Xưa nay thế sự hay nói rằng: “Yêu tinh ma quỉ”. Tưởng chắc không ai thấy rõ nguyên hình, ma yêu tin quỉ, trong bốn loại đó xét ra cũng như một, vì nó thường hiện ra hình nầy hình kia, hoặc là hình thú vật, hoặc hình bụi cây bụi cỏ.
Cách chừng mười ba năm nay, tại nơi cây da Ông Bổn, người đồn ma tại đó nhiều lắm, ban đêm một người không dám đi ngang qua đó.
Có một đêm kia, tôi với tên Chức đi coi chữa bịnh nơi Bến Củi, khi ra về thì gần một giờ khuya, hai đứa đi ngnag qua đó, thì nghe dưới hầm gần một bên đàng, dường như có người sàng miểng sành kêu rổn rảng.
Tên Chức thì nhát lắm, nghe vậy thì nhảy tới kề một bên níu áo tôi mà đi, đi gần tới thì lại nghe sàng lung mà lại có tiếng người rên …
Tên Chức bảo tôi chạy, tôi nói:
– Ai làm gì mặc ai, mình cứ việc đi, sợ gì mà chạy cho mệt.
Nói vừa dứt lời, ngó trước mặt thấy một con trâu lớn nằm ngang giữa đàng, mà hồi đó đàng còn hẹp, hai bên thì tre, không có chỗ nào mà tránh đặng, phải đứng dừng lại. Tên Chức sợ run. Tôi liền nói với Chức rằng:
– Khó quá, trở lại thì xa lắm, còn đi tới thì đi không đặng, nếu đi ngang trên đầu, thì sừng nó báng, còn đi ngang dưới chơn thì sợ chơn nó đạp, lấy làm khó tính.
Còn con trâu thì nằm thở ồ ồ, làm cho người dạn cũng hóa ra sợ. Tôi liền nói nhỏ với Chức:
– Thôi hai đứa mình dang ra xa xa rồi chạy tới làm trớn nhảy phóng ngang qua bụng nó rồi chạy luôn.
Chức không chịu, nói sợ lắm, e mình phóng qua không khỏi, té nơi bụng nó thì nó sẽ ăn, chi bằng chạy trở lại thì hay. Nói rồi vụt chạy trở lại, một đỗi đứng đằng kia hú kêu.
Tôi nói:
– Mầy dại quá, mấy đứng đẳng một mình, như mà nó nhảy lại chụp mầy thì ai mà tiếp mầy!
Chức nghe vậy sợ liền chạy trở lại, níu áo như trước. Rồi hai đứa đồng hè phóng ngang qua bụng con trâu, hai đứa phóng qua khổ rồi chạy luôn một đỗi hơn một trăm thước, mà ngó lại sau lưng thì thấy con trâu hãy còn nằm thở ồ ồ, lấy làm lạ, ráng sức chạy một hồi nữa gần chợ Lò Rèn, ngó lại thì mất con trâu.
Hai đứa nằm dài trên cỏ mà thở, mồ hôi ra dầm mình, một lát rồi hai đứa đem nhau đi về. Đi ra tới chỗ lăng Ông Thượng, thì ước chừng hai giờ khuya, đi tới chỗ lối mấy cây dừa trồng theo đàng, ngó thấy một con thỏ ở bên cây trâm bên kia đàng chạy ngang qua trước mặt, tôi nói:
– Thỏ! Thỏ! Hai đứa dí đập.
Chức nói:
– Thôi đi cha! Đừng báo hại như hồi nãy nói rằng nhảy khỏi bụng trâu, ai ngờ là nó rượt theo chạy gần sút cứt trong quần, mệt le lưỡi.
Tôi nói:
– Có khi con thỏ thật vì là họ gánh đi bán làm sút.
Mà con thỏ dạn quá, nó chạy xa xa chừng mười thước thì đứng đó, hai đứa nà lại rượt nó thì nó cứ thụt lui nhảy tới tràng qua trạng lại. Hai đứa rượt hết sức mà bắt không đặng, cứ chụp hụt mãi, rượt bắt riết, kế bên đàng có nước có ô rô, nó chun vô nó ngồi trong ô rô ngừ nghè như tiếng cọp ngừ, hai đứa sợ chạy riết, chạy tới Cầu Bông đứng lại nghỉ, mới biết rằng trong một đêm nay mà bị nhát hai lần.
Lời bàn Vương Hồng Sển
Chuyện nầy cho ta thấy, khoảng những năm đầu thế kỷ 20, thì chỗ lăng Ông Thượng cho đến Cầu Bông, đi một mình đêm khuya tới đó, không ai dám cả, vì sợ ma nhát; một lá vì không có đèn sáng, hai là đường rất nhỏ và hai bên toàn tre và bóng tối.
Không biết “cây da ông Bổn” là ở chỗ nào, Bến Củi là ở đâu?
Trên đường về, dựa theo câu ‘nghe dưới hầm gần một bên đàng”, có phải đó là nơi ngày nay ta gọi Cầu Hang ở Gò Vấp đó chăng?
Bài nầy đáng chép lại vì tả cảnh Sài Gòn năm xưa, quê nhưng rất thái bình, đi chơi khuya khoắc, lấy đêm làm ngày, và buổi ấy mới thấy giá trị của đêm trăng, không như ngày nay, con người sống máy móc quá, vật chất quá, văn minh đâu không thấy, mà hạnh phúc đâu mất rồi?
Tuy biết chuyện thuộc về tưởng tượng, nhưng khắp nơi và tự cổ kim, đều lấy chuyện ma làm đề tài để đi đến thơ và mộng.
Chuyện ma không nên bỏ.