Vụ án 238: Hai sinh viên xuất sắc giết người để thử tài cảnh sát

Chiếc xe kỳ lạ

Ngày 21/5/1924, cậu bé Bobby Franks (14 tuổi) đang một mình đi bộ trên đường về nhà sau giờ tan học thì bỗng nhiên có một chiếc xe ô tô đỗ lại trước mặt. Sau một lúc nói chuyện, Bobby liền chui vào chiếc xe mà không hề do dự. Từ đó, không còn ai nhìn thấy cậu bé.

Về nhà mà không thấy con, bà Flora Franks thoáng chút ngạc nhiên vì giờ này mọi ngày, Bobby đã đi học về. Nhưng nghĩ rằng hôm nay con trai có hẹn với các bạn, bà không chú ý nhiều mà đi chuẩn bị cho bữa tối.

Bữa tối xong xuôi, các thành viên khác của gia đình gồm ông Jacob Franks và anh chị của Bobby là Jack và Josephine cũng đã trở về, chỉ có Bobby Franks vẫn không thấy bóng dáng và cũng chẳng gọi điện thông báo.

Jack đoán rằng có thể Bobby mải chơi tennis vì đó là môn thể thao yêu thích của cậu. Trước đây Jack từng nhiều lần phải ra sân gọi em về. Nhưng lần này Jack đã nhầm, Bobby không hề có ở đó. Bắt đầu nhận ra có gì đó bất ổn, bà Flora cuống cuồng gọi điện cho các bạn học của Bobby hỏi thăm trong khi ông Jacob liên lạc với hiệu trưởng trường của Bobby vì có thể cậu bé mải chơi bị khóa lại ở trong trường mà không ai biết. Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều không mang lại kết quả, chẳng ai biết Bobby đang ở đâu.

Trong suốt buổi tối hôm đó, cả gia đình Franks chia nhau tìm kiếm tất cả những nơi cậu có thể đến nhưng vẫn không thấy bóng dáng của Bobby.

Khoảng 22h hôm đó, bà Flora khi đang ở nhà trực điện thoại thì nhận được cuộc gọi của một người đàn ông tự xưng là Johnson. Người này nói rằng Bobby Franks đã bị bắt cóc và hiện tại cậu bé vẫn ổn. Những thông báo tiếp theo sẽ được gửi tới vào buổi sáng hôm sau. Không kịp để bà Flora nói thêm gì, gã đàn ông cúp máy. Đúng lúc đó ông Jacob và luật sư Samuel trở về. Họ lập tức đi trình báo cảnh sát.

Bức thư kinh hoàng

Căn hộ của gia đình Franks nằm ở khu phố Kenwood, một khu dân cư giàu có ở thành phố Chicago (Mỹ). Ông Jacob kiếm được khá nhiều tiền từ việc kinh doanh cửa hiệu cầm đồ.

Một đêm dài trôi qua trong tâm trạng nặng nề của các thành viên nhà Franks. Sáng hôm sau, đúng như đã hẹn, một bức thư được gửi tới cho gia đình Franks có nội dung như sau:

“Thưa ông bà,

Có lẽ đến lúc này ông bà đã biết con trai mình bị bắt cóc. Và chúng tôi đảm bảo rằng con ông bà vẫn khỏe và an toàn, vì vậy ông bà có thể yên tâm. Nếu ông bà còn muốn con mình trở về lành lặn thì hãy làm theo những chỉ dẫn của chúng tôi. Tất nhiên, nếu ông bà làm trái lời thì cái chết của cậu bé này sẽ là một hình phạt dành cho ông bà.

1. Không được báo cho cảnh sát hay bất kỳ cá nhân, cơ quan nào biết. Nếu cảnh sát đã biết việc con trai ông mất tích thì tuyệt đối không được đề cập đến lá thư này.

2. Trước buổi chiều hãy gửi 10.000 USD. Số tiền gồm có các tờ giấy bạc được chia nhỏ thành 2.000 USD mệnh giá 20 USD, 8.000 USD mệnh giá 50 USD. Số tiền phải là tiền cũ.

3. Số tiền được đặt trong một hộp xì gà lớn hoặc nếu không để vừa có thể thay thế bằng một hộp các-tông, được đóng gói cẩn thận, kín mít bằng giấy trắng. Ngoài ra giấy gói cần phải được niêm phong.

4. Tất cả tiền bạc cần phải tuân thủ theo hướng dẫn trên, và ở nhà chờ khi có chỉ dẫn tiếp theo”.

Bức thư được ký tên George Johnson và ngoài ra hắn còn bảo đảm rằng nếu số tiền được gửi đi theo đúng như yêu cầu thì Bobby sẽ trở về lành lặn. Trong khi Jacob chạy đi chuẩn bị tiền thì luật sư Samuel gọi điện cho cảnh sát.

Thế nhưng, khi những yêu cầu của kẻ bắt cóc đang được tiến hành thì gia đình Franks nhận được thông tin người ta phát hiện một xác bé trai bị giết ở gần hồ Wolf. Dựa vào những thông tin ban đầu, họ nghi rằng bé trai xấu số ấy có thể là Bobby.

Cuộc gọi đau đớn

Xác một bé trai được tìm thấy tại cống nước gần hồ Wolf và đường ray xe lửa trong tình trạng không mảnh vải che thân. Gia đình Frank lập tức đến hiện trường để xác minh, chỉ có ông Jacob và luật sư Samuel ở nhà.

Khi mọi người vừa đi khỏi thì chuông điện thoại vang lên. Người nhấc máy là luật sư Samuel nhưng khi ông còn chưa kip nói gì thì đầu dây bên kia vọng lên với một giọng khá gấp gáp: “Tôi là George Johnson đây. Tôi đã gọi một chiếc taxi của hãng Yellow cho ông. Hãy đến cửa hàng thuốc ở 1465 phố East Sixty-third”. Vị luật sư vội nói lại với ông Jacob về lời nhắn.

Đúng lúc ông Jacob định ghi lại địa chỉ đó thì một cuộc gọi khác tiếp tục tới khiến ông gần như chết đứng. Cảnh sát thông báo thi thể bé trai ở hồ Wolf chính là Bobby Franks.

Hoảng loạn và đau đớn, cả 2 người đàn ông sau đó đã quên mất địa chỉ mà tên bắt cóc thông báo và cũng không còn quan tâm đến những gì hắn nói. Họ nhanh chóng lao ra khỏi nhà.

Tại hiện trường, cảnh sát không tìm thấy quần áo của Bobby, xung quanh cũng không có gì xáo trộn. Họ nhận định cậu bé bị giết chết ở một điểm khác trước khi được mang tới đây. Duy nhất một vật là chiếc kính mắt có hình dáng khá đặc biệt được tìm thấy không xa nơi phát hiện thi thể.

Những bằng chứng pháp y

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy nguyên nhân dẫn đến cái chết của cậu bé 14 tuổi là do nghẹt thở, có thể tên bắt cóc đã dùng tay để bịt miệng cậu bé hoặc nhét vật gì đó vào họng của Bobby.

Ngoài ra, bác sĩ còn phát hiện trên cơ thể nạn nhân có một số vết thương hở và thâm tím do một vật cùn gây ra. Có thể những vết này do cậu bé giẫy giụa chống cự lại tên bắt cóc. Ngoài ra, các bác sĩ còn phát hiện ra một số hóa chất trên mặt và dương v*t của nạn nhân. Những chứng cứ này đưa tới cho cơ quan điều tra giả thuyết rằng cậu bé bị lạm dụng tình dục trước khi bị giết. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của mình, tiến sỹ Joseph Springer – người đứng đầu nhóm khám nghiệm tử thị lại cho rằng Bobby không hề bị lạm dụng tình dục.

Trước vụ bắt cóc, giết người đặc biệt nghiêm trọng này, lực lượng chức năng đã tập trung mọi nguồn lực truy tìm kẻ thủ ác. Robert E. Crowe, một thám tử nổi tiếng với nhiều năm kinh nghiệm được chỉ định là người phụ trách vụ án này.

Cả Jacob Franks và Samuel Ettelson đều quên địa chỉ cửa hàng thuốc, nơi tên bắt cóc hẹn gặp mà chỉ nhớ chi tiết sẽ có một chiếc xe taxi của hãng Yellow tới đón. Cảnh sát sau đó xác nhận đúng là có chiếc xe đậu trước cửa gia đình Franks, nhưng lái xe cho biết anh không được biết điểm đến và sau khi đợi lâu mà không có khách ra, anh cũng rời đi.

Đau đớn trước cái chết của con trai, ông Jacob Franks đã treo phần thưởng trị giá 5.000 USD cho ai tìm ra tung tích kẻ sát nhân, cơ quan cảnh sát cũng đưa ra một mức thưởng hấp dẫn cho người nào cung cấp được thông tin quan trọng.

Vụ án bế tắc

Robert E. Crowe, một thám tử nổi tiếng với nhiều năm kinh nghiệm được chỉ định là người phụ trách vụ án này. Ông bắt đầu điều tra từ bức thư của kẻ bắt cóc. Những người có chuyên môn cho biết văn bản này được soạn bởi một người đánh máy nghiệp dư nhưng lại có trình độ học vấn bởi lời văn trong bức thư khá sắc sảo, chặt chẽ. Chi tiết này khiến các nhà điều tra đặc biệt chú ý bởi sự thông minh của hung thủ chính là một trong những yếu tố nguy hiểm.

Từ đây, cảnh sát tập trung điều tra 3 giáo viên ở ngôi trường nơi Bobby Franks theo học, những người được cho là không ưa cậu bé này bởi tính cách nghịch ngợm, ương bướng. Họ được đưa tới sở cảnh sát để thẩm vấn trong khi căn hộ của họ cũng bị lục soát. Tuy nhiên sau đó, cảnh sát phải nhanh chóng trả tự do cho cả 3 vì không có gì đáng nghi vấn.

Các tờ báo thi nhau đăng tải hình ảnh cặp kính bí ẩn và cảnh sát cũng liên lạc với tất cả công ty kinh doanh mặt hàng này trong khu vực. Trong khi đó, Richard Loeb (19 tuổi) là hàng xóm với gia đình Franks đã đề xuất nên tập trung đi tìm nhà thuốc mà kẻ bắt cóc muốn ông Jacob Franks tới.

Đề xuất này cũng là một ý tưởng hợp lý. Sau một thời gian tìm kiếm, cảnh sát đã tìm thấy nhà thuốc Van de Bogert & Ross. Nhân viên bán hàng xác nhận rằng có 2 cuộc gọi trong ngày 22/5 hỏi ông Franks. Lần thứ nhất, người bán thuốc nói rằng không có người đàn ông nào trong cửa hàng theo như mô tả những hung thủ vẫn gọi điện lại sau đó ít phút. Việc tìm ra hiệu thuốc đã không thể giúp tìm được thủ phạm.

Cũng vào thời điểm này, người lái xe taxi đã nhớ ra rằng có hai thanh niên ăn mặc bảnh bao đến yêu cầu anh tới nhà của Jacob Franks. Tuy nhiên, người này không thể nhớ nổi khuôn mặt của họ vì thời gian tiếp xúc quá ngắn.

Vụ án dường như rơi vào bế tắc.

Chiếc kính với thiết kế đặc biệt

Thanh tra Robert E. Crowe lục lại toàn bộ hồ sơ vụ án và chú ý đến ngay cặp kính tìm thấy tại hiện trường. Nó là cặp kính dành cho những người chuyên làm công tác nghiên cứu, mắt kính tròn to, dày và khớp nối của gọng kính rất đặc biệt, hiếm gặp ở những loại kính thông thường.

Trong khi đó, một nhóm cảnh sát đi hỏi thăm quản lý khu vực vui chơi quanh hồ Wolf. Sau khi hỏi rất nhiều người, đội điều tra có được thông tin đáng chú ý rằng nơi này có một vị khách thường xuyên tên là Nathan Leopold, 19 tuổi, tới đây để nghiên cứu về các loài chim. Ngay lập tức Leopold được triệu tập về văn phòng cảnh sát để điều tra. Tuy nhiên, những thông tin mà Leopold cung cấp trong quá trình quan sát chim ở hồ đều không có gì đáng nghi vấn.

Đúng 8 ngày sau, cảnh sát đã phát hiện ra chi tiết quan trọng. Chiếc kính tìm được ở hiện trường được bán ra với số lượng rất ít, chỉ có 3 chiếc trong khu vực Chicago. Thật trùng hợp khi một trong những người sở hữu chiếc kính đó không ai khác chính là anh chàng nghiên cứu các loại chim, Nathan Leopold.

Ngày 29/5/2004, Nathan Leopold được cảnh sát gửi thư mời vào phòng kín của khách sạn LaSalle để lấy lời khai. Sở dĩ, Leopold được đối xử đặc cách như vậy vì cậu cũng là con trai của một gia đình khá danh tiếng ở vùng. Thanh tra Robert E. Crowe sợ rằng, nếu chọn nhầm mục tiêu, ông sẽ phải trả một cái giá chính trị không nhỏ.

Cuộc thẩm vấn kín đáo

Tại phòng kín của khách sạn LaSalle, khi cảnh sát hỏi về cặp kính, Nathan Leopold cho biết vào ngày thứ 7, vài ngày trước khi Bobby Franks bị bắt cóc, Nathan như thường lệ tới khu vực hồ Wolf cùng hai người bạn và bị vấp ngã, có thể lúc đó chiếc kính đã rơi ra khỏi túi ngực.

Nghe vậy, một trong những cảnh sát đã đặt kính vào túi ngực Nathan và đề nghị cậu thực hiện lại cú ngã. Tuy nhiên, dù đã thử rất nhiều lần với nhiều tư thế ngã, chiếc kính vẫn không hề bị rơi ra ngoài.

Khi được hỏi rằng bản thân đã làm gì trong ngày xảy ra án mạng, ban đầu Nathan trả lời vòng vo nhưng sau đó lại khẳng định đã dành phần lớn thời gian lang thang cùng người bạn thân Richard Loeb. Buổi tối ngày Bobby bị bắt cóc, Nathan và Richard đã đón 2 cô gái và lái xe đi chơi đến khi trở về nhà.

Trước tất cả những câu hỏi của điều tra viên, Nathan Leopold tuy ra vẻ bình thản nhưng cảnh sát vẫn có thể nhận thấy chàng trai này đang trả lời một cách nhanh chóng như thể đang cố lướt qua tất cả. Dường như để đưa ra bằng chứng ngoại phạm, anh ta nói uống quá nhiều rượu nặng nên chỉ nhớ mơ hồ và không rõ chi tiết những việc mình làm trong buổi tối hôm đó.

Theo đánh giá của cơ quan điều tra, Nathan đang cố tình giấu giếm điều gì đó. Ngay sau khi nghi can này được gọi tới phòng hỏi cung để gặp cơ quan điều tra, người bạn Richard Loeb cũng được mời đến nói chuyện. Người này không phải ai xa lạ, chính là hàng xóm của gia đình Franks cũng là người trước đó đã đề xuất nên tập trung đi tìm nhà thuốc mà kẻ bắt cóc muốn ông Jacob Franks tới.

Những lời khai đầy uẩn khúc

Để tìm ra lời khai 2 người có nhất quán hay không, cơ quan điều tra tiến hành so sánh và tìm ra nhiều điểm khá khớp ở lời khai của 2 người. Richard cho biết mình đi với Nathan từ buổi chiều và đến tối muộn thì ai về nhà nấy. Phiên chất vấn kéo dài cả buổi chiều mà không có nhiều thông tin đáng nghi nào được tiết lộ từ Richard.

Sự bình tĩnh và chi tiết trong các lời khai giống nhau khiến cảnh sát ban đầu thậm chí đã tin vào câu chuyện của họ. Khi được thả ra, cả hai có buổi trò chuyện thẳng thắn với báo chí. Nathan chia sẻ quan điểm của mình khi được phóng viên hỏi: “Tôi không trách cảnh sát đã bắt giữ để hỏi cung chúng tôi. Đấy là công việc của họ”.

Nói về việc cái kính xuất hiện gần hiện trường tìm thấy xác Bobby, Nathan cho hay: “Tôi đã ở gần khu vực cống nước trong hai ngày thứ 7 và chủ nhật. Có một điều chắc chắn là tôi xuất hiện ở đây trước khi Bobby bị giết và cặp kính của tôi có thể bị rơi khi tôi khom người nhìn cống nước”.

Tuy nhiên, về phía thám tử Robert E. Crowe, ông vẫn cảm thấy có gì đó uẩn khúc ở đây. Ông đã tới tìm hiểu thông tin từ phía những người bạn học của Leopold thì biết rằng chàng trai này thường viết các bài luận của cậu trên máy đánh chữ hiệu Hammond. So sánh chúng với các dòng chữ viết trên bức thư tống tiền, Crowe nhận thấy chúng thuộc cùng một loại máy đánh chữ và ngay cả cách sử dụng từ ngữ và một số ký hiệu cũng có nhiều điểm trùng hợp.

Cánh sát tiếp tục tiến hành thẩm vấn tài xế của gia đình Nathan. Trong ngày xảy ra án mạng, viên tài xế đã lái xe cả ngày và chỉ để xe trong gara vào tối muộn, khi ông về nhà. Trong khi đó, Nathan và Richard lại khai rằng họ đã sử dụng xe của Nathan để lái lòng vòng cả buổi chiều vào tối trong ngày Bobby mất tích.

Từ đây, cảnh sát bắt đầu có hướng điều tra rõ ràng.

Động cơ bất ngờ

Giải thích cho việc mẫu chữ trên các bài nghiên cứu của Nathan và mẫu chữ ở lá đơn tống tiền lại giống hệt nhau và cùng sử dụng máy chữ hiệu Hammond, nghi can này khai nhận đó chỉ là một sự trùng hợp bởi tuy sử dụng máy đánh chữ đó nhưng nó không phải quyền sở hữu của Nathan. Qua khai thác thông tin của người giúp việc, cô khai nhận có nhìn thấy máy này ở trong góc nhà vài tuần trước nhưng khi cảnh sát tìm kiếm thì nó lại không còn trong nhà nữa.

Sau hơn 2 giờ hỏi cung, Nathan vẫn tỏ ra quanh co. Tuy nhiên, khi viên tài xế của gia đình nói rằng chính mình đã lái xe cả ngày và chỉ để xe trong gara vào tối muộn, khi ông về nhà thì Nathan đột nhiên tái mặt.

Từ đây, nghi can này đã phải khai nhận mọi chuyện, rằng mình và người bạn Richard chính là kẻ đã bắt cóc và giết hại cậu bé Bobby Franks.

Tuy nhiên, điều khiến cảnh sát ngạc nhiên nhất là động cơ gây án của hai hung thủ. Theo lời khai của Richard, toàn bộ tội ác được dựng lên như một trò thử thách trí tuệ của 2 sinh viên nhằm thực hiện một kế hoạch phạm tội hoàn hảo thử tài phá án của cảnh sát.

Sự thật sáng tỏ

Cả hai đã bàn bạc rất kĩ và cùng thống nhất thuê xe ô tô với tên giả cùng với giấy tờ giả. Chúng còn che biển số xe, đề phòng có ai đó nhìn thấy có thể báo với nhà chức trách.

Nhưng vấn đề khó khăn ở chỗ làm thế nào nhận tiền chuộc cho an toàn. Nathan và Richard cùng nhau đưa ra một vài kế hoạch cho việc này. Cuối cùng cả hai quyết định chọn một phương án yêu cầu ông Franks đến cửa hàng thuốc gần ga tàu điện. Khi tàu chuẩn bị rời bến, chúng sẽ gọi điện cho ông yêu cầu vứt tiền qua cửa sổ tàu để. Từ đó, cả 2 sẽ nhặt cục tiền và biến mất. Với cách này, cảnh sát sẽ không thể tìm ra ai là người cầm tiền và tất nhiên sẽ chẳng làm gì được chúng.

Sau khi bắt cóc và nhận tiền thành công, theo kế hoạch của Leopold vạch ra cùng đồng phạm, chúng sẽ nhanh chóng hạ sát nạn nhân để cậu bé không có cơ hội trốn thoát cũng như cảnh sát khó có thể phát hiện ra chúng

Nói về lý do phi tang xác chết ở cống nước gần hồ Wolf, Richard cho biết vì đây là một nơi kín đáo để che giấu xác cậu bé. Ngày bình thường cũng rất ít người qua lại nơi này nên Nathan nghĩ phi tang ở đây là hợp lý.

Rất tin tưởng vào kế hoạch vạch sẵn, ngày hôm sau chúng tới bốt điện thoại công cộng gọi cho ông Jacob nói địa chỉ cửa hàng thuốc. Nhưng tới giờ hẹn vẫn không thấy bóng dáng của Jacob Franks đến, cả hai biết rằng kế hoạch đã bị đổ bể.

Ngoài ra, một chi tiết khác mà cả hai hung thủ không ngờ tới là kinh mắt của Nathan lại vô tình rơi ở hiện trường. Dù vậy, nam sinh 19 tuổi này vẫn tỏ ra bình tĩnh khi cảnh sát thẩm vấn và nhanh chóng nghĩ ngay được lời giải thích tưởng chừng có lý.

Và tới lúc này, khi mà mọi chuyện đã ngã ngũ, điều cảnh sát quan tâm là những kẻ giết người thật sự đã làm điều gì với nạn nhân 14 tuổi.

Săn mồi

Mục đích của Nathan và Richard không phải vì tiền nhưng cả hai cho rằng sẽ đánh lạc hướng điều tra của cảnh sát nếu để họ nghĩ đây là vụ bắt cóc đòi tiền chuộc thông thường.

Tính toán được vậy nhưng việc chọn “con mồi” cũng là cả một vấn đề nan giải. Ban đầu, cả hai thậm chí còn định sẽ giết chết em trai của Richard là Tommy nhưng sau đó đã quyết định bỏ qua cậu bé này, không phải vì Tommy là em của Richard mà vì nếu Tommy chết, những người thân sẽ bị lấy lời khai đầu tiên.

Sự lựa chọn tiếp theo hướng về một người bạn của cả hai là Richard Rubel. Tuy vậy, ý định này cũng bị hủy bỏ vì hai hung thủ biết rằng cha của Rubel sẽ không bao giờ trả được tiền chuộc. Mãi vẫn chưa xác định được nạn nhân, cả hai quyết định lái xe vòng vòng tìm kiếm.

Cuối cùng, Richard Loeb và Nathan Leopold nhìn thấy cậu bé 14 tuổi Bobby Franks – con trai của triệu phú Jacob Franks đang đi bộ về nhà sau giờ học. Lý do Nathan và Richard chọn Bobby Franks để giết bởi chúng cho rằng nạn nhân cần phải nhỏ tuổi để dễ dàng bị khuất phục. Hơn nữa, cha của cậu bé là triệu phú và có thể trả khoản tiền chuộc rất cao cho con.

Khi Bobby gặp 2 kẻ sát nhân trên đường, cậu bé dễ dàng nhận ra Richard. Đây không phải ai xa lạ mà chính là hàng xóm của gia đình Franks và Bobby cũng từng nhiều lần chơi tennis với Richard nhiều lần. Vì vậy, khi hai thanh niên tiếp cận cậu bé và rủ Bobby cùng đi mua vợt tennis, cậu bé đã đồng ý ngay và và rất vui vẻ lên xe mà không biết rằng cuộc đời mình sẽ kết thúc từ đây.

Màn ra tay độc ác

Khi lái xe được một đoạn không xa, bộ đôi ra tay sát hại nạn nhân một cách dã man. Thấy Bobby đã chết, cả 2 liền lấy một tấm thảm che xác rồi lái xe tới rìa bang Indiana. Tới đây, chúng dừng xe ở ven đường, lột bỏ quần áo của Bobby. Tiếp đó, chúng bình tĩnh cùng nhau đi ăn và chờ cho tới khi trời tối hẳn mới lái xe tới hồ Wolf để phi tang xác.

Xong xuôi, cả hai đã đốt sạch các bộ quần áo có dính máu, chúng cũng mất công kỳ cọ sạch vết máu trên chiếc xe đi thuê. Cuối cùng, chúng gọi cho Jacob Franks để thông báo con ông đã bị bắt cóc. Chúng gửi một lá thư đòi tiền chuộc tới nhà ông Jacob rồi lên đường về nhà.

Rất tin tưởng vào kế hoạch vạch sẵn, ngày hôm sau chúng tới bốt điện thoại công cộng gọi cho ông Jacob nói địa chỉ cửa hàng thuốc. Nhưng tới giờ hẹn vẫn không thấy bóng dáng của Jacob Franks đến, cả hai biết rằng kế hoạch ban đầu đã thất bại.

Ngay sau khi khai nhận tội ác, Nathan và Richard nhanh chóng nhận được sự chú ý của dư luận. Ai nấy đều tỏ ra phẫn nộ trước tội ác hai kẻ sát nhân trẻ tuổi này gây ra. Và người ta còn bất ngờ hơn khi biết được xuất thân của cả hai.

Hai cậu ấm tài năng

Richard Loeb và Nathan Leopold – hai thủ phạm của vụ án chấn động đều xuất thân từ các gia đình danh gia vọng tộc, giàu có bậc nhất Chicago.

Nathan Leopold sinh ngày 19/11/1904 trong một gia tộc gốc Đức và tới Mỹ vào giữa những năm 1800. Gia đình Leopold sở hữu một gia sản lớn nhờ việc vận chuyển ngũ cốc, quặng và nhiều loại hàng khác.

Từ nhỏ, Nathan Leopold đã là một học sinh xuất sắc với chỉ số IQ rất cao. Những người quen của gia đình này cho biết Nathan thậm chí biết nói ngay từ khi mới 4 tháng tuổi. Năm 18 tuổi, hắn đã tốt nghiệp Đại học Chicago. Nathan là một chuyên gia thực vật học và có thể nói thành thạo 9 ngôn ngữ. Nathan dự định sẽ tiếp tục theo học luật ở trường Harvard sau khi tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, cuộc sống của Nathan không hoàn toàn như mơ. Mẹ Nathan qua đời khi hắn còn rất nhỏ và còn cha hắn còn bận kinh doanh không có thời gian quan tâm đến con mình nên hầu như Nathan đi đâu làm gì không có người giám sát. Đổi lại, cha Nathan luôn cho con những món đồ quý giá và nhiều khoản tiền lớn. Trước khi gây ra tội ác, Leopold đã được cha mình cho 3000 USD (một số tiền khá lớn thời điểm đó) để đi du lịch khắp châu Âu. Nathan cũng có một chiếc xe riêng và khoản trợ cấp 125 USD mỗi tuần.

Không kém cạnh người bạn của mình, Richard Loeb cũng sinh ra trong một gia đình rất danh giá. Thông minh, đẹp trai, giàu có – Richard là niềm mơ ước của rất nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cả Richard Loeb và Nathan Leopold đều cho mình là người hoàn hảo và có những đặc quyền vượt lên trên người khác

Vị luật sư “bất bại”

Có chỗ đứng trong xã hội và được những người xung quanh tôn trọng nên gia đình Loeb và Leopold đều không ngờ lại có ngày vướng vào việc động trời này. Họ cùng tìm mọi cách để cứu “quý tử” của mình. Vì tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án nên không ai được gặp mặt Richard Loeb và Nathan Leopold. Điều cần thiết nhất lúc này chính là tìm cho cả hai một luật sư biện hộ tài năng.

Gia đình của Richard đã gặp một trong những vị luật sư có tiếng “bách chiến bách thắng” – Clarence Darrow. Darrow là người từng biện hộ thành công trong nhiều vụ án lớn, dù trước đó đã nhiều luật sư phải thất bại. Ở phiên xử lần này, ông Loeb hi vọng Darrow sẽ tìm được cách giảm án cho con trai mình.

Bản thân Darrow cũng cân nhắc rất kỹ càng trước lời đề nghị này. Sau một thời gian nghiên cứu hồ sơ, luật sư Clarence Darrow đã nhận lời tham gia biện hộ cho hai thanh niên trẻ tuổi phạm tội nghiêm trọng.

Khi cảnh sát đã có trong tay hầu hết những chứng cứ quan trọng, kể cả chiếc đục – hung khí trong vụ án và chiếc giày của nạn nhân bị vứt bên vệ đường, phiên tòa xét xử Nathan Leopold và Richard Loeb được mở ra tại tòa án Chief Justice vào ngày 21/7/1924. Phiên tòa này được diễn ra công khai nhằm giảm bớt sự căm phẫn trong dư luận.

Phiên tòa căng thẳng

Vào ngày 21/7/1924, phiên tòa xét xử Nathan Leopold và Richard Loeb được mở ra tại tòa án Chief Justice do thẩm phán John R. Caverly làm chủ tọa. Mục tiêu của luật sư biện hộ Clarence Darrow cũng như của gia đình hai hung thủ là là giúp Nathan và Richard thoát khỏi án tử hình.

Bằng kinh nghiệm của một luật sư bào chữa nổi tiếng nhất nước Mỹ thời điểm đó, Darrow nghĩ rằng điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay của ông cho đến khi gặp không ít khó khăn do chính hai thân chủ của mình gây ra. Người ta liên tục nhìn thấy cả hai mỉm cười và cợt nhả trong các phiên tòa. Điều này khiến dư luận càng thêm căm phẫn, ngay cả các thành viên của bồi thẩm đoàn cũng không giấu nổi sự tức giận.

Điều này khiến luật sư Darrow phải sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để bào chữa cho thân chủ mình.

Ban đầu, Darrow đưa ra luận điểm trong lịch sử tư pháp Chicago, chưa có một trường hợp nào áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội phạm dưới 23 tuổi. “Tôi biết rằng trong 10 năm qua, khoảng 450 người đã phạm tội giết người tại Chicago nhưng chỉ có một trường hợp chịu mức án treo cổ và trường hợp duy nhất này cũng đã trên 23 tuổi”, Darrow biện minh.

Ngoài ra, luật sư Darrow đưa ra tuyên bố cả 2 tên tội phạm còn rất trẻ này có tâm lý không bình thường, chính vì thế chúng mới có thể nghĩ ra trò chơi rợn người như vậy.

Cuối cùng, Darrow cung cấp cho quan tòa mô tả chi tiết về những gì sẽ xảy ra với các chàng trai khi họ bị treo cổ. Thậm chí Darrow còn cung cấp hình ảnh đồ họa các chức năng cơ thể bị phá hủy và sự đau đớn về thể xác của thân chủ mình.

Trong nước bài cuối cùng này, chiến thuật của Darrow có vẻ đã đạt được tác dụng như mong muốn khi không chỉ quan tòa mà ngay cả 2 tên sát nhân cũng thấy ám ảnh. Nathan thậm chí còn bị kích động và phải đưa ra khỏi phòng xử án.

Tội ác khép lại

Cuối cùng, phiên tòa được mong chờ nhất cũng diễn ra vào ngày 19/9/1924, khi thẩm phán Caverly thông báo phán quyết của tòa án.

Theo đó, bồi thẩm đoàn đã cân nhắc và quyết định miễn bản án tử hình. “Ban bồi thẩm đã xem xét độ tuổi của bị cáo theo như lời vị luật sư biện hộ đã nêu, chúng tôi cũng cho rằng không phải cứ đưa ra cái chết là có thể trừng phạt được kẻ phạm tội, ngồi tù để tự suy ngẫm và hối hận cũng là một lựa chọn”, thẩm phán Caverly cho hay.

Cả hai đều phải chịu mức án chung thân cho tội giết người và 99 năm tù cho tội bắt cóc, tổng án phạt là chung thân.

Phiên xử kết thúc trước sự bức xúc tột độ của gia đình nạn nhân trong khi mục tiêu của luật sư Darrow và gia đình hai hung thủ thì đạt được.

Trong thời gian ở tù, Richard bị một người bạn tù giết hại năm 1936 còn Nathan đã rất nhiều lần viết đơn xin tại ngoại nhưng đều bị từ chối và phải tới năm 1958, mong muốn này mới được được chấp nhận.

Sau khi ra tù, Nathan chuyển tới Puertp Rico sinh sống và chết sau một cơn đau tim vào năm 1971, kết thúc một trong những câu chuyện đau lòng nhất trong lịch sử hình sự Mỹ mà hung thủ là những thiếu gia có trí tuệ hơn người với động cơ mà không ai có thể tin được.

error: Content is protected !!