Trước cuộc Thế chiến thứ nhất, vụ án xét xử một đại tá thuộc Bộ tổng tham mưu Áo là vụ gây xôn xao nhất trong tất cả các vụ án gián điệp. Theo nguồn tin chính thức từ nhân viên Bộ tổng tham mưu Áo – Hung là các ông Urbanski, Ronge và giám đốc cơ quan tình báo Đức Nicolai, thực chất của vụ này như sau:
Alfred Redl sinh trong gia đình một kiểm toán viên tòa án trú phòng bình thường (có tài liệu nói là nhân viên hỏa xa) tại thành phố Lemberg (Lvov) sát biên giới Nga, nơi sinh sống những người thuộc rất nhiều các dân tộc. Vì vậy từ nhỏ Alfred đã nói thành thạo mấy thứ tiếng. Năm mười lăm tuổi ông vào học trường võ bị, sau đó tốt nghiệp xuất sắc học viện sĩ quan. Không theo truyền thống đẳng cấp quân chủ, thay vì phục vụ trong một đồn binh ngoài biên chế, ông được nhận thẳng vào Bộ tổng tham mưu. Năm 1900, đã là đại úy, Alfred Redl được cử sang Nga để hoàn thiện vốn tiếng Nga và nghiên cứu tình hình đất nước không thân thiện này. Ông nghiên cứu người Nga và người Nga cũng nghiên cứu ông. Kết quả có nhận xét sau: “…tầm vóc trung bình, tóc vàng ánh bạc, ria ngắn hơi ánh bạc, lưỡng quyền hơi cao, đôi mắt tươi cười ngọt xớt. Đây là con người tinh quái, xảo quyệt, kín đáo, chăm chú, có năng lực. Lối suy nghĩ nhỏ nhen, vặt vãnh. Toàn bộ vẻ ngoài ngọt ngào thơn thớt. Cử động có suy tính, cân nhắc, chậm rãi… Ưa giải trí vui vẻ…”
Khi trở về Vienna, Redl được chỉ định làm trợ lí giám đốc Cục tình báo thuộc Bộ tổng tham mưu cho tướng – nam tước Gizel fon Gizlingen. Ông này giao cho Redl chỉ huy ban điệp viên của Cục, chịu trách nhiệm về các chiến dịch phản gián. Khi biết về cương vị mới được bổ nhiệm của Redl và so sánh điều đó với tính cách của ông ta và một vài những dữ kiện khác (chẳng hạn như khuynh hướng đồng tính luyến ái, thói xa xỉ, lãng phí), người đứng đầu cơ quan tình báo Nga ở quân khu Varsava là đại tá Batiusin đã giao cho một trong những nhân viên ưu tú nhất của mình (có khả năng đó là đại tá Vladimir Christoforovich Roop, trước năm 1903 là nhân viên quân báo Nga ở Vienna) nhiệm vụ thu dụng Redl kèm theo cung cấp cho ông ta các bản hướng dẫn và một khoản tiền lớn. Vụ mua chuộc đã thành công.
Trên cương vị chỉ huy ban phản gián, Redl thể hiện mình rất xuất sắc. Ông ta đã cải tạo và biến ban này thành một trong những cơ quan mật vụ mạnh nhất thời bấy giờ. Ông ta áp dụng những phương pháp làm việc mới như bí mật lấy dấu vân tay, đặt máy quay đĩa nghe trộm và chụp ảnh trộm. Nhưng thành tích chính của ông ta là đã lấy được những tài liệu tuyệt mật của quân đội Nga và phát hiện một số gián điệp Nga. Tất cả những việc đó tất nhiên là thực hiện với sự giúp đỡ của những bạn mới người Nga của ông ta. Cơ quan tình báo Nga không hề cắn rứt lương tâm “bán đứng” những điệp viên đã trở nên vô dụng, vòi tiền, hoặc có thể là những điệp viên hai mang. Còn tài liệu giả như thật thì do ban đặc biệt của Bộ tổng tham mưu Nga làm. Về phần Redl, những tài liệu do ông ta cung cấp thật sự có giá trị. Nhà nghiên cứu nổi tiếng Edvin Woodholl xác nhận: “Đại tá Redl đã cung cấp cho người Nga một khối lượng lớn các bản sao tài liệu, mật mã, ảnh, các bản kế hoạch, các mật lệnh trong quân đội, các biện pháp huy động quân, báo cáo về tình trạng đường sắt và đường bộ, miêu tả mẫu các thiết bị quân sự…” Ngoài ra, Redl cũng cung cấp cả kế hoạch tổng lực của Áo – Hung chống nước Nga và những kế hoạch khác của hai nước này – “nêu rõ ràng cụ thể đến từng người và từng khẩu đại bác… bằng bảng biểu, sơ đồ, bản vẽ và bản đồ… Kế hoạch này là tuyệt tác của Bộ tổng tham mưu quân đội Áo – Hung…”
Bên cạnh đó, Redl theo ý riêng mình giấu nhẹm Bộ tổng tham mưu của mình những thông tin bí mật do các điệp viên Áo – Hung gửi về từ nước Nga. Ông ta còn chỉ điểm những nhân vật đó cho Bộ tổng tham mưu Nga.
Công lao của Redl được trả giá không tồi. Ông ta sống trong một căn hộ tuyệt đẹp, có chín mươi lăm chiếc sơ mi, mười áo khoác nhà binh bằng lông, bốn trăm đôi găng tay bằng da bóng, mười đôi giầy da, còn hầm rượu có một trăm sáu mươi tám chai champagne hảo hạng. Ngoài ra, năm 1910 ông ta đã mua một điền trang lớn đắt tiền, trong vòng năm năm cuối đã mua bốn chiếc ô tô và ba con ngựa loại hay đầu bảng.
Năm 1907 được đặc cách thăng cấp đại tá, Alfred Redl trở thành người đứng thứ hai trong Cục phản gián và tình báo quân sự Áo – Hung. Chức vụ người đứng đầu cơ quan tình báo và thậm chí là lãnh đạo Bộ tổng tham mưu có khả năng sẽ về tay ông ta. Nhưng ông ta đã sa vào chiếc bẫy của chính mình. Từ khi bắt đầu hoạt động ông ta đã sắp xếp một “căn phòng đen” để xem xét thư từ. Một bức thư khả nghi đã quay trở lại bưu cục, mà khi người nhận đến lấy thư, nhân viên bưu chính đã bí mật gọi cho cảnh sát mật. Chuyện đã xảy ra như vậy với bức thư đề tên một ông Nisetas nào đó. Trong thư người ta phát hiện ra bảy nghìn curon. Cảnh sát mật lần theo cái tên “Nisetas” đã xác định được rằng đó không phải ai khác mà chính là đại tá Redl. Hơn nữa, ông ta còn khẳng định rằng chiếc hộp đựng dao để lại trên chiếc taxi mà “Nisetas” đã đi là của mình. Trước mặt các cảnh sát mật vụ ông ta đã xé vụn và ném xuống đường những tờ hóa đơn bưu chính.
Đêm đến, mấy sĩ quan do Ronge cầm đầu vào phòng khách sạn nơi Redl ở. Ông ta trả lời các sĩ quan là không có đồng bọn, còn tất cả những chứng cớ cần thiết đều ở trong nhà của ông ta ở Praha. Các sĩ quan để lại cho Redl một khẩu súng lục và bỏ đi. Khi họ quay trở lại, ông ta đã chết. Ngày 26 tháng 5 năm 1913 tất cả các báo trên đế quốc Áo – Hung đều đăng tin về vụ tự sát bất ngờ của đại tá Redl… “con người có đường công danh thật rạng rỡ”. Tiếp đó có thông tin về lễ tang trọng thể… Đến ngày sau, tờ “Praha Tageblatt” thông báo: “Một nhân vật cấp cao yêu cầu chúng tôi phủ nhận những tin đồn… liên quan đến đại tá Redl… người dường như bị buộc tội đã chuyển cho… Nga những bí mật quân sự. Trên thực tế ủy ban sĩ quan cấp cao đã đến khám xét ngôi nhà của ông với mục đích khác”. Và khi ấy chẳng có ai ngoài nhóm sĩ quan, kể cả hoàng đế Frans Joseph, biết được sự thật.
Về chuyện thông tin rò rỉ, nguồn tin chính thức giải thích như sau: để mở cửa căn hộ người ta mời anh thợ khóa Vagner là cầu thủ xuất sắc nhất của đội bóng do tổng biên tập báo Praha Tageblatt làm đội trưởng. Do vắng mặt Vagner, đội bóng đã bị thua, và anh ta thanh minh, giải thích lí do vắng mặt của bản thân với đội trưởng. Anh kia nghĩ rằng đã khám phá được một bí mật chấn động, và trong điều kiện kiểm duyệt gắt gao đã đưa tin theo lối bóng gió. Do đó dẫn đến những hiểu nhầm và tin đồn lan ra.
Nhưng lại nảy sinh nhiều cái “nhưng”.
Trong căn hộ của Redl người ta chẳng tìm thấy các tài liệu gián điệp nào cả. Không có bản photocopy lá thư của Nisetas. Vậy ông ta giữ lại những hóa đơn làm gì và tại sao lại tìm cách vứt chúng đi một cách vụng về như vậy, và làm sao mà các cảnh sát mật có thể nhanh chóng nhặt được những mẩu giấy vụn vung vãi đó? Sự nhanh chóng và hời hợt của cuộc hỏi cung Redl ở trong khách sạn dẫn đến việc lập tức đề nghị ông ta tự sát là rất đáng ngờ. Câu chuyện với anh thợ khóa – cầu thủ Vagner cũng đáng ngạc nhiên. Không lẽ người ta không thể lệnh cho anh ta “quên hết mọi chuyện và ngậm miệng lại”? Còn cả những việc của cảnh sát Áo – Hung với người hầu của Redl là Sladek. Giám đốc cảnh sát đã nói chuyện với anh ta cặn kẽ đến mức các phóng viên không moi được của anh ta lấy nửa lời. Nói tóm lại, trong vụ đại tá Redl các chứng cớ nghiêm trọng không hề có. Từ đó khiến người ta đặt ra hai câu hỏi: Vậy thực ra ai là gián điệp và tại sao vật hiến sinh lại chính là Redl?
Viên đại tá mà chúng ta đã nhắc đến ở trên là Roop đã tuyển mộ ở Vienna điệp viên mang bí số N0 25, nhưng đó có phải là Redl không thì chính Roop, lúc này đã lên tướng, lại không khẳng định. Hơn nữa, thông tin từ điệp viên đó có tính chất đúng như những điều gán cho Redl, vẫn tiếp tục được cung cấp cả sau khi Redl đã chết. Ngay trước chiến tranh 1914, một nhân viên của Bộ tổng tham mưu là Samoilo đã đến Bern gặp gỡ điệp viên mang bí số No 25 và nhận từ ông ta những thông tin mà cơ quan tình báo Nga quan tâm, nhưng cũng không biết tên ông ta là gì.
Có thể giả thiết là những sự kiện đã phát triển như sau: Đầu năm 1913 cơ quan phản gián Áo nhận được tin rằng trong Bộ tổng tham mưu có gián điệp của tình báo Nga. Nhưng các cuộc tìm kiếm không đem lại kết quả, và điều đó khiến lãnh đạo các cơ quan đặc vụ khó chịu. Vậy là cơ quan phản gián đã kiếm được “vật hiến sinh” là Redl, bắt quả tang ông ta quan hệ đồng tính luyến ái, làm tổn hại danh dự sĩ quan, hoặc có thể là phạm những tội lỗi khác nào đó. Điều đó trở thành nguyên nhân của vụ tự sát, mà cũng có thể là một vụ giết người – vì không thể đem “vụ án” ra xét xử ở tòa. Còn nhờ sự giúp đỡ của gã cầu thủ – thợ khóa và biên tập viên báo là để loan truyền câu chuyện cho dân chúng.
Dù chuyện là thế này hay thế khác, người ta đã giết Redl hay Redl tự sát thì cơ quan phản gián Áo cũng khiến ông ta “nổi danh như một trong những gián điệp hoạt động hiệu quả nhất”.