Quân Nguyễn ở mặt bộ tuy có được luôn mấy trận, chiếm luôn mấy đồn, nhưng bộ quân vẫn chưa liên tiếp được với thủy quân. Vì đại đồn của Tư khấu Võ Văn Định vẫn nấp trong một dẫy lũy dài, chặt đứt con đường giao thông từ Đồng Thị đến Cù Mông. Vả lại, chung quanh Qui Nhơn, quân Tây còn có hơn chín chục đồn, phòng triệt khắp các ngả, quân Nguyễn muốn phá cho hết mà kéo đến gần thành Qui Nhơn, thật là một sự rất khó.
Chúa Nguyễn lại phải tính đến mặt thủy.
Nhưng ở mặt thủy cũng chẳng dễ gì.
Sau khi đã chèo thuyền ra biển, ngó thấy mấy trăm chiến thuyền theo ba chiếc thuyền lớn hiệu Định Quốc chặn ngang cửa biển Thi Nại, và những khẩu đại bác chồm chỗm ngồi trước các đồn ở Cồn Nhạn và núi Ba Tòa, Chúa Nguyễn rất nao lòng về cách phòng thủ kiến cố của Tư đồ Dũng.
Nhân gặp mùa gió Đông Nam, c1o người bàn dùng kế hỏa công.
Chúa Nguyễn lấy làm phải. Ngài đã sai quân dùng cỏ khô tẩm nhựa trám chất đầy hai chục chiếc thuyền nhỏ, định cho thủy quân lừa khi đêm tối, lẻn vào thủy trại bên địch mà đốt.
Nhưng chưa biết cử ai làm tướng. Tống Viết Phúc hăng hái xin đi. Chúa Nguyễn đã bằng lòng.
Nguyễn Đức Xuyên nghe được tin đó, liền cậy người nói nhỏ với Chúa Nguyễn mà rằng:
– Tôi nghe chúa thượng muốn dùng kế hỏa công, mà Tống Viết Phúc đã xin đi làm việc ấy. Theo ý tôi, Viết PHúc tuy dũng nhưng hay khinh tiên. Chỉ có Lê Văn Duyệt dũng mà có mưu, nếu sai Duyệt đi, chắc là được việc. Bằng không thì tôi xin đi.
Chúa Nguyễn nghe lời, bèn sai người vào Đồng Thị, đòi Duyệt đến vịnh Cù Mông.
Tháng giêng năm tân dậu (1801), Chúa Nguyễn sai Nguyễn Văn Trương, Tống Lương làm tiên phong, lẻn vào đốt thủy trại quân Tây. Duyệt và Võ Di Nguy đốc dẫn thủy quân tiếp theo hai tướng, đánh thẳng vào cửa Thi Nại.
Trận đại chiến đã chép ở đoạn thứ nhất tức là trận này.
Trong khi Duyệt và quân Tây giao chiến, Chúa Nguyễn đóng quân ở Vịnh San Hô, nghe tin tướng sỹ bị chết nhiều quá. Ngài đã ba lần sai lính Tiễn sai cầm bài rồng bảo Duyệt lui quân, Duyệt nhất định không lui. Nhờ cái can đảm và cương quyết ấy, Duyệt mới cướp được cửa biển Thi Nại.
Sau khi thủy quân của Chúa Nguyễn đã kéo vào đóng ở cửa biển. Duyệt lại đốc quân đi đuổi theo quân Tây, đánh luôn hai trận ở cầu Đông Giang và cầu Tân Hội, đều được đại thắng, bắt được Đô đốc Nguyễn Văn Nhị, cướp được khí giới rất nhiều. Quân Tây phải lui vào giữa đường núi Cần Áo.
Chúa Nguyễn sai Duyệt đem quân đắp một ngọn đồn ở Tân Hội và một dẫy lũy từ Tân Hội đến Vân Sơn để chống nhau với quân Tây. Trên những đồn lũy ấy, hễ nơi nào có giặc đến đánh, ban ngày phải kéo cờ, ban đêm thì đốt lửa, để ra hiệu cho nơi khác biết.
Lúc ấy, quân Tây đã bị mất cửa Thi Nại, Tư đồ Dũng hợp quân với Thiếu phó Diệu, đánh thành Qui Nhơn càng gấp. Các đạo viện binh của quân Nguyễn ở ngoài vẫn không thể tiến vào đến gần vòng vây. Chúa Nguyễn liệu chừng trong thành hết lương, khó giữ được vững, Ngài sai mộ người cầm thư lận biển chui vào trong thành đưa Tánh.
Cách ít lâu, người ấy lại cầm thư của Tánh chui thành, lận biển ra đưa cho Chúa Nguyễn.
Tánh xin cố chết giữ thành, chứ không chịu bỏ, và khuyên Chúa Nguyễn nên thừa hư kéo vào đánh úp thành Phú Xuân. Trong thư Tánh nói “Đem một mạng tôi đánh đổi lấy kinh Phú Xuân cũng đủ lắm rồi”.
Chúa Nguyễn đem ý kiến ấy bàn với các tướng. Ai nấy đều khuyên Chúa Nguyễn nên theo lời Tánh là phải. Chúa Nguyễn vẫn còn ngần ngừ, vì không nỡ bỏ tướng sĩ trong thành.
Duyệt cố nói vào:
– Việc binh cần phải mau chóng, mà mưu kế cần phải quyết đoán. Nay cứ quanh quẩn hoài ở Bình Định, tướng sĩ già hết mà chẳng có công trận chi. Nếu tiến lên lấy thành Phú Xuân, thì vòng vây ở thành Bình Định không phải đánh tự nhiên cũng vỡ. Đó là một cách “đánh cờ tướng mà thí xa” vậy.
Nghe lời Duyệt nói có lý. Chúa Nguyễn mới quả quyết vào đánh Phú Xuân.
Đễ Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Đức Xuyên, Nguyễn Hoàng Đức lãnh năm ngàn quân ở lại chống cự quân Tây, Chúa Nguyễn tự mình đốc hết binh thuyền từ cửa Thi Nại tiến đến cửa Đại Chiêm. Theo Ngài, có Nguyễn Văn Trương và nhiều đại tướng hộ giá, Duyệt và Lê Chất cùng lãnh đạo quân tiên phong.
Tháng năm năm tân dậu (1801) binh thuyền vào cửa Mỹ Lệ. Chúa Nguyễn sai Duyệt và CHất kéo quân đánh cửa Tư Dong.
Đối với Phú Xuân, cửa Tư Dong cũng như một cái cuống họng với dạ dầy, Tư Dong mất thì thành Phú Xuân cũng khó giữ nổi. Vì vậy, trước đây vua Cảnh Thạnh đã sai Phụ mã Nguyễn Văn Trị và Đại đô đốc Trần Văn Tạ thống lãnh đại binh giữ cửa ấy một cách rất cẩn mật.
Trong đường cửa biển, cọc gỗ, cột gỗ, binh thuyền chiến thuyền đóng khắp mặt nước, để ng8an thuyền bè ở ngoài biển vào.
Đồn quân của Trị và Tạ đóng trên Qui Sơn nhòm xuống cửa biển, giống như cọp dữ ngồi cang cửa hang, không vật gì có thể đi qua trước mặt.
Duyệt và Chất đốc quân đánh thẳng vào lối cửa biển. Trên đồn Trị và Tạ thúc quân bắn xuống đùng đùng.
Ròng rã một ngày, tiếng súng luôn luôn dữ dội. Thuyền bè bên Nguyễn luôn luôn tan tành theo những viên đạn đại bác, quân sĩ chết đầy mặt nước.
Gần tối, vẫn không vào được cửa biển. Duyệt bàn với Chất:
– Quân giặc đã giử được chỗ hiểm, không thể đánh lại với nó. Nếu không đánh úp mặt sau Qui Sơn thì không thể nào vào được.
Chất hỏi:
– Nhưng mà thuyền đi đường nào mà vào phía sau Qui Sơn?
Duyệt cười và đáp:
– Được, tôi sẽ có phép.
Đêm ấy, Duyệt để Chất đánh mặt trước đồn, tự mình đốc thúc quân sỹ khiêng hơn hai chục chiếc thuyền lén qua bãi cát bỏ vào vũng biển trong sông, rồi chèo áp lại mặt sau Qui Sơn.
Trị và Tạ tưởng là cứu binh ở mặt trong ra, nên không phòng bị.
Hai chục chiếc thuyền vào đến gần đồn, Duyệt xua quân nổ súng đánh ùa lên đồn.
Chất ở phía trước, nghe tiếng súng nổ dữ dội, tức thì hô quân liều chết xông vào.
Quân Tây bị đánh hai mặt, luống cuống không kịp chống cự, Trị và tạ phải bỏ đồn chạy trốn.
Chất đốc quân nhổ hết cột, cọc ở cửa biển, rồi kéo binh thuyền vào thẳng trong sông, hợp với quân Duyệt. Hai tướng dẫn quân rượt theo quân Tây, đến Chừng Hà, quân Nguyễn giao chiến một trận kịch liệt, bắt sống được Trị, Đô đốc Phan Văn Sách và năm trăm quân Tây xin hàng.
Chúa Nguyễn cùng bọn tướng tá đốc các binh thuyền kéo vào cửa Nhuyễn.
Vua Cảnh Thạnh nghe tin quân Nguyễn đã lấy mất cửa Tư Dong, tiến đến cửa Nhuyễn, liền sai đại binh ra cự.
Duyệt và Chất thừa thắng đốc quân hăng hái xông vào chém giết.
Quân Tây khi ấy như bị mất vía, ngó thấy quân Nguyễn là chạy. Duyệt bắt được rất nhiều thuyền bè khí giới và quân sỹ đầu hàng.
Đại quân Chúa Nguyễn kéo thẳng đến thành Phú Xuân.
Lúc ấy, bao nhiêu tinh binh, mãnh tướng của Tây Sơn đều theo Thái phó Diệu và Tư đồ Dũng ra đánh Qui Nhơn, trong thành Phú Xuân hầu như trống rỗng không có chi nữa. Vua Cảnh Thạnh liệu chừng không thể địch lại quân Nguyễn. Ngài bèn thu nhặt vàng bạc, châu báu, đem ít tướng sỹ tùy tùng chạy tuốt ra Bắc.
Đến khi Duyệt và Chất vào tới Phú Xuân thì vua Cảnh Thạnh đi đã lâu rồi.
Sau khi quân của Duyệt và Chất đã đưa đường cho đại binh vào thành. Chúa Nguyễn một mặt sai Nguyễn Văn Trương đem quân ra mặt Linh Giang chặn đường quân Tây, một mặt sai Chất dẫn quân rượt theo vua Cảnh Thạnh.
Vài ngày sau, Trương bắt được mấy người em trai em gái vua Cảnh Thạnh đem về. Rồi Chất cũng về. nhưng không đuổi kịp vua Cảnh Thạnh, chỉ bắt được hai chiếc ấn.
Người ta nói rằng: Chất vốn là tướng Tây Sơn, vì bị ngờ vực mà phải hàng Nguyễn. Lòng Chất đối với Tây Sơn vẫn còn cảm tình. Khi ấy theo lệnh Chúa Nguyễn đuổi vua Cảnh Thạnh, Chất cứ thong thả tiến quân vừa đi vừa thúc trống rầm rĩ, để vua Cảnh Thạnh biết mà liệu trốn. Bởi thế vua Cảnh Thạnh mới chạy được ra Bắc Thành.
Hồi ấy Chúa Nguyễn đã có ý ngờ Chất.
Công việc trong thành Phú Xuân xếp đặt vừa yên, bỗng có tin báo ở suối Tả Trạch có toán quân địch mới đến. Chúa Nguyễn không biết là toán quân nào, vội vàng sai Duyệt và Chất đem quân đón đánh.
Thì ra quân của Tư khấu Võ Văn Định.
Trong khi Chúa Nguyễn ở cửa Thi Nại đem quân trở ra, Thiếu phó Diệu và Tư đồ Dũng sợ rằng quân Nguyễn kéo vào Phú Xuân, liền sai Định dẫn năm ngàn quân theo đường núi lén về cứu viện. Quân Định đi đến hai ải Trung, Hạ đều bị quân Nguyễn chặn giữ. Định phải qua đường ải Thượng, lẽo đẽo đi lên phía Bắc. Chẳng may lạc đường, lại bị người Mọi nói gạt, hết cả lương thực. Khi đến Tả Trạch, tướng sỹ đều vừa đói vừa mệt, không còn sức mà đánh trận.
Duyệt và Chất dẫn quân tới Tả Trạch, vừa mới giáp trận, quân Định đã bị tan vỡ. Định và Đô đốc Lê Văn Từ, phải chạy vào rừng tìm đường đi trốn.
Duyệt và Chất sai quân vào rừng lùng bắt.
Định bị bệnh chết ở trong rừng. Từ bị người Mọi trói đem nộp Duyệt, quân sỹ xin hàng tất cả.
Hai tướng dẫn quân về thành Phú Xuân, Chúa Nguyễn mừng lắm. Ngài viết thư khen Duyệt và Chất, thưởng cho tướng sỹ hai chục lạng bạc, Chất năm trăm quan tiến.
Riêng Duyệt được thưởng một ngàn lạng bạc. Vì khi sắp kéo quân vào đánh Phú Xuân, Chúa Nguyễn có treo giải thưởng rao rằng: hễ ai bắt được Phụ mã Trị thì thưởng bạc một ngàn lạng. Duyệt bắt được Trị, cho nên được số thưởng đó.
Lãnh thưởng về dinh; Duyệt lại phân phát cho tất cả tướng sỹ, không để lại một đồng nào.
Rồi Chúa Nguyễn sai Duyệt và Chất đem quân bổn bộ hiệp với quạn của Nguyễn Văn Thành, Tống Viết Phúc, nguyễn Đức Xuyên, đánh giải vây cho thành Qui Nhơn.
Duyệt với Thành trước có quen nhau, Thành hơn tuổi lại làm tướng trước, có khi đã được coi Duyệt. Vì Thành có tánh chắc chắn, nên mỗi khi lâm trận, Thành hay trì trọng không chịu tiến ngay. Duyệt thì xuất thân từ chức thiên tỳ, kém tuổi Thành, kém ngôi Thành. Nhưng Duyệt dũng cảm, giỏi trận mạc, luôn luôn lập được đại công, lại hay nói sước với Thành. Thành hay chấp lời, không thể chịu nổi những lời chậm chọc của Duyệt. Vì vậy, hai người sinh ra hiềm khích với nhau.
Chúa Nguyễn biết vậy, lúc Duyệt sắp dẫn quân đi. Ngài ban cho Duyệt một lá cờ, một cái trống, một cái loa, để ra hiệu cho quân sĩ và dặn rằng:
– Cầm quân mà thắng được giặc, cốt ở các tướng hòa nhau, chớ không cốt ở nhiều quân. Ngươi đi chuyến này nên cùng Nguyễn Văn Thành hài lòng, ráng sức, sơm sớm trừ hết đảng nghịch, đưa tin thắng trận cho ta hay. Ta đã lâu nay, suốt ngày suốt đêm lo lắng, bụng dạ không lúc nào không ở Bình Định. Ngươi phải nghĩ tới chỗ đó.
Duyệt vâng mạng rồi kéo quân đi thẳng ra miền Qui Nhơn.