15 NĂM SAU…
Phước Định, ngày… tháng … năm …
Cậu Vũ thân mến,
Đúng theo lời cậu đã dặn, hôm đám tang anh Hương, chờ làm tuần “bách nhựt” xong, tôi mới viết thư cho cậu.
Đến hôm nay, cháu Hiền vẫn không thấy về.
Tôi có xem mấy tờ báo, cậu đăng cáo phó và nhắn tin cho Hiền, nhưng liệu cháu nó có đọc thấy chăng? Sợ nó ở trên rừng hay miệt đồng bằng hẻo lánh xa xôi nào, nên không có báo mà đọc.
Tôi nghi như vậy lắm, chớ đời nào cháu Hiền, nhận được tin cha nó qua đời mà lại dửng dưng không về.
Mấy bà con trong gia tộc đã đồng ý giao quyền trông nom sản nghiệp của anh Hương cho chú Tám Lung, bao giờ cháu Hiền trở về sẽ giao lại.
Như thế cũng tạm yên. Bây giờ, nhờ cậu đăng báo thêm, liên tiếp vài ba tháng nữa, xem sao!
À, nghe đâu cậu lại được cử làm Giám Đốc Bệnh Viện Thủ Đô một lần nữa phải không?
Tôi có lời mừng cho cậu, vì như thế cũng đủ chứng tỏ lòng tín nhiệm của các bác sĩ đối với cậu.
Có mấy người trong xóm bị bệnh nặng có lên nằm trên bệnh viện đó nữa; ai nấy trở về đều hết lòng khen ngợi cậu.
Bao giờ có dịp lên Sài Gòn, tôi sẽ đến thăm cậu.
Thân mến,
GIÁO HOÀI
Vũ để bức thư trong kẹp giấy, bỏ vào tủ, rồi ngả lưng vào thành ghế. Bức thư trên chàng nhận được của giáo Hoài 6, 7 năm trước, hôm nay soạn tủ bỗng gặp lại. Những giòng chữ ấy gợi cho chàng biết bao hình ảnh cũ. Lúc cha Hiền mất đi, chàng có về Phước Định đưa đám tang, trong lòng hy vọng gặp được Hiền. Dù gì nàng cũng phải trở về để tang cho cha chớ! Nhưng buồn thay, vẫn không có tin tức gì của nàng. Ngày Hiền ra đi, đến khi cha nàng mất, đã 7, 8 năm trời. Tính đến ngày giờ nầy có đến 14, 15 năm. Mẹ con Hiền đã làm gì và đã ở đâu trong khoảng thời gian ấy?
Vũ thở dài. Bé Lệ, con chàng, ngày nay đã trên hai mươi tuổi. Cuộc sống của nó ra sao? Còn Hiền? Chắc hai mẹ con đã thay đổi nhiều lắm. Vũ quay nhìn vào kiếng, tóc chàng đã bạc hoa râm. Đã 14, 15 năm trời đi qua trong cuộc đời rồi còn gì nữa!
Vũ đã quá nản lòng trong việc tìm kiếm Hiền và chàng chỉ còn biết say mê làm việc, cứu giúp bệnh nhân với cả lương tâm nghề nghiệp, để quên đi nổi buồn riêng. Sự tận tụy của chàng và các bạn đã có tiếng vang sâu rộng trong các giới đồng bào. Nhiều nhà hảo tâm noi gương những người trước, bỏ tiền vào quỹ cứu trợ, nhiều bác sĩ tự động đến xin giúp việc; tổ chức bệnh viện càng phát triển hơn và đã cất thêm hai dãy lầu cho bệnh nhân.
Mỗi nhiệm kỳ Giám đốc bệnh viện là một năm, nhưng Vũ được đắc cử liên tiếp có đến 7 lần. Năm nay, chàng lại được các bạn bầu làm giám đốc lần nữa. Tuy mệt nhưng Vũ cũng vui vẻ nhận lấy chức vị của mình, vì chàng không muốn phụ lòng tín nhiệm của anh em. Trong số các bác sĩ ở bệnh viện chỉ có Trọng và chàng là tận tụy hơn hết cho nên năm nào chàng không được cử thì Trọng lại làm Giám đốc chớ không ai khác. Có nhiều bác sĩ khác không dính vào tổ chức làm nghĩa nầy, đứng bên ngoài xuyên lạc. Họ bỏ tiền ra mướn vài ngòi bút thiếu lương tâm tìm cách phá hoại việc làm của Vũ và Trọng. Họ bịa nhiều chuyện động trời bên trong bệnh viện, cố tình phủ nhận thiện chí của hai người. Nhưng bao giờ sự thật cũng vẫn là sự thật, không một ai tin những lời bêu xấu vu vơ đó. Trái lại, giới bác sĩ đứng đắn càng thấy ức lòng nên ra mặt ủng hộ Vũ và Trọng. Bệnh viện Thủ Đô ngày càng được tín nhiệm nhiều hơn. Lần lần, những bài báo xuyên tạc sự thật kia, không còn thấy đăng tải nữa.
Bác sĩ Thuận lại có dịp bảo với Vũ và Trọng:
– Các con đã thấy chưa? Mình biết trước thế nào cũng có kẻ làm hại mình mà. Bởi thế mọi hành động gì cùng phải hết sức cẩn thận. Hai con là “linh hồn” của bệnh viện, nếu chúng hạ được hai con thì tự nhiên tổ chức làm nghĩa của mình sẽ tan rã. Nhứt là phần “đạo đức”, hai con phải hết sức dè dặt từ lời nói, từ cử chỉ, đừng để họ có cớ làm hỏng công cuộc tổ chức của mình.
Vũ và Trọng càng tích cực hơn trong công việc. Vũ vẫn âm thầm cho người tìm kiếm mẹ con Hiền nhưng rất dè dặt vì sợ phe đối lập mượn cớ đó làm mất uy tín chàng. Đối với Trọng, chàng cũng chưa lần nào nói hết sự thật, đừng nói là ai khác. Nhiều năm qua rồi, phe đối lập của chàng và Trọng cũng mòn mỏi, không còn tìm cách phá hoại công cuộc làm nghĩa của hai người nữa, vì họ thấy dư luận ủng hộ mỗi lúc một nhiều hơn. Có bác sĩ ở tỉnh xa cũng tự động tổ chức những phòng mạch miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Một phong trào tương thân tương trợ rầm rộ khắp nơi.
Riêng Vũ, dù thành công trong công việc làm vẫn không xóa được nỗi buồn riêng. Đôi khi ngồi một mình trong phòng vắng, chàng tư lự, thẫn thờ, tâm hồn như gởi về chốn xa xôi nào? Nhứt là hôm nay, chàng đọc lại bức thư của giáo Hoài có nhắc nhở đến Hiền, Vũ lại thấy lòng buồn nản hơn bao giờ hết. Chàng thở dài, quay nhìn xuống dưới sân. Bệnh viện buổi chiếu thật vắng vẻ, lòng Vũ bỗng nhiên trống lạnh khác thường. Bác sĩ Trọng xô cửa bước vào và chợt nhìn thấy Vũ ngồi lặng một mình thì lộ vẻ băn khoăn. Đã lâu rồi, Trọng vẫn thường hay bắt gặp vẻ đăm chiêu trên gương mặt bạn. Có lúc, Vũ lại ngồi yên hằng giờ, không nói một lời.
Vũ nghe tiếng động trong phòng, quay nhìn lại:
– Kìa anh, đã xong rồi hả?
Trọng cười đáp:
– Xong rồi anh! Anh Huyến thay phiên trực cho tôi.
Rồi Trọng ngồi xuống ghế, lấy thuốc ra hút:
– Hình như anh có chuyện gì lo lắng trong lòng?
Vu lắc đầu:
– Không. Nào có gì đâu?
– Anh đừng giấu. Đã lâu, nhiều lúc tôi thấy anh có vẻ buồn khổ lắm? Sao thế? Chuyện gia đình chăng?
– Không. Tôi có chuyện gì đâu?
– Phải. Chính tôi cũng thấy vậy. Gia đình anh êm ấm, hạnh phúc. Chị Ngọc là một phụ nữ tân tiến, nhưng đảm đang hiền hậu. Cháu Dung ngoan ngoãn, thông mình… nay mai sắp ra trường luật. Như vậy, còn gì mà anh phải buồn chớ?
Vũ nhìn bạn, không biết nói sao? Đã nhiều lần chàng muốn thố lộ chuyện riêng của mình cho Trọng biết, nhưng do dự mãi, chàng lại thôi. Chàng sợ nhứt là Trọng suy nghĩ không phải về mình? Biết chừng đâu khi kể xong chuyện ngày trước. Trọng sẽ giảm bớt tình thương đối với chàng.
Trọng bỗng hỏi:
– Hay là bác Thiện? Có dạo nghe nói anh và bác không thuận nhau mà.
Vũ lắc đầu:
– Không! Chuyện cũ có nghĩa gì? Ba tôi bây giờ đã già, sống thảnh thơi một mình trên biệt thự ở Đà Lạt. Hằng ngày, ông lo chăm sóc mấy trăm cụm lan rừng của mình.
– Thế thì tôi không hiểu chuyện gì khiến anh phiền lòng? Hay là chuyện trong bệnh viện?
– Anh suy diễn riết trật lấc. Tôi đã nói không có gì buồn phiền mà. Tại nhiều lúc ngồi một mình, tôi suy nghĩ chuyện đời vậy thôi.
Trọng đùa:
– Theo tôi, anh nên làm nhà văn hơn là bác sĩ. Thấy anh “mơ mộng” mà tôi phát thèm. Cũng may là chưa bao giờ đang ca mổ mà lại “mơ màng”.
Vũ cười. Trọng bỗng đứng lên dụi điếu thuốc vào đồ gạt tàn, rồi bảo Vũ:
– Tôi về đây.
Vũ cũng đứng lên nhìn đồng hồ:
– Hết giờ rồi, tôi cũng về chớ.
Có tiếng gõ cửa bên ngoài, Trọng quay lại:
– Cứ vào.
Cánh cửa mở, một nữ y tá bước vào chào Vũ và Trọng. Vũ sững sờ nhìn cô ta, không rõ là ai? Chàng chưa từng gặp cô này trong bệnh viện bao giờ? Trọng bỗng hỏi:
– Có chuyện gì vậy, cô Hồng?
Cô y tá đáp nhỏ:
– Dạ, bệnh nhân số 15 trầm trọng quá, tôi sợ…
Trọng hỏi ngay:
– Bác sĩ Huyến đâu?
– Dạ bác sĩ đang ở phòng bệnh nhân số 17, tình trạng cũng nặng.
– Được, tôi sẽ đến ngay.
Người nữ y tá lui ra thì Trọng bảo Vũ:
– Anh đến phòng 15 với tôi. Bà nầy tôi sợ không qua khỏi.
Vũ vẫn chưa hết băn khoăn vì sự hiện diện của cô y tá vừa rồi! Chàng là giám đốc bệnh viện mà chưa từng gặp cô ấy lần nào? Ai đưa cô ta vào làm, sao không trình diện với chàng? Điều khiến Vũ chú ý là vẻ hiền dịu của cô ta. Nhưng có bệnh nhân đang nguy kịch, Vũ không tiện hỏi Trọng mà lại bước mau theo bạn ra khỏi phòng. Hai người đến phòng 15 và cùng xem qua bệnh tình cùa thiếu phụ. Bà ta bị bệnh “tiểu đường” đã đến lúc quá nặng nên sảng sốt luôn. Người chồng đứng sát bên giường vợ, nhìn hai vị bác sĩ với niềm tin tưởng. Vũ và Trọng xem qua bệnh trạng của thiếu phụ thì đều tuyệt vọng. Cả hai lặng lẽ bước ra ngoài. Chồng thiếu phụ bước theo sau, nét mặt lần lần biến sắc.
Đến bên ngoài, ông ta hỏi Vũ và Trọng:
– Thưa bác sĩ, có còn hy vọng gì chăng?
Vũ và Trọng dừng lại nhìn người chồng, không ai mở lời. Người đàn ông chừng như cảm thấy được số phận không hay của vợ, nhưng cũng gắng gượng hỏi:
– Mong bác sĩ cho tôi biết rõ bệnh tình của vợ tôi. Tôi đủ can đảm để chịu đựng mà…
Trọng lắc đầu:
– Bệnh của bà đã quá trầm trọng. Phải chi ông phát hiện sớm hơn và đưa vào đây.
Người chồng đứng dựa vào tường thở ra:
– Tôi cũng đã ngầm đoán được tình cảnh nầy. Vợ tôi đã đau từ lâu rồi, nhưng phần ở xa, phần thiếu hụt, đâu đủ tiền trị bệnh. Chừng nghe nói đến bệnh viện Thủ Đô nầy thì quá muộn.
Vũ và Trọng chỉ còn biết an ủi người chồng đau khổ vài câu, rồi trở về phòng Ban Giám Đốc. Hai người ngồi xuống một lúc thì cô Hồng bước vào cất tiếng:
– Thưa bác sĩ.
Trọng nghiêm giọng:
– Việc gì nữa đó cô?
Cô y tá điềm đạm:
– Thưa bác sĩ, thân nhân của người bệnh số 15, xin được chở vợ về nhà ngay bây giờ.
Trọng đáp:
– Được. Cô lo giấy xuất viện rồi đem vào đây cho bác sĩ Giám đốc ký.
Cô Hồng liếc mắt nhìn Vũ rồi lui ra. Vũ hỏi Trọng:
– Ai vậy anh? Cô ta vào làm từ bao giờ mà tôi chẳng được biết?
Trọng quay vụt lại :
– Anh nói thiệt à?
– Thiệt mà. Từ nãy đến giờ, tôi hết sức băn khoăn.
– Lạ thiệt! Tôi đã bảo cô Y tá trưởng đưa vào trình diện với anh rồi mà. Làm thế nầy sai nguyên tắc hết thì khó lắm. Đối với cô Phương chắc tôi phải khiển trách mới được. Cô ỷ làm Y tá trưởng rồi muốn lướt quyền bác sĩ sao?
Vũ lắc đầu:
– Có gì mà anh buộc tội cô Phương nặng nề vậy. Chắc tại nhiều việc, cô ấy quên.
– Quên sao được. Nếu Giám đốc không phải là anh mà là người khác thì sao? Phải áp dụng kỷ luật, không thì ngay trong bệnh viện cũng nảy sanh nhiều tệ trạng.
– Nhưng cô Hồng là ai? Từ đâu tới xin làm việc?
Trọng nói:
– Cô nầy, mấy tháng trước làm việc ở phòng mạch của tôi, nhanh nhẹn và giỏi giắn. Cô ấy xin nghỉ vì mẹ bệnh nặng. Mới đây, tôi gặp lại và được biết bà mẹ đã mất. Hiện cô sống rất khó khăn, không người thân. Tôi mới bảo cô đến đây nhờ anh thu nhận, vì thấy hoàn cảnh…
Vũ rất xúc động trước câu chuyện của cô Hồng. Trọng thấy bạn lặng thinh, lo ngại hỏi:
– Thế nào? Mình không thể nhận thêm người sao?
– Sao lại không? Bệnh viện còn cần nhiều y tá nữa. Xem cô ấy cũng dịu dàng lắm.
– Cô Hồng được đức tánh đó. Cô Phương tuy giỏi, nhưng hay gắt gỏng, nhiều bệnh nhân than phiền. Tôi định bàn với anh nên khuyên cô Phương, nếu muốn tránh tai tiếng!
Vũ đáp:
– Tôi cũng đã nghĩ thế. Nhưng theo tôi, cô Phương khó sửa đổi lắm.
– Tại sao?
– Anh vẫn chưa rõ à?
Trọng ngơ ngác nhìn bạn lắc đầu. Vũ tiếp:
– Cô Phương 38 tuổi rồi mà chưa thành lập gia đình. Cô ấy hay cau có, gắt gỏng là chuyện dĩ nhiên rồi. Nhưng mình chuộng là vì người giỏi, đảm đang được hết công việc của chúng ta.
Trọng chợt hiểu, cười nói:
– Ờ há! Hèn gì, cô ấy hay nóng tính bất tử lắm. Có lúc cô ấy lại xẵng giọng với cả tôi nữa.
Vũ không cười mà lại nghĩ đến Hổng, người nữ y tá vừa đến làm trong bệnh viện. Tự nhiên, chàng tò mò muốn biết rõ gia cảnh cửa cô ta: bà mẹ vì sao mà chết? Biết chừng đâu… À, biết chừng đâu hoàn cảnh đẩy đưa, chàng gặp lại con. Tự nhiên, sao chàng thấy sắc diện cô Hồng mường tượng giống Hiền… giống ở nét hiền dịu, thật thà. Nhưng có lẽ nào trong mười mấy năm qua con chàng thay đổi đến độ không còn nhìn ra được nữa? Vũ muốn biết rõ hơn về Hồng nên khi Trọng rủ chàng về, Vũ lắc đầu:
– Anh về trước đi. Tôi còn vài chuyện cần làm.
Trọng đứng lên ra cửa, trong lòng không chút nghi ngờ thái độ của bạn. Vũ ngồi lại giở sổ rа хеm. Ngay khi đó, Hồng bước vào nói:
– Thưa bác sĩ. Nhờ bác sĩ ký tên giùm rồi hãy…
Hồng muốn nói là “hãy về”, nhưng tự nhận thấy mình quá sỗ sàng, nàng lặng im. Nàng đang làm giấy tờ trong phòng gác, thấy Trọng ra xe thì tưởng Vũ cũng sắp về, nên vội ôm giấy tờ chạy lên.
Vũ nhìn Hồng:
– Cô cứ làm cẩn thận, tôi chưa về đâu.
Hồng rón rén ngồi xuống chiếc bàn bên cạnh, cắm cúi viết tiếp. Bây giờ, Vũ mới có đủ thời giờ nhìn thiếu nữ. Chàng chỉ nhớ mài mại khuôn mặt của bé Lệ, nên không thể nào đoán được sự thay đổi sắc diện của một thiếu nữ trong vòng 14, 15 năm trời. Hồng làm giấy tờ xong, đưa sang cho Vũ xem lại để ký tên. Vũ nhìn qua nét chữ thì vừa lòng lắm.
Chàng mở bút máy ký ngay, Hồng sắp bước ra thì Vũ đã bảo:
– Cô đưa giấy xuất viện cho họ rồi trở lại tôi hỏi chút việc.
Hồng vâng dạ, ra khỏi phòng. Chỉ một lúc thôi, nàng đã trở lại. Hồng đoán chừng Vũ sẽ hỏi về chuyện nàng vào làm trong bệnh viện mà Giám đốc không hay biết chớ không gì khác.
Vũ thấy nàng liền mời ngồi xuống ghế, rồi cất tiếng hỏi:
– Cô vào làm được mấy hôm rồi?
– Dạ, hai hôm nay, do bác sĩ Trọng giới thiệu.
Vũ gật đầu:
– Điều đó tôi có biết. Nhưng sao không thấy cô đến trình diện ở văn phòng?
Hồng cúi đầu đáp:
– Dạ! Cô Phương gác phòng lạnh, nhiều bệnh nhân nặng quá, cô không rời đi được. Tôi có đến đây hai lần, nhưng thấy bác sĩ bận việc, tôi không dám quấy rầy.
Vũ gật đầu:
– À, ra thế!
Chàng lặng thinh một lúc rồi mới hỏi:
– Cô đã khai lý lịch chưa?
– Dạ chưa. Tôi còn chờ được gặp bác sĩ Giám đốc vì chưa biết mình có được thu nhận chăng?
Vũ gật đầu:
– Cô không phải lo. Bác sĩ Trọng đã giới thiệu cô. Nên làm tờ khai lý lịch đi. Cô đã chính thức là nữ y tá của bệnh viện rồi đó.
Rồi chàng kéo hộc tủ lấy mẫu khai lý lịch trao cho Hồng:
– Cô viết theo những câu hỏi trên đây. Cô viết ba bổn mới đủ đó. Chính quyền muốn kiểm tra chớ không có gì.
Hồng cầm mấy tờ giấy đáp lời Vũ:
– Sáng mai tôi sẽ đem đến cho bác sĩ.
– Cô trao cho cô Phương cũng dược.
Hồng vâng dạ, lui ra. Vũ lại thấy trong lòng hồi hộp một cách khác thường. Chàng nghi ngờ Hồng có liên quan mật thiết với mình. Nhưng không lẽ, mới gặp lần đầu, chàng đi hỏi gia cảnh của người ta. Bởi thế mà Vũ chú trọng tới chuyện khai lý lịch, để dễ dàng dò xét Hồng. Sao mà gương mặt của người xưa cứ phảng phất trên khuôn mặt của Hồng. Một là vì chàng quá “tưởng tượng”? Hai là đúng sự thật? Vũ rất băn khoăn, chàng xếp giấy tờ trên bàn lại từ từ đứng lên ra xe. Nhiều nhân viên trong bệnh viện cúi chào Vũ, chàng đáp lễ, nhưng không để ý được là ai? Trong đầu chàng chỉ nghĩ đến Hồng! Nếu đúng sự thật Hồng là bé Lệ thì chàng không thể nào tưởng tượng nổi. Bé Lệ ngày xưa, bây giờ cao lớn, đẹp dịu hiền như vậy sao? Còn Hiền? Nếu vậy nàng không còn trên cõi đời nầy nữa ư? Vũ nghĩ đến đó trong lòng chua xót vô cùng. Rồi chàng lại hy vọng mình nghĩ lầm. Chàng mong Hồng không là bé Lệ mà chỉ là một nữ y tá thường như bao nhiêu cô gái khác trong bệnh viện. Vũ mở máy cho xe chạy thẳng về nhà. Xe vào trong sân, đã thấy Ngọc Dung chạy ra trước thềm đón cha. Vũ vừa xuống xe, Ngọc Dung đã đến gần tươi cười hỏi:
– Sao hôm nay ba về trễ vậy?
Vũ nhìn con, đáp:
– Ba bận nhiều việc quá!
Dung nũng nịu nói:
– Có “người” đợi ba đến hết hơi.
– Ai vậy con?
– Đố ba biết?
Vũ tưởng con muốn “đố trí” mình nên đáp:
– Con chớ ai?
– Không phải đâu!
– Vậy thì má con phải hông?
Ngọc Dung lại lắc đầu, nheo mắt:
– Khỏi đi. Má khỏi đợi ba đi.
Vũ dừng chân lại, nói:
– À, thì ra hai mẹ con đều không có ý đợi ba? Thôi được, ba lại đi đây.
Chàng trở ra xe, khiến Ngọc Dung hết hồn:
– Ba! Kìa con… nói thiệt mà.
– Ờ, thì con nói thiệt chớ sao?
– Không! Con nói có người đợi ba thiệt tình đó.
Vũ quay lại, nghiêm nghị hỏi:
– Ai vậy con?
Ngọc Dung không dám “đố trí” cha nữa, liền đáp:
– Anh Trân.
Vũ lặp lại lời Dung:
– À, cậu Trân.
Trân là bạn của Ngọc Dung, kỹ sư công chánh. Dung rất mến chàng. Vũ và Mộng Ngọc đều biết vậy và vẫn cho con giao thiệp. Trân cũng mến Dung lắm và đã nhiều lần Dung cho biết cậu ta ngỏ ý muốn cưới nàng. Dung chưa trả lời Trân vì còn chờ đỗ đạt xong đã. Mộng Ngọc xem chừng cũng bằng lòng chàng rể tương lai. Riêng Vũ, chàng không mấy vừa ý, nhưng vẫn đối xử với Trân rất tử tế. Chàng nhận thấy Trân nói quá nhiều, thu hút cảm tình bằng lời nói, song trong đôi mắt thiếu vẻ đứng đắn, thành thật. Nhiều lần chàng nói riêng với vợ về những điều nhận xét của mình, nhưng Mộng Ngọc không nghe còn cười bảo chàng:
– Bây giờ anh lại xét người bằng cách coi tướng nữa sao? Cậu Trân thông minh hoạt bát như thế mà anh chê? Ai từng biết cậu Trân, anh hỏi thử xem, họ đều mến cả. Gia đình của cậu ấy cũng thuộc vào hàng danh giá ở Hậu Giang đó.
Vũ không nói thêm nữa và chàng càng để ý dò xét tính tình Trân. Dung thấy cha có vẻ tư lự, liền hỏi:
– Sao ba? Con có cảm tưởng hình như ba không mấy ưa anh Trân?
Vu nhìn con:
– Sao con nói vậy? Ý kiến của má con hả?
– Dạ không! Con đoán như vậy đó. Mỗi lần thấy ba đang cười vui vẻ, hễ nghe anh Trân đến là ba nghiêm ngay nét mặt. Con thấy ba con sợ quá hà. Anh Trân cũng nói như vậy nữa.
Vũ gật đầu:
– À! Cậu Trân cũng cho là ba quá nghiêm, nữa sao?
– Dạ! Ảnh hỏi con chắc là ba khó lắm!
– Rồi con trả lời thế nào?
Ngọc Dung lặng thinh không đáp. Vũ cười nói:
– Chắc con cũng đồng ý với Trân chớ gì?
Dung ngước lên nhìn cha, gật đầu. Vũ cười nói:
– Nếu thế thì ba sẽ “cố gắng” vui vẻ hơn khi cậu Trân đến nghen.
Dung nắm lấy tay cha, đứng hẳn lại:
– Ba nầy. Sao ba lại phải “cố gắng’’ vui vẻ hả ba? Ba không đồng ý cho con thân với anh Trân sao?
– Không. Ba đâu có ý đó!
– Nhưng thái độ của ba như vậy đó mà.
Vũ hỏi lại Ngọc Dung:
– Con có thấy ba khó lắm sao?
Dung lắc đầu:
– Dạ không. Nhưng con muốn biết rõ ý của ba đối với anh Trân.
– Ý kiến gì nào?
– Ba xem anh ấy là người tốt hay xấu? Có xứng đáng cho con giao thiệp không?
Vũ đáp nhỏ:
– Sao đến bây giờ con mới hỏi ba?
Ngọc Dung ấp úng:
– Thưa ba, vì đến bây giờ chuyện ấy mới quan trọng đối với con.
Vũ lặng thinh và ngầm hiểu nỗi lòng của con gái. Chắc là “cô” đã vừa ý “cậu” lắm rồi!? Chàng thấy bối rối trước một chuyện hết sức hệ trọng. Nó quyết định cả tương lai của Ngọc Dung. Chàng khẽ hỏi:
– Dung! Con hỏi thiệt ư?
Ngọc Dung không đáp chỉ gật đầu. Vũ nói:
– Thế thì con phải để cho ba suy nghĩ đã. Kìa, mẹ con đã có ý đợi cha con mình. Thôi vào đi rồi ba sẽ trả lời sau.
Ngọc Dung gật đầu bước theo cha. Nàng còn nói thêm:
– Hôm nay, ba đừng quá nghiêm với anh Trân nghen ba.
Vũ cười đáp:
– Con không phải lo.
Hai cha con vừa vào trong nhà thì Trân đã đứng lên chắp tay xá Vũ:
– Dạ, thưa bác.
Vũ cười nói:
– À, cậu Trân. Ngồi chơi. Tôi bận quá nên về có hơi trễ.
Mộng Ngọc nói:
– Cậu Trân đợi mình từ hồi 5 giờ đó.
– Thế à? Bận quá. Phải Ngọc Dung điện thoại sang bệnh viện, tôi sẽ về sớm hơn.
Ngọc Dung nói:
– Con cũng định gọi ba, anh Trân không cho sợ làm phiền ba.
– Có gì đâu. Nhưng… chắc có chuyện gì cậu cần đến tôi hả?
Trân chắp tay ấp úng:
– Dạ, thưa không. Nhưng…
– Cậu cứ nói đi không gì phải ngại. Cậu biết gia đình tôi đã lâu rồi.
Ngọc Dung cũng nôn nao, muốn tiếp nói với Trân, nhưng e ngại, ngồi yên. Mộng Ngọc ngước nhìn Trân, chờ đợi câu nói của cậu ta, vì từ chiều đến giờ nàng cùng thắc mắc lắm.
Trân trấn tĩnh tâm thần cất tiếng:
– Dạ thưa hai bác. Mẹ cháu muốn được làm quen với hai bác, nhưng không biết phải làm sao? Không lẽ đường đột sang thăm hai bác.
Vũ và Mộng Ngọc chợt hiểu nên nhìn nhau, trong lúc Ngọc Dung cúi gầm mặt xuống. À, thì ra gia đình Trân tính tới đây mà… Chắc là Ngọc Dung thuận ý rồi cũng nên. Vũ nhận thấy con hỏi dò ý kiến của mình quá trễ. Riêng Mộng Ngọc nàng thấy không có gì trở ngại trong chuyện mẹ Trân đến viếng thăm. Song nàng còn chờ ý kiến của chồng, chớ không dám nói trước. Vũ nhìn Trân nói:
– Thật là hân hạnh. Cậu không phải ngại. Hôm nào bà nhà rảnh rang, vợ chồng tôi xin mời bà sang chơi.
Trân và Ngọc Dung đều thở ra khoan khoái. Cả Mộng Ngọc cũng tươi ngay nét mặt. Nàng nói với Vũ:
– Mình à! Hay là ta định ngày mời bà sang dùng cơm một bữa.
– À, cái đó tùy em. Việc đãi đằng em liệu đó.
Mộng Ngọc nhẩm tính một lúc rồi nói:
– Chủ nhật nầy anh có bận gì không? Hay là mình mời bà sang dùng cơm trưa ngày đó.
Vũ nhìn vợ gật đầu:
– Được rồi. Chủ nhật anh nghỉ ở nhà mà.
Rồi chàng bảo Trân:
– Tôi nhờ cậu thưa với bà nhà, trưa Chủ nhật vợ chồng tôi mời bà sang dùng cơm. Luôn tiện để biết nhau…
Trân chắp tay vâng dạ, trong lòng rất mừng. Lần thứ nhứt chàng thấy Vũ không quá nghiêm khắc như chàng tưởng. Ngồi nán lại một lúc, Trân từ giã ra về. Vũ bảo Ngọc Dung đưa Trân ra xe vì “cậu” và “cô” còn có chuyện phải nói với nhau. Chàng trở vào ghế, ngồi phịch xuống, tay lần cởi cà vạt. Mộng Ngọc nhìn theo con gái và Trân bước xuống thềm, trở vào tươi cười bảo Vũ:
– Gia đình cậu Trân đã tính tới rồi đó mình?
Vũ đáp lơ là:
– Anh cũng đoán thế.
– Mình không biết gia đình đó sao? Cha cậu Trân nầy trước kia làm Hội đồng, đã mất lâu rồi… mà bà ở vậy nuôi cậu Trân đến khôn lớn. Họ giàu lắm, ruộng đất có hàng vạn mẫu.
Vũ không đáp lời vợ, nhưng chàng thấy “chiến công” của bà Hội đồng không có gì đáng khen ngợi. Chồng chết ở vậy nuôi con cũng là chuyện thường trong xã hội mình. Vả lại, bà Hội đồng có tiền của nhiều, việc nuôi con nào phải chuyện khó khăn! Phải chi ông Hội đồng chết đi, gia đình khánh kiệt, bà Hội ra sức làm việc nuôi con, chống trả mọi cám dỗ trên đời mới là điều đáng khen ngợi. Nhưng Vũ biết mình có nói ra cũng vô ích nên chỉ gật đầu, lặng thinh.
Mộng Ngọc nhìn đáng điệu của chồng, khẽ hỏi:
– Hình như mình không được vui. Có chuyện gì vậy mình? Hay là mình không muốn cho bà Hội cầu thân.
Vũ buộc lòng đáp:
– Không, anh đâu có ý gì khác, Nhưng anh hơi bất ngờ trước quyết định của Ngọc Dung. Hình như con nó đã thuận ý rồi thì phải.
Mộng Ngọc ngồi xuống bên chồng nói nhỏ:
– Em thấy tụi nó cũng xứng đôi lắm chớ. Ngọc Dung đã hai mươi rồi đó mình…
– Chuyện đó đối với anh không quan hệ bằng tương lai hạnh phúc của con. Mình vẫn chưa hiểu nhiều về cậu Trân mà.
Mộng Ngọc cười:
– Mình không hiểu chớ em dò xét lâu rồi. Bộ mình tưởng em cho con tự tiện giao thiệp với cậu ấy mà bỏ lửng sau?
Vũ nói:
– Anh thật không biết tính sao? Lúc nãy, Ngọc Dung hỏi ý kiến anh đối với cậu Trân. Thật là khó trả lời.
Mộng Ngọc khẽ bảo chồng:
– Mình à! Theo ý em thì nếu chúng thuận ý nhau, mình cũng nên tác hợp cho rồi. Xem chừng cả hai thương yêu nhau lắm. Vả lại, gia đình bà Hội cũng là chỗ danh giá, hạp với gia đình mình.
Vũ ngước lên nhìn Mộng Ngọc và chàng nhận thấy dù bao năm trời chung sống vơi nhau, Ngọc vẫn còn chịu ảnh hưởng của cha. Ảnh hưởng ở chỗ nhìn cuộc đời qua cái truyền thống “danh giá” hão! Chàng không phải hoàn toàn không mến Trân, nhưng có điều làm chàng bận tâm là hình như Trân thiếu thành thật. Đó là một yếu tố làm gãy đổ hạnh phúc về sau nầy. Ngọc Dung trở vào nhà, tươi cười hớn hở. Nhưng nàng lại nghiêm ngay nét mặt khi thấy cha mẹ đang tư lự bên nhau. Nàng rón rén vào ngồi bên mẹ. Mộng Ngọc ngước lên nhìn con hỏi:
– Trân về rồi hả?
Ngọc Dung gật đầu không đáp, rồi liếc nhìn cha, như ngầm hỏi mẹ có chuyện gì không? Vũ sợ con hiểu lầm thái độ của mình nên cất tiếng:
– Ba má đang bàn bạc về chuyện của con đó!
Ngọc Dung lặng lẽ cúi đầu, đôi tai đỏ bừng lên. Mộng Ngọc mỉm cười tiếp lời chồng:
– Gia đình cậu Trân đến viếng thăm ba má là họ tính tới rồi đó. Chắc con cũng hiểu như vậy phải không?
Ngọc Dung gật đầu:
– Dạ! Anh Trân có nói qua cho con biết.
Vũ nghiêm nghị hỏi:
– Như vậy nghĩa là con nhận lời cầu hôn của cậu Trân rồi chớ gì? Ngọc Dung không dám đáp, chỉ gật đầu.
Vũ thở ra:
– Vậy thì con còn hỏi ý kiến ba làm gì nữa?
Ngọc Dung sợ hãi nhìn cha rồi nhìn mẹ như cầu cứu. Chính Mộng Ngọc cũng không biết làm sao đỡ lời cho con. Dung trấn tĩnh lòng mình rồi thưa với Vũ:
– Thưa ba. Ý kiến của ba vẫn có giá trị tuyệt đối trong việc hôn nhân của con. Con đâu dám tự mình định đoạt tương lai. Con chỉ biết Trân yêu con và xứng đáng với tình yêu của con thôi.
Vũ khẽ nói:
– Con đáng khen lắm. Nhưng thật tình không phải ba không ưa cậu Trân. Ba chưa đủ thì giờ để tìm hiểu cậu ấy, thế thôi. Ba muốn con có tính thì cùng để chậm ít lâu, cho ba dò xét cậu Trân đã. Biết chừng đâu ba sẽ giúp ích con nhiều hơn.
Mộng Ngọc hỏi chồng:
– Thế sao lúc nãy anh không từ chối việc bà Hội muốn cầu thân với mình. Lại còn mời người ta Chủ nhựt nầy sang dùng cơm?
– Điều đó có hại gì đâu? Việc làm quen và việc gả Ngọc Dung là hai chuyện khác nhau mà.
Rồi Vũ lại hỏi Dung:
– Con nghĩ sao? Có buồn giận ba chăng?
Ngọc Dung gượng cười bảo cha:
– Con nào dám thế! Ba lo cho hạnh phúc của con, sao con lại buồn.
– À, thì con xứng đáng với lòng yêu thương của ba. Con chỉ để cho ba một thời gian ngắn thôi, cũng đủ. Vả lại…
Thấy Vũ ngập ngừng không nói hết câu, Ngọc Dung hỏi:
– Thưa ba thế nào?
Vũ tiếp:
– Vả lại bộ con không muốn tiếp tục học luật nữa sao?
– Dạ không! Chúng con tính đến khi nào con ra trường mới làm dám cưới mà.
– Hai năm nữa… Thế là “tính hơi xa” đó con!
Ngọc Dung hỏi ngay:
– Sao mà “xa” hả ba?
– Ba tưởng nếu thế các con khoan tính đến chuyện hôn nhân. Còn hai năm nữa, biết bao là biến đổi.
Mộng Ngọc đưa mắt nhìn Vũ như ngầm bảo chồng đừng nói thêm nữa, chỉ gây sự buồn phiền cho Ngọc Dung. Vũ làm như không thấy cử chỉ của vợ, tiếp lời:
– Vậy thì ba đủ thì giờ xét đoán tính tình cậu Trân. Nhưng riêng về phần con, phải hết sức thận trọng! Đừng quá khắng khít hay xem như đã thành hôn với nhau rồi là hại mình.
Ngọc Dung đáp nhỏ:
– Con nghe lời ba.
Rồi nàng đứng lên xin phép cha mẹ trở về phòng riêng, vẻ mặt thoáng nét buồn. Đợi cho con đi rồi, Mộng Ngọc mới trách chồng:
– Mình nói chi những lời đó làm cho Dung nó buồn. Em biết mình không ưa cậu Trân mà.
Vũ lắc đầu bảo vợ:
– Em không hiểu dụng ý của anh đâu! Anh cố tình làm cho con phải suy nghĩ. Tuổi Dung là tuổi mơ mộng, nhưng lại sắp bước vào cuộc sống thực tế. Phải tập cho con biết nghĩ suy chín chắn để khỏi lầm lạc trong tình trường. Nó buồn bây giờ, nhưng sẽ không khổ về sau. Hơn nữa, anh có nói gì nhiều đâu. Anh chỉ khuyên con nên dè dặt thế thôi.
Mộng Ngọc hỏi:
– Dè dặt chuyện gì? Bộ anh cho cậu Trân không thật tình sao? Nếu cậu ấy thiếu thành thật, tội gì lại đưa mẹ tới đây để cầu thân với mình.
Vũ lắc đầu nói:
– Em nói mà không nghĩ cho cặn kẽ! Đã bao nhiêu đám làm lễ hỏi với nhau rồi mà vẫn tan rã đó. Em không chỉ cho con những “uẩn khúc” có khi chính mình làm hại con mình.
Mộng Ngọc làm thinh vì thấy lời Vũ có phần nào đúng. Suốt bữa cơm tối và khi đi ngủ, hai vợ chồng không bàn bạc thêm về chuyện hôn nhân của Ngọc Dung. Đêm lần về khuya, nhưng Vũ cứ trằn trọc mãi không ngủ được. Chàng lo nghĩ tới tương lai hạnh phúc của Ngọc Dung đã đành, còn sự hiện diện của cô Hồng ở trong bệnh viện cũng làm cho chàng thắc mắc không ít? Nếu quả thật Hồng chính là bé Lệ ngày xưa thì chàng lại phải lo cho tương lai cả hai. Rồi Vũ lại mong cho Hồng không phải là con của mình để chàng hy vọng Hiền vẫn còn sống trên cõi đời. Vũ không ngủ được nên ngồi dậy lấy thuốc ra hút. Chàng mở cửa sổ cho thoáng gió. Tiếng động ở cửa, khiến Mộng Ngọc thức giấc và để ý đến thái độ của chồng, Ngọc thấy Vũ ngổi trên chiếc ghế gần cửa sổ, nhìn ra ngoài trời đêm, có vẻ buồn bã khác thường thì ngạc nhiên lắm!
Không lẽ chuyện hôn nhân của Ngọc Dung làm chàng bận tâm đến thế sao? Nàng bước xuống giường đến gần Vũ hỏi:
– Anh! Sao anh không ngủ?
Vũ quay lại gượng cười với vợ, nhưng không biết trả lời thế nào? Mộng Ngọc ngồi sát bên chàng hỏi tiếp:
– Có chuyện gì vậy mình? Chuyện Ngọc Dung hả? Sao anh lo nghĩ nhiều thế?
– Không lo nghĩ sao được hả em? Mình có mỗi một mình nó!
Mộng Ngọc ngồi dựa vào mình chồng nói:
– Thì anh đã dặn dò con kỹ càng rồi, có gì phải lo nữa. Em cũng sẽ thận trọng hơn khi tiếp bà Hội đồng.
Rồi nàng bảo Vũ:
– Thôi đi ngủ mình. Ngày mai còn đến bệnh viện nữa.
Vũ đứng lên trở lại gường, nhưng cũng không tài nào nhắm mắt. Thỉnh thoảng chàng trở mình thở dài. Hình dáng Hồng, người nữ y tá đột nhiên hiện đến, bắt buộc chàng phải nhớ tới một thời xa xưa. Mấy lần, chàng muốn nói với Mộng Ngọc về chuyện của Hồng, nhưng rồi lại thôi. Chàng sợ mình tạo thêm phiền phức. Đã lâu, chàng không hề nhắc tới Hiền trước mặt vợ, vì mỗi lần như thế, bầu không khí trong gia đình trở nên nặng nề khó thở. Ngọc Dung đã lớn và đến tuổi hiểu biết chuyện đời. Vũ không muốn con biết chuyện riêng của mình với Hiền vì như thế sẽ gây cho con một ấn tượng không tốt. Vũ miên man nghĩ ngợi và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong giấc ngủ, chàng nằm mơ thấy Hiền hiện đến tươi trẻ hiền dịu như ngày xưa. Chàng không hiểu sao lại thấy Hiền mặc đồ nữ y tá và đứng bên cạnh chàng trong lúc đang có ca giải phẫu một bệnh nhân? Chàng sửng sốt kêu lên một tiếng lớn:
– Hiền!
Rồi giựt mình tỉnh giấc, chàng thấy trời đà sáng hẳn. Mộng Ngọc đã ra nhà sau tự lúc nào. Vũ biết mộng mị không bao giờ trở thành sự thật, nhưng giấc mộng trong đêm cứ ám ảnh chàng luôn. Hiền mặc đồ nữ y tá và làm việc bên cạnh chàng trong bệnh viện! Chàng không nghĩ tới chuyện đó bao giờ, sao lại nằm mơ mà thấy được? Hay vì sự hiện diện của Hồng ám ảnh chàng đã khiến nảy sinh giấc mộng kỳ dị dó.
Vũ thay đồ đến bệnh viện vào khoảng chín giờ. Chàng ngồi vào bàn viết thì thấy tờ khai lý lịch của cô Hồng để sẵn ở đó. Vũ cầm lên xem:
“Nguyễn Thị Hồng, sanh tại Sóc Trăng, con của bà Trần Thị Yên. Cha chết từ lúc nhỏ”.
Vũ không đọc thêm nữa, vì chàng đã thấy rõ Hồng không phải là con mình. Chàng vừa mừng và cũng vừa buồn. Mừng vì có hi vọng Hiền còn sống sót trên đời. Nhưng buồn vì Hổng không phải là bé Lệ. Tuy nhiên, trong lờ khai lý lịch của Hồng có một điểm khiến Vũ thắc mắc:
– “Cha chết từ từ nhỏ!”
Như vậy Hồng cùng không biết rõ cha mình là ai? Biết chừng đâu, đây không phải là lý lịch thực thọ của Hồng. Rất có thể như thế lắm, vì trong thời gian loạn lạc nầy, chuyện gì lại không có thể xảy ra. Nhưng không lẽ, chàng lại gọi Hồng vào, để hỏi rõ tung tích của nàng? Điều đó không khéo sẽ làm cho Hồng hoảng sợ bỏ đi cũng nên.
Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ, Vũ cất tiếng:
– Cứ vào!
Hồng xô cửa bước vào. Vũ hỏi ngay:
– Có chuyện gì đó cô?
– Thưa bác sĩ. Có một bệnh nhân vừa mới chở đến, coi bộ nguy kịch quá. Dạ, bác sĩ Trọng chưa tới.
Vũ đứng lên:
– Cô để tôi! Phòng nào hả cô?
– Dạ, phòng số 9.
Vũ chưa ra khỏi phòng, Trọng đã đến. Chàng nghe chuyện liền bảo Vũ:
– Anh để đó cho tôi. Xin lỗi bận việc thình lình, tới có hơi trễ.
Rồi Trọng quay sang Hồng:
– Có ai ở đằng ấy không cô?
– Dạ có chị Phương! Chỉ bảo tôi đi mời bác sĩ Giám đốc.
Trọng thay đồ rồi đi ngay. Hồng vội vã theo sau. Riêng Vũ trở lại bàn viết, đọc hết tờ khai lý lịch của Hồng. Chàng được biết Hồng đã học ban Trung học ở Mỹ Tho, nhưng vì nhà nghèo phải bỏ học vào năm thứ hai. Đầu tiên lên Sài Gòn, nàng giúp việc cho một bác sĩ người Hoa. Tập sự được một năm, nàng thôi việc và đến làm cho Trọng. Đến bây giờ nàng vào đây. Vũ xếp tờ khai lý lịch bỏ vào cặp thì Trọng cũng vừa trở lại. Chàng bảo Vũ:
– Bệnh nhân mới đến nguy quá anh! Tôi muốn anh đến xem qua.
– Bệnh gì vậy?
– Lao! Đến thời kỳ trầm trọng.
Vũ ngạc nhiên hỏi:
– Sao bệnh lao lạị đưa vào phòng số 9? Dãy D hết phòng rồi sao?
Trọng đáp:
– Còn chớ, nhưng lúc nãy mới chở vào không ai biết là bệnh lao!
– Lạ chưa! Thân nhân họ đâu?
– Cô Phương bảo không có thân nhân nào hết! Mấy người hàng xóm thấy cô ta nguy kịch, tội nghiệp chở vào.
Vũ thở dài. Mỗi ngày chàng lại được nghe mỗi cảnh đời đau khổ, trong số các bệnh nhân. Và chàng tự nhận thấy sức cố gắng của mình và các bạn không thể nào xoa dịu được hết nỗi đau thương của đồng bào.
Trọng thúc bạn:
– Đi chớ anh.
Vũ theo bạn ra khỏi phòng. Trọng vừa đi vừa nói:
– Mấy hôm nay, bệnh viện liên tiếp có người bệnh nặng.
Vũ gật đầu, lộ vẻ buồn. Hôm qua, có đến hai người đưa xuống nhà xác, một người nguy kịch quá, chở về nhà. Chung quy cũng vì họ đem bệnh nhân đến quá trễ, không còn cách gì cứu kịp. Hai người đến trước cửa phòng số 9 thì thấy cô Phương đang đứng chờ. Phương cúi chào Vũ và Trọng rồi nói:
– Cô ta vừa mới thiếp đi.
Vũ xô cửa bước vào. Bệnh nhân nằm trên giường, trùm mền đến cổ. Vũ chỉ nhìn thấy một gương mặt xanh xao, má hóp, mắt sâu. tóc rụng gần hết. Nhìn thoáng qua, chàng đã thấy bất nhẫn quá, dù đã nhiều năm trong nghề, quen nhiều cảnh tượng còn não lòng hơn!
Vũ xem qua bệnh nhân rồi hỏi Phương:
– Trước đây cô ta điều trị ở bệnh viện nào? Ai đã trị bệnh cho cô, những toa cũ có còn lại không?
Cô Phương lắc đầu:
– Dạ, những người đem cô ấy tới đây không phải ở cùng nhà. Họ chẳng biết gì hết. Thấy cô nằm liệt hai ba ngày thì chở đại vào đây. Họ cũng không rõ đau bệnh gì?
Vũ nói:
– Anh Trọng đã khám… Bệnh lao. Cô liệu bao giờ có thể, hãy đưa cô ấy sang dãy D.
Thấy Phương nhìn mình với vẻ dò hỏi, Vũ tiếp:
– Cô không lo! Bệnh nhân chưa đến nỗi nào? Hãy chích những thứ thuốc nầy chờ cô ấy khoẻ lại ta mới làm xét nghiệm được.
Vũ lấy viết ghi vào sổ của Phương mấy tên thuốc, xong xuôi, chàng và Trọng mới bắt đầu đi thăm bệnh ở những phòng khác. Buổi chiểu, khi Vũ sắp sửa ra về thì Phương bước vào, vẻ mặt như không được vừa ý:
– Thưa bác sĩ!
– Việc gì đó cô?
– Bệnh nhân lúc sáng thật lạ quá! Hồi tỉnh lại đến giờ cô ta không chịu uống thuốc mà cũng không cho chích nữa.
Vũ ngạc nhiên hỏi:
– Sao lạ vậy? Cô ấy tỉnh lại hồi nào?
– Dạ, hồi 12 giờ rưỡi.
– Sao cô không cho tôi biết?
Phương ngơ ngác nhìn Vũ và nhớ kỹ chàng không hề dặn điều đó. Vũ cũng chợt thấy sự vô lý của mình, bảo Phương:
– Những bệnh nhân trầm trọng đó, mỗi một biến chuyển gì, các cô cũng nên cho tôi biết với.
Rồi chàng xô ghế đứng dậy nói:
– Cô đưa tôi đến đó xem.
Phương vâng dạ, bước ra ngoài. Vũ theo sau. Đến dãy nhà D, chỗ phòng người bệnh kỳ lạ đó, Vũ thấy Hồng đứng bên giường, vẻ mặt âu lo. Còn bệnh nhân thì quay mặt vào tường.
Vũ đoán chừng bệnh nhân đang mắc phải “chứng bệnh tâm lý” nào đó nên mới từ chối không chịu uống thuốc hay chích thuốc. Chàng ra dấu bảo Phương và Hồng bước ra ngoài, khép cửa phòng lại rồi kéo ghế ngồi sát bên giường. Một lúc, chàng cất tiếng:
– Cô!
Bệnh nhân hình như ngạc nhiên về tiếng nói của đàn ông trong phòng mình, nên trở mình qua. Vũ mỉm cười nói:
– Tôi là bác sĩ Giám đốc bệnh viện!
Bệnh nhân vụt quay vào trong. Vũ hết sức lạ lùng trước thái độ kỳ quặc đó. Chàng nói:
– Sao cô làm vậy? Ở đây, chúng tôi chỉ có bổn phận giúp đỡ cô thôi. Sao cô oán giận chúng tôi?
Bệnh nhân lặng thinh. Vũ tiếp tục hỏi:
– Cô hãy nói rõ ý cô, chúng tôi sẽ làm vừa lòng ngay. Có ai trong bệnh viện nầy đối xử không phải với cô không?
Bệnh nhân bỗng quay lại cất giọng khào khào:
– Tôi không biết gì hết… Tôi muốn được chết. Đừng ai lo cho tôi nữa.
Vũ nhủ thầm:
– Đúng là người nầy vì quá giận đời mà tự hành xác!
Chàng thấy mình phải hết sức khéo léo để xoa dịu bớt nỗi đau khổ trong lòng bệnh nhân. Vũ đứng lên:
– Cô nói thế với những người không thù hận, không ghét bỏ cô sao? Họ chỉ có mỗi một ý định làm cho cô bớt đau đớn và sống trở lại với cuộc sống bình thường.
Bệnh nhân quay phắt lại:
– Tôi biết! Tôi xin lỗi các ông, các bà. Nhưng…
Rồi cô ta kéo mền xuống tiếp lời:
– Nhưng… các ông chỉ tốn công vô ích với một người đã không còn hình dáng con người nữa. Ông xem tôi như thế nầy nè. Có cần sống làm gì cho khổ thân.
Bệnh nhân lại quay mặt vào trong khóc nức nở. Khóc được là làm dịu bớt sư căng thẳng trong tâm hồn. Vũ thấy tràn trề hy vọng. Bệnh nhân bi quan vì không còn tin tưởng mình sẽ sống được và trở lại như xưa. Cơn bệnh đằng dai đã biến đổi hình dáng của nàng, nên nàng thấy đời không đáng sống! Thật ra đến lúc nầy, Vũ cũng chưa đoán được bệnh nhân bao nhiêu tuổi: cô ta độ 20 hay 40, thật không còn nhận ra được. Nhưng một người còn chú trọng đến sắc đẹp như thế thì nhứt định còn trẻ lắm.
Vũ tìm hiểu lần lần, để dùng những lý lẻ cứng rắn, hầu giúp bệnh nhân vượt qua cơn khủng hoảng trầm trọng trong tâm hồn. Chàng chờ bệnh nhân dịu bớt xuống mới nói:
– Tôi đã xem qua bệnh tình của cô. Không có gì là bất trị đâu? Đừng sợ quá mà lầm.
Thấy bệnh nhân lặng thinh, chăm chú nghe, Vũ tiếp:
– Tôi cam đoan cô nằm điều trị một thời gian là khỏi hẳn.
Bệnh nhân quay lại nhìn Vũ với đôi mắt nghi ngờ. Vữ nghiêm nghị nói:
– Cô tin một người đứng tuổi như tôi không thể nói dối. Vả lại, tôi không có thói phỉnh phờ như những “ông thầy” trị bệnh khác.
Bệnh nhân ngập ngừng:
– Nhưng… tôi làm gì có tiền để trả cho ông. Ai đem tôi vào đây là không rõ hoàn cảnh của tôi?
Vũ lắc đầu cười:
– Cô khỏi phải lo. Đây là bệnh viện miễn phí. Cô không phải trả tiền gì hết.
Bệnh nhân nhìn sững Vũ:
– Ông… nói giỡn với tôi?
– Không. Đó là sự thật! Bao nhiêu người nằm bệnh viện nầy đều như thế cả. Tùy hoàn cảnh từng người mà…
Bệnh nhân thở dài:
– Thân thể tôi như thế nầy rồi có sống cũng chẳng ích gì?
Vũ thấy mình có cơ hội thuyết phục bệnh nhân:
Sao cô lại chán nản đến thế? Có ai lúc đang bệnh nặng mà đẹp được bao giờ! Cô lành bệnh trong ít lâu thì sắc diện sẽ như cũ lo gì?
Bệnh nhân nhìn chàng ngập ngừng:
– Có thật như vậy không, thưa ông?
Vũ đáp giọng rắn rỏi:
– Tôi dối cô làm gì? Có người còn bệnh nặng hơn cô nữa nhưng bây giờ họ lại còn đẹp hơn trước.
Vũ nói liều để tạo sự thăng bằng trong tâm hồn con người quá khổ đau. Bệnh nhân lặng thinh có vẻ suy nghĩ nhiều lắm. Vũ muốn hiểu thêm hoàn cảnh cô ta, nên cất tiếng:
– Từ nãy đến giờ, tôi đã nói nhiều rồi và mong cô có đầy đủ sáng suốt để nhìn thấy lẽ phải.
Ngưng lại một lúc, chàng tiếp:
– Bây giờ, mong cô trả lời cho tôi vài câu hỏi.
Bệnh nhân ngước mắt nhìn Vũ, vẻ mặt dịu hơn. Vũ hỏi:
– Cô có đồng ý chăng?
Bệnh nhân không đáp mà chỉ gật đầu. Vũ hỏi tiếp:
– Cô đau từ bao giờ và trị bệnh những nơi nào?
Bệnh nhân ngẫm nghĩ một lúc mới đáp:
– Có hơn bảy tháng rồi. Tôi trị nhiều nơi. Thuốc Bắc, thuốc Tây đủ hết…
– Thế mà bệnh không giảm sao?
Bệnh nhân cúi đầu đáp nhỏ:
– Dạ bớt chớ, nhưng gần hai tháng nay… tôi không có tiền để trị bệnh nữa. Tiền dành dụm đã hết lâu rồi. Không có ăn, làm sao mua thuốc hả ông?
Vũ thấy đã đến lúc mình nên hỏi thăm gia cảnh của bệnh nhân, để mời gia đình họ tới. Chàng khẽ hỏi:
– Song thân của cô hiện ở đâu?
Bệnh nhân ngơ ngác:
– Song thân! A… Ông muốn nói ba má tôi hả? Chết hết rồi. Tôi sống một mình.
Vũ muốn hỏi đến nghể nghiệp của cô ta, nhưng thấy vẻ khó chịu hiện lên khuôn mặt bệnh nhân, chàng lại thôi. Vũ tiếp:
– Bây giờ, cô yên tâm nằm điều trị ở đây không phải lo tiền bạc gì cả. Cô uống thuốc nghen!
Bệnh nhân nhìn chàng với đôi mắt tin tưởng rồi gật đầu. Vũ cất tiếng gọi Phương và Hồng. Hai cô vừa bước vào, Vũ nói:
– Các cô liệu chăm sóc cho cô nầy cẩn thận!
Phương và Hồng đều vâng dạ. Trước khi bước ra ngoài, chàng bảo bệnh nhân:
– Cô tên gì xin nói cho các cô ghi vào sổ. Lệ thường ở đây là vậy.
Bệnh nhân ngập ngừng đáp:
– Dạ… Diệp Thúy.
Vũ gật dầu:
– Vậy cô Thúy hãy ráng tịnh dưỡng cho mau lành bệnh. Tôi chắc chắn không bao lâu cô sẽ trở lại như trước.
Chàng nói xong, rời khỏi phòng nhưng trong lòng rắt băn khoăn trước cái tên Diệp Thúy. Cô ta thuộc vào giới nào trong xã hội? Diệp Thúy là tên của cha mẹ đặt cho hay nàng tự ban cho mình. Nếu Diệp Thúy là tên trong khai sanh thì gia đình nàng nhứt định vào hàng khá giả. Còn ngược lại, nếu cái tên tự nàng mới lấy sau nầy thì nhứt định Diệp Thúy là người trong giới nghệ sĩ hay vũ nữ thôi.
Vì những cô ở hai giới đó mới năng thay đổi tên họ của mình cho được đẹp, cho được “kêu”! Vũ mỉm cười. Tự nhiên mà chàng đâm ra tò mò vớ vẩn. Bỗng có tiếng nói:
– Có gì thích thú mà cười một mình vậy?
Trọng từ phía hành lang đi lại. Vũ cười:
– Có gì đâu? Một bệnh nhân nhứt định không uống thuốc và không chịu chích thuốc. Cô Phương, cô Hồng không biết làm sao, chạy gọi tôi. Mình phải khuyên nhủ hết lời mới thuyết phục được cô ta.
Trọng cười:
– Lần nầy anh kiêm luôn “bác sĩ tâm lý”! Mà bệnh nhân nào ngược đời vậy?
– Cái cô hồi sáng sớm đó. Bị lao mà đem vào phòng số 9.
– À, tôi nhớ rồi! Sao lại không chịu trị bệnh?
– Đúng là bệnh tâm lý như anh nói. Mấy tháng nay không tiền chạy thuốc nên thân thể gầy còm, sắc diện biến đổi, bệnh nhân chỉ còn muốn chết thôi. Cô ta trách ai đưa vào bệnh viện nầy. Tôi phải cam đoan khi hết bệnh cô sẽ đẹp như xưa.
Trọng phì cười:
– Thật là đúng với câu: “Đàn bà đến lúc sắp chết vẫn còn làm đẹp!”
Vũ hỏi bạn:
– Anh biết cô ấy vào khoảng bao nhiêu tuổi không?
– Chịu thôi, không đoán ra được.
– Tôi cũng vậy, nhưng chắc là còn trẻ nên mới chú ý nhiều tới sắc đẹp của mình. Cô ta có cái tên rất hay: Diệp Thúy.
Trọng lẩm bẩm:
– Diệp Thúy! Diệp Thúy. Tên nghe quen quá há.
Vũ cười nói:
– Thôi đi ông!
– Không, thiệt mà. Hình như tôi có nghe tên nầy ở đâu một lần.
Vũ chăm chú nhìn bạn, nhưng Trọng lặng thinh một lúc rồi lắc đầu:
– Không còn nhớ được nữa.
Vũ hỏi bạn:
– Sao hôm nay, chừng nầy anh chưa về?
– Anh Huyến đau, tôi phải gác thế.
– Vậy ư? Sao anh Huyến đau hoài vậy kìa?
– Bệnh cũ tái phát. Thời kỳ thứ hai rồi đó.
Vũ thở dài:
– Chuyên trị lao thì cha nào cũng không thoát!
Trọng cười:
– Có vậy người đời mới bảo bác sĩ có lương tâm nghề nghiệp chớ?
Vũ gật đầu:
– Anh Huyến tận tụy với nghề, xứng đáng với danh dự đó. Nhưng còn trẻ mà lao đến thời kỳ thứ hai, cũng phiền thật.
– Lần nầy, tôi định khuyên anh ấy tạm nghỉ ít lâu.
– Như thế thì anh nên gọi người thế Huyến, chớ không lẽ kiêm luôn hai việc.
Trọng cười:
– Định lên phòng cho ông “Giám đốc” hay đấy, may mà gặp ở đây.
Vũ lộ vẻ suy nghĩ:
– Bây giờ mà tìm một người thế Huyến cũng không dễ gì, với điều kiện bệnh viện của chúng ta.
Trọng nói:
– Không sao đâu! Anh cứ để tôi thế Huyến. Dãy phòng cũ tôi giao lại cho anh. Tôi sang dãy bệnh lao.
Vũ đáp:
– Tạm thời như vậy cũng được.
Trọng nói:
– Thôi anh về. Như vậy là xong phải không?
– Được rồi. Nhưng nầy…
– Còn chuyện gì nữa?
– Anh chăm sóc cẩn thận cô Diệp Thúy nghen. Đừng quên là cô ta đang chán đời.
– Anh không phải lo, tôi hiểu lắm!
Vũ từ giã bạn ra xe, trong lòng cảm thấy khoan khoái hơn bao giờ hết.
***
Phương khệ nệ ôm một va li vào văn phòng của Vũ. Chàng ngước lên nhìn Phương hỏi:
– Gì nhiều vậy cô?
– Dạ, quần áo, đồ dùng của bệnh nhân.
Vữ ngạc nhiên:
– Sao cô đưa vào đây?
– Dạ. Có chuyện nầy hơi khó, tôi phải thưa với bác sĩ.
– Chuyện gì vậy?
Phương ngập ngừng:
– Dạ… cô Diệp Thúy cứ hỏi bác sĩ luôn và xem chừng không ưa bác sĩ Trọng. Với bệnh trạng của cô ấy, tôi sợ không có lợi.
Vũ ngẫm nghĩ một lúc:
– “Phiền thiệt. Không lẽ vì một bệnh nhân mà mình…”
Vũ không nói hết câu, nhưng Phương cũng hiểu rõ ý chàng:
– Đối với trường hợp cô Diệp Thúy, tôi tưởng bác sĩ nên châm chế giùm. Cô ấy như người gần đất xa trời. Sự sống rất mong manh.
– Nhưng cô nghĩ xem tôi phải làm sao? Không lẽ bảo bác sĩ Trọng để tôi chăm sóc riêng cho cô ấy?
– Tôi tưởng bác sĩ có nói, ông Trọng cũng không phiền đâu. Sinh mạng con người quan hệ hơn.
– Đành thế, nhưng sợ anh Trọng không hiểu, sinh phiền lòng thì khó làm việc lắm!
Ngay khi đó, Trọng xô cửa bước vào. Chàng thấy va li đồ đạc liền hỏi Phương:
– Đồ gì vậy?
– Dạ quần áo, đồ dùng của bệnh nhân.
– Của ai? Bộ họ định dọn nhà vồ trong nầy sao?
Phương nói:
– Dạ, gần như thế! Va li nầy của cô Diệp Thúy.
Vũ và Trọng ngạc nhiên ngước lên nhìn Phương. Cô nữ y tá tiếp:
– Những người chở cô vào hôm trước đã mang đến và cho biết bà chủ phòng trọ đã lấy phòng lại, vì hình như 4, 5 tháng nay, cô ấy không trả tiền phòng. Họ xiết đồ đạc hết và chỉ cho lại bao nhiêu đồ dùng nầy thôi. Họ thấy tội nghiệp mới mang vào đây.
Vũ thở dài:
– Tội nghiệp không! Sao chủ nhà tàn nhẫn quá vậy? Người ta bệnh hoạn mà!
Trọng lắc đầu:
– Đời sống cơ cực, lòng nhân đạo của con người cũng có chừng có mực thôi. Chắc bà nọ cũng cần cái phòng kia cho mướn mà sinh sống, mới phải xử tệ như vậy.
Vũ bỗng hỏi bạn:
– Bệnh tình cô Diệp Thúy thế nào hả anh?
– Đỡ đỡ thôi! Xem chừng cô ấy không thiết gì uống thuốc hay chích thuốc, phải không cô Phương?
Phương liếc nhìn Vũ đáp nhỏ:
– Dạ!
Trọng nói với Vũ:
– Vậy thì khó hết bệnh lắm.
Vũ dè dặt bảo bạn:
– Tôi nghĩ anh nên uyển chuyển một chút đối với cô ấy. Cô ta mắc bệnh thể xác mà còn bệnh ở tâm hồn.
Trọng thở ra:
– Tôi cũng hiểu thế! Song hình như cô ấy không hạp với tôi. Nhiều lần tôi khuyên nhủ, cô la cứ lặng thinh quay mặt vào vách.
Phương mỉm cười một mình. Theo ý nàng, Trọng không rành tâm lý.
Trọng chợt bảo Vũ:
– À, lúc nãy cô ấy hỏi thàm anh đó. Hình như cổ chịu anh chữa bênh hơn tôi.
Vũ ngập ngừng:
– Hay là anh để tôi trông nom… cô ấy cho.
Trọng thành thật gật đầu:
– Phải đó ! Có lẽ anh khéo lời khuyên bảo hơn.
Biết bạn không để tâm phiền giận gì. Vũ cũng mừng. Chàng bảo Phương:
– Cô mang đồ đạc xuống phòng cô ấy đi.
Phương vừa ra thì Trọng hỏi chàng:
– Hình như anh chú tâm nhiều đến bệnh tình cô Diệp Thúy?
Vũ gật đầu:
– Đúng! Cứ mỗi lần nghĩ tới hình dáng cô ta, tôi lại thấy bất nhẫn. Ngày trước không biết cô ta có đẹp không, nhưng bây giờ bị căn bệnh hoành hành, ghê gớm thật. Càng thấy cô chán đời, tuyệt vọng vì thể xác bị tàn phá, tôi càng muốn trị cho cô hết bệnh, giúp cô trở lại như xưa.
Trọng gật đầu:
– Tôi hiểu ý anh và rất ân hận không giúp được gì.
Vũ cười:
– Có gì đáng ân hận đâu! Tự nhiên, mình thấy bất nhẫn trước sự mong manh của kiếp người mà nảy ra ý đó thôi. Anh đừng nghĩ ngợi xa xôi rồi bận trí vô ích.
Trọng cũng cười cho an lòng bạn:
– Tôi tin là anh thành công. Bệnh tình Diệp Thúy không đáng ngại cho lắm, chỉ riêng tinh thần cô ta hơi sút kém thôi.
Bỗng Hồng từ bên ngoài xô cửa chạy vào, mặt hớt hải:
– Thưa bác sĩ. Cô Thúy…
Vũ đứng phắt dậy:
– Sao?
– Cô Diệp Thúy hình như mất trí… Cô vừa mới tự tử.
Vũ và Trong cùng hỏi một lượt:
– Sao vậy? Có hề gì không?
– Dạ chị Phương thấy kịp nên không sao? Hiện chú gác dan còn giữ cô ấy trên giường.
Vũ bảo Trọng:
– Anh thăm giùm bệnh nhân ở dãy phòng nầy, tôi đến đó mới được.
Hồng vội vã theo chàng và vừa đi vừa nói:
– Lúc nãy, chị Phương mang đồ đạc vào phòng thì cô ấy mừng lắm.
Vũ hỏi ngay:
– Hay là cô Phương nói chuyện bà chủ phòng xiết đồ.
Hồng lắc đầu:
– Dạ không. Chị Phương nói khéo lắm. Chị bảo là ngươi ở kế cận mang vào và có nói bà chủ gởi lời thăm nữa.
– Thế sao cô ấy làm dữ vậy?
– Dạ, cô ta mở va li, lấy từng món đồ ra xem rồi tự nhiên ôm mặt khóc rưng rức.
– Lạ lùng chưa! Thần kinh yếu kém quá, sợ cô ta loạn trí mất. Mà sao lại khóc?
– Dạ, cô ấy ôm chặt một khung ảnh trong tay, không biết ảnh gì?
Ý nghĩ đầu tiên đến với Vũ là cô gái ấy thất tình chắc đã bị người yêu ruồng rẫy, bỏ bê nên mới ra nông nỗi! Bây giờ gặp lại bức ảnh người xưa, nàng nhớ tới chuyện trước mà loạn trí lên.
Hổng tiếp:
– Rồi tự nhiên cô ấy chụp lấy con dao gọt trái cây trên bàn, tự tử.
– Trời!
Vũ sửng sốt kêu lên như vậy. Hồng kết thúc câu chuyện:
– Chị Phương thấy kịp, dằng lấy con dao và tri hô lên. Chú gác dan ở ngoài nghe tiếng chạy vào tiếp tay mới cứu cô ấy được.
Hai người đến trước cửa phòng đã nghe tiếng Diệp Thúy la hét ở trong:
– Buông tôi ra. Trời ơi! Buông tôi ra… Mấy người làm gì kỳ vậy?
Vũ xô cửa bước vào thì Phương đã reo lên:
– Kìa! Bác sĩ.
Vũ thấy nàng và chú gác dan đang giữ Diệp Thúy ở trên giường. Hai chân bệnh nhân đạp lung tung. Nhưng khi nghe tiếng Phương, nàng bỗng dịu xuống, liếc nhìn Vũ, nước mắt ràn rụa. Vũ biết Diệp Thúy còn nể mình, nên bảo chú gác dan và Phương:
– Thôi, cô Phương và chú Năm buông cô ấy ra. Không sao đâu, đã có tôi!
Hai người chần chờ nhìn nhau vì sợ Thúy làm hung trở lại. Hồng thấy con dao còn để trên bàn liền chụp lấy cầm nơi tay.
Vũ thấy Phương và chú Năm vẫn chưa làm theo lời mình thì tiếp:
– Hai người cứ làm theo lời tôi. Chắc cô Thúy đã nhận thấy sự không phải của mình rồi.
Phương buông tay Thúy ra, nhè nhẹ bước xuống giường. Chú gác dan thấy nàng lặng im cũng làm theo Phương. Vũ ra hiệu cho mọi người ra khỏi phòng để mình khuyên nhủ bệnh nhân.
Hồng và chú Năm ra cửa trước, riêng Phương đến bên Vũ dặn nhỏ:
– Bác sĩ hãy thận trọng. Cô ấy đang bị xúc động. Kìa, khuôn hình ở trên giường là nguyên nhân làm cho cô “điên” lên.
Vũ đáp:
– Cô yên tâm! Cứ để mặc tôi.
Phương ra ngoài, khép kín cửa lại. Vũ từ từ đến bên giường. Diệp Thúy đang nằm im vụt úp mặt xuống gối, khóc nức nở.
Vũ kéo ghế ngồi sát bên nàng, không nói một lời. Chàng chờ cho cơn xúc động của Thúy đi qua. Một lúc, bỗng Thúy ngước lên nhìn chàng nói:
– Bác sĩ tha lỗi cho tôi! Nhưng có nhiều lúc, tôi không cưỡng lại được ý nghĩ muốn chết.
Vũ điềm đạm nói:
– Sao cô làm vậy? Tôi đã tưởng cô thấu hiểu những lời khuyên nhủ của tôi và đang cố gắng trị bệnh chớ. Ai ngờ…
Diệp Thúy thở dài. Nàng cũng thấy hối hận trước những hành động điên dại vừa qua.
Vũ hỏi:
– Nhưng sao cô lại hành động lạ lùng như thế?
Câu hỏi của Vũ nghe thân mật như lời nói của thân nhân. Diệp Thúy cảm động vô cùng. Nàng khẽ cất tiếng:
– Thưa bác sĩ! Tôi nhớ đến mẹ tôi, đến cuộc đời đau khổ của bà rồi không còn thiết sống nữa. Phải chi tôi còn tình thương của mẹ? Phải chi tôi có một người cha…
Diệp Thúy nghẹn ngào không nói nữa. Chính Vũ cũng xúc động ở trong lòng, trước những điểu ao ước đó. Diệp Thúy nói tiếp:
– Tôi có cha mà cũng như không? Hình như ông ta đã bỏ me con tôi từ khi mới lọt lòng. Tôi nhớ mang máng có lần gặp ông, nhưng sau đó, không hiểu cha mẹ tôi giận gì nhau mà tôi không còn thấy cha tôi nữa.
Vũ nín lặng, chờ nghe hết tâm sự của Diệp Thúy. Nàng đã nói là cha mẹ chết hết rồi, nhưng bây giờ chàng mới được biết là nàng còn cha! Diệp Thúy lại nói:
– Có những lúc sống bơ vơ, tủi nhục tôi thầm oán hận cha tôi! Hình như ông ta vẫn còn sống và giàu có lớn lắm. Bà tôi đã nói lại như thế.
Vũ hỏi:
– Còn mẹ cô?
– Mẹ tôi chết rồi… Chết trong lúc chiến tranh, khi tôi vừa mới lên mười. Tôi thương mẹ tôi lắm, bác sĩ à. Đây bức ảnh nầy kỷ niệm giữa mẹ con tôi. Bức ảnh nhỏ xíu mà tôi mướn rọi ra đó. Bác sĩ coi ngày xưa mẹ tôi đẹp lắm. Nhưng chỉ có đôi mắt hơi buồn…
Diệp Thúy vừa đưa khuôn hình cho Vũ vừa nói liên miên. Vũ cầm bức ảnh lên nhìn thoáng qua, bỗng đứng phắt dậy. Trời! Có thể như thế nầy sao? Hiền! Suýt chút nữa chàng kêu lên thành tiếng. Hai tay chàng run lên. Chàng mất hết bình tĩnh. Diệp Thúy ngẩng lên nhìn chàng. Vũ nghĩ rất nhanh, nên cố trấn tĩnh lòng mình. Trong hoàn cảnh nầy, chàng chưa biết phải tính sao?!
Có đúng là bé Lệ đây chăng?
Chàng đã lầm lẫn nhiều rồi, cần phải hỏi cho thật kỹ. Nếu Diệp Thúy đúng là bé Lệ, chàng cũng khoan vội nhìn vì hiện giờ Lệ đang bệnh nặng và mang trong lòng sự oán hận người cha bạc bẽo. Diệp Thúy thấy Vũ cứ chăm chứ nhìn bức ảnh liền tiếp:
– Mẹ tôi đó! Thưa bác sĩ. Bà thương tôi lắm, không lúc nào mẹ con rời xa nhau một bước. Thế mà chiến tranh đã làm tan mất hạnh phúc gia đình tôi…
Vũ trấn tĩnh được, ngồi xuống ghế. Chàng cố gắng hỏi:
– Mẹ cô mất ở đâu?
– Dạ ở Mỹ Tho. Sau nầy, bà ngoại tôi có thuật lại tỉ mỉ cái chết thê thảm đó.
Vũ ngạc nhiên hỏi:
– Bà ngoại?… Bà ngoại của cô còn sao?
– Dạ, không. Đây là bà ngoại nuôi. Mà bà cũng chết rồi! Chết hồi năm tôi 15, 16 tuổi gì đó.
Tâm hồn Vũ như rắn lại. Mười phần chàng đã tin chắc bé Lệ ngày xưa chính là Diệp Thúy bây giờ. Thế là Hiền đã chết. Thật không còn gì làm cho chàng đau đớn hơn! Một lúc, chàng khẽ hỏi Diệp Thúy:
– Mẹ cô tên thật là gì hả cô? Người gốc gác ở đâu?
Diệp Thúy nhìn Vũ lộ vẻ ngạc nhiên. Nàng không hiểu được vì sao bác sĩ lại hỏi thăm tên tuổi, gốc gác của mẹ nàng. Tuy nhiên, nàng cũng đáp:
– Thưa bác sĩ! Mẹ tôi tên Hiền, trước kia ở Vĩnh Long
Đúng rồi! Không còn nghi ngờ gì nữa. Vũ ngước lên nhìn Diệp Thúy toan gọi đến tên thật của con, nhưng cổ chàng như nghẹn lại. Bây giờ, chàng nhìn con sẽ gây ra bao rắc rối? Lệ đang bệnh nặng, thần kinh căng thẳng, trước một sự thật bất ngờ, sợ con chàng chịu không nổi.
Vả lại, Lệ đang oán trách chàng đã bỏ rơi mẹ nó trước kia. Vũ thở dài! Phải chi chàng nói được hết lòng mình cho con biết. Mà cũng chưa chắc Lệ tin lời chàng? Thôi thà tạm thời lặng thinh, lo trị bệnh cho con trước đã. Chàng phải gây cho nó sự yêu đời, ham sống như một người trong trạng thái bình thường. Nhưng vì sao con chàng ra đến nông nỗi nầy? Hiền đã chết thế nào? Vũ nôn nao trong lòng với bao nhiêu câu hỏi. Chàng ngước lên nhìn Lệ cất tiếng:
– Cô Thúy! Mẹ cô… mất trong trường hợp nào?
Diệp Thúy lặng thinh, đôi mắt buồn bã nhìn lên trần nhà, như hồi tưởng lại những ngày qua. Một lúc sau, nàng mới đáp:
– Thưa bác sĩ! Hồi mẹ tôi chết, tôi còn nhỏ lắm, nhưng cũng nhớ là có trận nổ súng đâu ngoài lộ đá, rồi nhiều người rần rộ chạy tủa vào trong xóm. Một lúc, Tây vô tới đông lắm. Bà ngoại tôi ôm chặt lấy tôi ngồi trên võng. Còn mẹ tôi thì đang trồng cây ở ngoài vườn không vào kịp. Có tiếng súng nổ liên hồi, ngoại tôi ôm tôi nằm xuống đất, cho đến lúc bình yên trở lại. Thế rồi…
Diệp Thúy ngừng lại môt chút mới tiếp:
– Thế rồi… Có tiếng la ở ngoài sau vườn. Người ta đem mẹ tôi vào, máu đỏ đầy mình. Mẹ tôi bị bắn chết không một lời trăn trối…
– Trời ơi!
Vũ đau đớn quá không dằn lòng được, phải thốt ra lời. Chàng đâu có ngờ cuộc đời của Hiền lại kết thúc một cách bi thảm thế kia. Diệp Thúy nhìn vẻ mặt đau khổ của Vũ trong lòng bồi hồi xúc động. Nàng thấy bác sĩ có vẻ đau đớn trước cái chết của mẹ nàng cũng như đối với người thân quyến thuộc! Tại sao thế? Tại sao bác sĩ Vũ lại có cảm tình riêng với nàng nhiều như vậy? Diệp Thúy nghĩ ngợi xa xôi. Vũ không thể nào hiểu được những biến chuyển trong lòng một thiếu nữ, ở hoàn cảnh như Diệp Thúy. Chàng hỏi:
– Rồi từ đó ai nuôi dưỡng cô? Phải bà ngoại nuôi đó không?
Diệp Thúy gật đầu:
– Dạ phải! Nhưng đến năm tôi 15 tuổi thì bà tôi lâm trọng bệnh rồi mất. Cô Lành, cháu bà ngoại nuôi tôi cũng lấy chồng xa. Đến lúc ấy tôi mới bơ vơ, không nơi nương tựa.
Vũ nhìn Thúy rất thương hoàn cảnh của con. Chàng muốn gọi ngay tên con và thố lộ hết nỗi lòng mong nhớ từ bao nhiêu năm trời. Bỗng Thúy nói một câu làm cho chàng đau đớn vô cùng:
– Càng nghĩ tôi càng hận cha tôi. Nghe đâu, ông ta giàu có lắm, tiền bạc dư dả thiếu gì mà để mẹ con tôi bơ vơ đói khổ. Bao lần, tôi định tìm kiếm ông để hỏi cho ra lẽ, vì sao ông hại cuộc đời mẹ tôi rồi để cho tôi phải khổ như thế nầy?
Diệp Thúy nói đến chỗ thương tâm lại khóc. Vũ nghẹn ngào nín lặng. Chàng biết nói thế nào bây giờ! Con có oán trách chàng cũng là phải lắm. Lúc nào, chàng cũng vẫn là con người yếu tánh, cứ tùy theo hoàn cảnh đẩy đưa, chớ không tự giải quyết được việc mình.
Thúy nói tiếp:
– Nhưng tôi nào biết cha tôi ở đâu mà tìm? Mẹ tôi chết bất ngờ, không trăn trối kịp. Còn bà ngoại nuôi tôi cũng chỉ hiểu mang máng: cha tôi là người giàu có ở Sài Gòn. Tôi cùng không rõ nhiều hơn vì lúc đến gặp cha, tôi còn nhỏ lắm!
Vũ ngồi lặng yên trên ghế mà tâm hồn xáo động hơn bao giờ hết. Lệ kia rồi! Đứa con mà chàng tìm kiếm hằng bao nhiêu năm trời, đang ở trước mặt chàng. Thế mà chàng không thể ra mặt nhìn con. Nếu Lệ biết được bác sĩ dang điều trị cho nó là người cha thiếu bổn phận thì nó sẽ nghĩ sao? Chắc hậu quả sẽ tai hại lắm. Nhìn thấy ảnh cũ của mẹ mà thần kinh Lệ còn căng thẳng đến độ muốn tự tử, huống chi gặp lại người cha vô trách nhiệm! Vũ hỏi Diệp Thúy:
– Thế rồi… cô sống thế nào?
Thúy ngước lên nhìn chàng:
– Bác sĩ! Đây là lần đầu tiên tôi mới thố lộ chuyện riêng đời tôi cho một người khác biết. Vì tôi quí trọng ở tấm lòng vị tha của bác sĩ.
– Tôi hiểu lắm, cô Thúy à! Và cô hãy tin là tôi sẽ giúp đỡ được cô nhiều… trong những ngày sắp tới.
Diệp Thúy lặng thinh cúi đầu. Nàng cảm động lắm khi thấy bác sĩ thành thật khuyên nhủ nàng. Từ khi lớn lên đến giờ, Diệp Thúy chưa từng thấy ai thành thật giúp mình mà không có hậu ý xấu xa. Giờ đây, đến lúc sắc đẹp của nàng bị cơn bệnh tàn phá, nàng mới gặp được một người độ lượng, vị tha như bác sĩ.
Thúy nguyện ghi lòng tạc dạ ơn sâu của một người đã giúp nàng tìm lại được niềm tin giữa cuộc đời. Nếu không gặp bác sĩ Vũ thì bệnh tình của nàng có bao giờ thuyên giảm được, vì nàng có còn thiết sống nữa đâu. Nàng cất tiếng:
– Đến chết, tôi cũng không thể nào quên ơn của bác sĩ.
Vũ nhìn con trong lòng xúc động bồi hồi:
– Diệp Thúy không nên bận tâm về chuyện đó! Hãy cố gắng chữa trị, theo đúng lời chỉ dẫn của tôi cho mau lành bệnh. Từ nay, tôi sẽ trực tiếp trông coi bệnh tình của cô.
Diệp Thúy mừng rỡ nói:
– Thưa bác sĩ… thiệt may… mắn cho tôi.
Rồi nàng lặng thinh không nói thêm được nữa. Sự chăm sóc của bác sĩ đối với nàng thật ra ngoài sức tưởng tượng của nàng. Vũ nhìn con mĩm cười. Chàng muốn lặp lại câu hỏi lúc nãy về cách sinh sống của Lệ từ bao lâu nay, nhưng thấy Lệ hình như không muốn nhắc đến, chàng lại thôi. Một hôm khác, chàng sẽ hỏi con cũng không muộn! Tuy nhiên, Vũ cũng đoán được phần nào nổi khổ của con trong những ngày thất lạc, bơ vơ.
Chàng bỗng đứng lên, nhìn thẳng vào mặt con nói:
– Diệp Thúy! Cô đừng suy nghĩ vẩn vơ rồi hành động càn bậy nữa, tôi sẽ phiền lòng lắm đó! Hãy cố gắng trị bệnh… Tôi bảo đảm chỉ một thời gian điều trị, bệnh tình của cô sẽ thuyên giảm mà. Đừng để cho tôi phải thất vọng nghen!
Diệp Thúy cúi đầu:
– Mong bác sĩ bỏ qua những lầm lỗi của tôi. Tôi sẽ không làm phiền lòng bác sĩ nữa đâu. Tôi đã thấy tin tưởng nhiều ở cuộc đời. Chính nhờ có bác sĩ!
Vũ chận lời con:
– Được vậy, tôi rất mừng.
Rồi chàng cất tiếng gọi Phương:
– Cô Phương ơi!
Chàng bước tới nắm lấy chốt cửa thì nghe tiếng Diệp Thúy hỏi:
– Bác sĩ không muốn nghe hết câu chuyện của tôi sao?
Thấy Phương bước vào, Vũ đành bảo Thúy:
– Hôm nào mình sẽ tiếp tục câu chuyện đó nữa.
Phương hỏi chàng:
– Bác sĩ gọi tôi?
– Vâng! Cô Thúy đi biết mình sai lầm và hứa sẽ không còn tái phạm như vậy nữa. Phải không cô Thúy?
Diệp Thúy nhìn Phương gật đầu nói:
– Mong cô tha thứ cho tôi về những chuyện không phải vừa qua. Tôi đã không tự chủ được.
Phương mỉm cười rộng lượng:
– Nào có gì đâu! Tôi chỉ lo sợ cho cô thôi.
Vũ bảo Phương:
– Tôi về đây. Sáng mai, tôi sẽ tới thăm bệnh cho cô Thúy.
Phương ngập ngừng hỏi Vũ:
– Bác sĩ! … Còn ông Trọng?
Vũ đáp:
– Tôi đã nói qua với anh ấy rồi. Đúng như ý cô.
Và chàng bảo Diệp Thúy trước khi ra cửa:
– Cô nhớ những lời tôi dặn nhé. Hãy cố gắng chóng lành bệnh. Với y học ngày nay, bệnh của cô không còn là chứng nan y nữa.
Diệp Thúy vâng dạ thì Vũ đã ra ngoài. Phương bước theo chàng. Vũ quay lại bảo nhỏ:
– Thần kinh cô bé đáng ngại lắm! Chung qui cũng chỉ vì quá tuyệt vọng mà ra. Cô nên thận trọng giùm tôi.
Phương gật đầu, nhưng không khỏi băn khoăn vì hai tiếng sau cùng của Vũ: “giùm tôi”. Vũ bước xuống thềm để ra xe rồi mà Phương còn đứng nhìn theo, trong lòng nghĩ ngợi vẩn vơ. Nàng vừa trở vào phòng, đã nghe tiếng Diệp Thúy hỏi:
– Cô Phương! Bác sĩ về rồi ư?
– Vâng!
– Bác sĩ có nói gì… về tôi không cô?
Phương mỉm cười:
– Nói nhiều lắm!
– Nói gì hả cô?
Thấy Diệp Thúy quá náo nức, Phương đành nói dối:
– Bác sĩ khen cô nhiều nghị lực và… ông dặn dò tôi phải săn sóc cô thật cẩn thận.
Phương thấy Diệp Thúy cúi mặt mỉm cười, vẻ sung sướng hiện ra. Một lúc, Thúy lại hỏi nàng:
– Cô Phương ơi! Lúc nào bác sĩ cùng vui vẻ, giàu lòng thương người như vậy sao? Có ông ấy bên cạnh, tôi thấy mình không còn bơ vơ cô độc nữa. Tôi lại thấy tin tưởng ở cuộc đời.
Phương nhìn vào đôi mắt Thúy để tìm hiểu ý của nàng. Phương không hiểu Vũ đã nói những, gì mà xem chừng Diệp Thúy đã hết buồn phiền, chán nản.
Diệp Thúy bỗng hỏi:
– Cô Phương! Tại sao vậy hả cô? Những bệnh nhân khác có ai được bác sĩ chăm sóc như tôi không cô?
Phương cười bảo nàng:
– Bác sĩ Vũ bao giờ cũng tốt, cô à! Ông giỏi lắm và rất giàu lòng thương người ai ai cũng mến.
Diệp Thúy cười nói:
– Nhứt định như vậy rồi. Không gặp được bác sĩ chắc là tôi chết mất, cô Phương à! Chính bác sĩ đã giúp tôi nhận thấy người ta ở đời, không phải ai ai cũng xấu xa đê tiện, chỉ biết lợi dụng kẻ cô thế! Nói thật với cô, đã có lúc tôi “nhờm gớm” hết những hạng đàn ông. Có lẽ tại tôi cứ nghĩ đến người cha tệ bạc, đã làm hại cả cuộc đời mẹ tôi rồi bỏ tôi bơ vơ! Và lớn lên, tôi lại giao tiếp với những thanh niên ăn chơi, đàng điếm… nên tôi đâm ra hoài nghi tất cả.
Phương nin lặng nghe Diệp Thúy nói một hơi dài. Trước quan niệm quá “đen tối” của Thúy về đàn ông, nàng không biết phải góp ý như thế nào, vì hơn ba mươi tuổi rồi, Phương chưa từng nếm trải hương vị tình yêu.
Diệp Thúy nhìn Phương hỏi:
– Cô Phương! Bác sĩ ở đâu hả cô?
– Cô hỏi bác sĩ nào?
– Ông Vũ.
Phương đáp:
– Ở đường Trần Hưng Đạo. Nhà riêng của bác sĩ đó.
Diệp Thúy lại hỏi, giọng đều đều:
– Gia đình bác sĩ Vũ như thế nào hả cô? Ông ấy có con không?
Phương ngạc nhiên nhìn Diệp Thúy, không hiểu sao cô ta lại để tâm đến chuyện riêng của bác sĩ nhiều như vậy?! Tuy nhiên, Phương đã được lệnh phải hết sức chìu Diệp Thúy vì bệnh trạng của nàng, nên vui vẻ đáp:
– Gia đình bác sĩ hạnh phúc lắm đó cô! Con gái ông ấy gần ra luật sư rồi đó.
Diệp Thúy thở dài. Tự nhiên, nàng thấy buồn bã trong lòng. Sự thật khác xa với những điều nghĩ ngợi của nàng. Từ trước đến nay, nàng nghỉ chỉ có những kẻ đau khổ, cùng chung cảnh ngộ, mới cảm thông được nhau. Nàng thấy bác sĩ Vũ đặc biệt lưu ý đến bệnh tình của nàng, tân tâm lo lắng cho nàng, thì cứ đinh ninh bác sĩ cũng đã từng gặp nhiều cảnh khổ đau. Nhưng không ngờ, bác sĩ lại là người sống trong hạnh phúc hoàn toàn. Phương không hiểu được những điều nghĩ ngợi trong lòng Diệp Thúy, nên tiếp:
– Gia đình bác sĩ đáng mến lắm, cô Thúy! Bà Mộng Ngọc vợ của ông rất hiền từ, còn cô Ngọc Dung thì thật đẹp mà lại học giỏi nữa. Tôi ít thấy gia đình ai được như vậy.
Diệp Thúy gượng cười bảo Phương:
– Bác sĩ là người nhân từ, gia đình hạnh phúc là đúng rồi.
– Phải đó! Tôi cũng vừa định nói như cô.
Hai người lặng thinh. Phương lo lấy thuốc chích cho Diệp Thúy, còn Thúy thì nhìn lên tường nghĩ ngợi xa xôi. Khi Phương đến bên nàng để chích, Diệp Thúy vụt hỏi một câu:
– Cô Phương à! Nếu bác sĩ biết tôi đã từng làm vũ nữ, ổng có khinh tôi không?
Phương dừng lại, nhìn Diệp Thúy nhủ thầm:
– “À, thì ra Thúy là một vũ nữ? Nhưng sao cô ta cứ thắc mắc mãi về chuyện bác sĩ kìa?”
Tuy nhiên, Phương cũng mỉm cười, bảo Diệp Thúy:
– Làm “vũ nữ” thì cũng như bao nhiêu nghề khác, chớ có gì mà bác sĩ khinh hả cô?
Diệp Thúy nín lặng, nàng biết Phương không thể nào hiểu được cuộc đời làm vữ nữ! Phương chích thuốc xong, tò mò hỏi Thúy:
– Nhưng sao cô lại sợ bác sĩ khinh cô? Ông Vũ là người rộng lượng lắm. Ông ấy không khó tánh hay cố chấp ai cả. Nhứt là đối với bệnh nhân, ông ấy không hay hỏi thăm về gia đình, hay việc làm đâu?
Diệp Thúy nhìn Phương vì nhận thấy điều suy xét của Phương có phần không đúng. Chính bác sĩ Vũ vừa mới hỏi qua gia cảnh của mình đây. Nàng nói:
– Cô Phương nói sao chớ bác sĩ vừa mới hỏi thăm gia đình cha mẹ tôi đây?
Đến lượt Phương trố mắt nhìn:
– Thế hả ? Đây là lần đầu tiên bác sĩ Vũ hỏi thế đấy.
Rồi Phương nghĩ chắc là vì bệnh tình của Diệp Thúy, nên Vũ mới hỏi như vậy và nàng càng để ý đến sự lưu tâm của bác sĩ đối với bệnh nhân nầy.
Nàng sửa mền gối cho Diệp Thúy cho ngay ngắn rồi cất tiếng:
– Cô Thúy nằm nghỉ! Một lát sẽ ngủ được ngay. Tôi còn bận sang phòng khác, có cần gì cô cứ nhận chuông.
Thúy gật đầu vâng dạ. Hôm vào bệnh viện tới nay, nàng nghe Phương nói thế không biết bao nhiêu lần: “Có cần gì cô cứ nhận chuông”! Nhưng lúc nào nàng tỉnh, cũng thấy Phương ở bên cạnh. Sự chu đáo đó cũng khiến cho Thúy bớt buồn rầu. Chẳng bằng khi nằm ở phòng trọ, suốt ngày, suốt đêm chỉ có một mình, không ai thăm hỏi! Lắm lúc khát nước, nàng phải bò xuống cái chum mà uống đỡ! Diệp Thúy trùm mền lên đầu. Cứ nghĩ tới sự cô độc bơ vơ, nàng phát rùng mình. Nàng sợ lắm rồi, những ngày nằm ủ rũ một thân, chẳng ai thèm ngó tới!
Thật bội bạc thay cho lòng dạ con người! Lúc nàng còn đẹp, còn đi làm, hàng ngày biết bao người đến thăm viếng. Ai cũng muốn mua chuộc cảm tình của nàng. Rồi đến khi nàng lâm bệnh, thường nhựt vẫn có người mang hoa tới và trái cây không lúc nào thiếu ở trên bàn.
Nhưng cơn bệnh dằng dai, cứ kéo dài hết ngày nầy qua tháng nọ, bạn bè cũng lơi dần, đừng nói chi đến những loài “ong bướm” bên ngoài. Diệp Thúy bắt đầu chán ngán tình đời và càng chán nản cái kiếp sống ở vũ trường. Nàng ví mình như một loài hoa tàn nhụy rữa, “bướm ong” còn tìm đến làm chi?! Thúy chợt nhớ đến bức ảnh của mẹ vẫn để bên mình. Nàng kéo mền xuống cầm lên xem.
Thuở ấy, nàng mới lên 9, tóc còn xõa xuống hai bên má, đôi mắt sáng long lanh, trong lòng chưa vẩn đục! Còn mẹ nàng hiền dịu quá, đôi mắt bà buồn thảm làm sao! Phải chi, mẹ còn sống thì đời nàng chắc không đến nỗi như thế nầy.
Càng nghĩ, Thúy càng thấy giận người cha bội bạc mà nàng không nhớ mặt, rõ tên. Phải chi ông biết nghĩ tới đứa con lạc loài mà đi tìm kiếm, đùm bọc chở che thì nàng đâu phải dấn thân vào cái nghề không lối ra. Thúy khổ quá khi nhớ đến những ngày đầu tiên bước chân lên Sài Gòn…