Tai thường nghe người nói đi người nói lại rằng:Cá ông thường hay đi tuần ngoài biển, gặp ai bị chìm ghe chìm tầu thì cứu vớt, xưa nay có nghe nhiều người nói mà chẳng lấy chi làm tin, là vì người nói đi người nói lại, chẳng gọi là chắc.
Năm Canh tí, có sáu người đi một chiếc ghe bầu ban đêm nhằm bữa sa mù tàu đụng nhằm chìm, nhờ cá ông đem ghe vô cồn khỏi chết. Sáng này có tàu khác chạy về Hạ Châu, ngó thấy người liền cho tam bản vào rước chở đem bỏ nơi Hạ Châu. Quan lãnh sự nơi Hạ Châu lại cho giấy gởi về Sài Gòn. Tàu đến Sài Gòn thì giao mấy người đó cho quan tuần thành, quan tuần thành lại giao cho quan coi việc quản xuất tàu thuyền, đặng người cho giấy đi về quê quán.
Khi lính tuần thành đem sáu người lại tại nhà giấy bảy giờ sớm mai, thì quan chưa đến, nên người trong nhà giấy với mấy thầy hỏi đầu đuôi cho biết thì mấy người ấy nói rằng:
“Ghe ở Cửa Lục mà ra ngoài khơi, bữa đó trời sa mù không thấy chi cả, ghe đang chạy giữa vời thì có một chiếc tàu ở đâu không biết chạy sấn ngang hông chiếc ghe, rồi tàu chạy luôn. Người trong ghe đều kêu cứu mà không có ai cứu, một lát lâu ghe vô nước lên tới sạp, ai nấy đều lo chết mà thôi, nước ngập lần lên khỏi sạp, rồi không hiểu làm sao mà ghe lại nổi lên mà vững vàng lắm. Hồi đó ước chừng gần sáng, ghe vững vàng như vậy hồi lâu sao ghe lại văng lên cồn xa khỏi mé nước hơn mười thước, lúc đó trời đã hừng đông, ghe thì tan tành từ nơi từ miếng, song không mất món chi hết. Khi sáng thiệt mặt thì người trong ghe liền nói với nhau rằng: Chuyện nầy có khi là ông thương mà cứu chăng?”
Mấy người liền đứng day mặt một phía mà vái lạy ông: “Chúng tôi nhờ có ông cứu mới sống, xin ông lên vọi cho tôi biết.”
Tức thì ngó thấy ngoài biển phu nước lên ngay bót như vòi rồng. Mấy người đều cúi lạy ông rồi ông lội ra một đỗi lại lên vọi phun nước một lần nữa rồi đi mất.
Lời mấy người nói lại rõ ràng như vậy, kế quan đến hỏi ở đâu thì họ khai rằng ở Quảng Bình. Quan liền dạy làm giấy tàu cho sáu người đi về xứ.
Gẫm lại loài cá voi là loài vô tâm vô tri mà cũng hảo tâm biết cứu người trong cơn nguy biến, ấy cũng là trời phú tánh cho nó như vậy.
Hèn chi có nhiều chỗ người ta xí đặng thây cá ông trôi thì vớt về mà thờ, làm lăng thờ kính nhang đèn luôn luôn, tứ thời hương hỏa bất tuyệt, kính thờ như vậy cũng đáng lắm, thật là loài cá mà biết làm ơn cứu thiên hạn.
(1) Năm Canh tí là 1900, năm thứ 12 đời Thành Thái.
Lời bàn Vương Hồng Sển
Việc cá ông cứu ghe bầu khỏi chìm, nay có thể cắt nghĩa theo khoa học được. Nguyên loại cá ông nầy, ngày xưa các vua ta đã phong đến chức Nam Hải đại tướng quân, là cũng vì nhiều phen cá cứu ghe thuyền khỏi đắm.
Sở dĩ có việc như vậy là vì loại cá nầy rất sợ biển động, vì sức nước khi bão tố sẽ nhồi nó mau mệt, nên chi nó tự kiếm vật gì ngoài khơi để núp theo đó mà tránh bị sóng nhồi, và nhờ vậy ghe bầu nào gặp thì ắt khỏi chìm.
Đến như loại tàu sắt thì cá đội sẽ mau chìm hơn nữa, vì ghe thuyền ta lườn bằng như đít thúng, nên cá đội được còn tàu sắt lườn sâu và nhọn, nên hễ cá ông đội là có mòi lật chìm ngay.
Khi nào cá ông gặp bão mà không chỗ núp thì thường hay chết mệt, và ta gọi “ông lụy”. Vì bị săn lấy thịt, lấy dầu, lấy răng (fanon) cũng dùng như ngà voi, nên cá ông càng ngày càng ít, nay chỉ sống miền giá lạnh trên biển Bắc cực.