Alecsandr Tsek (Thế Kỷ XX) Điệp Vụ Ăn Cắp Bộ Mật Mã Ngoại Giao Đức

Cuộc chiến tranh của những người lập mã và giải mã cũng không kém phần khốc liệt so với cuộc chiến tranh ngoài chiến địa. Nó có quy mô đặc biệt trong những năm Đại chiến thế giới I, khi liên lạc vô tuyến được sử dụng rộng rãi.

Tháng 10-1914 ở vịnh Phần Lan thuỷ quân Nga đã đánh chìm một tuần dương hạm nhỏ của Đức “Magdeburg”, thu được một cuốn sách nguyên vẹn các mật mã của hải quân Đức. Mọi việc hết sức tốt đẹp, quân Đức không biết gì và vẫn tiếp tục sử dụng mật mã cũ. Chiến tích này người Nga chia sẻ với quân Đồng minh, trong suốt cuộc chiến tranh người Anh đã đọc được các bức điện của thuỷ thủ Đức. Đọc mật mã là việc của một phân đội tình báo Anh dưới quyền Redzhinald Holl. đó là “Phòng 40”, nơi làm việc của những chuyên gia tài giỏi. Nhờ nhóm này (và cả món quà của người Nga) mà thuỷ quân Hoàng gia đã đánh thắng một trận ngoạn mục đối với quân Đức ở Anh cuối tháng 5-1916. Một việc khó khăn hơn là giải bộ mã ngoại giao Đức. Đã hết sức cố gắng nhưng “Phòng 40” vẫn không khám phá được bí mật.

Ban chỉ huy tình báo Anh hiểu rằng không thể lặp lại được một chiến công như đối với tàu “Magdeburg”. Muốn kiếm được bộ mật mã Đức phải có một đội tình báo. Tình báo Anh có khả năng nhiều nhất là ở Bỉ. Họ hướng tới đó. Thiếu tá Cameron được giao nhiệm vụ lãnh đạo các điệp viên ở miền Bắc nước Pháp và ở Bỉ (cô y tá người Anh Edit Kavel, những thanh niên Bỉ Margerit Valrevens và Marta Knokert, cô gái Pháp Louisa Bettini tức Alisa Duybua và những người khác). Trong nhóm này có đội mật mã của thiếu tá Trench. Họ chuyên đi săn lùng các sách mật mã ở những khinh khí cầu Đức bị bắn rơi, đôi khi họ cũng có thắng lợi. Nhưng bộ mã ngoại giao thì không sao kiếm được.

Thế nhưng lúc đó ở Bỉ có một sự kiện không ai chú ý.

Ngay khi bắt đầu cuộc chiếm đóng thì ở trung tâm Brussel có một sĩ quan Đức đến ở nhà một người giàu có. Gia chủ là một nhà doanh nghiệp Áo gốc người Tiệp họ là Tsek sống cùng với con trai là Alecsandr và vợ là một người Anh. Trong thời gian đó bà đang ở bên Anh thì chiến tranh nổ ra, và vì bà là thần dân của nước thù địch (Áo- Hung) nên bị giam lại. Một hôm Alecsandr gõ cửa phòng viên sĩ quan xin vào nói một chuyện quan trọng. Việc là thế này: khi làm thí nghiệm về điện tín vô tuyến anh đã làm được một máy thu thanh đặc biệt để trên tầng sát mái. Vì thế anh yêu cầu viên sĩ quan thông báo cho ban chỉ huy để họ không nghi anh làm gián điệp. Viên sĩ quan an ủi chàng thanh niên ngây thơ và nói lại chuyện này với một người bạn trong trung đội kỹ thuật điện. Anh này đến xem máy móc và xác nhận rằng quả thật Alecsandr làm được một máy thu thanh mà quân đội Đức cũng chưa có: máy này có thể thu được cả sóng cực ngắn lẫn sóng dài. Họ báo cáo về anh và chiếc máy đó cho chỉ huy biết. Người ta chú ý đến anh. Chính quyền quân sự và đội phản gián đã khám xét gia đình Alecsandr. Các nhóm quyền lực Áo-Hung đã biết rằng bọn phản gián chú ý đến Alecsandr. Người ta đặt yêu cầu. Bộ chỉ huy quân sự đã trả lời, và về phía mình bộ chỉ huy cũng quan tâm xem có thể lợi dụng được hay không những tri thức kỹ thuật của anh và yêu cầu anh làm một việc có liên quan đến những bí mật quân sự quan trọng. Câu trả lời có ngay: “Anh không bị nghi ngờ gì cả”. Alecsandr được mời đi làm. Những quan điểm của anh trùng với những quan điểm của bố, coi mình là người yêu nước của Áo và sẵn sàng nhận lời đề nghị.

Anh được nhận vào làm một chức nhỏ trong Đài truyền thanh trung ương dân sự Bỉ. Đầu tiên anh làm việc lắp ráp máy móc. Anh tỏ ra kiên trì và có năng lực, chẳng mấy chốc được cấp trên hoàn toàn tin tưởng. Anh được bố trí vào làm một trong những vị trí có trách nhiệm nhất của người chuyên thu những bức điện mà chính quyền Đức ở Bỉ nhận được từ Berlin cũng như từ các bộ chỉ huy quân sự. Đó là một công việc hoàn toàn bí mật. Bộ mật mã được dùng để gửi những văn kiện cực kỳ quan trọng của chính phủ chỉ được lưu ở những quan chức trọng yếu nhất. Những cuốn sách ghi mật mã chỉ có ở các tư lệnh, các toàn quyền các vùng lãnh thổ chiếm được và ở các đại sứ Đức.

Khoá điện tín Đức đã được soạn thảo từ những năm trước chiến tranh, được lưu vào hai quyển sách. Quyển “dày” là bảng chữ cái và một vài từ được thể hiện bằng những ký hiệu số quy ước. Quyển này không dùng được nếu thiếu quyển hai là quyển “mỏng”. Quyển này quy định ngày nào trong năm thì dùng khoá nào, bởi vì các số ở quyển một hàng ngày thay đổi ý nghĩa. Ngoài ra, vào những ngày khác nhau trong năm các khoá của quyển dày lại có cách kết hợp riêng với những số nhất định của quyển mỏng. Mật mã của người Đức thuộc hạng những mật mã thực sự là không thể giải được.

Alecsandr Tsek là một trong mấy người phải ngồi suốt ngày đêm trong một căn phòng cách ly và được bảo vệ để giải mã những bức điện mật của chính phủ gửi cho toàn quyền nước Bỉ bị chiếm đóng Moris fon Bissing.

Tình báo Anh vẫn tiếp tục tìm kiếm các mật mã Đức. Thiếu tá Trench nói rõ rằng ở Brussel có một trạm rađiô nhận được các bức điện theo một mật mã. Ông lệnh cho các nhân viên ở Bỉ tìm hiểu xem ai là người giải được mật mã. Họ thông báo tên tuổi mấy người. Tình báo Anh tìm hiểu mọi thông tin về các nhân viên đài truyền thanh và chú ý đến Alecsandr Tsek. Mọi người thấy chọn anh là hợp, vì anh có một nửa dòng máu người Anh, mẹ anh đang ở nước Anh và đang bị chính quyền Anh bắt giữ.

Người vận động được anh là cô y tá Edit Kavel và nhà xuất bản bí mật Phillip Bokk. Để đổi lại người ta hứa đảm bảo an ninh cho bà mẹ yêu quý của anh và đưa anh sang Anh khi anh hoàn thành công việc. Người ta đã trao cho anh bức thư của mẹ anh. Alecsandr Tsek chăm chú nghe rồi đọc bức thư trong đó mẹ anh bảo anh rất thận trọng đối với những gì mọi người sắp nói. Vào thời điểm này anh đã thất vọng với Đồng minh Đức của Áo-Hung, với vua Wilhelm. Đề nghị của hai người khiến anh vui mừng, hơn nữa anh đang lo lắng cho mẹ. Anh đồng ý.

Lãnh đạo tình báo Bendzhamin Holl làm việc theo kiểu lính tráng. Ông đề nghị Alecsandr ăn cắp sách mật mã, rồi đến đêm rất thận trọng chạy sang nước Hà Lan trung lập. Nhưng thiếu tá Trench phản đối.

— Khi biết là mất, bọn Đức sẽ thay ngay khoá mã, và cuộc phiêu lưu phí công.

Đề nghị của Trench được chấp nhận – đêm đêm khi ngồi trực, anh phải chép lại cả hai cuốn sách. Công việc đó thật nặng nề và nguy hiểm, anh đã phát ốm thật sự. Bác sĩ xác nhận là quá sức. Khi hơi hồi sức anh phải bắt tay vào phần hai của công việc: chuyển được hai cuốn đó sang Hà Lan. Đêm 14-8-1915, người giao liên dẫn anh đến đường dây điện cao thế và chỉ cho anh một chỗ bảo vệ sơ sài. Tại đó, dùng một chiếc xe đạp có các tấm gỗ cách điện che chắn anh đã lách được sang đất nước Hà Lan.

Hai cuốn này được đưa vào tay thiếu tá Oppengeym, trùm tình báo Anh ở Rotterdam, qua ông ta lại đến tay đô đốc Holl. Từ ngày đó, tức là trước khi Mỹ tham chiến khá lâu, quân Đồng minh đã có khả năng giải mã các bức điện mật của chính phủ Đức. Hành động của Alecsandr Tsek đã dẫn tới chỗ nước Mỹ tham chiến và nhìn chung đã thấy nước Đức thất bại. Vì thế đôi khi các nhà sử học gọi Alecsandr Tsek là người quyết định kết cục cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất.

Câu chuyện xảy ra như thế nào?

Ngày 17-1-1917, “Phòng 40” nhận được một bức điện. Cũng như nhiều bức khác, bức này đã đi qua hãng thông tin Mỹ “Western Union”, và người Anh đã nhận lại bằng cách “ăn cướp”.

Những người giải mã là của nhóm A là Naidzel di Grey và William Montgomeri. Những nhóm số đầu tiên cho thấy rằng nó thuộc bộ chữ kiểu 13040 là số khoá của mật mã ngoại giao Đức. Chẳng bao lâu người ta đã đọc được cả chữ ký dưới bức điện (97556). Đó chính là Artur Tsimmerman – Bộ trưởng Ngoại giao Đức. Bức điện gửi cho chỉ huy Đức ở Mexico là fon Ekardt:

“Bản tham khảo số 13042. Bộ Ngoại giao, ngày 16-1-1917. Tuyệt mật. Phải tự mình giải mã. Chúng ta có ý định bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm không giới hạn từ ngày 1-2. Tuy thế, tôi cho rằng vẫn có khả năng duy trì tính trung lập của nước Mỹ. Nếu những cố gắng của chúng ta theo hướng này không có kết quả, chúng ta sẽ ký kết đồng minh với Mexico theo những điều kiện sau đây. Chúng ta sẽ coi họ là đồng minh và sẽ ký kết hoà bình. Chúng ta có thể dành cho họ một khoản viện trợ tài chính và cố gắng trả lại cho họ những miền đất mà họ đã mất năm 1848, tức là các bang New Mexico và Arizona. Việc định ra chi tiết cho kế hoạch này là tuỳ theo ý kiến của ông. Nhiệm vụ của ông là phải nghiên cứu tuyệt mật ý kiến của Karantsa, và khi nào ông ta biết rằng chúng ta không thể tránh khỏi chiến tranh với Mỹ, thì hãy nhắc nhở rằng nếu là khôn ngoan thì ông ta hãy chủ động đàm phán với Nhật Bản về chuyện đồng minh, hãy đàm phán đến khi có kết quả tốt đẹp, sau đó ngay lập tức phải đề nghị được làm người trung gian giữa Đức và Nhật. Hãy lưu ý ông Karantsa rằng khi chúng ta bắt đầu cuộc chiến tranh tàu ngầm ác liệt thì sẽ có điều kiện làm tê liệt nước Anh và có thể tiến tới hoà bình trong vòng vài ba tháng. Tsimmerman”.

Bức điện này rơi vào tay phó đô đốc Redzhinald Holl. Lập tức ông phải báo cho Tổng thống và nhân dân Mỹ biết. Nhưng làm thế nào thực hiện được việc đó mà không để cho toàn thế giới biết rằng “Phòng 40” có khả năng thu tóm và đọc những văn kiện bí mật nhất của quân thù?

Lúc này, khi Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson đang hội đàm với Đại sứ Đức về việc hạn chế cuộc chiến tranh tàu ngầm thì bí thư Bộ Ngoại giao của nhà vua lại tăng cường tìm kiếm những lực lượng chống Mỹ ở Mexico và Nhật Bản, còn hạm đội của nhà vua thì chuẩn bị mở rộng các hoạt động tàu ngầm. Người ta quyết định công khai hoá bức điện bằng cách này: ở Mexico họ thoả thuận với “Westhern Union” để có được bản sao bức điện và trình nó cho Washington. Ai giải mã và giải thế nào thì phải im lặng. Họ làm đúng như vậy. Nội dung bức điện được chuyển cho sứ quán Mỹ ở London.

Việc công bố bức điện làm dấy lên một cơn bão phẫn nộ khắp thế giới. Như thế là nước Đức đã âm mưu chống lại thêm một cường quốc trung lập nữa và muốn lôi kéo Nhật vào vòng chiến chống Anh và Mỹ. Báo chí Mỹ lên tiếng ủng hộ chiến tranh, đã nhấn mạnh đến những hiểm họa đe dọa nước Mỹ. Họ viết rằng theo các nhà quân sự lớn của Mỹ thì việc Nhật tấn công Mỹ sẽ diễn ra theo con đường cắt ngang lãnh thổ Mexico tới thung lũng Missisipi để chia đất nước ra làm hai phần.

Sau khi hãng “Reutes” công bố bức điện, bọn Đức mới biết rằng văn bản đã rơi vào tay kẻ địch. Cả nước Đức ngỡ ngàng. Ngoại trưởng Tsimmerman đã phải tường trình trước quốc hội. Đáng lẽ phải từ bỏ bức điện đó, phải gọi việc này là giả mạo và khiêu khích, thì ông lại nói rằng ông hoàn toàn không hiểu vì sao nó rơi vào tay người Mỹ, vì nó được gửi đi “bằng mã tối mật”. Trong cuộc họp báo ông cũng lâm vào tình trạng tồi tệ: vì giận dữ vô lối trước cách nói thô bạo của người Anh, ông lại đã khẳng định tính nguyên tắc của văn bản. Hậu quả sẽ ra sao? Tổng thống Wilson bị giáng một đòn mạnh, khi biết được trò chơi hai mặt của người Đức. Ngày 3-2, Mỹ tuyên bố cắt đứt quan hệ với Đức, và ngày 6-4-1917 tuyên bố Mỹ tham chiến.

Còn số phận nhân vật chính Alecsandr Tsek ra sao?

Anh vượt biên… và mất tích. Không ai nhìn thấy anh ở đâu bao giờ. Thậm chí người ta cũng không biết các văn bản rơi vào tay Tổng thống Anh như thế nào. Tựa hồ Alecsandr Tsek lặn xuống đáy nước, không ai tìm thấy dấu hiệu nào xem anh sống chết ra sao. Ông bố tội nghiệp tốn bao nhiêu tiền của để tìm kiếm anh, một dạo đã nuôi cả một đội thám tử, nhưng vô ích. Dấu vết duy nhất mà ông bố biết được đã dẫn mọi người từ Hà Lan sang Anh. Ông bố viết một bức thư tuyệt vọng gửi ngài Redzhinald Holl. Ngày 3-5-1925, Holl trả lời rằng ông không hề thấy hoặc nghe thấy tên người nào là Alecsandr Tsek. Nhưng ông ta đã lờ đi một chuyện. Ông rất lo lắng là điều gì sẽ xảy ra khi quân Đức biết việc chạy trốn của người giải mật mã. Chúng sẽ thay đổi mã và thế là mọi việc lại bắt đầu từ đầu! Nếu anh ta còn sống thì anh ta có thể thú nhận rằng chính anh ta đã trao mật mã cho người Anh. Nếu hoàn toàn xa lánh được anh thì đấy lại là một chuyện khác. Các nhà nghiên cứu cho rằng pháp luật hà khắc đã xử tử anh. Nói đúng hơn, người Anh đã mang xác anh về Brussel để khẳng định với người Đức rằng Tsek đã chết trong một tai nạn. Kết quả là nhân viên mật mã của vua Đức vẫn tiếp tục dùng những bộ mã cũ.

Thế nhưng lại vẫn có những người làm chứng rằng anh đang phục vụ cho tình báo Anh. Đó là Edit Kavel và Phillip Bokk. Nhóm của họ bị Đức bắt ngay ngày hôm sau khi Tsek chạy sang Hà Lan. Trong tập bút ký viết về Edit Kavel có kể lại rằng trước khi ra toà người ta đã có khả năng tổ chức cho Edit Kavel trốn trại, và để cứu thoát cô, chỉ cần có một ngàn bảng Anh. Nhưng tình báo Anh quan tâm đến vấn đề ngược lại – làm sao thoát khỏi những nhân chứng có liên quan đến việc giải mã. Cùng với những người khác Edit Kavel và Phillip Bokk bị kết án tử hình. Tướng Bissing tha cho 3 người. Edit Kavel và Phillip Bokk bị xử tử ngày 12-10-1915.

error: Content is protected !!