20 – Dật sự

Duyệt coi quân nghiêm ngặt, người nào hơi trái quân lệnh tức thì trị tội không hề khoan dong. Vậy mà đối với binh sỹ rất có ân tình, những kẻ đau ốm, bị thương, Duyệt săn sóc cẩn thận. Nhất là những ai chẳng may chết trận, Duyệt rất kính trọng và thương xót.

Trận đánh ở cửa biển Thi Nại, nhờ sự hăng hái, can đảm của Duyệt mà được đại thắng, nhưng tướng sỹ chết hại có đến hơn 600 người. Bình sanh Duyệt lấy trận đó làm đau nhất. Sau khi đất nước thống nhất, hằng năm, đến ngày mười sáu tháng giêng, Duyệt sai bầy lễ tam sanh cúng tế những người chết về trận ấy! khi cúng, Duyệt tự đốt nhang khấn khứa, khóc lóc thảm thiết.

Tánh Duyệt rất ưa hát bộ, mà ở Gia Định trước kia chưa có. Vì đất ấy mới mở mang được từ đời họ Nguyễn, lối hát ấy ở đường ngoài chưa truyền đến nơi. Khi làm Tổng trấn, Duyệt mới lập ra một gánh hát bộ riêng của mình để thỉnh thoảng hát chơi. Con hát của Duyệt luyện tập, đều là những tay đào kép tài giỏi, được vừa ý Duyệt. Lúc còn vua Gia Long, Duyệt hát suốt ngày suốt đêm. Đến hồi vua ấy tạ thế, triều đình cấm âm nhạc, Duyệt mới thôi hát.

Nam Kỳ có nghề hát bộ là tự bấy giờ.

Hồi Duyệt theo vua Gia Long ở đậu bên Xiêm, vua Xiêm đối đãi với vua tôi Duyệt không ra thế nào. Duyệt vẫn căm giận không quên. Lúc làm Tổng trấn Gia Định, Duyệt muốn kéo quân đánh Xiêm cho đỡ hờn, nên đã sắm sửa sẵn sàng.

Về mặt bộ, Duyệt có đắp một con đường lớn từ chợ Ông Lãnh qua Trặng Bàng lên Tây Ninh. Đó là Duyệt định sẽ theo đường ấy mà kéo quân lên Nam Vang.

Về mặt thủy, Duyệt khai một cái kênh lớn từ Châu Đốc đến Trà Lơn tức là kênh Vĩnh Tế, ý Duyệt muốn dùng kênh ấy để vận tải lương thực và thủy quân.

Về quân lính, Duyệt đã thao luyện được một cơ voi, một cơ cọp và mười tám cơ Tuyển Phong. Tuyển Phong là những binh có biết võ nghệ, mỗi cơ 10 vệ, mội vệ 10 đội, mỗi đội 50 người 91). Vậy là lúc ấy Duyệt đã có được một vạn người biết võ nghệ, còn lính khác không kể.

Khí giới lương thực Duyệt cũng dự bị được nhiều lắm rồi.

Chỉ chờ xin được mạng lệnh của vua Gia Long là kéo quân đi.

Đánh đùng một cái, vua Gia Long chết, thế là việc phải hoãn.

Từ lúc còn làm thái giám, đến lúc lên làm đại thướng Duyệt vẫn gần vua Gia Long luôn luôn. Vua Gia Long rất mến Duyệt, cho nên Duyệt cũng mến vua Gia Long. Lúc làm Tổng trấn Gia Định, nghe tin vua Gia Long bị bệnh, đòi Duyệt về triều, tức thì Duyệt đi luôn ba đêm, trạm ngựa chạy từ Sài Gòn về đến Huế mới hết sáu ngày, coi đó đủ thấy sức khỏe mạnh, tánh hăng hái nóng nẩy của Duyệt.

Sau khi hết tang vua Gia Long, Duyệt có dưng sớ lên vua Minh Mạng xin cho đem quân đánh Xiêm. Nhưng mà vua ấy không nghe, vì Ngài là ông vua Nhà Nho, không ưa việc chinh chiến. Người ta nói rằng: Lúc ấy vua Minh Mạng vẫn sợ Duyệt, tuy không bằng lòng cho Duyệt đánh Xiêm, nhưng cũng nói nhũn rằng: nhà vua xin ngài hãy đình lại, chứ không dám nói hẳn rằng không cho.

Theo như tục truyền thì Duyệt cũng hay tin quỉ thần.

Một đêm kia, Duyệt đem quân đi trong đường núi, bỗng có vài chục thú rừng lớn hằng con voi, nằm núp giữa đường. Đám quân đi trước, sợ hãi không dám lại. Duyệt cho đi hỏi, mới biết ở đó có miếu Ngọc Nương thiêng lắm. Duyệt liền khấn thầm mấy câu, giây lát đàn thú rừng ấy kéo nhau đi hết.

Ở phủ Quảng Ngãi có một giống cọp vằn đen làm hại cho nhân dân nhiều. Khi Duyệt dẹp mọi Thạch Bích sai quân đuổi hoài không được. Gần đó có miếu Trấn Bắc, thờ Bùi Tá Hán. Duyệt đem quân đóng ở miền ấy, rồi sai binh sỹ đóng một cái cũi rất lớn, đưa vào trong miếu, và khấn rằng: “Cọp làm hại dân, thần có trách nhiệm vào đó. Nếu thần có linh phải nộp cọp vào cũi này.”

Sáng mai ra đình, cọp đều nằm nép dưới miếu, cúi đầu rù rũ, không dám nh63y chạy gầm hét chi cả, mặc cho quân sỹ bắt bỏ vào cũi.

Có lần nhiều cọp ở truông ổ gà (Hóc Môn) kéo ra làng xóm dân cư quấy nhiễu. Quan huyện Bình Phong phi báo xuống Gia Định, Duyệt sai quân sỹ sửa soạn lên bắt. Tối hôm ấy, dân ở quanh truông nghe cọp gầm hét một hồi, rồi rủ nhau lội qua bưng Tầm Lạc mà tản tác mỗi con đi mỗi nơi. Từ đó trở đi, ở truông ổ gà không còn có tiếng cọp nữa (2).

Trước khi Duyệt mất, một hôm, trời không giông gió chi hết, cây cột cờ trên thành tự nhiên bị gẫy. Hơn một tháng sau, Duyệt đi ra thành, con voi của Duyệt vẫn cưỡi, thình lình nằm phục xuống đất, kêu rống rầm rĩ, đánh hoài không dậy. Duyệt phải đi ngựa, nhưng ngựa cũng không chịu đi. Duyệt lấy làm lạ, bảo với người nhà rằng: “Ta sẽ bị bệnh đến nơi”.

Chẳng bao lâu, quả nhiên Duyệt bị đau rồi mất.

Người ta còn nói lại nhiều chuyện nữa, nhưng đại khái cũng hoang đường như mấy chuyện trên đây. Đó cũng vì Duyệt là một người khác thường, cho nên thiên hạ mới dùng những việc khác thường mà nói thêm cho Duyệt. Sự đó không lạ gì.


(1): Theo Thoái thực ký văn.

(2): Theo Đại Nam chánh biên liệt truyện.

——- Hết ———-

Viết một bình luận

error: Content is protected !!