Xem truyện kia sử nọ, thấy nhiều tích lạ lùng quái dị, khó mà luận biện giả chơn, là vì việc đã nhiều đời, tưởng lại những chuyện quái dị, tai biến thì đời nào cũng có. Xưa thì truyện sử biên chép để lại, còn như đời nay có việc kỳ quái biên vào nhựt trình cho thiên hạ xem.
Năm Quí Mão (1), xứ Hà Nội (Bắc Thành), có một chuyện rất quái dị, có thơ của người bằng hữu thuật lại rõ ràng. Tại châu thành Hà Nội, đường Hàng Buồm có một căn nhà mà hai chủ ở, ngăn làm hai, một người ở Gia Định làm thầy thông, một người Bắc Thành làm thợ rèn. Hai người đều có vợ, ở chung như vậy đã lâu.
Một ngày kia hai người đàn bà đau bịnh, nội đêm ba mươi tháng năm lang sa thì hai người đàn bà đều chết một lượt. Sáng ngày đi khai nơi quan giám thành, quan giám thành xem xét rồi thì cho phép chôn.
Thầy thông là người Gia Định, có sẵn sàng tiền bạc lo tống táng vợ an bài. Còn người thợ rèn là người Bắc, còn để xác vợ đó mà đi cho bà con thân tộc hay, lại cũng không có đủ tiền bạc mà dùng trong cuộc tống táng, đến chiều tối mới mua đặng quan quách mà liệm.
Trong nhà đang sửa soạn liệm, thì chị thợ rèn sống lại, ngồi dậy tỉnh táo, bước xuống đất đi cùng nhà, anh thợ rèn thấy sự kỳ quái thì lấy làm sợ, không hiểu ý nào. Trong lòng hồ nghi ma quỉ nhập vào xác mà nhát, anh thợ rèn quì xuống lạy vợ mà hỏi. Chị thợ rèn ngó anh thợ mà xem ra bộ hổ ngươi mắc cỡ.
Người đàn bà sống lại đó nói rằng:
– Tôi là vợ thầy thông ở Gia Định, chớ không phải là vợ thợ rèn, vốn tôi là người đàn bà ở Gia Định mà tâm tánh hiền lành trọn ngay trọn thảo với chồng nên cho sống lại mà ở với chồng cho trọn nghĩa cang thường.
Mấy người Bắc Thành nghe nói thì lấy làm lạ lắm, và không hiểu chị thợ rèn nói giống gì lạ tai quá. Liền đi kêu thầy thông mà nói lại các việc, thầy thông nghe nói thì buồn rầu nhớ vợ, liền trả lời rằng:
– Vợ tôi chết rồi chôn rồi, còn vợ nào đâu mà nói dị sự như vậy.
Người đàn bà nầy cứ nằn nằn quyết một nói thầy thông đó là chồng thật của mình mà thôi, cứ theo mãi, thầy thông lấy làm lạ mà lại mắc cỡ, vì là cứ theo hoài, thầy thông tức mình liền nói rằng:
– Như nói quả là vợ thì hãy nói tên cha mẹ ở Gia Định, ở làng nào tổng nào, tên cha mẹ bên chồng bên vợ, việc cưới hỏi thuở xưa làm sao, đồ nữ trang khi cưới những món gì, vợ chồng ở với nhau lâu nay làm sao, có dư dả hay là thiếu thốn, hồi chôn đồ tẩn liệm những vật chi phải nói cho rõ căn cội.
Thầy thông hỏi dứt lời, thì chị ta nói lại rõ ràng mỗi việc đều y kỳ, lại nói trúng những tiền bạc vợ chồng dành để mà chôn đâu để đâu đều nói trúng hết thảy. Thầy thông ngồi sửng đông, không biết nói làm sao, thật lấy làm lạ quá lẽ, không biết lấy đâu mà luận biện cho minh bạch.
Lời nói thì mỗi việc đều trúng, là người Gia Định vợ thầy thông, mà ngặt vì tay chơn mặt mũi hình vóc với lời nói thì là người Bắc Thành. Thầy thông không chịu nhìn là vợ, chị thợ cứ việc theo thầy thông, anh thợ rèn cứ theo bắt vợ.
Việc rất nên là liệu điệu, không ai biết đâu mà công nhận, sự rất nên quái đi, không ai xử đặng.
(1) Năm Quí Mão là năm 1903, tức năm thứ 15 đời vua Thành Thái.