì hoàng thượng và nước Pháp làm bất kì việc gì ở bất cứ đâu mà hoàng thượng sai khiến, – nàng thiếu nữ đáp bằng giọng êm ái.

Nhà vua ngạc nhiên nhìn nàng, nhưng rồi trấn tĩnh lại và nói:

— Vậy hãy nghe đây. Ta biết ngươi rất giỏi kiếm thuật, nhưng những thanh kiếm mà nhà ngươi buộc phải so với thủ tướng Nga Bestuzev – Rumin lại khác…

Năm 1755 với tư cách tùy viên mật của Louis XV, nàng thiếu nữ kiều diễm Lia D’Eon cùng với “ông chú” Duglas nào đó đã có mặt ở Peterburg. Hai người nghỉ tại nhà một điệp viên – chủ ngân hàng người Pháp. Cần phải gấp rút vì đã sắp tới ngày phê chuẩn hiệp định. Duglas bứt rứt căng thẳng: tất cả mọi hoạt động của ông đều bị người của Bestuzev-Rumin có nhiệm vụ kiểm soát từng người Pháp đến kinh đô nước Nga ngăn cản. Và mặc dù Duglas thường xuyên mang theo bên mình chiếc hộp đựng thuốc lá bằng đồi mồi có giấu trong ngăn đáy giải mật mã dành cho các bản mật báo của mình nhưng lại không thể sử dụng vì chẳng có gì để báo cáo ngoài những lời than phiền về đám do thám vây quanh. Nhưng thiếu nữ khả ái Lia thì lại chẳng bị ai chú ý, và không lâu sau nàng đã dễ dàng tìm cách gặp được người ủng hộ có ảnh hưởng lớn của nước Pháp là phó thủ tướng Voronxov.

Nhận thấy người phụ nữ Pháp khả ái này sẽ tạo được những ảnh hưởng có lợi cho mình đối với nữ hoàng, Voronxov vội vã đưa nàng vào triều.

Nữ hoàng già thích những người trẻ tuổi vây quanh mình, thích thư giãn bằng cách nằm dài khoan khoái nghe những câu chuyện hồi hộp về cuộc sống vui vẻ bồng bột trong triều đình nước Pháp. Bà cũng được biết ở đó có “vườn Hươu” nổi tiếng – thường xuyên bổ sung những cung nữ tuyệt vời cho hậu cung của nhà vua.

Và khi trước mặt bà xuất hiện cô thiếu nữ yêu kiều, vui vẻ, khả ái, nữ hoàng Elizabeth quyết định đã đến lúc có thể thỏa mãn mọi điều tò mò thú vị của mình. Và lập tức Lia D’Eon đã trở thành thị nữ, còn sau đó là người đọc sách cho nữ hoàng. Lúc này khó có thể nói suốt những đêm mùa đông dài nữ hoàng chí tôn của một cường quốc đã chuyện trò những gì với cô thị nữ đọc sách khiêm nhường của bà. Và trong số những cuốn sách đưa lên cho nữ hoàng đọc có cả cuốn “Tinh thần pháp luật” của Monteskie với lá thư của nhà vua mà Lia bí mật mang theo mình. Không lâu sau, ngài William đã buộc phải gửi về London cho huân tước Holderney thông báo: “Rất tiếc buộc lòng thông báo rằng thủ tướng (Bestuzev-Rumin) không thể thuyết phục nữ hoàng kí vào bản hiệp định mà chúng ta nóng lòng chờ đợi”.

Bình yên trở về từ nước Nga xa xôi bí ẩn, hiệp sĩ D’Eon đã hoàn thành xuất sắc thêm một số nhiệm vụ ngoại giao quan trọng do vua Louis XV giao phó và được nhà vua cấp cho khoản thu nhập hàng năm là ba nghìn quan.

Nhưng nhiệm vụ vẫn nối nhau, và để thực hiện chúng, D’Eon lúc này cần đóng vai đàn ông, lúc kia lại phải đóng vai phụ nữ. Khi nước Pháp tham chiến, hiệp sĩ D’Eon gia nhập quân đội và trở thành sĩ quan tùy tùng của công tước De Broli, chỉ huy cơ quan mật vụ hoàng gia, đã nhiều lần thực hiện những nhiệm vụ tình báo do công tước giao phó. Đặc biệt chàng đã nổi bật xuất sắc trong một trận chiến đấu khi đưa được đoàn xe chở đạn dược đến tiếp ứng kịp vào đúng những phút kịch tính nhất dưới hỏa lực mạnh của kẻ thù. Đôi khi “Lia De Bomon” cũng phải trang điểm, uốn tóc quăn và diện váy.

Chiến tranh kết thúc, D’Eon được phái đến London và tỏ ra xuất sắc trong môi trường tình báo ngoại giao. Chàng đã lấy được bản sao chính xác các văn bản hướng dẫn của nhà ngoại giao Anh Bedford, người được ủy quyền tiến hành các cuộc đàm phán với bộ trưởng Pháp Suazel về hiệp định hòa bình. Để làm việc này chàng mời Bedford đến sứ quán, chuốc rượu cho say mèm rồi xách chiếc cặp của ông ta sang phòng bên và sao tài liệu. Bedford chán nản vì các cuộc đàm phán thất bại do tất cả các bước đi của ông ta đã bị đối phương nắm trước bèn xin từ chức, về sau ông ta cũng từ chối cương vị chủ tịch hội đồng bộ trưởng. D’Eon cũng tham gia vào các chiến dịch tình báo quân sự của kĩ sư, nhà chiến thuật, hầu tước De La Rozer. Ông này nghiên cứu miền bờ biển La Manche để xác định vị trí đổ bộ tốt nhất cho quân Pháp.

Với hoạt động của mình tại Anh, D’Eon đạt nhiều thành tích và được phong chức quyền bộ trưởng. Nhưng chàng hiệp sĩ hóa ra lại bị cuốn hút vào những chuyện phiêu lưu đặc biệt thú vị cho một tiểu thuyết gia.

Thói hoang phí và si mê những thứ xa hoa lộng lẫy khiến hiệp sĩ nợ nần, mặc dù đã được nhà vua ban cho những khoản tiền rất lớn. Và tiếp tục những âm mưu… D’Eon bắt đầu dọa dẫm cáo giác bằng các bức thư của Louis XV. Đó là những bức thư bóc trần âm mưu chống Anh, là những kế hoạch quỷ quyệt đổ bộ quân, là bằng chứng về hoạt động gián điệp của Rozer và D’Eon. Mặc dù khi đó nước Pháp đã do vua Louis XVI trị vì nhưng những bức thư này nếu rơi vào tay phe chống đối có khả năng sẽ kích động dân chúng Anh và làm bùng phát chiến tranh giữa Anh và Pháp. Vụ bê bối mang tính chất nghiêm trọng, thậm chí đã có âm mưu ám sát D’Eon khiến chàng phải thuê vệ sĩ bảo vệ.

Các nhà ngoại giao Pháp tìm mọi cách làm mất uy tín và hủy hoại hiệp sĩ. Những nhà báo được thuê viết bôi nhọ chàng. Đáp lại, hiệp sĩ cho đăng mấy bức thư chứa đựng những lời lẽ cụ thể không khiêm tốn chút nào của vua Louis XV. Chàng hành động khá thận trọng, bắt đầu từ những lá thư vô hại nhất và lưu ý còn có nhiều thư quan trọng hơn nhiều. Hiệp sĩ cũng hé mở cả bí mật về “khu vườn Hươu”, nơi vua Louis XV thường xuất hiện dưới lốt một bá tước Ba Lan tên là Lesinski. Mà đó mới chỉ là một phần bí mật mà chàng nắm trong tay. Để đổi lấy tất cả các lá thư, D’Eon đòi mười hai nghìn quan thu nhập hàng năm và được hoạt động mật vụ ở nước ngoài.

Sau đó lại tiếp tục những câu chuyện gián điệp phiêu lưu và bịp bợm của “Lia D’Eon” trong xã hội London, và cuộc cạnh tranh ban đầu không thể dung hợp với thám tử hoàng gia mà về sau lại trở thành tình bạn với nhà soạn kịch vĩ đại nước Pháp này.

Những người đã được nhìn thấy Lia D’Eon đều miêu tả nàng là “một phụ nữ tầm vóc nhỏ bé thon thả, sắc mặt trắng hồng với những đường nét nhỏ nhắn và khả ái”, giọng nói du dương càng bổ sung thêm vẻ yêu kiều. Người ta đoán rằng D’Eon cố ý thủ vai cô gái kiêu kì, đỏng đảnh và đầy bí ẩn nhưng vẫn khiêm nhường, ý tứ và hay nhút nhát. Nếu Lia De Bomon quá hấp dẫn đàn ông thì mọi chuyện lại có thể hỏng bét, nên người ta thấy rằng nàng chỉ lợi dụng thiện cảm của họ mà thôi. Các họa sĩ cung đình nhiều lần đã vẽ chân dung Lia, nhờ vậy mà hình ảnh của nàng vẫn còn được lưu giữ và hoàn toàn gây ấn tượng như lời những người đã từng gặp mặt miêu tả.

Thực ra D’Eon là ai? Một người ăn mặc đổi giới tính, đàn ông đóng vai đàn bà, hay nàng thiếu nữ giả trai làm chàng hiệp sĩ can đảm? Nhiều người không hiểu sao lại nghiêng về giả thiết thứ hai, có lẽ bởi giả thiết ấy chừng như lãng mạn và hấp dẫn hơn.

Và mặc dù các bác sĩ Anh hình như đã đi đến kết luận rằng hiệp sĩ D’Eon là đàn ông, có vẻ họ cũng chẳng muốn hoàn toàn tin chắc vào điều này.

error: Content is protected !!