Vào khoảng tháng hai năm quí hợi (1803), mấy nơi biên thùy xứ Quảng Ngãi bị mọi Thạch Bích kéo vào quấy nhiễu.
Đảng giặc độ vài ngàn người, tràn khắp những làng dân quê miền thượng du, đốt nhà giết người, cướp những trâu, bò, gà lợn.
Chúng rất hung tợn, lại giỏi nghề bắn cung nỏ. Nguy hiểm nhất là những tên thuốc độc của chúng, đụng ai chết nấy, không có thuốc gì chữa kịp.
Tướng sỹ địa phương đánh hoài không được. Quân mọi đã tiến lần lần xuống miền trung châu.
Vua Gia Long tiếp được tin báo, nghĩ trong các tướng không ai can đảm bằng Duyệt, Ngài liền sai Duyệt cùng mấy viên tướng bộ hạ đem một đạo quân tiến đánh.
Đại binh kéo đến Quảng Nghĩa, Duyệt sai quân sỹ chế nhiều phên tre cặp rơm vào giữa, phát cho mỗi người cầm một cái phên làm mộc đón đỡ tên thuốc. Rồi Duyệt ngồi trên đầu voi, phất cờ thúc trống, đốc quân xông bừa vào chém.
Tên thuốc của giặc bắn ra chua chủa, nhưng đều mắc vào những cái mộc rơm, không trúng một người nào hết.
Chỉ trong chớp mắt, quân Duyệt vào đến trước mặt quân giặc.
Sau một trận giáp chiến, đảng mọi chết la chết liệt. Những đứa sống xót, ùa nhau chạy bạt vào rừng.
Rồi chúng lại nhóm họp nhiều toán, nấp trong cửa rừng hang núi, chống lại quân Duyệt.
Lại một cuộc chém giết dữ dội, quân mọi bị giết hàng ngàn, chúng phải chạy lui vào mãi giữa rừng. Duyệt thúc quân rượt theo đến vùng Tứ Kê, Nhiêu Thủy, rồi mới trở lại.
Tin thắng trận vào đến Phú Xuân, vua Gia Long rất mừng, Ngài theo cái Háo mọi ngày hạ chiếu thơ khen Duyệt như vầy:
“Thuở nay giống mọi hung tợn tựa vào rừng núi hiểm hóc, không chịu phục tùng. Nay ngươi vâng mạng tiến đánh, vào tận sào huyệt của giặc … Đó là vì tướng sỹ đều theo mệnh lệnh, hết sức khó nhọc, cho nên mới có công trận lạ lùng như vậy …: (1)
Rồi vua Gia Long ban nhiều tiền bạc thưởng cho quân sỹ, và sai Duyệt ở đó bắt nốt dư đảng giặc mọi.
Suốt trong mấy tháng, Duyệt sai quân lùng khắp các nơi khe núi xó rừng, bắt đã được nhiều quân mọi, nhưng vẫn chưa dẹp được yên, vì chúng tản mát khắp các đồi núi.
Tháng sáu năm ấy vua Gia Long lại hạ chiếu thư dụ rằng:
“Vì những giống mọi hung tợn quấy nhiễu, dân ở biên thùy không được yên ổn, đến nỗi tướng sỹ các ngươi đều phải nhọc nhằn, trèo núi vượt khe, đó cũng chỉ vì nước.
Lũ ngươi bao năm theo đi đánh dẹp, chưa được yên nghỉ, nay lại đến tiết mùa nực, khì độc rừng núi được bộc lên, thân thể các ngươi phải chịu nỗi khó nhọc, lòng ta rất là áy náy. Vậy cho năm ngàn quan tiền, chia cấp hết thảy tướng sỹ …”
Kế đó, Duyệt thấy quân mọi trốn mãi vào nơi núi sâu, rừng rậm, không thể nào mà bắt cho hết được, bèn dưng thơ lên vua Gia Long xin cho đem quân về đóng ở đồn Trà Khúc, chờ đến dịp khác lại đánh.
Vua Gia Long ưng lời.
Qua mùa Đông, vua Gia Long muốn ra tuần thú ngoài Bắc, trước khi đi, Ngài đòi Duyệt đem quân về giữ kinh thành Phú Xuân, để Ngài đi cho được yên dạ.
Khi ở Bắc về, Ngài lại sai Duyệt đem quân ra đánh giặc mọi Thạch Bích.
Công việc lần này không kịch liệt như lần trước, Duyệt chỉ sai quân lùng vào rừng núi, đón bắt quân mọi, không phải đánh trác gì hết.
Năm sau (1805) giặc mọi tạm yên, vua Gia Long lại đòi Duyệt về Phú Xuân.
Cách một năm giặc mọi Thạch Bích lại vào quấy nhiễu, Duyệt lại phải đem binh đi dẹp. Đại quân đi đến Đông Dương, vua Gia Long có hạ chiếu thư bảo Duyệt như vầy:
– Binh đao không phải đồ tốt, mà chiến tranh là việc hiểm nghèo, trước kia vì giống mọi quấy nhiễu, mới phải đánh giết. Nay tướng sỹ lận lội những nơi hiểm trở, dễ sinh tật bệnh, ngươi nên tùy cơ phủ dụ, để cho dân được ở yên, đó là cái chước trên nhất trong việc chống quân mọi rợ. Nếu chẳng đặng đừng được mà phải đánh nhau, thì trước khi ra trận, ngươi nên đem hết tình trạng tâu lên ta nghe. Chớ có tiến công một cách gấp vội, để cho chết hại tướng sỹ của ta làm chi.
Duyệt được lá chiếu thư ấy, Duyệt liền dâng sớ tâu vua, đại ý nói rằng:
– Từ khi vâng mạng đánh giặc đến nay, tôi vẫn ngày đêm lo lắng. Nhờ có oai đức của trào đình, cho nên quân sỹ đi đến Đông Dương, thì bọn trùm chướng của ngưởi Mọi, hết thảy phục tùng. Hiện tôi đã sai người đi chiêu dụ những giống Mọi ở các rừng rậm bảo chúng đâu lại về đó làm ăn. Bây giờ cũng đã hơi yên, dân Mọi không dám làm phản nữa.
Vua Gia Long tiếp tờ sớ ấy, Ngài thưởng tướng sĩ của Duyệt hai ngàn quan tiền, cho tụi trùm chưởng dân Mọi ba trăm quan tiền.
Tháng bẩy năm ấy, vua Gia Long đòi Duyệt trở về Phú Xuân. Nghĩ việc đánh dẹp giặc mọi, khó nhọc hàng mấy tháng trời, ngài thưởng cho Duyệt ba ngàn quan, tướng sĩ của Duyệt một ngàn quan.
Tới năm Gia Long thứ b6a3y (1808), giặc mọi Thạch Bích lại kéo vào quấy nhiễu biên thùy.
Theo mạng vua, Duyệt lại dẫn quân đi đánh.
Tới nơi, Duyệt sai Vệ úy Từ và Phó vệ úy Nhượng giả làm dư đảng Tây Sơn, lén vào trong các trại nọi ở lộn với chúng. Lân la, hai người hỏi chúng vì sao mà làm phản hoài, Thì ra ý chúng không định làm loạn, chỉ vì Phó quản cơ Lê Quốc Huy ở đó, sách nhiễu luôn luôn, chúng không chịu nổi, nên phải tụ nhau chống lại, Từ và Nhượng về nói với Duyệt như vậy.
Tức thì Duyệt cho bắt Huy về dinh, làm sớ tâu vua Gia Long, xin theo quân pháp xử ngay tội chém.
Quân mọi thấy Huy đã chết, nhiều đứa xin hàng. Tình hình biên thùy lại yên, vua Gia Long bèn đòi Duyệt về.
Tám năm sau (1816), quân mọi Quảng Nghĩa lại vào quấy nhiễu biên trấn. Thủ tướng là Phan Tiến Hoàng đánh nhau với giặc bị thua, vua Gia Long lại sai Duyệt đem quân ra đánh.
Quân Duyệt tới nơi, giặc mọi trốn hết.
Duyệt bèn tâu vua, xin đắp một dẫy lũy chạy suốt biên thùy, gọi tên là Bình Man đạo, giao cho quân lính “cơ” đóng giữ. Dẫy lũy dài ấy phía Bắc bắt đầu từ xứ Nhà Tô, giáp phủ Thăng Bình trấn Quảng Nam, phía Nam thẳng tới xứ Đồng Xanh, giáp phủ Hoài Nhân trấn Bình Định, bề dài 37497 trượng, dưới lũy có trồng tre, ngoài lũy có đào hào.
Vì Duyệt bốn lần ra đánh giặc mọi, quân mọi đã khiếp oai phong, nghe Duyệt đến nơi là chạy, Duyệt lại thuộc hết tình hình ngoài biên xếp đặt công việc đều phải, cho nên Duyệt tâu điều chi, vua Gia Long cũng cho thi hành.
(1): Vua Gia Long đã nhiều lần dùng câu này mà khen các đại tướng.