Chương 12: Cuộc duyệt binh ở núi Ngũ Hổ

Mấy lâu nay Phương Thành, trấn lỵ Hà Tiên náo rộn khác thường, nhất là ở các cơ, các ngũ. Cô nào ngũ nấy đều rộn rịp sửa soạn.

Cờ xí đều được đổi mới, đao thương kiếm kích đều được lau chùi sáng bóng. Giáp mão của quân binh, yên cương của voi ngựa cũng đều được đặc biệt săn sóc đến. Đồn rằng Mạc phủ có lệnh thao diễn lục quân mà kỳ thao diễn này là do Nguyễn phu nhân chỉ huy. Sẽ có đoàn nữ binh của phu nhân tham dự nữa. Mọi người náo nức đón chờ.

Đồn đãi mãi như thế mà chưa nghe chắc được ngày nào, chỉ vì, hình như, phu nhân còn chờ quyết định của Đô đốc Tông Đức hầu. Mà hầu thì hình như, mấy lúc gần đây, mê mải việc từ chương hơn. Nghe rằng Hầu đang trứ tác mấy bộ sách.

Người ta thường thấy hầu ở Thụ Đức hiên thường hơn là ở Thành Vũ đường.

Nhưng mà chiều hôm qua, phu nhân đã cùng với Đô đốc hội các tướng sĩ ở Thành Vũ đường để truyền lịnh chót về cuộc thao diễn lục quân cho sáng hôm sau.

Ngày mới bắt đầu giờ dần. Trời hãy còn tối lắm, nhưng bốn góc Phương Thành đã thức dậy tưng bừng. Đèn đuốc đã sáng rực, tiếng hô quân, tiếng voi ngựa, tiếng binh khí va chạm vang động. Các đoàn quân, cơ nào ngũ nấy, kéo đến đông chật quanh chưn núi Ngũ Hổ, nơi đã chọn làm diễn võ trường.

Chọn núi Ngũ Hổ làm diễn võ trường cũng là ý kiến mới của Nguyễn phu nhân, vì phu nhân cho rằng tập quân ở chỗ cao, mới không chế kiểm sát được toàn thể mặt trận và cuộc duyệt binh ở chỗ cao càng thêm phần uy nghi hùng tráng.

Khi các đội ngũ kéo vào vừa hết thì các ngọn cờ đã thấy bóng phấp phới trên nền trời hâng hẩng đỏ.

Bắt đầu tiến vào là đạo tiền quân. Dẫn đầu là một vị tiểu tướng, ngồi trên ngựa tiến vào trước núi, dưới là cờ một mặt thêu chữ Tiền, một mặt thêu chữ Từ. Đó là Tiền tướng quân Từ Hữu Dũng.

Kế đó là đạo hậu quân. Dẫn đầu là một vị tiểu tướng, ngồi trên ngựa tiến vào sau núi, dưới lá cờ một mặt thêu chữ hậu, một mặt thêu chữ Trần. Đó là Hậu tướng quân Trần Cơ.

Một đạo quân tiến vào bên tả, dẫn đầu là một thiếu niên ngồi trên ngựa, dưới lá cờ một mặt thêu chữ Tả, một mặt thêu chữ Tử. Đó là Tả tướng quân trưởng công tử Tử Hoàng.

Một đạo quân tiến vào bên hữu. Dẫn đầu là một thiếu niên ngồi trên ngựa, dưới lá cờ, một mặt thêu chữ Hữu, một mặt cũng thêu chữ Tử, như lá cờ bên Tả. Đó là Hữu tướng quân, thứ công tử Tử Thượng.

Ở giữa đỉnh núi, một thớt tượng, bành sơn son, lưng phủ nhung, đỏ nẹp vàng, càng làm nổi bật cặp ngà trắng dài hơn bốn xích vót nhọn như hai thanh gươm. Trên đầu voi, viên quản tượng ngồi cầm cái móc để giữ cho voi đứng yên. Bành voi hãy còn trống, chưa có người ngồi. Trước đầu voi, một lá cờ màu huyết dụ, vuông vức bằng bốn chiếc chiếu đại hồng. Một mặt thêu chữ Thiên, một mặt thêu một chữ mà ở xa nhìn lên, chưa đọc được là chữ gì, vì cờ to quá, gió thổi lá cờ không trải thẳng ra được, khiến cho không trông thấy được toàn thể chữ thêu.

Thoạt nhìn thấy bộ ấp đeo bên hữu và mấy nét đầu nét chưn bên tả, thì ai cũng đọc là chữ Trịnh, nhưng khi lá cờ phất thẳng bên tả ra thì rõ ràng là chữ Mạc. Như vậy thì là chữ Mạc mà có ấp đeo.

Một ông già, hình như ở vùng đất mới, miền Trấn Di Trấn Giang, lên đây xem lễ. Lần thứ nhất, mắt ông mới nhìn thấy cuộc diễn binh và lá cờ soái. Ông đưa tay chỉ cho một ông bạn nguyên là người cố cựu ở trấn lỵ.

– Này lạ này, Lịnh Đô đốc trấn ta họ Mạc mà sao cờ hiệu thêu chữ Trịnh và thêu chữ Thiên. Còn hai lá cờ tả hữu thêu hai chữ Tử. Sao lại là Thiên Tử. Lịnh Đô đốc muốn xưng mình là “Thiên Tử” ở vùng biên thùy này hay sao đó?

Ông bạn kia cười đáp:

– Đó là chữ Mạc có bộ ấp đeo, chớ không phải là cữ Trịnh đâu, huynh ông trông kỹ lại mà xem. Nó là chữ Mạc đặc biệt đó. Mạc có ấp, hoặc giả ý Đô đốc ta muốn nói rằng họ Mạc này là họ Mạc có tài lược có công lao mở mang bờ cõi, khai thôn lập ấp đó chăng. Mà nghĩ, Đô đốc có khoe công cậy tài như thế cũng xứng đáng. Khai thác một vùng duyên hải miền tây, địa bàn hàng muôn dặm, gồm hơn mười quận huyện, công nghiệp đó cũng kể là công nghiệp đáng cho phong ấp được lắm. Còn hai chữ Thiên Tử thêu ở hai lá cờ thì, tôi chưa nghĩ có ý gì?

Một người, đứng bên cạnh, nghe câu chuyện trao đổi giữa hai ông già, ra vẻ thông thạo, nói chen vào.

– Hai ông không biết Thiên Tử là nghĩa làm sao à. Thế ra, hai ông không biết việc Đô đốc ta có thất diệp phiên hàn: Thiên, Tử, Công,Hầu Bá, Tử, Nam và danh hiệu có ngũ hành tương sanh là Kim Thủy Mộc Hỏa Thổ?

Hai ông già kia đồng thanh hỏi:

– Chuyện đâu mà ngộ nghĩnh thế. Ông không giải thích cho rõ, và ví dụ cho tường thì chúng tôi càng không hiểu gì hết.

Người kia đáp:

– Để ngày giờ mà coi lễ, chớ ở đây mà “nghe nghĩa sách” cho hai ông hay sao?

Hai ông già lại khẩn khoản:

– Hãy còn sớm lắm. Cuộc tho diễn đã bắt đầu được đâu. Đô đốc chưa đến.Nhìn lên mà xem. Bành voi hãy còn trống kia kìa.

Người kia nhìn lên, yên tâm giải thích:

– Ví dụ Đô đốc ta dùng chữ Thiên thì húy là Tích bộ Kim. Các công tử dùng chữ Tử, húy là Hoàng, húy là Thượng, húy là Dung đều có bộ Thủy. Các công tôn sẽ dùng chữ Công, húy là Tài, húy là Du, đều là bộ Mộc vân vân … Vì thế chúng ta thấy lá cờ giữa, soái kỳ của Đô đốc thêu chữ Thiên, còn hai lá cờ tả hữu, hiệu kỳ của hai công tử đều thêu hai chữ Tử. Ý nghĩa nó là như vậy. Nhưng vừa rồi tôn ông bảo là Đô đốc ta muốn tự xưng mình là “Thiên Tử” ở chốn biên thùy này, thì tôi nghe nó làm sao ấy?

Ông già lạ mặt cười mà trả lời:

– Ông giải thích thì đúng đó, nhưng mà tôi nghĩ từ năm Giáp Tý (1744) đã mấy năm nay, Chúa Võ vương ở Phú Xuân đã bò chánh sóc nhà Lê mà xưng vương hiệu. Giữa lúc đỉnh tộ không điện đjnh, như thời buổi này, chư hầu hào kiệt bốn phương ai muốn cách đỉnh lúc nào mà không được, ai muốn xưng mình là bá vương là cô quả, danh hiệu gì mà không được. Bá vương cô quả xưng được thì Thiên tử cũng xưng được chớ sao?

Thấy mọi người chung quanh quay lại nghe câu nói lạ của ông già, hai người kia đánh lảng đưa tay, chỉ ra chỗ tiền quân nói lấp:

– Ô kìa, Đô đốc đã tới, chúng ta chạy đến đó mà xem.

Nói xong, chen lấn nhau lẩn đi trong đám đông.

Mọi người nhìn lên. Chiếc kiệu vừa đặt xuống. Một vị lão tướng, râu dài bạc trắng, chống gậy hổ đầu bước ra. Công tử Tử Dung đón vị lão tướng ngồi trên khán đài dựng sau thốt tượng bành vẫn còn bỏ trống.

 Đó là Ngũ nhung lão tướng quân, Hán Dương Hầu Từ công.

Bấy giờ đã vào giờ mão. Ánh nắng đã giải lan lan lên các ngọn cây trên đồi núi. Ngọn cờ soái đã đỏ, có ánh nắng giọi vào càng thêm đỏ thẫm như màu huyết, làm nổi bật nét chữ kim tuyến nhấp nhánh.

Nguyễn phu nhân thúc ngựa, duyệt đoàn nữ binh của phu nhân.

Đoàn nữ binh, mặc áo giáp chẽn màu thanh thiên, đầu tóc bịt bao đảnh màu lục, tay đều cầm trường đao. Đao dựng đứng, cán cao bằng đầu người. Cán đao đều toàn bằng ngà voi chuối thuôn thuôn rất đẹp, vừa là món binh khí, vừa là món trang sức cho đoàn nữ tinh binh ba trăm người, đứng bao quanh thớt tượng và khán đài của Từ lão tướng.

Đã vào đầu giờ thìn. Trời nắng đã gắt. Phu nhân đã phi ngựa chạy quanh mặt trận ba vòng rồi. Mồ hôi đã nhỏ giọt trên mặt binh sĩ đứng túc trực dưới ánh nắng của ngày hè bắt đầu.

Dàn quân nhạc chiêng trống rập rình không biết đến hồi thứ mấy rồi. Mọi người ngong ngóng đợi, mà chưa nghe lịnh phu nhân cho tiến quân.

Nguyễn phu nhân bồn chồn không yên, nét mặt tỏ ra tính toán tức giận. Bỗng phu nhân quay lại công tử Dung đang kìm cương hầu sau ngựa phu nhân, phu nhân truyền giật giọng:

– Công tử về đón Đô đốc ra duyệt binh. Đừng để Từ lão tướng đợi chờ và các binh sĩ đãi đọa, mà mất hết nhuệ khí.

Vòng trong vòng ngoài đã có tiếng xì xào. Các ngọn cờ ngũ hành đã hơi xao xuyến.

Công tử Dung ngập ngừng thưa:

– Thân mẫu đã quên rồi. Hôm qua khi hội nghị ở Thành Vũ đường, thân phụ có truyền rằng vì tâm thần bì quyện, khí sắc sầu muộn, không dự cuộc thao diễn được, đã nhờ Từ lão tướng thị trận duyệt binh thay thân phụ. Việc đã định mà thân mẫu hôm qua cũng đã đành rồi. Bây giờ thì thân mẫu truyền lệnh tiến quân là phải. Thân phụ đã kịp dự bị đâu mà thân mẫu cho lịnh về đón.

Phu nhân hơi ngần ngừ rồi bỗng quát công tử:

– Mà ý ta muốn Đô đốc duyệt binh hôm nay. Đừng cãi nữa. Hãy về thỉnh Đô đốc ra cho. Không ra duyệt binh, ở lại để mà làm thơ hay sao!

Công tử Tử Dung thấy mẹ giận không dám cãi nữa, vội vàng phi ngựa vào thành.

Độ nửa khắc thì đã thấy Đô đốc Mạc hầu giáp trụ uy nghi tiến vào, theo sau là công tử Tử Dung và đoàn quân thị vệ. Mọi người trong ngoài hò reo vang dậy:

– Thiên tuế, thiên tuế!

Mạc hầu xuống ngựa, đến làm lễ chào Từ lão tướng rồi bước lên bành voi ngồi.

Một hồi trống trận nổi lên, tiếp theo hồi loa truyền lệnh. Các đội ngũ bắt đầu chuyển động. Lần lượt, từng đội một, kéo xuống núi. Đạo tiền quân đã ra khỏi cửa đồn hữu tiểu Trúc Thành mà đội hậu quân chưa kéo hết vòng chưn núi Ngũ Hổ.

Khi đội hữu quân của công tử Tử Thượng bắt đầu di chuyển thì Nguyễn phu nhân đến bên đầu voi Mạc Đô đốc thưa:

– Thiếp xin phiền tướng công thay thiếp đi thị trận hôm nay. Thiếp đã truyền lịnh cho các tướng xuất quân ra cửa đồn hữu, dừng lại tập trận và ăn cơm trưa ở trường bắn Lộc Trĩ, rồi thu quân về cửa đồn tả thì vừa xế chiều.

Mạc hầu vui vẻ cười hỏi:

– Còn phu nhân?

– Thiếp dẫn đội binh nữ trở lại, xem chừng chúng nó tập chưa được thuần thục lắm. Hãy đợi lần sau.

Nói xong, phu nhân nhảy xuống ngựa, truyền quản tượng cho voi quì xuống. Mạc hầu bước ra khỏi bành, đón lấy cương ngựa phu nhân đổi trao cho, không nói gì, nhảy lên mình ngựa, thúc cương cho ngựa đi theo sau đội Hữu quân.

Tức thì, Nguyễn phu nhân truyền rước Từ lão tướng lên kiệu, rồi phu nhân cũng lên ngựa của Đô đốc còn để lại, kéo đoàn nữ binh quày vội về thành.

Viết một bình luận

error: Content is protected !!