10 – Bồng bồng

Tên khác: Cây bông bông, bòng bòng, lá hen.

Tên khoa học: Calotropis gigantea (L.) Dryand ex Ait.f. Họ Thiên lý (Asclepiadaceae).

Mô tả

Cây bụi, cao đến 3m. Cành non có lông trắng như bông. Lá to, dày, mọc đối, mặt dưới lá cũng có lông trắng. Cụm hoa là một xim gồm nhiều tán ở nách lá, mang nhiều hoa trắng, đều, lưỡng tính. Ngoài đài, tràng, còn có tràng phụ. Bao phấn hàn liền với núm nhụy, trong có khối phấn. Bầu trên, hai lá noãn rời nhau ở bầu và vòi, dính liền nhau ở núm nhụy. Quả gồm hai đại dài 10-15 cm, trong chứa nhiều hạt, ở một đầu hạt có chùm lông. Toàn cây có nhựa mủ trắng.

Nơi mọc

Cây mọc hoang khắp nơi trong nước ta và cũng được trồng làm hàng rào, làm cảnh.

Bộ phận độc và chất độc

Rễ, thân, lá và nhựa mủ đều có chất độc. Trong lá có các glycosid tác động đối với tim như calactin, calotropin, v,v …

Triệu chứng ngộ độc

Với liều độc thường làm hạ huyết áp, gây nôn, ỉa chảy. Khi ăn phải nhiều thì đau bụng, viêm ruột, có thể chết. Đối với phụ nữ có thai, có thể sẩy thai.

Giải độc và điều trị

Phải kịp thời loại chất độc ra khỏi cơ thể. Cho uống nước lòng trắng trứng, sữa, hồ tinh bột hoặc than hoạt. Điều trị triệu chứng: đau bụng thì dùng thuốc giảm đau, mất nước thì cho uống nước muối loãng hoặc tiêm truyền huyết thanh. Đối với phụ nữ có thai phải cho uống thuốc giảm đau và tiêm progesterol, vitamin E.

Chú thích

 – Có nơi dùng lá bồng bồng làm thuốc chữa hen (vì vậy có tên là Cây lá hen). Khi dùng phải thận trọng và không được dùng quá liều lượng quy định.

 – Ở miền Nam nước ta có loài Calotropis procera (Ait.) R. Br., gọi là bòng bòng quí, hoặc bồng bồng lá to, hình dạng tương tự cây bồng bồng nói trên, nhưng hoa nhỏ hơn và cánh hoa có bớt tím. Cây mọc ở đất cát ven biển miền Nam, có rễ độc. Cần chú ý:

  • Đừng nhầm cây bồng bồng nói trên với cây Dracaena angustifolia Roxb., Liliaceae (họ Hành), cũng có tên là bồng bồng nhưng không độc và hoa có thể ăn được.

error: Content is protected !!