Đây là người giữ vai trò giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ lâu nhất. Allen Dulles là con trai thứ hai của một mục sư giáo hội trưởng lão ở Watertown, bang New York. Anh trai của ông là John Foster, người về sau trở thành ngoại trưởng Mỹ.
Allen sinh tháng 4 năm 1893, đi học ở New York, ở trường Elzass tại Paris, trường Đại học tổng hợp Princeton danh tiếng. Sau tốt nghiệp đại học ông sang châu Á. Đó là thời kì Thế chiến thứ nhất, cuộc chiến tranh mà nước Mỹ không tham gia. Do vậy năm 1916 Dulles trở thành nhân viên sứ quán Mỹ tại Vienna, thủ đô của đế quốc tham chiến Áo-Hung. Sau đó vào các năm 1917-1918, ông làm việc ở Bern, nơi lần đầu cảm thấy hứng thú với nghề tình báo. Năm 1920, Dulles cùng với anh trai John Foster trong đoàn đại biểu Mỹ đến Paris, nơi hòa ước Versailles được kí kết. Sự nghiệp ngoại giao của ông kéo dài thêm sáu năm. Ông đã từng làm việc ở Berlin, Stambul, trong bộ máy Bộ Ngoại giao ở Washington trước năm 1926, sau đó nghiên cứu chuyên sâu về luật. Ông cũng cùng với John Foster làm việc trong văn phòng luật quốc tế “Sallivan and Cromwel”, tham gia xem xét các vụ liên quan đến châu Âu và nước Đức. Năm 1942, ông chuyển sang công tác ở Cục mật vụ Mỹ do tướng William Donovan đứng đầu. Không lâu sau đó, ông được chỉ định làm trưởng phái đoàn của Cục mật vụ dưới lốt đại sứ quán Mỹ tại Bern. Chính trong thời kì này ông tiếp xúc với Canaris.
Dulles can thiệp cả vào hoạt động của phong trào Kháng chiến Pháp. Với hi vọng lôi kéo tổ chức “Combat” thuộc phong trào Kháng chiến Pháp hoạt động cho tình báo Mỹ, ông đã đề nghị được tài trợ cho tổ chức này để đổi lấy việc cung cấp tin tình báo chính trị và quân sự. Việc này đã gây mâu thuẫn trầm trọng giữa lãnh đạo tổ chức “Combat” và tổ chức bí mật thuộc phong trào “Nước Pháp tự do” do đích thân đại diện của tướng De Gaulle là Jean Moulin chỉ huy. Về sau, chuyện này vẫn luôn là mối ác cảm riêng của tướng De Gaulle đối với Allen Dulles.
Các cuộc mật đàm với người Đức được Dulles triển khai từ năm 1943. Tuy nhiên ban đầu tình báo Đức không biết đó là Dulles nào, nên nhiệm vụ liên quan đến các cuộc đàm phán này mang mật danh là “Foster”. Hoạt động này do một nhân viên tận tụy của Tổng cục An ninh Đế chế Đức là Heinz Felfe chịu trách nhiệm điều hành, còn về sau là một điệp viên Xô Viết không kém phần nổi tiếng. Về ý đồ của người Mỹ, Felfe đã có thông tin từ các cơ sở ở dưới. Người Đức đã thành công trong việc gài điệp viên Gabriel của mình vào tổ chức của Allen Dulles. Dulles mời Gabriel và một số người mà ông cho rằng có thể đóng một vai trò nào đó ở nước Đức mới và bày tỏ mong muốn được đàm phán với họ.
Năm 1943-1944, Dulles dưới lốt “mister Ball” đã gặp hoàng thân Golenloe, đại diện sáng giá của giới thượng lưu Đức, với tướng Brauchitrem, cũng như với những nhân vật thân cận của nhóm tướng lĩnh chóp bu dưới sự cầm đầu của đại tướng Seitsler, đại diện cho cả quyền lợi của các nhà công nghiệp. Các nhân vật nhóm họp này đã thảo luận cặn kẽ kế hoạch xây dựng “khu vực chống cộng sản và chủ nghĩa Đại Slavơ”, và bàn đến những nhượng bộ ở phương Tây với mục đích đảm bảo tự do cho hoạt động chống Liên Xô. Mùa xuân năm 1945, tại Bern đã diễn ra các cuộc thương lượng giữa Dulles với thủ lĩnh SS và cảnh sát ở Italia là tướng Carl Wolf. Các cuộc họp diễn ra hoàn toàn bí mật, nhưng như Dulles nhớ lại trong cuốn sách của mình “Chiến dịch Rạng Đông” thì thông tin đã bị rò rỉ nên giám đốc Cảnh sát An ninh Kaltenbrunner trong một cuộc họp đã khiển trách Wolf. Dulles viết: “… Trong số những người biết về chiến dịch “Rạng Đông” rõ ràng có một kẻ phản bội, nếu không thì Kaltenbrunner đã không thể biết nhiều như vậy…
Nhưng không có kẻ phản bội trong số các thành viên của những cuộc đàm phán. Lỗi hoàn toàn ở thói ba hoa của Dulles, vì ông ta đã hãnh diện kể cho điệp viên Gabriel của Đức cả những chuyện hết sức chi tiết trong các cuộc họp đó để chứng tỏ hoạt động của mình và của Cục Mật vụ Mỹ. Hơn nữa các chuyên gia cơ quan kĩ thuật Đức đã giải được mật mã điện đài của các đại diện ngoại giao, trong đó có cả cơ quan tình báo tại Anh và Thụy Sĩ. Do vậy Cục An ninh đế chế Đức đã hình dung khá đầy đủ về các bước tiếp theo trong những cuộc đàm phán về ngừng bắn tại Italia mà các cường quốc phương Tây mong muốn.
Cả Moskva cũng biết về các cuộc mật đàm ở Bern. Bộ Ngoại giao Liên Xô tỏ ý muốn tham gia nhưng phía Anh-Mỹ không chấp thuận đề nghị này. Khi Liên Xô đòi chấm dứt các cuộc đàm phán riêng rẽ, phe Đồng minh quay ra phủ nhận sự hiện diện của các cuộc thương lượng tiếp tục với người Đức và còn tuyên bố rằng “các thông tin viên Liên Xô đã khiến chính phủ của mình lẫn lộn”. Theo yêu cầu của Stalin, các cuộc thương lượng riêng với người Đức đã chấm dứt. Người ta nói rằng chính lúc này Dulles bắt đầu có thái độ chống cộng và chống Liên Xô đặc biệt điên cuồng. Ông ta không chấp nhận sự thất bại trong sứ mệnh này. Bực mình vì ông ta đã không được đánh giá đúng mức sau “Vụ Italia” – vụ các cuộc đàm phán ở Bern và bị giữ ở vai trò thứ yếu (ông ta vẫn là đại diện của Cục Mật vụ tại vùng Mỹ chiếm đóng trên đất Đức), năm 1946, Dulles xin từ chức. Hai năm liền ông ta làm việc trong Đoàn Luật sư và bằng tiền của mình giúp đỡ tiến hành các chiến dịch tình báo chống khối Xô Viết.
Harry Schuman khi đang ở cương vị quyền tổng thống đã chỉ định Dulles làm trưởng ban gồm ba thành viên có nhiệm vụ đánh giá hoạt động của các cơ quan tình báo. Trong báo cáo của mình Dulles phát triển các luận điểm nhấn mạnh yêu cầu cần thiết đặt ra một chức vụ quản lí tập trung có khả năng phối hợp hoạt động của các cơ quan quân sự và dân sự đặc biệt.
Năm 1947, tổng thống Schuman thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Dulles trở thành phó giám đốc điều hành các chiến dịch đặc biệt trong phạm vi Cục Tình báo Trung ương. Năm 1951, ông ta được chỉ định vào chức vụ trợ lí cho giám đốc Cục Tình báo Trung ương là tướng Walter Bedell Smith. Tháng 1 năm 1953, tướng Dwight D. Eisenhower, người đánh giá rất cao anh em nhà Dulles, trở thành tổng thống Mỹ. Tổng thống đã chỉ định John Foster Dulles làm ngoại trưởng Mỹ. Ngày 9 tháng 2, Bedell Smith rời quân đội và sang giữ chức trợ lí ngoại trưởng, còn sau ba tuần Allen Dulles được chỉ định làm giám đốc Cục Tình báo Trung ương. Ông ta giữ chức vụ này tám năm.
Như vậy đã sinh ra liên minh nguy hiểm của hai anh em nhà Dulles. Trong các hoạt động ngoại giao, tình báo và hoạt động ngầm vì cuộc chiến chống mối họa cộng sản họ sẵn sàng làm mọi chuyện. Hoạt động ngầm trở thành công việc yêu thích của Allen Dulles. Những chiến dịch bí mật thường xuyên được tiến hành trong thời kì Dulles giữ chức vụ giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.
Năm 1953, Iran trở thành “điểm nóng”. Tại nước này thủ tướng Mohammed Mosadduk bắt đầu tiến hành các cải cách, quốc hữu hóa ngành sản xuất dầu mỏ của đất nước mình, mà trước tiên là động chạm đến tập đoàn dầu mỏ Anh – Iran. Các kế hoạch nằm trong chương trình cải cách có nguy cơ dẫn đến những thay đổi triệt để hơn nữa. Cục Tình báo Trung ương Mỹ phối hợp với Cục Đặc vụ Anh quyết định lật đổ Mosadduk, và đặt hi vọng vào vua Iran là Mohammed Rezu Pechlevi và các sĩ quan bảo hoàng. Nhưng nhà vua còn do dự. Tháng 8 năm 1953, Allen Dulles và đại sứ Mỹ Loy Henderson đã gặp công chúa Asraf, chị em cùng cha khác mẹ với nhà vua. Asraf là một phụ nữ mạnh mẽ và kiên quyết. Bà này đã đến Iran để thuyết phục nhà vua đồng ý tham gia vào cuộc bạo động. Đại sứ quán Mỹ ở Teheran đã biến thành Trung Tâm của vụ âm mưu tiến hành chiến dịch “AIAKS” của Mỹ. Chiến dịch đã lật đổ được chính phủ của Mosadduk nhờ có sự can thiệp quân sự và hoạt động của các nhóm nổi loạn được tổ chức tốt.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ còn tiến hành một chiến dịch bí mật nữa ở Philippins, nơi vào thời gian đó ảnh hưởng của chủ nghĩa cộng sản phát triển và hoạt động của giải phóng quân phong trào “HUKS” được tôi luyện trong cuộc chiến chống Nhật đang có nhiều thắng lợi. Đặc phái viên của Dulles là Edward Giri Lansdale đã đến Philippins và dùng những khoản tài chính lớn để tiến hành vận động chiến tranh tâm lí chống quân “đỏ”, đồng thời ông ta cũng đã tìm được một ứng cử viên tin cậy cho vị trí nguyên thủ quốc gia là ông Ramon Magsaisai. Với sự ủng hộ về mặt tài chính và vật chất kĩ thuật của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, ông này đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 1953 và trở thành một trong những sáng lập viên của khối SEATO thành lập năm 1954, là một tổ chức tương đương NATO của châu Á.
Một đối tượng khác của các chiến dịch ngầm là Watemala. Năm 1951 sĩ quan phe cực tả Arbens được bầu làm tổng thống nước này. Năm 1952, ông ta bắt đầu thực hiện những cải cách nông nghiệp triệt để và đã tịch thu mất của hãng “United Fruit” một trăm mười nghìn hecta đất màu. Tình hình ở Watermala được đích thân tổng thống Eisenhower quan tâm vì Arbens ngày càng cực tả và thân cận hơn với phe cộng sản. Tổng thống ủy thác cho Dulles việc dàn xếp tình hình Watemala. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã lên chương trình chiến dịch “Thành công”. Người Mỹ tiến hành các hoạt động mua chuộc, đe dọa, hứa hẹn… Nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ phối hợp với các nhà ngoại giao và doanh nhân của “United Fruit” cung cấp vũ khí và tiền nong cho đối thủ của Arbens. Một ứng cử viên mới được lựa chọn cho cương vị tổng thống là Mighel Indigoras Fuentos đang sống lưu vong ở Salvadora. Theo yêu cầu của Dulles, tổng thống Eisenhower đã cho phép phi công Mỹ oanh tạc lãnh thổ Watermala để thúc đẩy nhanh quá trình giải giáp chế độ. Ngày 27 tháng 6 năm 1954, Arbens đầu hàng. Khẩu hiệu cũ “Những gì có lợi cho “United Fruit” đều có lợi cho nước Mỹ” lại được giương lên.
Mục đích chính mà Eisenhower và anh em nhà Dulles theo đuổi suốt đời là kiềm chế ảnh hưởng của phe cộng sản chủ nghĩa và sau đó là tìm mọi cách để xóa bỏ nó. Để thực hiện điều này, Eisenhower đã thiết lập nên cái gọi là “chính phủ vô hình” mà bên cạnh sự đại diện của ông ta còn góp mặt các nhân vật Allen Dulles, John Foster và bộ trưởng quốc phòng. “Nội các giải quyết những vấn đề khủng hoảng” này do Allen Dulles đứng đầu.
Trong số các giải pháp thành công của Cục Tình báo Trung ương Mỹ những năm Dulles đứng đầu có thể kể đến sự ủng hộ về mặt tài chính cho tổ chức tình báo và phản gián của “viên tướng xám” Gehlen tại Tây Đức. Tổ chức này đã từ hoạt động bán công khai trở thành một cơ quan chính phủ lớn của Cộng hòa Liên bang Đức. Tại Ai Cập với sự hỗ trợ của Allen Dulles và Cục Tình báo Trung ương Mỹ, Naser và những người ủng hộ ông ta trong tổ chức “Sĩ quan tự do” đã lật đổ vua Faruk và giành chính quyền. Ban đầu Naser gây chiến với người Anh nhưng đồng thời vẫn làm bạn với người Mỹ. Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã chi những khoản tiền lớn, cố gắng biến ông ta thành một đồng minh đáng tin cậy. Nhưng chẳng bao lâu sau ông này quay sang thân Liên Xô, và Cục Tình báo Trung ương Mỹ bắt đầu nghiên cứu khả năng lật đổ ông ta với sự giúp sức của những “anh em Hồi giáo”. Hơn nữa người ta còn lên kế hoạch ám sát Naser. Tại Đài Loan, Cục Tình báo Trung ương Mỹ ủng hộ những người theo chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa. Người Mỹ thành công trong việc duy trì được chế độ xã hội được thiết lập tại đây và bảo vệ Đài Loan trước nguy cơ tấn công của Trung Quốc đại lục. Tại Hungari họ đã kích động dân chúng nổi dậy trong cuộc bạo loạn năm 1956. Sự thật là sau khi cuộc nổi loạn bị đàn áp, Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã phó mặc người Hungari cho số phận may rủi.
Đó có lẽ là tất cả những mặt “tích cực” trong hoạt động của Allen Dulles trên cương vị giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ.
Nhưng mặt tiêu cực của hoạt động này cũng rất phong phú.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ đã tung vào Liên Xô và các nước khối này một số lượng lớn điệp viên là những người di tản từ các nước thuộc Liên Xô. Nhưng hầu như không ai trong số họ còn sống sót hoặc ít ra là được tự do.
Người Mỹ đã hất chân được người Pháp khỏi Đông Dương nhưng rồi chính họ đã lập tức bị sa lầy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa và đẫm máu ở Việt Nam và kết cục chịu thất bại hoàn toàn.
Cục Tình báo Trung ương Mỹ mưu toan lật đổ Sukarno ở Indonesia. Vụ ám sát nguyên thủ quốc gia Indonesia xảy ra ngày 30 tháng 11 năm 1957 đã thất bại. Khi đó người ta liền quyết định quay sang sử dụng những phương thức khác. Cục Tình báo Trung ương Mỹ cài gián điệp của mình dưới vỏ bọc viện trợ kinh tế. Các đối thủ của tổng thống Sukarno được sự ủng hộ của người Mỹ đã tiến hành các hoạt động giao tranh và sự ủng hộ này biến thành vụ bê bối quốc tế. Tổng thống Sukarno cuối cùng cũng bị lật đổ, nhưng đó là chuyện về sau này, khi Dulles không còn tại nhiệm nữa.
Năm 1959, Cục Tình báo Trung ương Mỹ để Fidel Castro yên ổn ở La Habana. Khi hiểu ra thì mọi chuyện đã quá muộn: Castro hóa ra hoàn toàn không phải là một “nhà dân chủ” mà người Mỹ cần. Cục Tình báo Trung ương Mỹ tìm mọi cách để loại trừ Castro: hoặc lật đổ hoặc giết chết. Ủy ban Thượng viện Mỹ kết luận con số các vụ âm mưu nhằm mục đích này mà Cục Tình báo Trung ương Mỹ có nhúng tay vào là tám lần. Ban đầu người Mỹ tìm cách làm mất uy tín của Chủ tịch Castro trước dân chúng, xâm hại sức khỏe và tinh thần của ông bằng nhiều biện pháp khác nhau (như phun khí độc, tẩm độc xì gà và thậm chí là cắt bộ râu nổi tiếng…). Sau đó người ta bắt đầu lập những kế hoạch nghiêm trọng hơn. Năm 1975, trong cuộc đàm luận với nghị sĩ Macgovern, Castro tuyên bố có đến hai mươi ba vụ mưu sát nhằm vào ông đã được thực hiện.
Ngày 1 tháng 5 năm 1960 một chiếc máy bay do thám rơi tại Sverdlov (Nga), phi công Powers thay vì cắn ống thuốc độc tự vẫn đã đầu hàng người Nga và khai rằng anh ta hành động theo chỉ thị của Cục Tình báo Trung ương Mỹ. Vụ bê bối này đã trở thành cớ để Khrusov từ chối gặp Eisenhower trong một cuộc gặp gỡ cấp cao. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô giận dữ tuyên bố không thể đàm phán với một kẻ đã cho máy bay do thám bay vào vùng trời nước mình, nhất là lại vào một ngày lễ trọng đại như vậy.
Và cuối cùng là vụ bê bối trên vịnh Con Lợn của Cu Ba. Vụ đổ bộ kiều dân lưu vong Cu Ba tại đây dưới sự yểm trợ của lính đánh bộ và không quân Mỹ đã thất bại hoàn toàn. Quân nhảy dù rơi xuống biển. Hàng trăm tên phá hoại rơi vào nhà tù của Fidel Castro. Những sự kiện ở Cu Ba khiến tổng thống John Kennedy hết kiên nhẫn. Ông ta yêu cầu Dulles suy nghĩ về “sự hữu dụng nghề nghiệp” của bản thân.
Ngày 20 tháng 11 năm 1961, Allen Wels Dulles từ chức và quay sang viết sách. Đề tài chủ yếu trong sáng tác của ông ta là hoạt động của cơ quan mật vụ.
Dulles mất ngày 9 tháng 1 năm 1969 trong thời kì quyết liệt nhất của chiến tranh ở Việt Nam.
Sau đây là lời xác nhận hết sức quan trọng liên quan đến hoạt động của Allen Dulles và đặc biệt là đến niềm say mê ghê gớm của ông ta đối với “các chiến dịch ngầm”: Khi tôi thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ, nó hoàn toàn không phải trở nên theo tinh thần như nó đã trở thành – và đó là vào những năm hòa bình – trong các chiến dịch sa lầy và giết chóc. Tôi cho rằng một vài phức tạp, một vài khó khăn mà chúng ta đều biết phần nào khẳng định hoạt động tình báo chính là một vũ khí bí mật trong tay tổng thống – nhưng nó đã đi quá xa mục tiêu được đặt ra đó, và hiện nay được coi là biểu tượng của những âm mưu hiểm độc và bí mật ở nước ngoài và là đề tài cho sự tuyên truyền thù địch trong thời kì “chiến tranh lạnh”.
Tác giả lời xác nhận này không phải của ai khác mà chính của cựu tổng thống Mỹ Harry Schuman, người sáng lập ra Cục Tình báo Trung ương Mỹ, và lời trích dẫn trên được ông nói vào năm 1963.