Cuối tháng 8 năm 1988, bố mẹ của bé gái mất tích tên Mari Konno, 4 tuổi, bỗng nhận được một chiếc hộp trong hòm thư. Bên trong hộp có một lớp bột đỏ mịn kèm theo một chiếc ảnh quần áo của Mari mà cô bé mặc lúc mất tích, vài chiếc răng nhỏ cùng một tấm thiệp có thông điệp: “Mari. Xương. Hỏa táng. Điều tra. Bằng chứng”.
Chiếc hộp manh mối kinh hoàng này rồi đây sẽ xuất hiện nhiều hơn ở những gia đình xung quanh thành phố Tokyo, Nhật Bản sau khi họ thông báo tìm con mất tích. Thế nhưng, việc những chiếc hộp được đặt ở hòm thư của các gia đình cũng đồng nghĩa với việc những nạn nhân, hầu hết là bé gái, đều sẽ không bao giờ quay về nữa bởi tất cả đều đã chết tức tưởi dưới tay của tên sát nhân khét tiếng Tsutomu Miyazaki – “Sát nhân Otaku”.
Nhân cách méo mó hình thành từ tuổi thơ bất hạnh
Có lẽ những tên sát thủ khét tiếng đều có một tuổi thơ ám ảnh và bị đối xử tồi tệ, chính những tác nhân đó đã góp phần biến chúng trở thành một “con quỷ”. Miyazaki cũng không phải ngoại lệ, hắn bị sinh non vào tháng 8/1962 nên tay bị khuyết tật bẩm sinh, cổ tay không thể uống hay gập hoàn toàn được. Dù vẻ bề ngoài thư sinh, được mọi người xung quanh đánh giá là hiền lành và ít nói nhưng do đôi tay dị dạng nên hắn ta trở nên “khác biệt” với số đông và đây cũng là điều khiến hắn trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
Bị bắt nạt và có phần tự ti bởi ngoại hình nên Miyazaki luôn hiếm khi tham gia các sự kiện xã hội hoặc kết bạn. Trong những bức ảnh, người ta chẳng bao giờ nhìn thấy đôi tay của Miyazaki vì hắn luôn giấu đi do xấu hổ. Ở nhà một mình, hắn thích vẽ và đọc truyện tranh.
Mặc dù không phải là một học sinh quảng giao nhưng bù lại Miyazaki khá là suôn sẻ trong học tập, luôn nằm trong top 10 của lớp những năm tiểu học. Đến khi chuyển lên trung học ở Nakano, Tokyo hắn vẫn duy trì tốt phong độ với thành tích học tập đáng gờm, tất cả đều phục vụ cho một ước mơ trở thành thầy giáo trong tương lai xa. Thế nhưng điều đó đã không thành sự thật khi Miyazaki rớt hạng thảm hại, với thành tích xếp thứ 40/56 của lớp, hắn không được nhận vào trường đại học Meiji. Bởi thế, Tsutomu Miyazaki đã buộc phải theo học một trường cao đẳng ở địa phương để trở thành một kỹ sư ảnh thay vì trau dồi tiếng Anh để làm giáo viên như ước muốn ban đầu.
Dù không rõ nguyên nhân tại sao Miyazaki lại tụt điểm thê thảm như thế nhưng việc này có lẽ cũng ảnh hưởng từ cuộc sống gia đình. Gia tộc Miyazaki có ảnh hưởng khá lớn ở quận Itsukaichi của Tokyo. Cha hắn sở hữu một tờ báo. Tuy được kỳ vọng là sẽ tiếp quản sự nghiệp của cha khi ông về hưu nhưng Miyazaki tỏ ra không hứng thú cho lắm.
Tin chắc rằng mọi người trong gia đình không bao giờ quan tâm đến hạnh phúc của mình mà chỉ nhìn vào thành công về tài chính và vật chất trong cuộc sống nên Miyazaki đã tự xa lánh cả nhà. “Nếu tôi cố gắng nói chuyện với bố mẹ về những vấn đề của mình, họ sẽ gạt ra”, hắn khai với cảnh sát sau khi bị bắt.
Miyazaki cảm thấy ngay đến em gái cũng tỏ vẻ coi thường mình. Người duy nhất hắn nghĩ là thực sự quan tâm tới hạnh phúc cá nhân chỉ có ông nội mà thôi. Ngoài ra, mối quan hệ của Miyazaki với chị gái cũng thân thiết hơn tất cả mọi người thân khác.
Ở trường cao đẳng, Miyazaki ngày càng trở nên khác biệt hơn. Hắn thường chụp trộm những người phụ nữ chơi tennis trên sân, xem tạp chí khiêu dâm, tuy nhiên việc này cũng dần trở nên nhàm chán đối với gã. Đến năm 1984, Miyazaki bắt đầu tìm đến phim khiêu dâm trẻ em vì lúc này luật pháp Nhật Bản còn nhiều lỗ hổng nên hắn thoải mái tìm kiếm, sưu tầm những thể loại ưa thích.
Năm 1988, ông nội qua đời, cuối cùng điều khủng khiếp nhất, đáng sợ nhất trong tâm trí của Tsutomu Miyazaki khi ấy cũng xảy ra. Người duy nhất quan tâm, từng giúp hắn vượt qua ý định tự tử đã qua đời.
Khi nhìn lại toàn bộ quá trình, các chuyên gia tin rằng đây chính là điểm bùng phát, cởi trói cho “con quỷ” đang bị giam cầm bên trong Miyazaki để nó được tự do gieo rắc nỗi ám ảnh.
“Sát nhân Otaku” lộ diện, gieo rắc nỗi khiếp sợ cho bao gia đình
Kể từ sau cái chết của ông nội, gã thanh niên đã biến đổi hoàn toàn. Các thành viên trong gia đình nhìn thấy một con người hoàn toàn khác, không phải là Miyazaki họ vẫn nghĩ nữa. Mọi người kể gã bắt đầu xem các em gái của mình tắm, sau đó còn tấn công khi bọn trẻ có ý định đối đầu, ngay cả mẹ cũng bị Miyazaki gây hấn. “Tôi cảm thấy cô đơn một mình. Và bất cứ khi nào thấy một em nhỏ tự chơi một mình, tôi lại nhìn thấy bản thân qua cảnh tượng ấy”, hắn khai báo với cảnh sát.
Tháng 8/1988, chỉ một ngày sau sinh nhật thứ 26 của mình, Tsutomu Miyazaki bắt cóc Mari Konno, 4 tuổi. Theo như Miyazaki khai thì hắn tiếp cận nạn nhân dễ dàng, dẫn cô bé về xe rồi lái đi mất. Tên sát nhân đưa Mari đến một khu vực nhiều cây cối phía Tây Tokyo, đỗ xe dưới gầm cầu, một nơi quá lí tưởng để không bị ai phát hiện ra. Hắn giữ nạn nhân trong xe nửa tiếng đồng hồ.
Sau đó, Miyazaki xuống tay hạ sát bé gái và bắt đầu dở trò đồi bại với nạn nhân. Khi xong xuôi mọi việc, kẻ bệnh hoạn cởi sạch quần áo trên người cô bé, vứt thi thể trong rừng rồi lái xe về nhà cùng bộ quần áo. Trong những tuần tiếp theo, tên sát nhân thường lui tới cánh rừng để kiểm tra cái xác, cuối cùng hắn còn lấy một phần thi thể về cất trong tủ quần áo.
Khi gia đình nạn nhân đang hoang mang không biết tung tích của con gái thì Miyazaki lộ diện, tất nhiên là bằng cách gọi điện nhưng hắn chỉ thở mạnh chứ không nói bất cứ lời nào. Nếu gia đình không nghe máy, hắn sẽ gọi cho đến khi có người trả lời thì thôi. Việc này liên tục lặp đi lặp lại. Cuối cùng, hắn gửi cho gia đình nạn nhân chiếc hộp chết chóc như đã nêu ở trên. Và trong khi mọi người chưa hết bàng hoàng với vụ án bí ẩn thì Miyazaki tiếp tục ra tay.
Tháng 10/1988, tên sát nhân bắt cóc cô bé thứ hai. Cô bé có tên là Masami Yoshizawa, 7 tuổi. Trên đường đi bộ về nhà một mình thì Miyazaki nhìn thấy cô bé, không ngại ngùng, hắn ngỏ ý cho Masami đi nhờ. Đến đây, tình tiết vụ việc cũng xảy ra tương tự với nạn nhân thứ nhất, hắn đưa Masami đến một khu rừng hẻo lánh và xuống tay sát hại, hãm hiếp thi thể rồi lấy hết quần áo mang về nhà.
Lúc này thì tình hình thực sự đã rất căng thẳng ở quận Saitama, nhất là những phụ huynh có con gái nhỏ, họ lại càng hoang mang hơn bao giờ hết. Kẻ bắt cóc và giết người hàng loạt được đặt cho biệt danh “Otaku Killer” (Sát nhân Otaku) hay “Kẻ giết hại những bé gái”.
Trong vòng 8 tháng tiếp theo, Miyazaki còn thực hiện thêm hai vụ nữa, nạn nhân cũng là 2 bé gái, bị sát hại theo cách tương tự. Nạn nhân thứ 3 là bé gái 4 tuổi Erika Namba cũng bị gã bắt gặp trên đường khi đang đi bộ về nhà. Lần này, Miyazaki đã ép bé gái lên xe, ra tay luôn trong xe rồi vứt bỏ cô bé nằm lạnh lẽo trong một bãi đỗ xe. Giống như gia đình nạn nhân đầu tiên, gia đình Erika Namba cũng nhận được một tấm bưu thiếp bệnh hoạn với những chữ “Erika. Lạnh. Ho. Họng. Yên nghỉ. Chết” cắt ra từ tạp chí.
Đến tháng 6/1989, Sát nhân Otaku thực hiện phi vụ thứ 4, nạn nhân là bé gái Ayako Nomoto, 5 tuổi. Hắn thuyết phục để được chụp ảnh cho em, rồi liền giết hại và đem thi thể về nhà. Miyazaki cũng hành hạ thân xác nạn nhân như những gì từng làm trước đó, tuy nhiên, chuyện chưa dừng lại bởi sau khi thỏa mãn thú tính bệnh hoạn của mình hắn còn phân thi thể ra làm nhiều phần rồi đem phi tang. Nhưng do lo sợ bị phát giác nên Miyazaki đã thu thập lại toàn bộ rồi giấu trong tủ của mình ở nhà.
Kẻ thủ ác sa lưới vén màn những bí mật kinh hoàng
Cuối cùng, sau bao nhiêu tội ác gây ám ảnh cho người dân Nhật Bản, Miyazaki cũng phải trả giá khi đang cố thực hiện vụ bắt cóc lần thứ 5. Vào 23/7/1989, khi phát hiện có 2 chị em đang chơi trong sân nhà, hắn đã cố gắng tiếp cận tách người em khỏi chị của mình để lôi lên xe. Người chị nhanh trí đã chạy đi tìm bố để giải cứu em. May mắn rằng ông bố đã can thiệp kịp thời trước khi kẻ thủ ác ra tay nên đã cứu được con gái, người này còn đánh nhau với gã sát nhân nhưng không thể làm gì vì hắn đã chạy thoát.
Vì chạy thoát thân nên Miyazaki đã để lại chiếc xe ô tô của mình tại hiện trường. Và sau khi quay lại hòng lấy xe thì hắn đã bị cảnh sát mai phục sẵn từ trước tóm gọn. Tại cơ quan điều tra, hắn đã khai nhận mình là Tsutomu Miyazaki, 26 tuổi, phụ tá tại 1 cửa hàng in ảnh cũ. Qua soát trên xe cũng như khám nhà, cảnh sát đã phát hiện những bí mật kinh hoàng đang chờ lời giải đáp bấy lâu nay, họ tìm thấy 5.763 băng video với nội dung đồi trụy và bạo lực, lẫn trong đó là băng và hình các nạn nhân. Ngoài ra, các nhà điều tra đã phát hiện cả những phần di thể còn sót lại của các nạn nhân đầu tiên và thứ 4. Từ đây hắn đã thừa nhận chính là hung thủ gây ra 4 vụ bé gái mất tích bí ẩn trong suốt khoảng thời gian qua. Phía cảnh sát không khỏi rùng mình khi nghe hắn tường thuật lại toàn bộ sự việc.
Trong phiên tòa xét xử, kẻ thủ ác tỏ ra vô cùng thản nhiên, bình tĩnh và không quan tâm đến việc bị bắt và hoàn toàn lãnh đạm với những tội ác đã gây ra. Khi bị chất vấn về tội ác của mình, Miyazaki đổ tội cho “Rat-Man” – một nhân cách tồn tại bên trong luôn bắt hắn làm những việc bệnh hoạn.
Định nghĩa “Otaku” chỉ người có những sở thích ám ảnh, đặc biệt trong thế giới truyện manga hay anime và cũng chính vì sở thích của mình, Miyazaki đã được truyền thông gán cho biệt danh đó. Ngay lập tức, làn sóng phản đối những người trong giới Otaku xuất hiện, họ cho rằng không có cơ sở nào để kết luận chính manga hay anime đã biến Miyazaki thành một con người như thế.
Qua điều tra, nghiên cứu, các nhà phân tâm học đánh giá bên cạnh việc bị mắc chứng rối loạn đa nhân cách, chính sự thiếu kết nối của gã sát nhân với gia đình đã khiến cho Miyazaki tìm đến một thế giới truyện tranh manga, anime đầy giả tưởng để tự làm vui bản thân. Nhưng thật không ngờ cũng chính vì chịu tác động một phần từ thế giới này mà cuộc đời hắn trượt dài và sa ngã, lún sâu vào tội lỗi.
Cha của Miyazaki, vì không chịu nổi sự thật, đã công khai từ chối con, không trả án phí và đã tự tử vào năm 1994. Ngày 17/3/2008, Tòa án Nhật Bản đã thi hành lệnh tử hình đối với Miyazaki Tsutomu.