Alecxandr Corotcov sinh năm 1909 ở Moskva, trong gia đình một viên chức ngân hàng, tốt nghiệp trường phổ thông chín năm và làm nghề thợ điện. Năm 1929, anh được nhận vào làm nhân viên văn thư của ban quốc tế của cơ quan pháp luật nhà nước. Người phụ trách anh hồi đó là Mikhailo Trilixero và tiếp đó là Artua Artuzov. Do tính chất công việc của mình nên Corotcov được làm quen với nhiều tài liệu mật nhưng vẫn chưa được phê chuẩn là nhân viên tác chiến dù chỉ là nhân viên tác chiến tập sự. Mãi đến năm 1932, khi trở thành đảng viên dự bị, anh mới được coi là nhân viên tác chiến của cơ quan pháp luật nhà nước. Anh không hề lẩn tránh những hoạt động xã hội. Khi còn làm cán bộ phụ trách ở trại hè thiếu nhi, anh có dịp làm quen với một cô gái xinh xắn và thông minh cũng là phụ trách thiếu nhi tên là Maria Vincovưkaya, người vợ tương lai của anh.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên được Corotcov giải quyết thành công là làm sáng tỏ thực chất của “Gefa” – cơ quan đại diện của Bộ Tổng tham mưu Đức ở Moskva. Anh xác định được rằng nếu trước đây, khi Hitler chưa lên nắm chính quyền, cơ quan này quả thật là chăm lo những vấn đề hợp tác giữa hai Bộ Tổng tham mưu Liên Xô và Đức thì từ ngày 30 tháng 1 năm 1933, nó đã trở thành một ổ gián điệp thực sự. Những kết luận của anh còn được củng cố bằng nhiều sự việc khác và đã được đệ trình lên cấp cao nhất, kết quả là “Gefa” bị đình chỉ hoạt động.
Sau đó, Corotcov bắt đầu được huấn luyện để hoạt động ở nước ngoài. Anh học tiếng Đức và tiếng Pháp, nghiên cứu tập quán, địa lý và kinh tế của các nước khác, học những kỹ năng nghề nghiệp, kể cả việc theo dõi từ vòng ngoài. Trong quá trình huấn luyện đó, do vóc dáng cao nên anh được gán cho biệt hiệu “Cao kều”.
Năm 1933, anh được đưa vào mạng lưới điệp viên nằm vùng của Alecxandr Orlov (tức “Người Thuỵ Điển”. Về sau, Orlov trở thành nhân vật lãnh đạo “bộ ngũ Cambridge”, rồi trở thành điệp viên nằm vùng ở nước cộng hoà Tây Ban Nha và tiếp đó trở thành người tị nạn. Ông không hề tố giác bất kỳ nguồn tin nào mà ông được biết và qua đời thầm lặng ở Mỹ vào năm 1973). Còn vào năm 1933, Orlov tổ chức ở Thuỵ Sĩ một nhóm điệp viên nằm vùng với nhiệm vụ duy nhất là tìm cách xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp.
Corotcov cùng vợ là Maria (chị còn là trợ thủ và cũng là “huấn luyện viên” của anh về tiếng Đức và tiếng Pháp) từ Thuỵ Sĩ chuyển sang Pháp, nơi anh vào học khoa nhân chủng học của trường đại học Sorbonn với tư cách sinh viên bàng thính. Trong thời kỳ này, anh đã liên lạc được với hai điệp viên, ngoài ra, anh còn có nhiệm vụ tìm thêm một người nào đó nữa có thể giúp anh xâm nhập vào Bộ Tổng tham mưu Pháp. Anh đã tìm được một người nhưng hoá ra chẳng ích gì. Theo người cấp tin đang làm việc trong cơ quan phản gián Pháp thì người mà anh dự kiến lại là một kẻ mạo danh. Thất bại cũng có ích ít nhiều. Anh đành phải khẩn cấp trở về nước.
Một chi tiết lý thú là trong bức điện báo tin về việc “Cao kều” và “Gianna” (bí danh của Maria) ra đi có ghi chú: “Hành lý cá nhân của họ (một va li sách) sẽ được gửi theo đường bưu điện”. Lý thú là ở chỗ đó không phải là một va li quần áo thời trang, cũng không phải là một va li rượu cô-nhắc Pháp mà là một va li sách!
Hai vợ chồng Corotcov chỉ được ở nhà một thời gian ngắn. Tháng 4 năm 1936, họ lên đường sang Đức và tại đây, Corotcov mang tên mới là Petrovich Corotki vào làm việc tại cơ quan đại diện Bộ Công nghiệp nặng Liên Xô tại Berlin. Trong đợt công tác này, Corotcov duy trì liên lạc với một vài điệp viên, trong số đó có Hans Cumerovich, tiến sĩ khoa học, một nhà khoa học và sáng chế tài năng.
Tiến sĩ Hans đã chuyển cho Corotcov thành phần của loại mặt nạ phòng hơi độc mới, những số liệu về các chất độc và về những phương pháp đề phòng các chất độc ấy. Ông còn chuyển cho Corotcov những tin tức về rada, về ngư lôi âm học, về loại điện đài đặc biệt dùng cho xe tăng, về kỹ thuật sản xuất xăng tổng hợp và cao su tổng hợp. Cả Maria cũng làm việc với các điệp viên của mình.
Cuối năm 1937 họ nhận được lệnh trở về Moskva. Anh được giao một nhiệm vụ mới rất quan trọng và tuyệt mật. Đó là việc thủ tiêu hai kẻ thù của chế độ Xô Viết ở nước ngoài: một là Agabecov, kẻ đã từng là nhân viên an ninh Xô Viết nhưng đã phản bội và hai là Rudolf Clemen, một kẻ lưu vong chính trị Đức chạy theo Troski.
Vào tháng 12 năm 1938, sau khi trở về Moskva, Corotcov báo cáo về việc hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng một tin xấu đang chờ anh – anh bị sa thải khỏi các cơ quan an ninh. Nguyên nhân: anh vào làm việc tại cơ quan pháp luật nhà nước là theo lời giới thiệu của một người về sau bị coi là “kẻ thù của nhân dân”. Anh gửi đơn khiếu nại lên tận Bộ trưởng An ninh. Hành động này là chuyện khác thường đối với thời kỳ đó. Thật bất ngờ đối với Corotcov là đến cuối năm 1942, anh lại được gọi đi làm, được cấp hộ chiếu ngoại giao và được cử đi công tác hai tháng tại Đan Mạch và Na Uy với tư cách là “giao liên ngoại giao” của bộ máy trung ương Bộ Nội vụ. Thực chất nhiệm vụ này là gì thì không thấy nói đến trong các tư liệu lưu trữ, nhưng có thể khẳng định là Corotcov đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ đó: sau khi trở về Moskva, anh được thăng chức, trở thành phó trưởng phòng và được chuyển từ đảng viên dự bị thành đảng viên chính thức Đảng Cộng sản Liên Xô.
Quãng thời gian này là những năm nặng nề đối với ngành tình báo Xô Viết: những điệp viên ưu tú bị đàn áp, mạng lưới điệp viên nước ngoài bị mất liên lạc. Mùa hè năm 1940 có quyết định khôi phục lại mạng lưới điệp viên ở Đức và nếu có thể thì mở rộng mạng lưới đó. Đúng lúc ấy, vào cuối năm 1940, một điệp viên có bí danh là “Braitenbac” nằm trong bản danh sách được bỏ vào hòm thư của sứ quán và lâu nay bị mất liên lạc, cũng đề nghị được nối lại liên lạc. Có lẽ cũng nên biết thêm là trước đó một thời gian, vợ của Corotcov cũng đã duy trì liên lạc với người điệp viên này thông qua một điểm hẹn bí mật. Nhưng cả chị lẫn Corotcov đều không biết mặt “Braitenbac” cũng như không biết bí danh và tên thật của người này.
Đến tháng 7 năm 1940, Corotcov (dưới bí danh là “Stepanov”) được trao nhiệm vụ đi Berlin chỉ trong một tháng để khôi phục lại liên lạc với khoảng một chục điệp viên nằm vùng. Nhiệm vụ này thật không dễ dàng nếu lưu ý đến thời hạn ngắn ngủi và tình hình căng thẳng ở Đức vào lúc đó.
Corotcov không khó khăn lắm gặp được “Braitenbac” (tức nhân viên Gestapo Leman). Hai bên lập tức tìm được tiếng nói chung và gặp nhau tất cả 4 lần. Trong lần gặp thứ hai, “Braitenbac” chuyển cho Corotcov bản sao bản báo cáo của Haydric cho ban lãnh đạo nước Đức phát xít có nhan đề “Về hoạt động phá hoại của Liên Xô chống Đức” và miêu tả chi tiết cho Corotcov biết về việc cải tổ các cơ quan an ninh Đức, điều này đã cho phép cơ quan tình báo Xô Viết điều chỉnh lại hoạt động của mình. Nhưng Corotcov không có kế hoạch làm việc lâu dài với “Braitenbac” và anh để “Braitenbac” liên lạc với một thành viên trẻ của mạng lưới điệp viên ở Đức là Giuravlev.
Sau đó, Corotcov (đối với người Đức thì tên anh là Corotcov Erdberg) bắt đầu khôi phục lại các mối liên lạc khác. Trong số đó có những người đã tham gia vào “Dàn đồng ca đỏ” Berlin và đã đi vào lịch sử như Arvit Harnar (tức “Người Baltic” và cũng tức là “Người đảo Corse”), Harro Schulze-Boysen (tức “Anh cả”), Adam Kukhov (tức “Ông lão”) và nhiều người khác.
Arvit Harnar, một nhà kinh tế và là cộng tác viên quan trọng của Bộ Kinh tế Đức, lúc đầu không tin Corotcov. Anh đành phải vi phạm những quy tắc được thừa nhận trong hoạt động gián điệp bằng cách đặt Arvit Harnar xuống sàn xe chở đến sứ quán, và chỉ tại đây, trong căn phòng không sợ bị nghe trộm, hai người mới tìm được tiếng nói chung. Arvit Harnar báo cáo rằng ông có mười sáu người cấp tin, những người có địa vị, nghề nghiệp và thậm chí quan điểm chính trị khác nhau nhưng đều có một điểm chung là căm thù chủ nghĩa phát xít. Trong số mười sáu người đó có nhà triết học kiêm nhà viết kịch Adam Kukhov, nhà điêu khắc Kurt Schumacher, thượng uý Harro Schulze-Boysen, viên chức bộ hàng không, người bạn cùng tư tưởng của Arvit Harnar và cũng là người có nhiều nguồn cấp tin v.v… Nhưng mãi về sau Corotcov mới thiết lập mối liên lạc với những nhân vật này, còn tạm thời thì anh liên lạc với họ thông qua Arvit Harnar.
Tiếp đấy, Corotcov khôi phục mối liên lạc với Hans Cummerov (tức “Bộ lọc”) và Erhard Tomfer.
Sau đó, anh được gọi về Moskva để báo cáo về những công việc đã làm được và anh nghỉ hai tháng ở Moskva. Rồi anh lại được cử đi công tác dài hạn ở Berlin, nhưng đợt công tác này chỉ kéo dài có nửa năm.
Nhiệm vụ chủ yếu mà ban lãnh đạo cơ quan tình báo Xô Viết truyền đạt bằng miệng cho Corotcov là tìm hiểu những kế hoạch của ban lãnh đạo nước Đức phát xít về thời gian tấn công Liên Xô. Nhiệm vụ viết bằng văn bản không có điểm này bởi lẽ Stalin tin rằng trong hai – ba năm tới, Hitler không có ý định tấn công nhà nước Xô Viết.
Ngày 18 tháng 4 năm 1941, tất cả các mạng lưới điệp viên nằm vùng ở châu Âu đều nhận được chỉ thị yêu cầu đẩy mạnh công tác với các điệp viên trong trường hợp chiến tranh có thể nổ ra. Tuy nhiên, bản chỉ thị này không có chữ ký của bộ trưởng Meckhulov mà chỉ có chữ ký của phó giám đốc cơ quan tình báo Sudoplatov. Vậy mà các nguồn tin như “Người đảo Corse”, “Ông lão” và các nguồn tin khác đều thông báo về việc chuẩn bị và thậm chí về thời gian tấn công Liên Xô của phát xít Đức. Tuy nhiên, xét theo phản ứng của Moskva thì Trung Tâm đánh giá không đủ khách quan mối nguy hiểm của tình hình lúc đó.
Điệp viên nằm vùng chính thức của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết là Amaac, một nhân vật thân cận của Bộ trưởng Nội vụ Beria. Nhưng trong thực tế, mọi “đầu dây thần kinh” đều nằm trong tay Corotcov. Anh nắm mọi tin tức do các điệp viên khác thu thập được, anh cũng là người chuẩn bị thư từ và các bản mật mã gửi về Moskva. Nhưng Moskva không hề có bất kỳ phản ứng thích đáng nào!
Trong bối cảnh đó, Corotcov đã quyết định đi một nước cờ chưa từng có. Ngày 20 tháng 3 năm 1941, anh đích thân viết thư cho Beria. Bức thư này hiện còn được lưu giữ trong hồ sơ cá nhân của Corotcov. Chắc hẳn vì xúc động nên anh đã lầm lẫn ngày tháng bởi vì bức thư đề ngày 20 tháng 3 năm 1940. Trong thư, Corotcov trình bày rõ ràng những tin tức mà anh nhận được, chủ yếu là từ “Người đảo Corse”, “Anh cả”, “Braitenbac” và từ một số nguồn tin khác. Tất cả đều nói tới nguy cơ nước Đức phát xít tấn công Liên Xô vào tháng 5 năm 1941. Nhưng không thấy Trung Tâm trả lời, còn bức thư thì được đính kèm vào hồ sơ. Phản ứng duy nhất là đồng ý về món quà thực phẩm mà Corotcov đề nghị gửi cho “Người đảo Corse”.
Corotcov phải duy trì mối liên lạc thường xuyên với ba điệp viên chủ chốt là “Người đảo Corse”, “Anh cả” và “Ông lão”, một việc rất nguy hiểm đối với cả bốn người. Nhưng không có lối thoát nào khác: anh là điệp viên giàu kinh nghiệm nhất và lão luyện nhất.
Mãi đến tháng 4, Trung Tâm mới báo động về việc xây dựng mối liên lạc chắc chắn với các điệp viên trong thời chiến, về việc thành lập những cơ sở điện đài độc lập, về việc tuyển mộ nhân viên điện đài v.v… Thời gian đã rất gấp rút. Các điện đài có bán kính hoạt động tới Brest – Belostoc (mà đây lại là khu vực sẽ bị quân Đức chiếm đóng ngay trong những ngày đầu chiến tranh) được gửi đi. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người, kể cả những người trong giới tình báo, lại tin rằng chiến tranh chỉ nay mai sẽ nổ ra. Một trong những bằng chứng cho thấy điều đó là tập hồ sơ “Trao đổi thư từ với mạng lưới điệp viên Berlin” hiện vẫn được lưu giữ trong bộ phận lưu trữ của cơ quan Tình báo Đối ngoại Xô Viết: tài liệu cuối cùng được đưa vào tập hồ sơ này nói về việc cho phép một điệp viên nằm vùng thuê nhũ mẫu cho đứa con nhỏ, có ghi rõ cả tiền công được phép trả.
Sau khi chiến tranh bùng nổ, Corotcov cùng các nhân viên sứ quán Xô Viết trở về Moskva. Tại đây, anh nhận được một tin chẳng lành: mối liên lạc với nhóm Schulze-Boysen bị đứt đoạn bởi vì bọn Đức đã chiếm được tất cả những thành phố có những cơ sở tiếp nhận điện đài. Phải khôi phục lại liên lạc cũng như phải đào tạo các điệp viên mới để phái sang Đức.
Tuy nhiên, vì những lý do này hay khác, những cố gắng nhằm gửi liên lạc viên đến Berlin đều không đem lại kết quả. Vì vậy, phải nhờ đến sự giúp đỡ của giới quân đội. Một điệp viên nằm vùng của Tổng cục Tình báo Xô Viết là Gurevich (tức “Kent”) đã từ Bỉ đến được Berlin và khôi phục được mối liên lạc. Nhưng đã xảy ra một thảm họa: loại mật mã mà Gurevich sử dụng để thông báo địa chỉ và họ tên những điệp viên nằm vùng của Liên Xô cũng như các mật khẩu đều bị phản gián Đức thu được và giải mã. Và thế là bắt đầu sự tan vỡ của “Dàn đồng ca đỏ”. Schulze-Boysen, Harnar, Sumakher và các thành viên khác của “Dàn đồng ca đỏ” – tất cả có đến vài chục người cả nam lẫn nữ – bị Gestapo bắt rồi bị treo cổ hoặc đưa lên máy chém. Nhưng trước khi chết, họ vẫn kịp truyền qua “Kent” nhiều tin tức quý giá về kế hoạch của bọn Đức ở vùng ngoại vi Moskva và về các kế hoạch tấn công của quân đội Đức vào mùa hè năm 1942.
Corotcov và bạn bè của anh đã đào tạo được một số nhóm phá hoại – trinh sát gồm những binh sĩ Đức bị bắt làm tù binh hoặc chạy sang hàng ngũ Hồng quân và phái họ vào hậu phương phát xít. Một trong những nhóm đó dưới sự lãnh đạo của hạ sĩ quan Hains Muller đã thực hiện một số chiến dịch táo bạo ở Berlin và ngày 25 tháng 4 năm 1945 đã gặp gỡ các đơn vị quân đội Xô Viết.
Trước khi chiến tranh kết thúc, Corotcov đã từng bay sang Afganistan, Nam Tư, Rumani để thực hiện các chiến dịch phá hoại. Và ngay khi chiến tranh vừa kết thúc, Corotcov đã được trao nhiệm vụ tháp tùng và bảo đảm an ninh cho đoàn đại biểu của nước Đức phát xít đến Berlin để ký văn bản đầu hàng vô điều kiện. Có thể nhìn thấy anh trên những bức ảnh ghi lại biến cố này: đứng đằng sau tên Kayten đang cúi người xuống văn bản đầu hàng là một sĩ quan Xô Viết trông trẻ trung, cân đối, – đó chính là Alecxandr Corotcov, người đã rời Berlin vào tháng 6 năm 1941 để rồi thắng lợi trở về vào tháng 5 năm 1945.
Bắt đầu những ngày bình thường sau chiến tranh. Corotcov sắp xếp hoạt động tình báo ở Đức, xây dựng một mạng lưới điệp viên mới, thiết lập mối liên lạc với các đồng minh. Anh đã thực hiện nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch trao đổi tên thuỷ sư đô đốc Đức Reder bị bắt làm tù binh lấy hai viên tướng của tên phản bội Vlasov là Malưskin và Gilecov (hai viên tướng này về sau bị kết án cùng Vlasov rồi bị treo cổ), chiến dịch tìm kiếm và đưa về Liên Xô những xí nghiệp và chuyên gia ngành chế tạo tên lửa, chiến dịch truy tìm những tên tội phạm quốc xã lẩn trốn…
Năm 1946, Corotcov trở về Moskva, anh được cử làm phó giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài và đồng thời lãnh đạo hệ thống điệp viên nằm vùng. Anh ở cương vị này cho đến năm 1957. Trong khoảng thời gian đó, anh đã đào tạo được hàng chục điệp viên nằm vùng. Anh là “cha đỡ đầu” của cặp vợ chồng Mikhail Fedorov và Galina, của De Las Eras Africa, của Mikhail Philonenco và Anna, của Canon Mơladoi, của Moris và Leontina Coien, của Willi Fisher – Rudolf-Abel cùng nhiều người khác.
Tháng 3 năm 1957, Corotcov được cử làm đại diện của Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô bên cạnh Bộ An ninh Quốc gia cộng hòa dân chủ Đức. Đây không phải là một sự giáng chức bởi vì vào lúc đó, sự đối đầu giữa cộng hòa liên bang Đức và cộng hòa dân chủ Đức đã trở thành một trong những nhân tố chủ yếu của cuộc “chiến tranh lạnh”.
Nhiệm vụ của Corotcov không chỉ là tổ chức mạng lưới điệp viên trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức (những đối tượng chính là phủ Thủ tướng, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, cơ quan an ninh và các chính đảng). Nhiệm vụ của Corotcov còn là thu xếp mối quan hệ qua lại với các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức, một công việc hết sức tế nhị đòi hỏi tài năng của một nhà ngoại giao thực sự. Điều vinh dự cho Corotcov là anh không những đã trở thành người đồng chí của các cơ quan an ninh cộng hòa dân chủ Đức mà còn là bạn của họ. Anh tìm được cách tiếp cận với cả hai nhân vật không ưa gì nhau là Bộ trưởng Minca và Giám đốc cơ quan tình báo Wolf.
Corotcov còn đích thân làm việc với điệp viên Xô Viết Heinz Felfe và nhiều điệp viên nằm vùng khác hoạt động trên lãnh thổ cộng hòa liên bang Đức.
Vào những năm cuối cùng đời hoạt động của mình, Corotcov có quan hệ rất căng thẳng với Giám đốc Uỷ ban An ninh Quốc gia Corotcov Selepin. Những cuộc bắt bẻ, trách mắng và “khiêu khích” thường xuyên từ phía Selepin đã khiến Corotcov mắc chứng trầm uất.
Ngày mồng 7 tháng 1 năm 1961, trong thời gian bị gọi về Moskva như thường lệ và sau khi báo cáo xong với ban lãnh đạo, Corotcov đi đến sân vận động “Dinamo” để chơi quần vợt như đã hẹn với người bạn của anh là Ivan Serov, Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo. Trong lúc đang chơi thì anh qua đời.
Toàn bộ ban lãnh đạo Bộ Nội vụ Liên Xô đến dự đám tang anh. Nhưng không thấy Selepin đến chia buồn.