Bi kịch của cô gái trẻ
Catherine Susan Genovese, thường được mọi người gọi là “mèo nhỏ” Kitty sinh ngày 7/7/1935, là con gái lớn trong một gia đình có năm chị em. Gia đình cô sống ở Brooklyn, New York trong những năm 1940 và 1950. Sau khi mẹ cô chứng kiến một vụ giết người trong thành phố, gia đình đã chuyển đến định cư ở Connecticut vào năm 1954. Kitty khi đó 19 tuổi và vừa tốt nghiệp phổ thông, đã quyết định ở lại.
Năm 1963, cô đã chuyển tới thành phố Queens và cùng một bạn gái thuê căn hộ tại khu chung cư 10 tầng ở đường Austin thuộc quận Queens, New York. Sau đó Kitty xin được việc và trở thành quản lý quầy bar của hộp đêm Eleventh. Yêu cầu công việc khiến cô thường phải đi làm về muộn.
3h15 sáng 13/3/1964, sau khi kết thúc ngày làm việc, Kitty lái chiếc xe Fiat đỏ của mình vào bãi đậu xe nơi cô sinh sống. Cô tắt đèn xe, khóa cửa và bắt đầu đi bộ khoảng 30m để đến lối vào căn hộ của mình tại tầng 2. Lối vào căn hộ nằm ở phía sau tòa nhà vì phía trước được cho các cửa hàng bán lẻ thuê lại nên vào ban đêm, nó khá tối tăm và ít người qua lại.
Đột nhiên, cô nghe thấy bước chân và dường như có một bóng người đi trước mặt cô rất nhanh. Kitty bắt đầu thấy lo lắng vì dường như có người đang theo dõi mình. Và đúng là có một gã đàn ông đang chạy về phía cô. Kitty vội chạy rất nhanh và kẻ lạ mặt cũng ngay lập tức bám theo.
Cô chạy tới giao lộ giữa đường Austin và Lefferts vì cô biết ở đó có một cột điện thoại gọi Cảnh sát khẩn cấp. Nhưng Catherine đã không kịp làm điều đó vì kẻ lạ mặt đã nhanh chóng tóm lấy cô. Kitty đã nhanh trí hét thật to nhằm tìm kiếm sự giúp đỡ nhưng hắn ta đã liên tiếp đánh và đâm vào lưng cô.
Cái chết đau đớn
“Hắn đâm tôi… Xin hãy giúp tôi!.. Xin hãy giúp tôi!”, cô hét lên nhiều lần dù rất đau đớn. Đèn bật sáng, một người đàn ông sống trên tầng 7 đã nghe thấy tiếng kêu cứu của Catherine đã quát lớn: “Hãy để cô gái đó yên!”. Nghe thấy vậy, kẻ lạ mặt ngước lên nhìn phía cửa sổ bật sáng, nhún vai và chạy về phía chiếc xe màu trắng đậu cách đó không xa. Kitty chật vật đứng dậy. Vết thương trên người cô đã chảy nhiều máu nhưng cô vẫn cố gắng lết về nơi ở.
Tưởng chừng đã thoát khỏi bàn tay của kẻ lạ mặt, nhưng không ngờ hắn đã quay lại tìm cô khi ánh đèn trên tầng 7 tắt. Lúc đó, Catherine đang ngã dựa vào tường vì vết thương ở lưng đẫm máu. Một lần nữa cô cố hết sức hét lên kêu cứu nhưng lần này đã không có tác dụng. Tên sát nhân lại liên tiếp đâm cô gái đáng thương rồi lột quần áo và hãm hiếp cô. Cuối cùng, hắn rời đi sau khi lấy được 49 đôla trong ví của Kitty. Chỉ trong 32 phút, kẻ lạ mặt đã thực hiện hành vi đồi bại và giết hại Kitty.
Sau nhiều do dự, một người hàng xóm đã gọi cho cảnh sát. Lúc đó là 3h50 khi cảnh sát nhận được cuộc gọi đầu tiên. Trong hai phút sau, họ đã có mặt tại hiện trường. Kitty nằm dưới sảnh đã chết. Cô bị đâm tới 17 nhát vào lưng. Xung quanh đó là những mảnh quần áo và chiếc ví không mà hung thủ đã vứt lại.
Chỉ có hai người hàng xóm có mặt tại hiện trường lúc đó. Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện thấy một tình tiết rất khó hiểu là trong khoảng thời gian ấy đã có tới 38 người nghe thấy tiếng kêu cứu cũng như chứng kiến kẻ lạ mặt hãm hiếp và giết hại cô gái trẻ mà không ai làm gì để giúp cô.
Tội ác không ngờ
Sau cái chết kinh hoàng của Kitty, một nhóm gồm hàng chục thám tử chuyên nghiệp đã tham gia điều tra vụ án. Họ đã đến từng gia đình gần khu vực nạn nhân bị giết hại để thu thập thông tin. Tuy nhiên, việc điều tra vẫn không có kết quả khả thi.
Cho đến 1 tuần sau đó, các thám tử đã bắt được kẻ tình nghi tên Winston Moseley (28 tuổi). Hắn bị bắt khi đang tìm cách ăn cắp tivi của một hộ gia đình trong khu dân cư này.
Điều tra sơ bộ cho thấy, Moseley dường như không phải kẻ trộm cướp hay giết người mà cảnh sát cần tìm. Winston Moseley là một người hoàn toàn bình thường, không tiền án, tiền sự. Hắn đã kết hôn và có 2 con, đang làm thợ máy ở Westchester, New York (Mỹ). Những người xung quanh đều nhận xét người đàn ông này không có dấu hiệu của một tên sát nhân. Với vỏ bọc hoàn hảo ấy, ngay cả cảnh sát ban đầu cũng hoài nghi.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là khi cảnh sát chưa hỏi thì Moseley đã nhanh chóng thừa nhận mình là hung thủ đã hãm hiếp và giết hại Kitty. Không chỉ vậy, hắn còn hãm hại 2 nạn nhân khác từ trước đó là Barbara Kralik (15 tuổi) vào ngày vào ngày 20/7/1963 và Annie Mae Johnson (24 tuổi) vào ngày 29/2/1964. Moseley cho biết, trong hai vụ án này, hắn đã ra tay vô cùng tàn bạo.
Moseley cũng thừa nhận khi màn đêm buông xuống, hắn hay lang thang ở đường phố, nếu gặp người phụ nữ nào hắn đều tìm cách giở trò đồi bại rồi ra tay giết hại nạn nhân mà không vì lý do gì.
Phiên tòa mâu thuẫn
Những phiên tòa xét xử Moseley sau đó đều chật cứng người dân và các phóng viên đến theo dõi, đưa tin. Điều kỳ lạ trong các phiên tòa này là sự mâu thuẫn giữa chính bị cáo và luật sư bào chữa. Mặc dù luật sư bào chữa đã đưa ra lý do về căn bệnh tâm thần để biện minh cho thân chủ của mình, nhưng trái với mong muốn của ông, chính Moseley lại là người cung cấp những bằng chứng một cách chi tiết và rõ ràng cho tòa. Điều này khiến luật sư gần như không có khả năng chứng minh cho sự vô can của Moseley.
Khi được hỏi về tội ác trong quá khứ, Moseley ngay lập tức thừa nhận là hung thủ giết hại Barbara Kralik và Anne Mae Johnson. Những hành động dã man được Moseley kể lại với một thái độ rất thờ ơ, lạnh lùng. Hắn thừa nhận đã bắn nhiều lần vào Mae Johnson rồi hãm hiếp cô, sau đó mang xác nạn nhân về nhà để đốt. Còn với Kralik, Moseley đã đâm nhiều lần vào ngườicô bé như đã làm với Kitty.
Ngày 15/6/1964, bồi thẩm đoàn kết án tử hình cho Moseley. Tuy nhiên, 2 năm sau, Tòa án New York nhận được những bằng chứng về căn bệnh thần kinh của Moseley và án tử hình của hắn được giảm xuống tù chung thân không ân xá.
Năm 1968, trong khi được đưa vào bệnh viện điều trị hắn đã trốn thoát cùng một khẩu súng cướp được của người bảo vệ. Moseley đã bắt 5 người làm con tin và cưỡng hiếp một con tin. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cảnh sát đã buộc hắn phải đầu hàng.
Sau đó, Moseley tiếp tục được đưa về nhà tù Attica để thi hành án. Trong thời gian thi hành án, hắn luôn tìm mọi cách để gây rối và trốn tù. Những năm sau đó, Moseley đã dần thay đổi. Không còn ý định phá rối và trốn tù, chăm chỉ cải tạo để mong có ngày được ra tù. Moseley đã viết một bức thư xin lỗi tới gia đình của Kitty. Tuy nhiên, gia đình cô không chấp nhận bất cứ lời xin lỗi nào.
Sau khi vụ án kết thúc, rất nhiều vấn đề xung quanh đã được đưa ra mổ xẻ, bàn luận. Trong đó đáng chú ý là chi tiết 38 nhân chứng dù có nghe và chứng kiến vụ việc ngay từ những lời kêu cứu đầu tiên của nạn nhân, nhưng không hề có ý định can thiệp hay gọi cho cảnh sát. Cảnh sát và các chuyên gia đã phải làm việc với từng người để tìm hiểu nguyên nhân.
Câu hỏi khó lý giải
Với việc hàng loạt các vụ giết người vẫn xảy ra liên tiếp tại New York, vụ sát hại Kitty ban đầu hầu như không khiến nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, sau khi những bài báo với dòng chữ lớn “38 người chứng kiến một vụ giết người nhưng không báo cảnh sát” thì cái chết của Kitty đã trở thành một vụ án gây chấn động.
Ngay cả những thám tử lâu năm, những người đã quá quen với các vụ giết người cũng không thể hiểu nổi tại sao dù rất nhiều người chứng kiến nhưng không có ai liên lạc với cảnh sát, dù rất đơn giản chỉ cần nhấc điện thoại lên. Họ cho rằng trong vòng 32 phút, hung thủ đã trở lại tìm nạn nhân 2 lần. Và chỉ trong vòng 2 phút khi nhận được cuộc gọi, cảnh sát đã tới hiện trường. Nếu họ được gọi đến trong khoảng thời gian của lần tấn công đầu, nạn nhân có lẽ đã không chết.
Cảnh sát và các chuyên gia đã phải làm việc với từng người để tìm hiểu nguyên nhân. Mỗi nhân chứng lại đưa ra một lý do khác nhau: “Chúng tôi nghĩ rằng đó là trận cãi vã giữa những người yêu nhau”, “Nói thật là chúng tôi sợ”, “Tôi không muốn chồng tôi can dự vào”, “Tôi bị mệt”, “Chúng tôi đã đi ra cửa sổ để xem có chuyện gì xảy ra nhưng ánh đèn từ phòng ngủ quá yếu khiến tôi chẳng nhìn được gì”.
Nói về đêm ác mộng ấy, một cặp vợ chồng cho biết, họ nghe thấy tiếng hét đầu tiên. Người chồng trầm ngâm nhìn về phía hiệu sách, nơi kẻ giết người tóm lấy Kitty. “Chúng tôi đi đến cửa sổ để nhìn những gì đang diễn ra nhưng ánh sáng từ phòng ngủ của chúng tôi rất khó để nhìn thấy đường”, anh nói. Sau đó, người vợ e ngại nói thêm: “Tôi đã tắt đèn và chúng tôi có thể nhìn rõ hơn”. Khi được hỏi tại sao họ không gọi cảnh sát, cô im lặng một lúc rồi đáp: “Tôi cũng không biết nữa”.
Đến 3h50, cảnh sát nhận được cuộc gọi đầu tiên từ một người đàn ông là hàng xóm của Kitty. Tuy nhiên, ngay cả người này cũng nói rằng ông đã cân nhắc nhiều lần, thậm chí còn gọi cho một người bạn của mình để xin lời khuyên rồi mới gọi cảnh sát.
Hội chứng Genovese
Sau vụ án rúng động nước Mỹ, hàng loạt các nghiên cứu về hiện tượng này đã diễn ra. Các nhà tâm lý học đưa ra nhiều giả thuyết về lý do tại sao những nhân chứng lại chỉ nhìn mà không giúp đỡ các nạn nhân.
Bác sĩ tâm lý học Ralph S. Banay đưa ra một cách lý giải cho hành động của 38 nhân chứng này rằng: “Bộ não chúng ta đôi khi bị treo tạm thời khi chịu những tác động mạnh và bất ngờ. 38 nhân chứng đã chứng kiến vụ này cũng như vậy. Họ đột nhiên nhìn thấy cảnh tượng ghê rợn trước mắt và họ trở nên lúng túng, không biết sẽ làm gì ngoài việc đứng đó nhìn. Cho tới khi họ định thần thì đã quá muộn”. Lời giải thích này có vẻ hợp lý và khớp với những lời khai của nhân chứng.
Sau này, người ta đặt tên cho hiện tượng này là “Hội chứng Genovese”. Hội chứng này được giải thích rằng, càng nhiều người đứng chứng kiến một sự việc thì tinh thần trách nhiệm cá nhân của họ càng giảm. Điều này dẫn tới sự đùn đẩy trách nhiệm của những nhân chứng quan sát sự việc.
Gần 60 năm đã trôi qua, vụ sát hại Catherine “Kitty” Genovese cho tới nay vẫn trở thành một ví dụ điển hình trong các cuốn sách tâm lý xã hội, về sự vô cảm của con người khi chứng kiến khó khăn của đồng loại.