Bài số 29 bản Thọ An (Hà Nội) nói về cách ăn nói khoan thai (xuất bản lần 3 năm 1924) đối chiếu với bản Phụng Hoàng San, Sài Gòn in từ năm 1912 viết về tánh người chậm lụt, hay thấy trong quyển T.S.V.P (Tournez s’il vous plait) in từ năm 1924, một bài như sau tả tánh trầm tĩnh của dân xứ tóc đỏ, xin đăng luôn để tiện so sánh:
Một người Pháp tên Jules Janin, sang qua kinh đô nước Hồng Mao (nước Anh), vào một quán rượu của một người đồng hương, ngồi thư thả uống rượu khai vị nơi một bàn nọ, mắt chăm chỉ đọc một tờ báo trải trước mặt.
Có một bợm nhậu tóc đỏ cũng đang ngồi nhâm nhi gần đó, xảy gọi tên hầu sáng đến gần và chậm rãi hỏi:
– Nầy anh, anh có biết tên họ ông chi chi đang ngồi hút xi gà và đọc báo bên cạnh lò hơ kia chăng?
– Thưa ông, tên bồi nói, tôi không biết ạ!
Bợm nhậu ta bèn đến gần bàn tính tiền, hỏi hòa hoãn chị giữ kết, cũng y hệt câu ban nãy.
– Thưa cô, cô biết danh tánh ông chi chi đang ngồi kia kìa vừa hút xi gà vừa đọc nhựt trình đó đó?
Cô công táp nhỏ nhẹ trả lời rằng đó là khách chưa đến quán lần nào nên cô không biết là ai mà nói.
– Tôi cần gặp ông chủ quán, bợm nhậu ta nói.
Chợt chủ quán từ trong bếp đi ra, bợm nhậu được cô giữ kết chỉ, lại tiếp tục hỏi câu nãy giờ:
– Chủ quán có thể cho tôi biết quí danh quí tánh của vị khách đang ngồi đọc báo hút xi gà đàng kia chớ?
Chủ quán lịch sự đáp:
– Thưa ông, đó là một ông khách lạ, mới đến đây lần thứ nhứt, nên tôi chưa được biết tên họ, xin mời ông hỏi ngay vị đó là tốt hơn.
Chừng ấy, bợm nhậu ta bèn đến gần bàn người khách ngồi và trịnh trọng hỏi:
– Thưa vị khách đang ngồi thưởng thức mùi xi gà ngon cạnh lò sưởi, có thế nào ngài cho tôi biết đại danh quí tánh?
– Dạ thưa, anh Pháp trả lời, tôi tên là Jules Janin. Ông có chi cần dạy bảo?
– Dạ thưa, bợm nhậu lễ phép trả lời, tôi cần cho ông Jules Janin hay rằng cái áo ngự hàn của ông đang cháy.
(Ấy phép lịch sự của Hồng Mao là thế, chỉ tiếp chuyện khi biết được tên người mình muốn tiếp xúc).