Từ năm Ất vị cho đến năm ngọ (1), tính hơn mười năm sau, nhơn dân thì an, lo việc canh nông, công thương, đâu đó đều an; mà còn mấy chỗ rừng bụi thì cọp hùm còn nhiều lắm. Nhứt là phía huyện Bình Long (Hóc Môn). Có chỗ tục danh gọi là truông Ổ Gà, đó là chỗ cọp tiếng. Mấy nhà ở gần rừng thường bị cọp ra bắt chó heo, cũng có khi bắt người ta, ngày đêm gì cũng có.
Đêm hai mươi ba tháng năm, có nhà tên Lực ở gần mé rừng, nhà va có nuôi một con vện lớn, con chó nầy nó đi tha về một ghè đường lớn của ai không biết. Ban đầu thì nó ăn ở ngoài, lần lần ăn vô trong, thì nó ăn lần vô sâu nên nó ráng sức rướn cái đầu nó lọt vô miệng cái ghè mà ăn cho hết đường. Nó ăn hết đường rồi thì lấy đầu không ra, mang ghè mà đi bậy bạ đụng giường đụng ván, không biết đường nào mà đi, nó đi lại phía bếp. Nó nhảy tưng lên đụng nhằm cái kệ, trên kệ đó thì để ve chén nồi niêu đều đổ trên lưng nó, nó ngỡ là đánh nó, nên nó la tiếng ghê gớm. Vì là miệng nó ở trong ghè, miệng nó la chơn thì chạy tông vách tông cửa đùng đùng.
Người trong nhà thì đang ngủ, nghe làm đùng đùng mà lại có tiếng la ghê gớm, thì nói là cọp đã vô nhà ví chó mà bắt. Ai nấy đều sợ không dám bước xuống đất, cứ ở đó vỗ ván vỗ vách mà đuổi cọp, người thì la làng. Mấy nhà ở gần nghe la làng và nghe đuổi thì chắc là cọp vô nhà đó rồi, nên họ cũng la tiếp theo. Tiếng la tiếng đuổi làm um sùm cả xóm, la đồn đến dinh quan phủ cũng nghe.
Quan phủ liền truyền cho lính sáu bảy người cầm súng, lại bắt dân canh nơi dỏ làng, với những người đàn ông ở gần đi theo cho đông, thảy đều cầm giáo mác thong, dao thơm, cây, roi, người thì cầm đuốc người thì cầm đèn, xem lao xao lố xố rất nên là vui, đồng đi đến nhà tên Lực.
Truyền vây xung quanh nhà, lại dặn rằng:
– Tiền hậu tả hữu phải ráng mà giữ cho cẩn thận.
Trong nhà cũng còn la còn đuổi, còn con chó thì mắc đầu trong ghè, nghe la nghe đuổi thì càng sợ, lại càng chạy tuông vách phên rầm rầm, tiếng la trong ghè lại càng ghê gớm hơn.
Lính với dân làng vây ở ngoài nghe trong nhà rầm rầm thì chắc là cọp còn trong nhà, nên đèn đuốc gươm giáo nghiềm giữ vô sát vách, có người hỏi rằng:
– Cọp đâu? Cọp đâu?
Người trong nhà nói:
– Cọp còn trong nhà đây.
Mấy người dạn đều tốc cửa cái mạch, đuốc đèn rọi vô nhà sáng trưng, mà xem thì không thấy cọp, thấy con chó vện lớn mang ghè vừa chạy cừa la. Anh dân kia cầm cây nơi tay đứng thủ, con chó không thấy gì hết, chạy đâm sầm vô mình ảnh. Ảnh hoảng đánh một cây vô đầu bề ghè, con chó thấy người thì đông, lại thêm đèn đuốc, nó hoảng hồn quít đuôi chạy mất.
Tức thì nghe lặng trang không có gì hết. Dân cùng lính đều vô nhà rọi đèn đuốc mà xem cho kỹ, thật là không có dấu cọp, mà người trong nhà kẻ thì la người đái trong quần dầm dề, mặt mày thì biến sắc.
Một lát tỉnh hồn lại ra hỏi căn cội, thì nói rằng:
– Đang ngủ mà nghe làm rầm rầm lại có tiếng la ghê gớm, chạy tuông vách nầy đụng cửa kia thì ngỡ là ông thầy đã chun vào nhà bắt chó, nên phải la làng xóm xin tiếp.
Những người cầm đèn đuốc cầm khí giái đều ngó mặt nhau lơ láo, thề thốt mẹ mụ om sòm, “báo hại làm chi bất nhơn vậy, đã mất giấc ngủ lại mất công. Các người làm thói đó, sau có chuyện gì ai thèm tiếp.”
Chủ nhà nói:
– Cơ khổ nhưng, đang ngủ mà nghe đùng đùng có biết gì đâu, ngỡ là ông thầy, mà lại ban đêm tối tăm không thấy, chớ ai muốn làm chi vậy cho mất công các ông, lại nhà cửa nồi niêu của tôi đều xể xài hư bể hết.
Nói lôi thôi một hồi, rồi ai về nhà nấy mà ngủ, ra đàng nói đi nói lại cười sùng sục, đi đàng hai bên xóm hỏi thăm “có ví đặng ông bị hay không?”
Trả lời rằng:
– Bị gì? Bị ỉa bị đái trong quần dầm dề, đến đó mà coi, bị, bây giờ mệt về ngủ, ai hơi nào mà nói.
(1) Năm Ất vị là năm Ất Mùi 1895, năm Bính Ngọ là 1906.
Lời bàn Vương Hồng Sển
Đây mới quả là một chuyện thật biến ra chuyện tiếu lâm, đánh dấu một thời đại Hóc Môn còn cọp đến viếng, và truông Ổ Gà hiện ở chỗ nào?