Trân ngừng xe cách tiệm Ngọc Thanh của Diệp Thúy chừng hơn trăm thước, rồi bảo Ngọc Dung:
– Đó… Em thấy chưa? Tiệm sách kia là của bác mua cho con vũ nữ đó.
Ngọc Dung đọc hiệu tiệm rồi nhìn vào trong, thấy thấp thoáng nhiều người. Nàng bảo Trân:
– Em sẽ đến đó, xem có ba em không? Và xem cô ta ra làm sao?
Nàng nói xong, mở cửa xe bước ngay xuống đất. Trân lúng túng chưa biết tính sao? Hắn không ngờ Ngọc Dung hành động liền như vậy.
Lúc nãy, hắn đang ở trên phòng buyn đinh Rose thì Ngọc Dung đến bảo hắn đưa nàng đến chỗ nhà bác sĩ Vũ mua cho Diệp Thúy. Trân tưởng đâu Dung chỉ muốn thấy tận mắt cái nhà sách của Thúy thôi, ai ngờ bây giờ nàng lại muốn giáp mặt Vũ và Thúy. Gặp như vậy thì khó quá! Chính hắn cũng không muốn giáp mặt Thúy trong trường hợp nầy.
Diệp Thúy rất có thể chửi vào mặt hắn và nói toạc ra những điều bỉ ổi của hắn. Cô ta sẽ khó trưng ra bằng cớ trong vụ lường gạt ái tình trước kia, nhưng Trân lại không muốn nghe những lời đó nữa, dù sao nó cũng làm cho hắn xốn xang nhục nhã. Vả lại, trước mặt Ngọc Dung thì thật là trơ trẽn!
Ngọc Dung thấy Trân vẫn không nhúc nhích thì ngạc nhiên hỏi:
– Sao anh? Anh không vào trong đó với em ư?
Trân lúng túng không biết tính sao, đành nói:
– Sao lại không? Nhưng anh đang suy nghĩ, không biết bây giờ mình đi vào đó có lợi không?
– Lợi hại thế nào?
Trân nói tiếp:
– Em biết bác trai mua nhà sách cho Diệp Thúy và giấu hết mọi người. Nếu bây giờ mình đi vào đó, lỡ gặp bác hoặc Diệp Thúy biết được, nó sẽ “to nhỏ” với bác dọn đi nơi khác thì sao.
Ngọc Dung cương quyết:
– Không cần… Em chỉ muốn giáp mặt ba em và con bé đó, nói cho đã nư giận rồi thôi. Họ muốn dọn đi đâu cũng mặc.
– Em tính thế sao phải? Em làm vậy rồi bác trai càng ghét anh hơn và mối tình cùa chúng ta biết đến bao giờ mới thành tựu được.
Dung lặng thinh một lúc:
– Vậy anh tính sao? Chớ em nóng lòng lắm.
Trân khôn khéo dẫn dắt Ngọc Dung:
– Em hãy ráng bình tĩnh để đối phó trước hoàn cảnh khó khăn nầy. Theo ý anh thì em nên gặp mặt riêng con bé đó và làm thế nào cho nó đừng ngờ em là con bác trai. Bao giờ, nó thố lộ tâm tình riêng thì mắng vào mặt nó, bảo nó đừng bám vào bác trai nữa. Thứ hạng đó, nó ưa kể chuyện riêng cho thiên hạ nghe lắm.
Ngọc Dung tuy tin tưởng ở Trân, nhưng trước lời khuyên có vẻ lúng túng của hắn, nàng chợt hiểu. Thì ra Trân lại sợ giáp mặt Diệp Thúy!
Tự nhiên, nàng thấy tức, nên nhìn thẳng vào mặt Trân:
– Anh không vào thì thôi! Em đi một mình vậy.
Ngọc Dung nói xong bước đi ngay. Trân hốt hoảng gọi theo:
– Dung… Dung… Chờ anh nói hết đã.
Nhưng Dung làm như không chú ý đến lời hắn, cứ lầm lũi bước. Trân đành xuống xe, chầm chậm theo sau. Hắn thật tình vẫn chưa rõ Ngọc Dung định làm gì? Không lẽ vào tiệm sách rồi hạ nhục người ta? Hành động như vậy sẽ gây rắc rối ngay! Và khi Vũ biết rõ chính hắn đưa Ngọc Dung tới đây thì chắc không bao giờ ông ta thôi thù ghét hắn! Trân nghĩ thầm như vậy và càng thêm lo.
Trong khi đó, Ngọc Dung đã bước vào tiệm sách. Nàng quan sát bên trong và nhìn nhận cách thức trang dọn thật là mỹ thuật. Có một số nữ sinh và vài người đứng tuổi đang lựa sách. Hai cô bán hàng đều vui vẻ, nhanh nhẹn. Một cô đang biên toa bán sách, một cô bước tới chào nàng.
Ngọc Dung bất ngờ trước sự tiếp đãi ân cần của người bán hàng trong tiệm sách nầy, nên buộc lòng chào lại. Chỗ quầy tiền, còn một thiếu nữ rất đẹp, nhưng đôi mắt thật buồn, cô ta đang mỉm cười nhìn về phía Dung. Ngọc Dung giả bộ đi xem sách, nhưng đôi mắt vẫn liếc vào trong. Một bức màng xanh mỏng che khuất phía sau nhà. Tuy vậy Ngọc Dung vẫn nhìn thấy chiếc thang ăn thông lên lầu. Nàng nhủ thầm:
– “Chắc Diệp Thúy đang ở trên đó!”.
Dung nghĩ đến cha! Mỗi lần ông tới đây, rồi ở luôn trên lầu thì có ai biết được. Tiệm sách nầy chỉ là nơi để “nghi trang” cho mối tình tội lỗi! Nàng càng nghĩ càng thấy giận cha hơn. Thế mà từ trước đến giờ, nàng vẫn tin tưởng cha là người đạo đức, gương mẫu! Ai ai cũng lầm!
Ông chỉ có vẻ đạo đức bề ngoài, còn bên trong lại “sa đọa” hơn ai hết. Ngọc Dung bắt đầu có những ý nghĩ khinh miệt cha. Và càng ghét ông, nàng càng thấy lòng đau. Dung đến trong cùng tiệm sách quay mặt nhìn ra. Nàng thấy Trân đang đứng lấp ló bên ngoài. Bây giờ, Ngọc Dung mới thấy mình vào đây không có ích lợi gì hết, vì nàng đâu làm thế nào giáp mặt Diệp Thúy để dò xét hay chất vấn nàng. Tự nhiên không lẽ đến hỏi người ta một cách vô cớ sao? Dung chỉ còn hy vọng là sẽ gặp cha ở đây.
Nhưng nàng đứng có trên mười phút vẫn không thấy một ai ra vào thêm nữa. Không lẽ chờ đợi mãi ở đây? Ngọc Dung đành mua một tờ tạp chí Pháp để cho những người bán sách không chú ý đến thái độ của mình.
Khi nàng ra “caisse” trả tiền thì cô thu ngân mỉm cười bảo nàng:
– Thưa cô! Tiệm chúng tôi mới khai trương. Sách còn thiếu nhiều lắm! Ít lâu nữa xin mời cô đến.
Ngọc Dung nhìn cô ta, đáp lời:
– Vâng! Tôi còn trở lại đây mà.
Nàng lấy báo, toan ra cửa, nhưng nghĩ kỹ lại cũng nên hỏi thăm cô kia một vài câu về Diệp Thúy.
Dung quay lại. Cô thu ngân tưởng nàng quên vật gì liền hỏi:
– Cô quên đồ?
– Dạ không! Tôi muốn hỏi thăm một chuyện.
Thiếu nữ hỏi lại:
– Cô muốn hỏi chi ạ!
– Tiệm sách khai trương từ bao giờ vậy cô?
– Dạ, hơn tuần nay.
Ngọc Dung giữ giọng nghiêm trang:
– Ông bà chủ tiệm nầy là ai vậy cô?
Thiếu nữ nhìn sững Ngọc Dung không đáp lời ngay, mà lại hỏi:
– Cô muốn hỏi “ông bà” chủ chi vậy?
Ngọc Dung lúng túng đáp:
– Dạ… Tôi có người quen lập tiệm sách… ở khoảng đường nầy, nhưng không biết có phải ở đây không ?
Cô thu ngân chăm chú nhìn Ngọc Dung rồi hỏi lại:
– Cô… biết tên “ông bà” chủ đó không?
Ngọc Dung gật đầu:
– Biết… tôi biết ông nhiều hơn. Ông ấy làm bác sĩ ở bệnh viện Thủ Đô. Bác sĩ Vũ …
Cô thu ngân sững sờ nhìn Ngọc Dung đáp nhỏ:
– Đúng là bác sĩ Vũ rồi. Cô là ai? Cô muốn gặp bác sĩ ư?
Ngọc Dung điềm đạm nói:
– Dạ không! Tôi chỉ muốn được gặp bà chủ.
– “Bà chủ”!
Cô thu ngân lặp lại hai tiếng đó với vẻ bàng hoàng. Ngọc Dung hỏi tiếp:
– Bà chủ đâu rồi cô? Bà Diệp Thúy đó mà.
Cô thu ngân nhíu mày nhìn Ngọc Dung:
– Mà cô là ai? Làm sao cô biết Diệp Thúy?
Ngọc Dung nói càn:
– Tôi quen bà ấy nhiều. Cô cho tôi gặp bà ấy đi.
Cô thu ngân lộ vẻ suy nghĩ rồi quay về phía hai người bán hàng, gọi:
– Cô Hà… Nhờ cô giữ “caisse’’ giùm tôi một lúc. Rồi cô ta ra khỏi quầy tiền, bảo Ngọc Dung:
– Mời cô vào trong nầy.
Ngọc Dung gật đầu:
– Vâng!
Nàng quay nhìn ra sân, Trân vẫn đứng bên ngoài và nhìn nàng với vẻ âu lo rõ rệt.
Ngọc Dung theo cô thu ngân vào nhà trong. Qua khỏi bức màn xanh là gian phòng khách. Cô thu ngân vặn cái đèn ống trên vách rồi bảo Ngọc Dung:
– Mời cô ngồi xuống đây.
Ngọc Dung vừa ngồi xuống ghế “salon” thì thiếu nữ cũng đã ngồi ngang mặt nàng.
Cô ta hỏi ngay:
– Xin lỗi cô là ai?
– Cô cho tôi gặp bà Diệp Thúy. Bà ấy sẽ biết ngay…
Thiếu nữ đáp:
– Tôi chính là Diệp Thúy đây!
Ngọc Dung giựt mình như người chạm phải điện. Trời, cô thu ngân đang ngồi đối diện với mình đây là Diệp Thúy sao? Dung nhìn sững cô ta mà không mở lời được.
Diệp Thúy đã phải ngạc nhiên về thái độ của Ngọc Dung, từ nãy đến giờ. Nàng lục lại trong óc mình tất cả những hình ảnh quen thuộc, nhưng hoàn toàn không nhớ được ai có khuôn mặt nầy! Cô ta không phải là người ở bệnh viện Thủ Đô mà lại càng không phải là người trong giới vũ nữ?! Không lẽ cô ta làm ở tiệm may Tây Thi trước kia? Không! Những chị em làm công ở đó, nàng đều quen tên biết mặt. Thiếu nữ nầy có vẻ sang trọng, sinh trong một gia đình khá giả, chớ không phải thuộc vào hạng như nàng! Chắc chắn là nàng chưa từng biết “cô ta”, thế tại sao “cô ta” đến đây hỏi Vũ rồi lại hỏi nàng? Thấy thiếu nữ vẫn lặng thinh, Diệp Thúy hỏi tiếp:
– Cô là ai vậy? Tôi nhớ kỷ chưa từng hân hạnh biết cô!
Ngọc Dung qua phút đột ngột ban đầu, cố trấn tĩnh lòng mình rồi nói:
– À… thì ra cô đây là Diệp Thúy! Tôi từng nghe tiếng cô, đến hôm nay mới gặp được mặt.
Giọng nói đều đều và vẻ mặt lạnh lùng của Ngọc Dung đủ cho Diệp Thúy đoán biết khách lạ không mấy có thiện cảm với mình? Nhưng “cô ta” là ai? Định gặp mình để làm gì? Diệp Thúy khẽ hỏi lại:
– Mong cô cho biết quí danh. Cô là ai? Sao lại biết tiếng tôi từ lâu?
Ngọc Dung mỉm cười gay gắt:
– Tăm tiếng của cô thì nhiều người biết lắm! Chuyện đó không lạ gì đâu! Còn tôi là ai, tên gì? Lát nữa đây, cô sẽ biết!
Diệp Thúy nhìn thẳng vào mặt Ngọc Dung cố lấy giọng ôn tồn:
– Thưa cô! Cô làm tôi ngạc nhiên vô cùng! Tự nhiên, cô vào đây hỏi thăm tôi, rồi làm như quen biết với tôi từ lâu lắm! Tôi vẫn ân cần tiếp đãi cô, nhưng tại sao cô lại có thái độ gay gắt rất vô lý đối với tôi?! Một lần nữa, tôi xin hỏi lại: Cô là ai? Đến tìm tôi có việc gì?
Thái độ ôn tồn nhã nhặn của Diệp Thúy khiến Ngọc Dung mất đi phần nào vẻ kiêu căng. Nàng tưởng đâu nói ra những câu vừa rồi, Diệp Thúy sẽ phải hốt hoảng lên như một phạm nhân đang lẩn trốn vừa bị phát hiện trở lại.
Ngọc Dung không ngờ Diệp Thúy vẫn điềm tĩnh, dù nàng đã nói “mí” cho cô ta biết mình đã rõ phần nào dĩ vãng của cô! Tuy nhiên, Ngọc Dung vẫn muốn giữ cái thế chủ động, trong khi giáp mặt cô vũ nữ đã quyến rũ cha mình. Nàng nhìn Diệp Thúy, hỏi lại:
– Cô nóng lòng muốn biết tên tôi lắm sao? Đáng lý ra, cô phải biết từ lâu rồi mới phải.
Giọng nói của Ngọc Dung đã dịu xuống, song những lời nói của nàng, càng làm cho Diệp Thúy thêm ngạc nhiên. Nàng hỏi:
– Tại sao vậy cô?
– Tại vì cô quá hời hợt. Cô sống ích kỷ cho riêng cô mà không cần kể đến hạnh phúc của bao nhiêu người khác!
Diệp Thúy đi từ sự ngạc nhiên nầy đến sự ngạc nhiên khác. Nàng chưa kịp nói gì thì Ngọc Dung đã tiếp:
– Cô không biết tôi là ai phải không? Nhưng chắc chắn là cô biết cha tôi. Cô biết rành lắm…
Rồi Ngọc Dung chỉ tay ra phía ngoài nói:
– Nếu không, làm sao cô có được một tiệm sách khang trang như thế nầy.
Diệp Thúy sửng sốt đứng lên:
– Cô…
Ngọc Dung đưa tay tới trước, bảo Thúy:
– Cô ngồi xuống đi. Và bây giờ, chắc cô đã biết rõ tôi là ai rồi? Nếu chưa, tôi xin nói rõ hơn: Tôi là Ngọc Dung, con ruột của bác sĩ Vũ.
Diệp Thúy nghẹn lời trước sự gặp gỡ quá bất ngờ nầy. Ngọc Dung, con gái của bác sĩ Vũ là cô nầy đây?
Ngọc Dung nhìn Thúy, nói tiếp:
– Cô ngạc nhiên vì sự hiện diện của tôi ở đây cũng phải! Chắc cô không ngờ bác sĩ Vũ có vợ và có con lớn như tôi chớ gì? Hay là cô giả bộ làm ngơ, để khỏi phải ân hận trong lòng khi phá hoại gia cang người khác.
Diẹp Thúy kêu lên:
– Trời ơi! Cô đừng hiểu lầm…
Ngọc Dung bĩu môi:
– Hiểu lầm! Các cô thì bao giờ chịu nhìn nhận sự thật. Trọn đời các cô chỉ sống trong sự giả dối nên tưởng rằng dối gạt được tất cả mọi người! Tôi không hiểu lầm đâu cô Thúy, vì tôi trực tiếp là nạn nhân của cô! Cô đã làm khổ gia đình tôi và riêng tôi từ bao nhiêu lâu rồi cô biết không?
Diệp Thúy lắc đầu, chận lời Ngọc Dung:
– Không! Cô Dung… Cô đừng nói thêm nữa chỉ làm đau lòng chúng ta thôi. Tôi quả quyết là cô hiểu lầm! Giữa bác sĩ Vũ và tôi… không hề xảy ra những điều tác tệ như cô nghĩ đâu.
Ngọc Dung ngước mắt nhìn Thúy:
– Thôi đi, cô đừng đóng kịch để qua mắt tôi. Giữa cô và ba tôi không có sự gì xảy ra hết?! Cô tưởng tôi còn con nít hay sao cô Thúy. Tự nhiên mà ba tôi rước cô về đây, lập ra tiệm sách nầy cho cô làm chủ? Sao dễ dàng như vậy được hả cô?
Diệp Thúy ôm đầu, rên rỉ:
– Thật khổ thân tôi. Tôi không biết phải nói thế nào cho cô hiểu rõ bây giờ? Tôi mong cô đừng hiểu lầm tội nghiệp tôi và gây sự khổ lòng cho bác sĩ.
Ngọc Dung cười nhạt:
– Tội nghiệp cô và làm khổ ba tôi? Tại sao hai người không nghĩ đến nỗi khổ của mẹ tôi và nỗi chua xót của tôi chớ?
Diệp Thúy lặng thinh không nói gì thêm nữa. Nàng có giãi bày thế mấy, Ngọc Dung cũng không tin!
Ngọc Dung nói tiếp:
– Bây giờ, cô đã rõ tôi là ai rồi, vậy tôi cũng nên cho cô biết luôn ý định của tôi. Gia đình tôi đã mất hẳn niềm vui từ mấy tháng nay và rất có thể đi đến sự tan rã, chia lìa. Tôi chỉ yêu cầu cô một điều hãy buông tha cho cha tôi, đừng bám víu vào ông nữa. Hãy để cha tôi trở về với gia đình.
Diệp Thúy chỉ biết lắc đầu, trước những lời quá phủ phàng của Ngọc Dung. Thật khổ cho thân nàng. Từ khi bắt đầu hiểu biết cho đến bây giờ, nàng toàn gặp những chuyện ức lòng. Đối với bác sĩ Vũ, nàng xem như một bậc ân nhân, đã tái tạo cuộc đời nàng! Ông đã chống lại thần chết để giành lại mạng sống cho nàng và giúp nàng lập nên sự nghiệp. Nhiều khi, nàng tỏ ra e ngại trước số tiền mà Vũ bỏ ra cho nàng lập tiệm sách, nhưng lần nào Vũ cũng nói:
– “Đấy chỉ là số tiền tôi cho cô mượn tạm thôi… Bao giờ tiệm sách phát đạt, cô hoàn lại tôi, chớ có gì đâu.”
Nhưng giờ đây, cũng chính vì cái tiệm sách nầy mà Ngọc Dung nghi ngờ nàng quyến rũ bác sĩ để lấy tiền. Thật là oan ức! Ngọc Dung nhìn Diệp Thúy rồi nói tiếp:
– Cô Thúy! Vì cô mà tôi gặp bao nhiêu nỗi khổ lòng, nhưng tôi không kể hết ra đây làm gì! Tôi chỉ yêu cầu cô buông tha cha tôi trở về với gia đình. Cô còn trẻ quá mà… Cô lo gì không tìm được một người chồng xứng đáng khác! Cô yêu làm chi một ông già, trên đầu hai thứ tóc mà còn có phận sự đối với gia đình.
Diệp Thúy vụt ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào mặt Ngọc Dung:
– Cô Dung! Cô không được nói nhiều hơn nữa. Tôi nói là cô hiểu lầm, nhưng cô không chịu cho tôi giãi bày mà cứ tiếp tục đi sâu vào những điều suy luận không đâu…
Ngừng lại một phút, Thúy tiếp:
– Đáng lý ra, trước những lời lẽ nặng nề quá đáng của cô, tôi không trả lời gì cả mà chỉ lễ phép mời cô ra khỏi nơi nầy. Tuy nhiên, tôi không chấp những lời quá nông nổi của một cô gái, chưa được “sống” nhiều, chưa từng va chạm với cuộc đời. Và bây giờ, nếu cô còn tin những vũ nữ như tôi có “danh dự”, thì tôi xin thề trên danh dự là tôi và ông Vũ không hề phạm vào mối tình bất chánh như cô lầm tưởng. Tôi kính trọng ông Vũ là người ân đã cứu tôi thoát chết và giúp tôi tìm lại nguồn vui trong cuộc sống. Và ông Vũ cũng không từng tỏ ý yêu tôi bao giờ!
Ngọc Dung chưa biết nói gì, thì Diệp Thúy lại tiếp:
– Đó… Sự thật là như vậy, nhưng chắc cô không mấy tin! Tôi cũng biết là không ai tin ở lời thề danh dự của một vũ nữ? Nhưng biết làm sao hả cô, vì tôi không còn gì khác, để bảo đảm sự thành thật của mình.
Diệp Thúy nghẹn ngào không nói thêm được nữa. Thoáng một giây, nàng lại trấn tĩnh lòng mình và cất tiếng:
– Nhưng… tôi vẫn có thể chứng tỏ lòng thành của tôi bằng cách khác. Tiệm sách nầy là tiền bạc của bác sĩ Vũ, từ cái bàn, cái ghế, chồng sách, cái màn kia… và tất cả những gì trong tiệm nầy đều do ông ấy xuất tiền ra mua cả. Riêng tôi chỉ góp công chút ít để trang dọn thôi. Bây giờ, cô đến đây. Cô là con ruột ông ấy, tức nhiên cô có đủ thẩm quyền trong nhà nầy. Tôi xin giao trả lại cho cô và tôi sẽ rời khỏi đây.
Ngọc Dung sững sờ trước quyết định quá đột ngột của Diệp Thúy. Tại sao cô ta lại nhượng bộ, bỏ đi, trong lúc còn có thể đối phó với mình? Cô ta được cha nàng yêu thì chưa chắc gì đã “bại trận”. Hay đó là chiến thuật của Thúy, khiến cha nàng phải tức giận lên!? Hạng nầy ghê gớm thật!
Ngọc Dung chỉ nghĩ thế thôi chớ không thốt ra lời. Diệp Thúy đứng lên, bảo nàng:
– Như vậy chắc là cô vừa lòng rồi chớ! Thôi cô ngồi chơi, tôi đi soạn đồ đây. Tôi sẽ viết thư cho ông Vũ để từ biệt, nhưng không đá động gì đến câu chuyện không đẹp giữa chúng mình hôm nay. Tôi chỉ cho ông ấy biết tôi đi lấy chồng. Thế là yên xuôi phải không cô?
Rồi không đợi Ngọc Dung trả lời. Diệp Thúy đi thẳng lên lầu. Nàng bước vào phòng, đóng chặt cửa lại, nằm vật xuống giường. Bây giờ thì nàng mặc tình cho nước mắt tuôn trào. Nàng đã cố gắng nhiều lắm mới giữ được sự bình tĩnh và nói ra với Ngọc Dung những lời cứng cỏi đó!
Chớ nàng đã tuyệt vọng lắm rồi. Giao trả nhà nầy cho Ngọc Dung rồi nàng sẽ đi về đâu? Từ khi gặp bác sĩ, nàng tưởng đời mình sẽ yên sóng gió. Ai ngờ?!… Trong lúc ấy, Ngọc Dung ngồi yên một mình trong gian phòng khách. Nàng vẫn còn bàng hoàng trước quyết định đột ngột của Diệp Thúy. Cô ta giao tiệm sách lại cho nàng để ra đi. Lạ lùng chưa?
Có tiếng giày từ bên ngoài bước nhẹ vào phòng. Ngọc Dung quay nhìn lại rồi vụt đứng phắt dậy, kêu lên:
– Ba!
Vũ vào phòng chợt thấy Ngọc Dung thì đứng lại, sửng sốt:
– Kìа! Sao con đến đây?
Ngọc Dung nhìn cha! Rồi những sự buồn phiền, vì cuộc hôn nhân của nàng, chất chứa bấy lâu, được dip bùng dậy trong lòng. Nàng thấy giận cha hơn bao giờ hết. Nàng gằn giọng nói:
– Ba tưởng giấu giếm mãi được sao? Không đâu! Những gì ám muội làm sao giấu được với thời gian hả ba?
Vũ kêu lên:
– Ngọc Dung! Con nói gì lạ vậy?
Ngọc Dung lạnh lùng đáp:
– Con chỉ nói một sự thật mà ba đã giấu giếm con. Nếu con không đến được nơi nầy thì chưa biết đến bao giờ con mới hiểu rõ cái tình thương của ba đối với con! Thật không ngờ…
Dung nghẹn ngào không nói thêm được nữa. Vũ linh cảm có chuyện không hay xảy ra ở đây. Chàng bước đến bên con, hỏi dồn dập:
– Ngọc Dung! Con nói gì? Ba vẫn chưa hiểu? Con đến đây để làm gì?
Rồi Vũ nhìn quanh tìm Diệp Thúy. Chàng rời bệnh viện rồi đến đây ngay, để giãi bày cho Thứy những bí ẩn trong đời con, hầu tránh những lầm lẫn tai hại. Nhưng về đến đây, lại gặp Ngọc Dung, Vũ lo ngại lắm. Nhứt định là hai chị em đã gặp nhau! Và cả hai đã nói những gì với nhau rồi?
Vũ mong mỏi là sự thể chưa đi đến chỗ quá bi đát… Ngọc Dung thấy cha cứ hỏi dồn tới lại càng tức giận hơn. Chắc ông sợ mình hành hung con vũ nữ đó chớ gì? Nàng liền chỉ tay lên lầu, bảo cha:
– Đó… Ba lên mà hỏi “người ta” xem con có làm gì họ không? Ba đừng có lo… không ai làm gì “bà” đó đâu?
Vũ kêu lên:
– Ngọc Dung!
– Để con nói hết đã… Ba đừng chận lời con. Con đã biết hết sự thật rồi và con đã hiểu vì sao ba chận đứng cuộc hôn nhân giữa con và anh Trân! Con đã khổ sở mấy tháng trời chỉ vì…. ba ganh ghét với Trân.
– Trời ơi! Ngọc Dung…
– Ba yêu con vũ nữ đó… sao ba lại oán ghét Trân, rồi làm khổ lây đến con. Bây giờ thì hết rồi. Con cho ba biết như vậy.
Vù bước đến nắm lấy vai con:
– Ngọc Dung! Con hiểu lầm rồi. Trời ơi! Diệp Thúy đâu phải là người yêu của ba?!
Ngọc Dung lắc đầu nhìn Vũ:
– Đến giờ phút nầy, câu chuyện sờ sờ trước mắt mà ba vẫn còn chối! Thật con không ngờ. Nhưng thôi… con không muốn ba giải thích gì nữa hết. Đủ lắm rồi… Con đi đây…
Ngọc Dung nói xong, bươn bả chạy ra ngoài. Vũ hốt hoảng kêu to lên:
– Dung. Ngọc Dung… trở lại…
Nhưng Ngọc Dung đã ra cửa, chạy qua đường. Vũ đuổi theo con. Những người trong tiệm sách nghe xôn xao đều quay nhìn lại, thấy chuyện lạ, họ cũng bước ra ngoài cửa.
Vũ chạy theo con đến đường cái thì Ngọc Dung đã lên xe hơi. Chàng gọi vang lên:
– Ngọc Dung. Ngọc Dung… Con lầm rồi. Diệp Thúy là con của ba, là chị ruột của con mà…
Nhưng Ngọc Dung hình như không nghe thấy, quay sang bảo Trân, đang ngồi ở chỗ tai lái:
– Anh chạy đi.
Trân vội vàng mở máy cho xe vọt đi thật nhanh. Trong khi đó, Vũ cũng vừa kịp thấy Trân và chàng đoán hiểu phần nào mọi việc đã xảy ra. Đúng là Trân muốn trả thù chàng, nên đưa Ngọc Dung đến. Thằng khốn nạn thật! Nó gây nên sự hiểu lầm nầy, thật tai hại! Vũ đi về phía xe mình, định đuổi theo Trân và con vì trong trường hợp nầy, Ngọc Dung rất dễ bị hại.
Nhưng Vũ chợt nghĩ đến Diệp Thúy. Không biết Ngọc Dung đã nói những gì trước khi chàng đến? Chắc chắn là những lời không tốt đẹp?! Liệu Diệp Thúy có chịu đựng nổi không? Vũ lúng túng vô cùng. Chàng không biết mình nên đuổi theo Trân và Ngọc Dung hay trở lại tìm Diệp Thúy, để nói hết sự thật cho con bớt buồn phiền. Chàng chỉ sợ vì quá tuyệt vọng mà Thúy có thể làm bậy!
Vũ nghĩ đến đó liền quay vào tiệm sách. Mọi người nhìn thấy chàng trở vào, vẹt sang hai bên nhường lối cho chàng. Vũ đi thẳng vào trong rồi lên thang gác. Vài người tò mò, bước theo sau. Hai cô bán sách vội vàng chận lại.
– Xin lỗi mấy ông, đừng vào trong.
– Chuyện riêng trong nhà, không có gì đâu!
Vũ lên đến phòng Diệp Thúy thấy cửa phòng đóng kín liền gõ cửa gọi lớn:
– Diệp Thúy! Diệp Thúy! Mở cửa.
Bên trong phòng không có tiếng đáp. Vũ đập cửa mạnh hơn và nói liên hồi:
– Thúy… mở cửa ra đi… Mở cửa mà nghe cho rõ sự thật. Ba đây nè con. Ba chính thật là ba ruột của con đây mà! Ngọc Dung đã nói những gì, con nên bỏ qua vì nó hiểu lầm. Mở cửa ra đi con. Diệp Thúy…
Bên trong vẫn im lìm, không tiếng động. Vũ lại lắc chốt cửa, gọi to hơn:
– Thúy! Ba là ba ruột của con đây… sở dĩ ba chưa nói rõ sự tình với con vì con còn phiền giận người cha đã làm khổ mẹ con ngày xưa nhiều quá. Con đâu biết được sự đau khổ của ba từ hai mươi năm nay? Đừng nên chấp những lời không phải của Ngọc Dung. Nó cũng như con… chưa hiểu sự thật ra làm sao cả! Thúy, con đừng buồn phiền rồi đi đâu hết. Hãy ở lại đây, ba giãi bày tất cả cho con nghe.
Vũ chợt nhớ đến Ngọc Dung hiện đang còn trên xe Trân, nên hấp tấp nói:
– Diệp Thúy! Con nghe lời ba! Em Ngọc Dung của con hiện giờ đang ở trên xe thằng kỹ sư Trân. Con biết không? Có thể nó bị hại trong lúc khủng hoảng tinh thần. Ba đi báo cảnh sát gấp cho họ chận xe nó lại. Diệp Thúy… con nghe lời ba nghen!
Trong lòng Vũ thật rối như tơ vò. Phần sợ cho Ngọc Dung, phần lo cho Diệp Thúy.
Từ bên trong phòng, chàng chợt nghe có tiếng Diệp Thúy, giọng thật nhỏ:
– Ba… đi ngay đi. Con…
Vũ nghe tiếng con, mừng rỡ nói:
– Được rồi! Miễn con đừng hành động gì khác nghen Diệp Thúy. Lệ ơi… Ba đi… Xong việc ba trở lại ngay và sẽ nói hết cho con nghe.
Trong phòng lại im lặng, không có tiếng đáp. Vũ chạy vội xuống thang lầu, ra đường cái. Chàng biết mình không còn đuổi kịp Trân và Ngọc Dung nữa nên lái xe thẳng đến bót cảnh sát. Chàng yêu cầu giữ chiếc Peugeot 403 EA… của Trân, vì trên đó hiện chở con gái của chàng.
Sau đó, Vũ đến buyn đinh Rose, nơi mà Trân đã làm hại biết bao thiếu nữ đại khờ…
***
Trọng vào ngồi trong phòng khách của Vũ một lúc, mới thấy Mộng Ngọc ra tiếp chàng. Trọng đứng lên, chào Mộng Ngọc rồi hỏi:
– Chị đi Đà Lạt về từ bao giờ?
Mộng Ngọc cười đáp:
– Hơn tuần nay mới thấy anh tới chơi! Bộ lúc nầy bận lắm sao?
Trọng ngồi xuống đáp:
– Dạ, cũng hơi bận, chị à!
Nói xong, chàng ngồi yên. Mộng Ngọc rót nước mời bạn chồng và không khỏi chú ý đến vẻ lo âu trên gương mặt của Trọng. Nhưng vốn kín đáo e dè, nàng chưa dám hỏi ngay. Trọng bỗng hỏi Mộng Ngọc:
– Anh chưa về hả chị?
– Dạ chưa! Anh kiếm nhà tôi có việc gì không?
– Dạ không! Định đến thăm anh chị thôi… À, còn cháu Ngpc Dung đâu hả chị?
– Cháu nó đi học… Giờ nầy chưa về đâu.
– À, tôi nhớ rồi! Anh Vũ có bảo tôi Ngọc Dung đã đi học trở lại.
Rồi Trọng im lặng như lúc nãy. Mộng Ngọc chăm chú dò xét thái độ của bạn chồng và chắc chắn Trọng đến đây không phải chỉ để thăm mình với Vũ mà còn có chuyện hệ trọng khác. Mà chuyện gì? Mộng Ngọc bỗng hỏi Trọng:
– Anh… Hình như có chuyện gì quan trọng lắm, anh mới đến đây phải không?
Trọng suy nghĩ tự nãy giờ, không biết có nên nói chuyện riêng của Vũ cho Mộng Ngọc nghe không? Hai người chơi thân với nhau ngoài hai mươi năm rồi và xem nhau còn hơn ruột thịt, nên Trọng không sợ phải mang tiếng xen vào chuyện riêng của gia đình bạn.
Vả lại đối với chuyện nầy, sự lầm lẫn có thể gây nên nhiều tai hại. Mộng Ngọc biết sớm chừng nào hay chừng nấy. Lúc nãy ở bệnh viện, chàng đã họp các bác sĩ và cho biết rõ những điều bí ẩn giữa Vũ và nữ bệnh nhân Diệp Thúy! Ai nấy đều cho là một sự lạ và đều đồng ý triệu tập một phiên họp của toàn thể nhân viên, bác sĩ, y tá trong bệnh viện, để đánh tan mọi hiểu lầm… Mộng Ngọc thấy Trọng vẫn lặng thinh, liền hỏi:
– Sao anh?
Trọng quay lại nhìn nàng đáp:
– Chuyện nầy cũng khá hệ trọng! Đáng lẽ ra tôi để cho ảnh nói với chị nhưng…
Mộng Ngọc lo sợ:
– Chuyện gì vậy anh? Lành dữ thế nào?
– Lành hay dữ cũng đều do chị tất cả!
– Ủa, sao lạ vậy? Anh nói gì tôi không hiểu?
Trọng từ từ cất tiếng:
– Trước hết, tôi muốn hỏi chị một vài điều. Có phải trước kia, anh Vũ đã yêu thương một người rồi mới gặp chị hay không?
Mộng Ngọc sửng sốt:
– Sao anh biết chuyện đó?
– Chính anh Vũ đã nói với tôi!
– Thật vậy ư?
Trọng gật đầu:
– Phải! Vì bây giờ anh Vũ không còn giấu giếm được nữa! Nhứt là với chị…
Mộng Ngọc nói:
– Tôi thì tôi biết đã lâu rồi! Tôi có gặp Hiền, có biết Hiền và hiểu rõ mối tình giữa hai người…
– Nhưng chắc chị chưa biết việc nầy đâu?
– Chuyện gì hả anh? Bộ Hiền đã trở lại với anh Vũ sao?
Trọng lắc đầu:
– Hiền đã chết lâu rồi.
– Trời ơi! Hiền chết từ bao giờ? Vì sao mà chết? Làm sao anh biết được?
– Tôi không rõ chết bao giờ và tại vì sao? Nhưng tôi nghe anh Vũ nói là Hiền không còn nữa.
Mộng Ngọc hỏi Trọng:
– Tại sao anh Vũ nói với anh mà lại giấu tôi?
– Anh ấy cũng sắp nói cho chị nghe đó… Sở dĩ ảnh nói với tôi trước là vì tôi hỏi ảnh. Còn có chuyện khác mà anh Vũ càn phải nói cho chị biết nữa…
Mộng Ngọc băn khoăn hỏi:
– Chuyện gì mà anh cứ nói úp mở hoài?
– Chị có biết cô bé, con của Hiền và anh Vũ không?
Mộng Ngọc nhìn Trọng, không ngờ anh ta biết thật rành rẽ chuyện của gia đình nàng. Nàng gật đầu:
– Biết chớ… Bé đó tên Lệ mà.
– Ờ… Tên gì tôi không nhớ nữa, nhưng hiện giờ nó ở đây, ở Sài Gòn nầy.
Mộng Ngọc đứng phắt dậy:
– Anh bảo sao? Bé Lệ ở Sài Gòn? Mà ở đâu? Sao tôi không nghe anh Vũ nói gì hết vậy?
– Anh Vũ đã giấu chuyện đó. Chính vì vậy mà gây ra những luồng dư luận thật tai hại.
Mộng Ngọc hỏi ngay:
– Dư luận gì? Trời ơi, anh càng nói, tôi càng không hiểu gì hết.
Trọng đáp:
– Tôi sợ luồng dư luận đó lan đến đây, gây cho chị một sự hiểu lầm khác, nên tôi mới tới gặp chị hôm nay.
– Nhưng mà chuyện gì, anh nói ngay đi.
– Hiện nay, toàn thể nhân viên, bác sĩ, y tá trong bệnh viện đều đồn rằng anh Vũ đang yêu một nữ bệnh nhân: cô vũ nữ Diệp Thúy.
Mộng Ngọc từ từ ngồi xuống ghế, ngó sững Trọng. Tim nàng bắt đầu đập thình thình… Trọng tiếp:
– Sau khi Diệp Thúy xuất viện, có người gặp anh Vũ đi chung với cô ta. Và họ còn biết rõ anh Vũ mua một tiệm sách cho cô ấy đứng làm chủ.
Mộng Ngọc lắc đầu, chận lời Trọng:
– Không… Đời nào có chuyện đó? Tôi hiểu chồng tôi mà…
– Thì tôi nói rõ cho chị nghe những tin đồn đãi đó cho có đầu có đuôi. Chưa hết đâu chị! Họ còn nói vì giận anh Vũ, nên chị mang cháu Ngọc Dung lên Đà Lạt và sẽ không trở về.
– Đồn tầm bậy! Tôi đưa Ngọc Dung đi Đà Lạt là theo ý của anh Vũ.
– Chuyện mình thì mình biết chớ người ngoài, họ hiểu khác. Do đó mà luồng dư luận cứ lan ra. Tôi nghe bấy nhiêu cũng đủ điếng hồn rồi.
Mộng Ngọc nóng lòng hỏi:
– Rồi sao nữa anh? Sự thật như thế nào?
– Cô Diệp Thúy mà họ nghi ngờ là tình nhơn của anh Vũ đó, có vào nằm trong bệnh viện trên nửa năm nay. Chính nhờ anh Vũ đã hết lòng cứu chữa, cô ta mới thoát chết.
– Chắc tại nhà tôi quá tận tụy với chức vụ, nên anh chị em y tá mới nghi ngờ?
– Không phải chỉ có y tá nghi ngờ mà đến các bác sĩ đồng nghiệp cũng phải chú ý. Cho đến một hôm, cô Phương bảo tôi là gặp Vũ đi chung với Diệp Thúy, tôi mới bàng hoàng…
Mộng Ngọc hỏi dồn tới:
– Mà… chuyện có thật sao anh. Nhà tôi đi với cô vũ nữ đó?
– Đúng vậy! Bên ngoài thì rõ ràng là thế nhưng bên trong còn nhiều bí ẩn.
– Nghĩa là sao?
Trọng nhìn thẳng vào đôi mắt Mộng Ngọc từ từ cất tiếng:
– Vì cô vũ nữ kia không phải là “tình nhân” của anh Vũ đâu, mà là con của anh ấy.
Mộng Ngọc chợt hiểu ra, kêu lên:
– Trời! Bé Lệ…
– Phải! Cô vũ nữ đó chính là con của cô Hiền ngày xưa. Nhờ trong lúc nằm dưỡng bệnh, cô lấy hình mẹ ra xem, anh Vũ mới nhìn được con.
– Nhưng sao anh ấy không nói gì với tôi hết? Bây giờ bé Lệ ở đâu anh?
Trọng đáp:
– Lệ ở tiệm sách mà anh Vũ mua đó.
– Tại sao anh ấy giấu tôi? Ảnh đã từng biết tôi đối xử thế nào với Hiền khi xưa mà. Tôi đâu quá ích kỷ? Vả lại, tôi hiểu rõ mối tình giữa anh Vũ và Hiền, Hiền cũng là người đáng trọng lắm anh!
Trọng nhìn Mộng Ngọc trong lòng rất cảm phục. Thật chàng chưa từng gặp người đàn bà nào giàu lòng hy sinh như Mộng Ngọc . Đến như vợ chàng ở nhà, tuy chàng rất vừa lòng, sau mấy mươi năm chung sống với nhau, nhưng chắc cũng không xử sự được như Mộng Ngọc trong một hoàn cảnh tương tợ như thế nầy. Mộng Ngọc thở dài:
– Tôi vẫn chưa hiểu vì sao anh Vũ giấu giếm tôi? Anh ấy biết chắc là tôi không ghen bậy. Hơn nữa, bây giờ Hiền đã mất đi rồi, tôi còn ganh ghét với ai nữa. Xưa kia, tôi còn nhận chịu sự không may của mình mà. Đừng nói chi bây giờ? Con của anh Vũ cũng như con của tôi, phải không anh?
Trọng ngẫm nghĩ một lúc mới nói:
– Tôi nghĩ chắc anh Vũ không sợ chị ghen với Hiền, nhưng vì bé Lệ đã sống với một nghề… không mấy tốt đẹp: nghề vũ nữ.
Mộng Ngọc lặng thinh nhìn Trọng, chưa hiểu hết ý chàng. Trọng tiếp:
– Chắc anh Vũ lo ngại dĩ vãng đen tối của bé Lệ sẽ làm cho chị khó chịu… và có hại cho tương lai Ngọc Dung .
– Sao lại hại cho Ngọc Dung? Còn dĩ vãng bé Lệ! Tại sao làm cho tôi khó chịu?
Trọng cảm thấy khó nói vô cùng! Chàng định nói xa xa để Mộng Ngọc tự hiểu lấy cái dĩ vãng không tốt đẹp của Lệ, chớ không lẽ kể lể ra hết sao?
Mộng Ngọc nói tiếp:
– Bé Lệ đã từng làm vũ nữ… Đó cũng là một nghề phải không anh? Thì có gì đâu là đen tối…
Trọng đành đáp:
– Bởi chị không rõ được thành kiến của người đời đối với các cô vũ nữ. Họ mặc nhiên cho các cô vũ nữ đều làm hai nghề: một nghề nhảy ở vũ trường và thêm nghề “rước khách” nữa. Tôi nói thế chị cũng hiểu. Bởi vậy mà họ có ý miệt khinh…
– Nhưng đâu phải các cô vũ nữ đều như vậy sao?
– Thì chính “một con sâu làm rầu nồi canh” là vậy đó! Một cô không tốt, lén lút hành nghề xấu xa thì nhiều cô khác bị mang tai tiếng. Khổ nỗi bé Lệ cũng ở trong số đó!
Mộng Ngọc thở dài:
– Dù sao, Lệ vẫn là con anh Vũ. Ảnh cũng phải cho tôi biết rồi liệu cách giúp đỡ nó chớ…
– Chính vì anh Vũ muốn âm thầm giúp đỡ bé Lệ một mình, nến mới gây tai tiếng…
Mộng Ngọc bỗng đứng phắt dậy, hỏi Trọng:
– Hiện giờ, Lệ ở đâu hả anh? Tôi muốn đến đó đem nó về.
Trọng mừng rỡ:
– Tôi thật cảm phục tấm lòng của chị, nhưng thật tình, tôi cũng không biết rõ địa chỉ của tiệm sách.
Mộng Ngọc đành ngồi lại chỗ cũ, rồi hỏi:
– Tại sao anh không hỏi kỹ anh Vũ có hơn không?
– Chị khỏi lo, anh ấy về đến bây giờ mà! Chắc sau khi cho cháu Lệ biết ảnh là cha ruột của cháu thì ảnh đưa cháu về đây ngay.
– Ủa! Nếu vậy Lệ vẫn chưa biết anh Vũ là cha ruột của nó sao?
Trọng gật đầu:
– Chưa chị ạ! Anh Vũ cũng giấu nhẹm luôn.
– Mà sao anh ấy có thái độ lạ lùng vậy? Cho rằng anh Vũ sợ tôi ganh ghét Lệ mà giấu tôi cũng đành đi. Đằng nầy đối với con ảnh mà ảnh cũng giấu nữa thì thật khó hiểu!
– Có gì lạ đâu! Lệ đã đau khổ nhiều rồi và hiểu lờ mờ mình còn một người cha rất giàu ở Sài Gòn. Trong những ngày bệnh trầm trọng, thập tử nhất sinh, Lệ tỏ vẻ oán hận cha… Anh Vũ nhìn được con, hết lòng săn sóc, chuyên trị cho nó nhưng chẳng dám bé môi cho biết mình là cha ruột của nó. Ảnh định khi Lệ lành bệnh rồi, xây tạo cho cháu một sự nghiệp vững vàng mới cho cháu biết rõ sự thật!
Mộng Ngọc gật đầu:
– Phải rồi! Có lẽ vì vậy mà ảnh mới giấu giếm sự thật. Nhưng liệu bây giờ bé Lệ có chịu tha thứ cho ba nó không?
– Tôi hy vọng là Lệ không còn phiền trách anh Vũ nữa. Nó cũng biết rõ sự tận tâm của ảnh khi cứu nó mà.
Mộng Ngọc nhìn đồng hồ nói:
– Lạ chưa! Mười hai giờ mười lăm rồi sao chưa ai về hết vậy kìa? Ngọc Dung cũng vậy nữa. Nó ra trường hồi mười một giờ rưỡi…
Anh Năm tài xế từ ngoài bước vào có vẻ hớt hải:
– Thưa bà! Cô Hai…
Mộng Ngọc sửng sốt hỏi:
– Cô Hai làm sao?
– Cô Hai không có tới trường… Tôi đi rước về mà không gặp.
Trọng cũng ngạc nhiên hỏi lại Mộng Ngọc:
– Chị nhớ kỹ xem, bữa nay cháu có giờ học không?
– Có chớ sao không anh?! Chú Năm cũng nhớ rõ mà… Phải không?
Anh tài xế gật đầu:
– Dạ! Cô Hai ra đúng mười một giờ rưỡi. Bữa nay và ngày mai giống nhau.
Mộng Ngọc lo lắng:
– Tôi sợ nó cãi lời anh Vũ đi chơi với cậu…
Nàng vụt ngừng lại bảo tài xế:
– Thôi được rồi! Chú Nlm ra nhà sau đi, để tôi lo liệu.
Trọng không nghe hết câu, nên tò mò hỏi lại:
– Chị nói ngay cho tôi biết đi. Cậu nào?
– Trân đó… kỹ sư Trân, bạn của cậu Phiên bên nhà.
– Ủa, nghe đâu anh chị định gả Ngọc Dung cho cậu đó mà.
Mộng Ngọc gật đầu:
– Trước kia cũng có tính, nhưng lần lần được biết rõ lại thì cậu đó rất quá quắt… Còn nhỏ tuổi mà nhiều thủ đoạn để làm hại các cô gái ngây thơ.
Trọng cười:
– Tôi có nghe Phiên nói nhiều về thành tích của cậu ta. Anh Vũ cũng có hỏi Phiên về kỹ sư Trân nữa…
– Thì cũng nhờ hỏi cậu Phiên mới biết rõ tâm tánh của Trân. Gớm thật! Đến mình cũng không ngờ, suýt chút nữa lại lầm vẻ mặt thành thật của cậu ta.
– Ngọc Dung đã hiểu rõ Trân chưa?
Mộng Ngọc lộ vẻ buồn:
– Hiểu chớ! Nhưng xem chừng nó chưa chịu dứt khoát. Cứ đến giờ tan học, cậu kia lại đem xe đến trường đón nó. Anh nghĩ có bực mình không?
Ngừng lại một chút, Mộng Ngọc tiếp:
– Hôm qua, nhà tôi biết chuyện, mới rầy con Dung một trận…
– Thế hôm nay cháu Dung cũng đi với cậu Trân nữa sao?
– Chắc vậy rồi, chớ nó đi đâu không đến trường? Đây rồi ảnh về, ảnh la cho mà coi. Có con gái lớn bây giờ khổ quá anh.
Trọng lặng thinh. Giữa lúc nầy, chàng không muốn bàn thêm với Mộng Ngọc về sự lệch lạc tâm hồn của nam nữ thanh niên thời đại. Câu chuyện sẽ thừa đi và chẳng giúp ích gì được gia đình bạn. Chàng khẽ hỏi Mộng Ngọc:
– Thường thường chị biết Trân hay đưa Ngọc Dung đi đâu không?
Mộng Ngọc lắc đầu:
– Có bao giờ tôi cho con gái được tự do đi chơi mà không kiểm soát đâu anh? Riêng với Trân tôi và ba nó đã cấm từ lâu, không cho giao thiệp nữa.
– Nhưng chị liệu tôi tìm ở đâu có thể gặp cháu Dung.
Mộng Ngọc chợt nhớ đến gian phòng ở buyn đinh Rose nên bảo Trọng:
– Nghe anh Vũ nói Trân có phòng riêng ở buyn đinh Rose. Anh làm ơn đến đó xem…
Trọng đứng phắt dậy chào Mộng Ngọc:
– Tôi đến đó bây giờ đây! Chuyện nhà anh chị dồn dập nhiều quá.
Hai người chợt nhìn ra sân, một chiếc xe lạ vừa vượt qua cổng rào vào trong. Mộng Ngọc nhìn kỹ người trong xe rồi kêu lên:
– Ngọc Dung về kia. Ủa, có cả Trân nữa.
Trọng đứng nhìn ra không nói gì. Mộng Ngọc lộ sắc giận:
– Ngọc Dung làm như vầy là không còn kể cha mẹ gì nữa hết. Anh thấy không! Ba nó cấm không cho gặp Trân mà nó ngang nhiên biểu thằng kia lái xe đưa về nhà. Thế nầy là quá lắm rồi…
Trong khi đó, Ngọc Dung và Trân xuống xe, đi thẳng vào nhà. Mộng Ngọc nhìn thấy Trân tức giận hầm hầm:
– Tôi phải mắng vào mặt thằng khốn nạn nầy mới được. Gia đình tôi đã tử tế với nó nhiều rồi.
Trọng chận lời Mộng Ngọc:
– Chị đừng làm thế không nên?! Cứ để cho nó vào đây đã.
Ngọc Dung vừa bước vào nhà, nhìn thấy mẹ đã òa khóc:
– Má ơi! Ba con…
Nàng chạy đến ôm chầm lấy mẹ nghẹn ngào. Mộng Ngọc sững sờ trước thái độ của con, không biết chuyện gì đã xảy ra. Trân chắp tay xá Mộng Ngọc và Trọng, bỡ ngỡ nhìn Ngọc Dung. Ngọc làm như không chú ý đến sự có mặt của hắn, hỏi con:
– Ngọc Dung có chuyện gì vậy? Tại sao con không tới trường?
Dung chưa kịp đáp, nàng đã hỏi tiếp:
– Việc gì con khóc? Con đã đi đâu hãy nói cho má nghe.
Trân tưởng đến lúc hắn đỡ lời cho Ngọc Dung, nên cất tiếng:
– Thưa bác. Cháu…
Mộng Ngọc quay phắt lại, trừng mắt nhìn hắn:
– Còn cậu nữa! Tại sao tôi không bằng lòng cho cậu gặp con tôi mà cậu đến trường đón nó hoài vậy? Cậu là người trí thức, học rộng hiểu nhiều, sao cậu không biết “nhục nhã”… hay cậu chờ tôi nặng lời với cậu?
Ngọc Dung ngước nhìn mẹ bênh vực Trân:
– Má! Má đừng mắng anh Trân tội nghiệp. Anh ấy không có lầm lỗi gì đâu? Ảnh thành thật yêu con mà. Chỉ vì ba…
Từ này giờ Trọng lặng thinh chú ý theo dõi từng cử chỉ lời nói của Ngọc Dung. Chàng có linh cảm một chuyện không hay đã xảy ra, nên Ngọc Dung mới dẫn Trân về nhà đột ngột như thế. Mộng Ngọc nhìn con:
– Ngọc Dung! Bây giờ con không còn nghe lời cha mẹ nữa phải không? Con nhứt định yêu cái người mà cha mẹ không bằng lòng ư?
Ngọc Dung ngó mẹ, lắc đầu:
– Hiện giờ, con chưa tính đến việc hôn nhân của con. Còn có chuyện quan trọng hơn đang đe dọa hạnh phúc gia đình ta!
Mộng Ngọc hỏi ngay:
– Chuyện gì vậy?
– Ba con… không thành thật với mẹ mà cũng không thành thật với con. Ba vì tình cảm riêng tư nỡ dối gia đình và chận đứng cuộc hôn nhân của con…
Mộng Ngọc kêu lên:
– Trời! Con nói gì lạ vậy?
Nàng nói xong quay sang nhìn Trọng như dò hỏi ý kiến. Trọng vẫn không nói gì hết. Ngọc Dung tiếp:
– Không có gì lạ, má à? Tại má con mình quá tin tưởng ở ba, nên không biết đó thôi. Chớ ba dối gạt gia đình từ lâu rồi. Ba đã yêu một con vũ nữ và mua tiệm sách cho nó nữa.
Mộng Ngọc bàng hoàng hỏi:
– Ngọc Dung! Con cũng biết chuyện đó nữa sao? Ai nói cho con nghe? Từ bao giờ?
Ngọc Dung chậm rãi đáp:
– Không ai nói cả! Anh Trân đã đưa con đến đó và con đã vào gặp con vũ nữ kia. Con cũng có gặp ba nữa.
Trọng lo sợ hỏi:
– Sao? Cháu có giáp mặt ba cháu nữa ư? Trời! Cháu đã nói những gì, đã gây nên chuyện gì rồi?
Mộng Ngọc cũng hoảng sợ, không biết phải làm thế nào? Ngọc Dung điềm đạm cất tiếng:
– Thưa bác! Cháu đã mắng con vũ nữ hèn hạ đó và nói cho ba cháu biết là cháu đã hiểu rõ sự ích kỷ của ông. Ba cháu bảo vì thương cháu mà không cho phép cháu ưng anh Trân? Sự thật có phải như vậy đâu? Sở dĩ ba cháu làm thế vì thù anh Trân trước kia là người yêu của Diệp Thúy, cô vũ nữ đó.
Trọng kêu lên:
– Trời ơi! Cháu lầm rồi.
Trân hiểu sai câu nói của Trọng, nên xen vào:
– Thưa bác sĩ! Chúng cháu không lầm đâu! Ngọc Dung nói nặng lời, con Thúy mới nhìn nhận sự thật. Thế mà bác Vũ còn bênh vực con khốn nạn đó nữa.
Mộng Ngọc không dằn được, đứng phắt dậy, chỉ tay ra cửa bảo Trân:
– Cậu bước ra khỏi nhà nầy ngay và đừng bao giờ léo hánh đến đây nữa. Đó là những lời cuối cùng, nếu cậu không muốn tôi nói nặng hơn.
Trân chưng hửng trước những lời của Mộng Ngọc. Hắn nhìn Trọng rồi nhìn Ngọc Dung như để phân trần. Ngọc Dung sững sờ ngó mẹ, chưa rõ vì sao mẹ lại có thái độ quyết liệt đó. Nàng ngập ngừng hỏi:
– Thưa má. Anh Trân…
Mộng Ngọc nghiêm giọng:
– Ngọc Dung đừng nói gì thêm. Rồi con sẽ hiểu…
Nàng quay sang Trân:
– Kìa! Sao cậu chưa chịu đi? Hay là chờ tôi gọi cảnh sát?
Trân vừa lui ra cửa vừa nói:
– Thật cháu không hiểu gì hết. Đã giúp cho gia đình nầy hiểu rõ một sự thật mà lại phải nghe những lời xua đuổi phũ phàng? Ngọc Dung… Anh vì em mà phải nhịn nhục thế nầy.
Trọng bước tới nói:
– Anh không nhịn rồi anh làm gì mới được chớ?
Trân vội vã bước ra cửa xuống thềm, leo lên xe. Hắn nói lầm thầm những gì không nghe rõ. Trong khi đó, Ngọc Dung nắm lấy tay mẹ:
– Má ơi! Sao má lại đuổi anh Trân? Không có anh ấy thì biết đến bao giờ mẹ con mình mới hiểu rõ sự thật…
Mộng Ngục kêu lên:
– “Sự thật” không phải thế đâu? Con đã lầm và làm một chuyện hết sức tai hại.
Ngọc Dung sửng sốt:
– Con đã lầm? Nhưng lầm thế nào hả má? Con đã chứng kiến sự thật trước mắt mà. Con đã gặp con vũ nữ đó. Con đã gặp ba con…
Bác sĩ Trọng bảo Ngọc Dung:
– Sự thật không phải như cháu nghĩ! Hãy ngồi xuống đi, rồi nghe mẹ cháu nói.
Ngọc Dung ngồi sát bên mẹ, hỏi:
– Sự thật thế nào hả má? Má nói đi…
Mộng Ngọc lắc đầu bảo con:
– Dung ơi, con đã lầm rồi. Người vũ nữ tên Diệp Thúy không phải là tình nhân của ba con đâu! Nó là chị một của con đó.
Ngọc Dung choáng váng cả mặt mày và nàng tưởng chừng như đang trong cơn mê. Nàng nắm lấy tay mẹ, nghẹn lời không nói được, rồi nhìn sang Trọng, đôi môi run run.
Trọng nhìn nàng, thương hại tiếp lời:
– Sự thật là như vậy đó cháu. Diệp Thúy là con ruột của anh Vũ.
Ngọc Dung nắm chặt lấy tay mẹ, kêu lên:
– Má ơi! Sao có chuyện lạ lùng như vậy được? Diệp Thúy là con của ba, là chị ruột của con? Không! Đâu có thể như vậy được.
Mộng Ngọc ôm choàng qua vai con, từ từ cất tiếng:
– Con hãy bình tĩnh, rồi mẹ nói hết cho con nghe. Mẹ nói rõ một sự thật, đã gần hai mươi năm trời con không hề hay biết.
Ngọc Dung gỡ tay mẹ hỏi:
– Như vậy… chuyện đó có thật sao má? Diệp Thúy là chị của con. Nhưng sao không ở nhà nầy? Sao má không cho con biết?
– Thì bây giờ má nói ra đây. Con hãy bình tĩnh mà nghe hết câu chuyện. Từ lâu, má không muốn bận lòng con, để cho con học tập. Ai ngờ sự thể lại biến chuyển như thế nầy?
Thấy Ngọc Dung lặng thinh, chăm chú nghe, Mộng Ngọc tiếp lời:
– Ngày xưa, trước khi cưới hỏi mẹ, cha con có yêu một thôn nữ tên Hiền, trong một dịp nghỉ hè. Nhưng sau đó, cha con sang Pháp du học rồi làm lễ cưới với mẹ luôn.
– Sao ba con lại làm vậy?
– Hồi đó, cha con còn trẻ lắm! Tuổi trẻ dễ sai lầm vì chưa có kinh nghiệm sống ở đời. Và cũng chính vì sự hời hợt trong buổi thiếu thời mà cha con phải khổ tâm nhiều lắm. Mãi đến giờ nầy, hậu quả vẫn còn.
Mộng Ngọc rơm rớm nước mắt. Tự nhiên nàng thấy tội nghiệp chồng. Gần hai mươi năm qua lúc nào nàng cũng thấy Vũ khổ tâm về chuyện Hiền và bé Lệ! Thật là một sự trừng phạt quá nặng nề… Nàng nhìn con tiếp lời:
– Khi cha con về nước làm việc thì con được bốn tuổi. Một hôm, Hiền mang con lên phòng mạch của cha con và chừng đó ông mới biết mình đã có con với Hiền qua mối tình vụng dại khi xưa. Cha con đã khổ tâm nhiều lắm và bối rối trước hoàn cảnh trái ngang. Hiền vô tình không biết cha con đã có vợ là mẹ đây, nên ở nán lại Sài Gòn với cha con. Nhưng khi hiểu rõ sự thật, nàng bồng bé Lệ đi ngay không một chút luyến lưu. Mẹ cảm phục người đàn bà đó lắm. Và sau bao ngày tìm kiếm, Hiền vẫn biệt vô âm tín. Cho đến ngày nay, cha con mới tìm lại được bé Lệ và cũng được biết Hiền đã chết lâu rồi.
Ngọc Dung kêu lên:
– Trời ơi! Còn Lệ… chính là Diệp Thúy đó phải không má?
Mộng Ngọc gật đầu:
– Đúng thế! Lệ bơ vơ, nên phải làm vũ nữ mà sống. Lúc bệnh nặng quá, người ta chở vào bệnh viện mới gặp cha con.
– Nhưng sao lúc nãy, thấy con lầm, chị không nói sự thật?
Trọng đỡ lời Mộng Ngọc:
– Vì Diệp Thúy cũng chưa hiểu rõ sự thật! Anh Vũ lo săn sóc, giúp đỡ con, nhưng lại giấu chuyên cũ. Anh định khi Diệp Thúy làm ăn vững vàng mới nói ra, hầu chuộc lại lỗi lầm xưa.
Ngọc Dung đứng phắt dậy, nhìn mẹ:
– Má ơi! Con đã lầm rồi. Con phải làm sao bây giờ? Thật con có lỗi với ba và chị… nhiều lắm.
Rồi không để Mộng Ngọc kịp trả lời, Ngọc Dung tiếp ngay:
– Con phải đến tiệm sách tìm ba con và chị… Diệp Thúy.
Mộng Ngọc nhìn Trọng rồi đứng lên:
– Con đưa mẹ đi tới đó với. Mẹ sẽ đem chị con về nhà ở với mẹ con mình.
Trọng mừng rỡ nói:
– Chị và cháu Dung ra xe, tôi đưa đi ngay. Cháu có còn nhớ đường không?
– Dạ nhớ!
Ba người đi thẳng ra xe, trong lòng ai ai cũng mong mỏi một sự đoàn tụ gia đình.