Có một anh tính khí rất keo cú. Hễ nhà có giỗ, thì cứ đem những chén ‘hạt mít’ ra để mời khách uống rượu.
Một khi, có bạn ở xa đến chơi, anh ta phải thết cơm rượu, cứ lối cũ giở ra.
Người khách biết ý, đương ngồi uống rượu, tự nhiên khóc hu hu lên. Anh kia ngạc nhiên hỏi làm sao đương vui lại khóc?
Người khách gạt nước mắt, đáp rằng:
– Tôi uống rượu, nhìn thấy chén, thì lại sức nhớ đến người anh em bạn thân của tôi, ngày xưa vì uống rượu bằng chén con như thế nầy, mà phải chết oan.
– Làm sao thế?
– Tại chén nhỏ quá, vô ý nuốt cả chén, cho nên chết hóc!
Anh chủ nhà vội vàng thay ngay chén con, mà lấy chén nhớn đem ra.
Vương Hồng Sển:
Chén hạt mít: chén bằng cỡ hột mít, để dùng uống rượu tăm.
Có câu ca dao: Đố ai đánh võng không đưa, Ru con không hát, tôi chừa rượu tăm.
Rượu tăm là rượu ngon. Tăm là bọt nhỏ li ti, khi rót từ đáy nổi lên mặt.
Chén mắt trâu: lớn hơn chén hạt mít, trông bằng mắt con trâu, để uống trà.
Chén tốt, chén quân: chén uống trà (tốt là sĩ tốt, quân là quân sĩ)
Chén tống: do tướng nói trại ra. Chén lớn để pha trà ‘ba quân một tống’.
Tỷ dụ: Bộ chén trà vẽ tích ‘Ngưu manh’ có đến hai kiểu, (gồm ba quân một tống):
– Một kiểu vẽ thằng mục ngồi lưng trâu với tay chụp nón bị gió thổi bay, không đề thi.
– Một kiểu khác cũng vẽ trâu và thằng chăn, kèm câu thi: ‘Xuân du phương thảo, đồng vịnh ca qui’. Bộ ‘Xuân du …’ ký Trân Ngọc, chế năm Kiền Long 1736 -1795; bộ khác ký Ất tỵ chế năm Thiệu Trị 1845. Năm thứ 5 đời vua Thiệu Trị là năm 1845 T.I.