Ngũ cô nhờ thuốc an thần nên ngủ một giấc rất sâu. Buổi sáng tinh thần cô không còn bất an, hoảng hốt như hôm qua. Lục cô đỡ ngũ cô dậy, ăn chút cháo lại uống thang thuốc. Sau đó đỡ lưng cô hướng ra cửa sổ, Mai đã chuẩn bị sắn sàng, đưa ngũ cô khăn tay cắn trong miệng.
– Vết thương để qua đêm, tụ máu bầm, cháu rửa sẽ đau, cô ráng chịu đựng.
Ngũ cô gật đầu, quấn khăn lên bàn tay tự đưa lên miệng. Có mấy vết thương cũ làm sẹo thật xấu xí, vết thương chưa kịp lành còn mưng mủ, vết mới bị đánh hôm qua còn rỉ máu. Mai lại giận đến run tay, răng nghiến chặt để không bật thêm tiếng chửi. Lau rửa, sát trùng bằng rượu, đắp thuốc, băng lại gần một canh giờ mới xong. Ngũ cô không kêu rên chỉ cắn răng, mắt đỏ hoe. Bà nội đứng ngoài cửa buồng nhìn đôi mắt thăm thẳm. Vĩnh ca xoay lưng chờ Mai băng bó xong thì dọn dẹp.
Lúc mọi người ngồi lại nhà trên nói tiếp chuyện tối qua thì cũng đã qua giờ tỵ. Ông nội suy nghĩ hồi lâu mới cất tiếng hỏi:
– Vết thương nặng không? Bao lâu thì khỏi?
Cái này là hỏi Mai, e là đúng như cô đoán, muốn đưa ngũ cô về nhà đó nữa sao?
– Lưng ngũ cô có rất nhiều vết thương, cũ mới đều có.
Nghe đến đây thất thúc đã đứng dậy, cô liếc hắn rất nhanh, nói tiếp.
– Vết thương mới chảy máu đầm đìa, có cái trúng xương vai, không trị dứt sau này có thể làm mủ, hư thịt, còn phế một bên tay.
Không khí trầm xuống đúng như Mai muốn. Vết thương đúng là rướm máu, cô chỉ hơi nói quá chuyện hư thịt và phế một bên tay thôi!
Thất thúc không kìm được nói:
– Cha, không thể đưa ngũ tỷ về nhà đó được, lần sau không còn mạng về đến đây đâu. Con sẽ đi qua nhà họ hỏi mới được, cớ gì đánh đuổi như vậy.
Lục cô thút thít khóc, nghẹn ngào nói:
– Cả lưng tỷ đều bị thương, cha nương!
Ông nội thở dài nhìn bà:
– Bà sao?
Ông bà sao không đau lòng con gái, chỉ là nếu a Hằng về nhà thì cả đời coi như huỷ rồi. Mai mốt ông bà mất đi sẽ sống dựa vào anh em, liệu có được không? Còn ảnh hưởng đến em gái cháu gái trong nhà mang tiếng, hôn nhân sau này sẽ khó khăn hơn nhiều.
– Cha, để ngũ cô về nhà mình đi. Vĩnh ca và con mới trị hết vết thương được, còn có Đỗ lang y kê đơn bồi bổ thân thể nữa, được không cha?
Mai cần đi từng bước để ngũ cô không thể bị đưa về nhà đó.
– Được, con và a Vĩnh phải trị thương cho hết mới được.
– Dạ.
A Vĩnh gật đầu, hắn không biết vết thương ở lưng ngũ cô lại trầm trọng như vậy.
– Cha nương, trị lần này xong rồi sao? Lỡ bị phế cánh tay thì nhà họ có để cho ngũ tỷ sống không?
Mai liếc mắt tán thưởng thất thúc, nói đúng trọng tâm.
– Để ngũ tỷ ở nhà tứ ca đi, con đi với cha qua nhà họ, hưu thì hưu, không cần về nhà đó nữa.
– Đúng rồi, cháu thấy ngũ cô ở nhà cháu đi, không cần về nhà đó. Bọn họ nghĩ nhà ta không nuôi nổi ngũ cô sao? Nhà cháu sẽ nuôi ngũ cô, phải không cha?
Mai giả ngu ngơ không hiểu lý do mà ông bà nội không thể giữ ngũ cô. Dù sao cô không sợ không gả đi được. Còn Cúc tỷ, nếu nhà hắn (La Hùng) vì chuyện này không đồng ý thì cô cũng không cần, tìm cho Cúc tỷ mối khác vậy.
Cha Mai đương nhiên biết vì sao nhà nội không thể giữ, nhưng a Hằng là muội muội ruột thịt, hắn đau lòng. Giờ thấy con gái nhỏ nói như vậy làm sao từ chối. Cứ như vậy đi, hắn sẽ nuôi muội muội cả đời.
– Cha nương, để ngũ muội về nhà con đi. Nhà con giờ nhiều việc, có muội ấy đỡ đần khẩn thêm vài mẫu ruộng cho mùa sau.
– A Tâm, con,…
– Nương, con hiểu ý nương. Nàng ấy,…
– Ha ha, mai mốt có ngũ cô khâu giày cho thất thúc rồi. Không cần nhờ con làm, còn chê xấu.
Mai nhanh nhảu cắt ngang lời cha nói, cha muốn giải thích chuyện bà nội lo nương cô sẽ không vui. Mai tin là nương có tấm lòng sẽ thông cảm. Cô sẽ ở bên cạnh nói thêm vào, mưa dầm thấm đất chắc nương sẽ không quá để tâm lời ra tiếng vào của người ta.
Bà nội không nhìn cha Mai nữa mà nghiêng về phía ông gật đầu. Bà đau lòng biết bao nhiêu, con gái mình sanh ra, yêu thương nâng niu. Bà gả cho nhà người ta lại bị coi rẻ, đánh đuổi như vậy!
– Hai con thấy sao?
Ông nội quay sang nhà nhị bá, tam bá vẫn im lặng chưa lên tiếng. Nhị bá lớn tuổi còn cân nhắc thiệt hơn, tam bá hơi vội vàng nên lên tiếng trước.
– Cha, nhà mình nhịn nhục mấy lần rồi, không cần nhịn nữa. Mang tiếng thì sao? Dù gì cũng mang tiếng rồi. Dứt một lần cho xong luôn đi.
Lời tam bá rất thẳng thắn, đúng là dù sao xung quanh ai cũng biết chuyện ngũ cô không thể sanh con, giấu cũng không được.
– Cha hay là đoạn tuyệt luôn. Mấy năm nay nhà ta đã tặng lễ trọng vậy mà họ vẫn không hài lòng. Sắp tới chuyện nhà a Tâm đóng ghe, tới tai nhà họ. Con nghĩ họ tham lam như vậy càng muốn nhiều hơn.
Lời của nhị bá như thức tỉnh mọi người, nhà bên đó muốn nhiều lễ hơn sao? Nhất là sắp đến Tết rồi.
– Khốn nạn,
– Tham lam.
Mấy tiếng chửi cũng lúc, ông nội dằn tay lên bàn nói:
– Ta mời Trần thúc cùng đi qua nhà họ, con đi với ta.
Ông quay sang nhị bá dặn, bá ấy gật đầu. Nội lại hỏi cha Mai.
– Con định khi nào về trong đó.
– Nếu việc nhà đó cha lo xong thì con cũng muốn về sớm.
– Ừ, trong đó cũng nhiều việc gấp.
Mai nháy mắt với cha, đi đến sau lưng đưa cha túi vải.
– Cha, trong này là mười quan, cha mang theo đi đường hay có việc gì cần dùng.
– Không cần nhiều vậy, nương con có, để bà ấy đưa ta.
Dằng co một lúc ông nội cũng cầm theo tiền. Quan trọng là giải quyết dứt khoát chuyện hai nhà đoạn tuyệt. Không kịp ăn trưa nội đã mời được trưởng làng cùng lên đường.
Bà nội và lục cô muốn vào trong đó mấy ngày, ghe nhà Mai nhỏ không chở hết nên chia ra. Cha, thất thúc, Vĩnh ca và Mai đi cùng với ngũ cô để lo thang thuốc nếu cần. Bà nội, lục cô và Hân ca quá giang ghe vào sau. Tam bá lo việc ở nhà nội.
Mui ghe không đủ dài, ngũ cô nằm hơi co lại, nhắm mắt như đang ngủ. Không biết lúc sáng nằm trong buồng cô có nghe chuyện bên ngoài hay không, chỉ thấy cô im lặng ăn cháo, uống thuốc rồi nhị bá mẫu, tam bá mẫu dìu xuống ghe. Mấy nhà trong làng chài biết chuyện đều nhìn bên này, thì thầm bàn tán.
Lần về xuôi dòng nước nhưng cha và thất thúc vẫn mạnh tay chèo, về nhanh để ngũ cô nghỉ ngơi. Không biết ngũ cô đang nghĩ gì, cảm thấy sao khi cả nhà không hỏi ý kiến đã quyết định vận mệnh của mình. Nhưng mà dù tương lai thế nào thì cũng tốt hơn bây giờ, bị coi rẻ, nhục mạ tinh thần, hành hạ thể xác như vậy cũng gần như chết rồi.
Đến nhà nương và Cúc tỷ dìu ngũ cô vào phòng. Cô nhìn quanh nhà, còn muốn gượng ngồi dậy muốn xuống bếp.
– Muội nghỉ một chút đi, dưới bếp cũng không có việc gì. Chiều nay muốn ăn cơm hay cháo?
– Ăn gì cũng được, ta không sao đâu.
Vấn đề bây giờ là không đủ phòng, ngũ cô ở đây lâu nên phải xếp giường chu đáo. Cha dời vách phòng Mai xuống gần bếp, phòng rộng hơn, đặt thêm một cái giường cho ngũ cô. Bà nội và lục cô chỉ ở mấy ngày thì qua phòng cha nương, cha ra ngủ bộ ván cùng a Phúc.
Lúc bà nội, lục cô và Hân ca vào thì trong nhà vẫn đang dọn dẹp, thêm cái chái nhỏ làm thành bếp, dời kệ tủ, sạp tre, mỗi người phụ một tay cũng xong. A Phúc và con Mực chạy lăng xăng rất hưng phấn. Lúc ngũ cô gả đi thì nương đang mang thai a Phúc, mấy năm nay cô ít về nhà nên hắn không nhớ cô, biết cô sẽ ở nhà hắn thỉnh thoảng liếc nhìn tò mò.
Thật ra Mai cũng không nhớ ngũ cô, chỉ có hai hôm nay nhìn vết thương, nhìn cô chịu đựng đau đớn không ầm ĩ khiến Mai thương cảm, đồng tình. Cô nghĩ chắc ngày thường cô còn ít nói và chịu nhịn hơn, nếu không thì nhà bên đó làm sao dám ức hiếp cô đến như vậy.
Ngày chợ phiên nương đi bán ở chợ Sông Lớn mua về hai cân thịt, hai cân xương hầm đu đủ tẩm bổ cho ngũ cô, mấy đứa nhỏ cũng được ăn ké. Cha thì vô chợ làng mua về sáu cái lu lớn, xếp hàng ở ngoài vách bếp.
Nhà Mai hay có khách hơn trước đây, cộng thêm Lưu tam bá mẫu đến nhà chơi không khỏi hỏi chuyện của ngũ cô. Chuyện ngũ cô vào nhà Mai ở, rồi sự tình ở nhà chồng, bị hưu cũng lan ra. Lưu bá mẫu đến nói với bà nội và nương. Người lớn thì thở dài thở ngắn, ngũ cô chỉ im lặng làm mọi người khó mở miệng an ủi. Rút lại là ai nấy đều lơ đi.
Mấy hôm sau ngũ cô khoẻ hơn cũng theo cả nhà xuống bếp, cho gà vịt ăn. Miếng đất mới khẩn hoang trồng đậu và khoai cũng đến lúc thu hoạch. Nương nói cha cứ lo đóng ghe xuồng, việc thu hoạch nhóm đàn bà con gái trong nhà làm từ từ cũng xong. Có bà nội, lục cô làm nữa nên hai mẫu đất mới thu được gần năm trăm cân khoai lang, khoai mì, khoai mỡ và cỡ đó các loại đậu.
Bà nội và ngũ cô làm bánh khoai mì, nấu chè đậu xanh, lúc nào cũng có mấy thứ ăn vặt trong nhà.
– Mấy đứa làm việc nhiều, mất sức, phải bồi bổ dưỡng thân. Nếu không về già sẽ nhức mỏi đủ chỗ.
Nội vừa canh nồi khoai vừa lẩm nhẩm nói chuyện, dặn dò.