Ngày chủ nhật định mệnh
Thảm kịch gây chấn động Australia bắt đầu vào 22h chủ nhật ngày 2/2/1986. Buổi tối hôm đó, Anita Lorraine Cobby (26 tuổi) đi ăn tối với hai đồng nghiệp của mình là Lyn Bradshaw và Elaine Bray tại một nhà hàng ở Redfern – vùng ngoại ô thành phố Sydney sau khi kết thúc ca làm việc.
21h12, Lyn chở Anita đến nhà ga xe lửa trung tâm để trở về nhà bố mẹ đẻ, nơi Anita đang sống sau khi ly thân với chồng. Và đó là thời điểm cuối cùng người ta nhìn thấy Anita Cobby còn sống.
Khi đến ga Blacktown vào 22h, như thường lệ Anita đã đi tìm bốt điện thoại công cộng để gọi cho bố mình là ông Gary Lynch đi ô tô ra đón. Tuy nhiên điện thoại đã không hoạt động, vì vậy Anita quyết định đi bộ về nhà.
Khi Anita đang lững thững đi, một chiếc xe hiệu HT Holden Kingswood từ từ chạy chậm và dừng lại bên cạnh. Một lúc sau, chiếc xe cùng với Anita lao đi vun vút trong đêm.
Vào buổi trưa hôm sau, khi một đồng nghiệp gọi điện tới gia đình Anita hỏi tại sao cô lại không đi làm, ông Garry bắt đầu lo lắng. Thông thường, khi phải làm việc trễ buổi tối, cô thường điện thoại cho cha đến đón tại trạm xe lửa Blacktown. Và bất kể giờ nào, ông Garry Lynch cũng sẵn sàng đi đón con gái.
Tối hôm trước, khi không thấy con gái gọi điện, ông Garry Lynch cũng chẳng lo lắng gì vì ông biết con gái mình vốn là người rất cẩn thận. Hơn nữa, cô thường làm việc rất khuya và thỉnh thoảng ở lại qua đêm với các đồng nghiệp trong thành phố. Ông Garry đã gọi điện đi khắp nơi nhưng không có kết quả. Đến chiều tối, ông quyết định báo cảnh sát Blacktown về việc con gái bị mất tích.
Thi thể trong trang trại
Thứ ba ngày 4/2/1986, ông John Reen kinh hoàng phát hiện thi thể khỏa thân của một cô gái trẻ nằm trên bãi cỏ trong nông trại của mình ở Prospect, cách Blacktown không xa. Xác chết trong tư thế nằm sấp, đè lên cánh tay trái. Đôi mắt cô mở to và trống rỗng. Bằng mắt thường ông John Reen cũng có thể đoán rằng nạn nhân đã trải qua cái chết vô cùng đau đớn. Quanh cô là một vũng máu lớn.
Ngay sau đó, cảnh sát nhanh chóng tới hiện trường và lập tức nghi ngờ đây là Anita Lorraine Cobby, người được gia đình thông báo mất tích 1 ngày trước đó.
Họ đã đưa ông Gary Lynch đến nhà xác để nhận dạng. Khi tấm chăn trắng vừa được kéo xuống rồi gương mặt đầy những vết bầm tím và máu hiện ra, toàn thân ông Gary run lên. Phải mất một lúc, ông mới khẽ gật đầu rồi gần như khuỵu xuống. Đó chính là đứa con gái mà ông hết mực thương yêu.
Sau khi khám nghiệm tử thi, các nhà điều tra cho biết Anita Cobby bị hãm hiếp nhiều lần và bị đánh đập vô cùng dã man với những vết cắt ở cổ, toàn thân thâm tím với vô số vết thương khác trên đầu, ngực, mặt, vai, bụng, đùi và hai chân. Nạn nhân dường như đã bị kéo qua một hàng rào kẽm gai.
Điều duy nhất mà cảnh sát có thể xác định một cách chính xác ngay thời điểm khám nghiệm là có nhiều hơn một người, có thể là một nhóm đã thực hiện tội ác ghê rợn này.
Cái chết thương tâm của Anita liên tục xuất hiện trên trang nhất các tờ báo. Những chi tiết về sự tàn bạo của hung thủ đã gây phẫn nộ trong công chúng. Họ kêu gọi cơ quan chức năng nhanh chóng tìm ra kẻ giết người để đòi lại công lý cho nạn nhân. Cảnh sát đã thành lập đội đặc nhiệm gồm nhiều nhân viên điều tra giỏi, giàu kinh nghiệm để tìm kiếm hung thủ trong thời gian sớm nhất.
Hoa hậu thân thiện
Anita Lorraine Cobby sinh ngày 2/11/1959, là y tá tại bệnh viện Sydney. Anita sống với cha mẹ – ông bà Garry và Grace Lynch cùng cô em gái Kathryn trong một căn nhà nhỏ giản dị của gia đình ở Blacktown.
Khi còn thơ ấu, Anita là một học sinh xuất sắc và được nhiều bạn bè yêu mến. 20 tuổi, cô tham dự một cuộc thi sắc đẹp quy mô để gây quỹ cho trung tâm trẻ em khuyết tật. Trong cuộc thi, Anita gây ấn tượng với khuôn mặt xinh đẹp, nụ cười tỏa sáng, mái tóc xoăn màu nâu và đoạt giải Hoa hậu thân thiện. Tuy nhiên, cùng với sự ủng hộ của gia đình, Anita không theo con đường trở thành người mẫu chuyên nghiệp mà lựa chọn công việc y tá giống như người mẹ của mình.
Tại bệnh viện nơi cô làm việc, Anita đã đem lòng yêu say đắm một chàng thanh niên điển trai có tên là John Cobby. Tình yêu nhanh chóng đơm hoa kết trái và hai người về chung một nhà sau đám cưới diễn ra vào tháng 3/1982.
Tưởng rằng hạnh phúc sẽ mãi ở bên cô gái xinh đẹp nhưng rồi cuộc sống gia đình không mấy suôn sẻ, giữa họ bắt đầu xuất hiện mâu thuẫn. Năm 1985, họ quyết định ly thân và Anita tạm thời trở về sống với cha mẹ. Tuy vậy, ngay cả chồng của cô cũng khẳng định Anita là một người phụ nữ dễ mến và không hề có kẻ thù.
Chiếc xe đáng ngờ
Cảnh sát đã lục soát toàn bộ nông trại – hiện trường phát hiện ra thi thể của Anita. Dù không bỏ sót chi tiết nào dù là nhỏ nhất nhưng họ vẫn chẳng thu được kết quả. Đội đặc nhiệm cũng kiểm tra hàng trăm kẻ tội phạm trong khu vực, đặc biệt chú ý đến những kẻ phạm tội tình dục tuy nhiên không có manh mối nào khả quan khiến vụ án rơi vào ngõ cụt. Cuối cùng, các điều tra viên quyết định cung cấp thông tin để đăng tải rộng rãi trên các phương tiện truyền thông.
Và tia hy vọng đầu tiên đã xuất hiện khi cảnh sát nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tên là John McGaughey. Anh cho biết có vẻ mình đã chứng kiến vụ bắt cóc Anita. Theo đó, vào khoảng 21h50 ngày 2/2, khi đang trở về nhà gần trạm xe lửa Blacktown, John McGaughey cùng em gái nghe thấy một tiếng hét rất lớn. Nhìn theo hướng phát ra âm thanh đó, họ thấy một phụ nữ có mái tóc màu sẫm đang bị kéo vào chiếc xe đậu bên cạnh và không bật đèn. Cô gái lúc đó đã cố vùng vẫy, la hét dữ dội. John McGaughey vội chạy lại nhưng không kịp, chiếc xe lao vút đi.
Trở về nhà, John McGaughey kể lại những gì vừa chứng kiến cho anh trai mình – Paul. Paul sau đó quyết định lái xe đi lòng vòng để xem có tìm được chiếc xe theo như John mô tả hay không. Tới một con đường vắng vẻ, anh bỗng nhìn thấy một chiếc xe đậu bên lề đường có vẻ giống với mô tả của John. Tuy nhiên đến gần, chiếc xe không có ai bên trong. Kiểm tra kỹ hơn, Paul cảm thấy nó không giống với mẫu xe mà John nói.
Sau khi đứng lại nghe ngóng một lúc nhưng không thấy động tĩnh gì, Paul quyết định lái xe đi mà không hề biết rằng đó chính là chiếc xe anh đang tìm và cách đó không xa, Anita đã bị hãm hiếp và giết chết.
Những thông tin về thời gian, địa điểm và đặc điểm của nạn nhân hoàn toàn phù hợp với vụ án. Cảnh sát cho rằng rất có thể Anita Cobby đã đón một chiếc taxi và bị người lái xe giết. Lập tức, các lái xe taxi trong khu vực đã được kiểm tra nhưng cũng không tìm ra thủ phạm.
Chính quyền địa phương quyết định treo giải thưởng trị giá 50.000 USD cho những ai cung cấp thông tin giúp bắt giữ những kẻ giết cô gái. Và ngày 11/2, cảnh sát nhận được cuộc gọi của một người đàn ông nói có tin tức về kẻ giết người nhưng không dám trình báo vì sợ bị trả thù.
Chiếc xe bị mất cắp
Đó là John Raymond Travers, một thanh niên mới 19 tuổi. Vài ngày trước khi xảy ra vụ giết người, John Raymond Travers và 2 tên khác trong nhóm là Mick Murdoch và Les Murphy đã lấy cắp một chiếc xe ôtô nhãn hiệu HT Holden Kingswood và sơn chiếc xe này thành màu xám. Cảnh sát cho biết những thông tin mà người đàn ông này cung cấp đều phù hợp với lời khai của nhân chứng John McGaughey.
Theo thông tin được cung cấp, ngày 21/2/1986, cảnh sát đã đột kích vào một ngôi nhà mà chú của John Travers đang sở hữu, họ tìm thấy John Travers và Michael Murdoch (19 tuổi) ngủ bên trong. Khi được hỏi, cả hai thản nhiên thừa nhận đã ăn cắp chiếc xe nhưng phủ nhận việc giết hại Anita Cobby.
Cùng thời gian đó, cảnh sát cũng bắt giữ Les Murphy (24 tuổi) trong một căn nhà cách đó không xa. Cũng như hai người bạn của mình, Murphy thú nhận đã tham gia vụ trộm chiếc xe nhưng khẳng định mình không liên quan đến cái chết của Anita Cobby.
Không tìm được thêm bằng chứng, cảnh sát chỉ có thể kết tội Les Murphy và Michael Murdoch ăn cắp xe rồi cho cả hai tại ngoại. Tuy nhiên, nhận định sự việc không đơn giản như vậy, cảnh sát vẫn cắt cử người bí mật theo dõi 24/24.
Trong khi đó, John Travers bị giam giữ vì bị tình nghi gây ra nhiều vụ xâm hại tình dục trong khu vực. Đây cũng được coi là kẻ cầm đầu một nhóm côn đồ có tiếng trong vùng.
Tên tội phạm có hình xăm giọt nước
John Raymond Travers sinh ngày 27/2/1967. Là anh cả trong một gia đình có 8 người con, John Travers lớn lên tại Mount Druitt, vùng ngoại ô thuộc miền tây Sydney. Ngay từ nhỏ, John Travers gần như không có sự dạy dỗ, kiểm soát của cha mẹ.
13 tuổi, John Travers lần đầu vào tù vì tội sử dụng cần sa và 14 tuổi thì nghiện rượu. Trên người John Travers lúc nào cũng có một con dao. Một trong những điều ác độc mà John Travers thể hiện ngày từ khi còn là một đứa trẻ là rất thích giết thú vật.
Năm 1981, cha của John Travers bỏ đi và Travers trở thành trụ cột gia đình trong khi người mẹ giành phần lớn thời gian là ở trong bệnh viện. Phải chăm lo cả cho các em, John Travers ngày càng sa vào việc ăn cắp để có tiền. Liên tiếp những lần phạm tội trong thời niên thiếu đã khiến John Travers quá quen thuộc với cảnh sát và tòa án.
Cơ thể của John Travers gần như phủ kín các hình xăm, kể cả dương v*t của hắn. Hình xăm dễ nhận thấy nhất là giọt nước ngay dưới mắt trái. Dù chỉ mới 18 tuổi nhưng John Travers được coi là tên đầu đảng của nhóm những kẻ thường đánh đập, hãm hiếp phụ nữ và những người đồng tính tại trạm xe lửa hay các nhà vệ sinh công cộng. Các nạn nhân sau đó thường không dám báo cảnh sát vì sợ bị trả thù. Mặc dù chỉ mới 19 tuổi, cảnh sát tin rằng John Travers chịu trách nhiệm cho ít nhất 10 vụ hãm hiếp, quấy rối tình dục.
Vào giữa năm 1985, Travers và nhóm của hắn đã đánh đập và hãm hiếp một cô gái tại Toongabbie, một nơi cách nhà hắn vài km và nạn nhân đã cung cấp cho cảnh sát chi tiết người đàn ông có hình xăm giọt nước bên dưới mắt trái. Khi Travers biết cảnh sát tìm mình, hắn cùng với đồng bọn bỏ trốn tới phía tây Australia cho đến khi vụ này lắng xuống. Nhưng vừa mới trở về, nhóm côn đồ này lại tiếp tục trở thành nghi phạm gây ra cái chết kinh hoàng cho Anita Cobby.
Lúc này, việc mà các thám tử cần làm là tìm cách để nghi phạm phải tự thú.
Giăng bẫy
Suốt thời gian bị giam giữ, ngoài những vụ hãm hiếp trước đây, John Travers cũng bị cảnh sát tra hỏi về án của Anita Cobby nhưng hắn không nhận bất cứ điều gì. Cuối cùng, cơ hội của các điều tra viên cũng tới khi Travers yêu cầu có một người thăm nuôi.
Hắn trao cho cảnh sát số điện thoại của người phụ nữ gọi là Miss X với yêu cầu mang thuốc lá vào cho mình. Nhận thấy đây có thể là người biết được điều gì đó về nghi phạm, cảnh sát đã làm việc với Miss X để tìm kiếm thông tin.
Mặc dù rất sợ Travers nhưng trước sự tàn bạo của người bạn này, sau một lúc suy nghĩ, Miss X đã đồng ý giúp đỡ điều tra. Cho rằng Miss X rất ngưỡng mộ mình nên Travers nhiều lần kể cho cô nghe về những vụ hãm hiếp do hắn gây ra một cách rất tự hào. Mỗi lúc như vậy, Miss X phải luôn miệng giả vờ nói rất thích nghe các câu chuyện hấp dẫn của hắn.
Trong hai vụ gần đây, Travers đều nhắc đến việc dùng con dao cứa trên thân thể của các nạn nhân, tương tự như cách mà hung thủ đã làm với Anita Cobby. Tuy ghê tởm với những hành vi ấy nhưng Miss X không bao giờ tiết lộ cho bất cứ ai vì sợ sẽ bị John Travers giết chết nếu hắn biết được. Cuối cùng, cô đã đồng ý giúp cảnh sát gài bẫy Travers.
Buổi sáng hôm sau, Miss X mang đến một số gói thuốc lá cho Travers và đã được nói chuyện riêng với tù nhân trong nửa tiếng. Khi trở về, mặt mày phụ nữ này run lên vì sợ. Cô bật khóc và cho cảnh sát biết Travers vừa kể rằng chính hắn đã giết chết Anita Cobby.
Lần thăm thứ hai, Miss X được gắn một máy ghi âm trong người. Travers đã kể tất cả. Hắn đã khoe cách mà cả nhóm bắt cóc Anita Cobby, hãm hiếp, đánh đập và cuối cùng Travers đã cắt cổ nạn nhân như thế nào.
Những kẻ nguy hiểm
Trước những chứng cớ không thể chối cãi, Travers sau đó đã phải viết bản thú tội, trong đó không phủ nhận mình là người trực tiếp giết chết Anita Cobby. Ngoài ra, hắn còn nêu đích danh 4 kẻ đồng phạm gồm Michael Murdoch, Les Murphy đã được thả ra trước đó và hai tên khác là Michael Murphy (33 tuổi) và Gary Murphy (28 tuổi). Cảnh sát đã không gặp khó khăn khi bắt giữ 4 tên này.
Một trong những đàn em trung thành của Travers là Michael (Mick) James Murdoch. Mick rất ngưỡng phục Travers. Mẹ của hắn, bà Rose Murdoch, rất ghét sự ảnh hưởng của Travers đối với đứa con trai và bà đã khuyến cáo Mick nhiều lần rằng Travers sẽ làm hắn vào tù.
Michael Murdoch rất ngưỡng mộ và trung thành với Travers. Cả hai cùng tuổi và luôn bên nhau không rời ngay từ khi còn nhỏ, thường để tóc và mặc quần áo giống nhau. Cũng giống Travers, Michael Murdoch lớn lên trong một gia đình tan vỡ. Lần phạm tội đầu tiên của hắn là năm 12 tuổi, khi hút cần sa với Travers.
Michael Murphy nổi tiếng là một tên côn đồ hung dữ ở khắp các vùng ngoại ô phía tây Sydney. Hắn bắt đầu phạm tội trong những năm đầu của tuổi thiếu niên và kể từ đó cuộc sống gắn liền với nhà tù. 33 tuổi nhưng hắn cũng có tới 33 lần bị kết án và thời điểm này đang bị truy nã vì vượt ngục. Thế nhưng, trong thời gian trốn chạy, tên tội phạm lại tiếp tục tham gia vào vụ bắt cóc, hãm hiếp và giết hại Anita Cobby.
Hai em trai của Michael Murphy là Les Murphy và Gary Murphy cũng là thành viên của nhóm. Như người anh của mình, cả hai đều hung dữ và có một hồ sơ phạm tội rất dài.
Buổi tối định mệnh
Sau khi cả nhóm hung thủ bị bắt giữ và cúi đầu nhận tội, những tình tiết cụ thể trong buổi tối xảy ra án mạng vào ngày 2/2/1986 đã được làm rõ.
Theo lời khai của những kẻ tội phạm với cảnh sát, buổi tối chủ nhật ngày 2/2/1986, cả 5 tên đã ngà ngà say sau nhiều tiếng đồng hồ cùng nhau uống rượu. Sau đó, tất cả leo lên chiếc xe mà John Travers lấy cắp một tuần trước đó cùng lang thang đi chơi. Tuy nhiên, lượng xăng trong xe lúc này đã sắp hết. Travers lập tức nêu ý tưởng với cả nhóm và quyết định đi tìm con mồi để cướp tiền đổ xăng. Lúc đó không còn sớm nên chúng phải đi một lúc khá lâu mới tìm được nạn nhân lý tưởng. Đó là Anita Cobby. Cô đang đi bộ một mình trên đường với chiếc túi xách đeo lủng lẳng ở vai.
Nhìn xung quanh không có ai, cả nhóm quyết định dừng xe ngay bên cạnh Anita Cobby. Khi nạn nhân còn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì Travers và Mick Murdoch lao ra khỏi xe và chạy nhanh tới kéo nạn nhân vào trong. Anita hét lên đầy sợ hãi nhưng không một ai nghe thấy tiếng cô. Tới khi nhân chứng John McGaughey nhìn thấy và chạy lại thì chiếc xe đã lao vút đi.
Chỉ vài giây sau khi bị kéo vào chiếc xe, Anita bị lột hết quần áo dù cô liên tục van xin và nói rằng mình đã có gia đình. Tuy nhiên, càng van xin, cô càng bị những tên côn đồ đánh đấm thậm tệ. Anita đã chống cự mãnh liệt nhưng không có tác dụng. Chúng giữ nạn nhân nằm trần truồng trên sàn xe ở băng sau trong khi ghé vào trạm đổ xăng và trả tiền lấy từ chiếc ví của Anita.
Ác quỷ đội lốt người
Rời khỏi trạm xăng, Travers và Mick Murphy đã thay phiên hãm hiếp Anita ở hàng ghế sau trong khi những tên còn lại lục tung túi nạn nhân.
Tới gần một nông trại, chúng dừng xe và kéo nạn nhân qua hàng rào kẽm gai. Đúng lúc này, nhân chứng Paul sau khi nghe em trai kể về chiếc xe lạ đã tìm đến đây nhưng không thấy ai. Một lúc không thấy động tĩnh gì, anh liền bỏ đi mà không biết rằng năm tên tội phạm cùng với nạn nhân đang trốn trong một lùm cỏ gần đó.
Anita lại bị những tên tội phạm lần lượt hãm hiếp và đánh đấm cho tới khi cô nằm bất động. Sau khi thỏa mãn cơn thú tính, chúng để mặc cô gái thoi thóp trên bãi cỏ.
Tuy nhiên, sự tàn ác của nhóm sát nhân không dừng lại ở đó. Trở lại chiếc xe, Travers tỏ ra bứt rứt. Hắn lăn tăn rằng Anita có thể sẽ may mắn sống sót. Nếu vậy, việc cô đã nhận diện được tất cả và nghe chúng gọi tên lẫn nhau sẽ gây bất lợi. Do đó, hắn phải chắc chắn rằng cô đã chết để bịt đầu mối.
Được sự hưởng ứng của những tên đồng phạm, Travers đã quay trở lại chỗ Anita nằm, dùng con dao hắn vẫn mang theo bên người giết chết người phụ nữ đáng thương. Xong xuôi, Travers mới hài lòng bỏ đi, để mặc nạn nhân nằm trần truồng, chảy máu cho tới chết.
Khoảng thời gian kinh hoàng mà Anita đã phải trải qua kéo dài trong hai giờ đồng hồ.
Sự căm phẫn của dư luận
Chưa đầy 1 tháng kể từ sau vụ án mạng kinh hoàng, cảnh sát thông báo với truyền thông rằng năm đối tượng đã bị buộc tội bắt cóc và giết hại Anita Cobby. Nhiều đoàn người đã tập trung tại đồn cảnh sát để bày tỏ sự phẫn nộ và đòi hỏi công lý phải được thực thi.
Cuối cùng, phiên tòa đầu tiên xét xử 5 đối tượng liên quan đến vụ án mạng Anita Cobby cũng được diễn ra vào ngày 16/3/1987. Các dãy ghế trong phòng xử án đều chật kín. Giới truyền thông gọi đây là phiên tòa thế kỷ.
Một thành viên trong bồi thẩm đoàn đã mô tả chi tiết sự khủng khiếp mà Anita Cobby đã phải chịu đựng trước khi chết. Phiên tòa nhiều lần phải dừng lại bởi những dòng cáo trạng được đọc lên liên tục khiến những người có mặt la ó vì mức độ dã man, tàn ác của nhóm hung thủ.
Theo lời khai của những kẻ sát nhân, sau khi giết người, cả nhóm quay lại nhà của mẹ Travers để tắm rửa, vứt bỏ quần áo đang mặc. Michael Murdoch mang toàn bộ đồ đạc của Cobby ra khoảng sân phía sau nhà để đốt phi tang vật chứng. Cẩn thận hơn, chúng cũng đem chiếc xe ăn trộm đến một khu vực bỏ hoang và đốt cháy nó.
Tuy nhiên, tại tòa, các bị cáo đều hạn chế tối thiểu sự dính líu của mình đến thời khắc cuối cùng của Anita Cobby. Chúng loanh quanh đổ lỗi cho nhau, tố cáo cảnh sát đã bức cung. Murdoch và Murphy thậm chí còn khóc lóc sợ hãi.
Vài phút trước khi phiên tranh luận bắt đầu, John Travers đã thừa nhận mình chính là kẻ đã trực tiếp giết chết nạn nhân và chấp nhận mọi phán quyết của tòa án. Và khi Travers nhận tội, những tên còn lại đều tranh nhau đổ hết tội lỗi cho John Travers. Chúng nói rằng John Travers chính là chủ mưu còn mình chỉ bị lôi kéo và không liên quan nhiều đến cái chết của Anita. Song thẩm phán tuyên bố đó là lời dối trá trắng trợn, đây là vụ tấn công tình dục ghê rợn và có âm mưu từ trước.
Hình phạt cho những tên sát nhân
Ngày 10/6/1987, với các bằng chứng có được, bồi thẩm đoàn đã đưa ra phán quyết có tội đối với tất cả bị cáo sau 9 giờ thảo luận. Trong thời gian chờ tòa đưa ra phán quyết cuối cùng, từng đối tượng trong băng nhóm của Travers còn bị những tù nhân khác tấn công vì quá tức giận.
Phiên tòa cuối cùng diễn ra vào ngày 16/6. Hàng trăm người đã đứng xếp hàng nhiều tiếng đồng hồ ở bên ngoài và chặn cả xe chở nghi phạm. Họ cùng hô to yêu cầu mức án cao nhất cho những tên sát nhân.
Tuy nhiên, do luật của bang New South Wales không áp dụng án tử hình, nên cuối cùng John Travers và 4 bị cáo còn lại bị Thẩm phán Tòa án Tối cao tuyên án chung thân, nhưng trong hồ sơ của chúng được đóng thêm dòng chữ “không bao giờ được phóng thích”.
Vụ án mạng của Anita Cobby đã làm công chúng vô cùng giận dữ. Các bản yêu cầu với hàng chục ngàn chữ ký ủng hộ việc tái áp dụng án tử hình đã được trao cho chính quyền bang New South Wales. Họ cho rằng những kẻ phạm tội ác tàn bạo này vẫn còn được sống là điều không thể chấp nhận được.
Sau cái chết của con gái, cha mẹ Anita đã dành cả cuộc đời còn lại để giúp đỡ cho những nạn nhân bị xâm hại. Trong khi đó, John Travers, Michael Murdoch, Les Murphy, Michael Murphy và Gary Murphy hiện đều bị giam giữ tại những nhà tù với an ninh nghiêm ngặt của bang New South Wales và tất cả đều sẽ kết thúc cuộc đời trong tù.