William Joseph Donovan (Thế Kỷ XX) Người Lãnh Đạo Cục Chiến Lược Tình Báo Mỹ

Theo đánh giá chính thức, trước năm 1941, nước Mỹ chưa có cơ quan tình báo thống nhất. Ngoại trưởng Mỹ Dean Acheson nói: “Trước Thế chiến II, con số nhân viên làm nhiệm vụ tổng hợp thông tin trong Ngoại vụ Mỹ không vượt quá con số mười người. Tiến bộ trong công nghệ thu thập thông tin  so sánh với năm 1770 có khác chăng chỉ là  sự ra đời của máy chữ và máy điện báo”. Tuy vậy, cũng phải thừa nhận rằng nước Mỹ thực sự đã có được gần như toàn bộ những thông tin cần thiết. Thông tin được tập hợp bởi các đại sứ quán, ban tùy viên Quân sự và Hải quân, nhưng chủ yếu vẫn từ các trùm tư bản tài chính và công nghiệp hùng mạnh với những mạng lưới cơ quan tình báo riêng rải khắp toàn cầu đã thu thập được những thông tin cần thiết không chỉ cho các ông chủ mà cả cho chính phủ Mỹ. Nói cách khác là chưa có một cơ quan chuyên môn để tập hợp, phân tích và trình bày dưới hình thức thuận tiện cho sử dụng để trình lên cấp lãnh đạo tối cao của đất nước.

Khi nước Mỹ sửa soạn tham chiến, tổng thống Roosevellt quyết định thành lập cơ quan tình báo trung ương đứng trên tất cả các cơ quan tình báo hiện có. Việc này bị giới lãnh đạo nhiều cơ quan tình báo khác nhau chống đối, đặc biệt là Bộ Hải quân. Nhưng Roosevelt không nao núng. Ngày 11 tháng 7 năm 1941 ông chỉ định luật sư New York, đại tá, sau này là thiếu tướng William Joseph Donovan soạn thảo dự án thành lập tổ chức đó. Trong cuốn sách của mình là “Hoạt động tình báo – chìa khóa phòng vệ”, Donovan nhớ lại lời tổng thống Roosevellt đã nói với ông vào ngày hôm đó: “Anh sẽ bắt đầu hoàn toàn từ đầu là rất tốt. Bởi vì nước Mỹ chưa có cái gọi là một cơ quan tình báo”.

William Donovan sinh tại thành phố Buffalo trong một gia đình công chức người Ireland theo Thiên chúa giáo. Vợ ông theo đạo Tin lành. Tính cách khá khắt khe, nghiệt ngã. Bạn bè thường gọi ông là “Bill Hoang Dại”. Là một luật sư nổi tiếng – tín đồ Thiên chúa giáo và theo phe Cộng hòa, bằng cách nào đó ông đã trở thành bạn thân và là nhân vật tin cậy của Franklin Roosevelt, một người Dân chủ và theo đạo Tin lành. Trước chiến tranh, Roosevellt đã phái ông sang Anh để dàn xếp quan hệ hợp tác với người Anh, và tiện thể theo dõi hoạt động của đại sứ Mỹ là Joseph Kennedy, một người Ireland theo Thiên chúa giáo ở một mức độ nào đó tỏ ra có thiện cảm với quân Đức, là những kẻ ủng hộ nền độc lập của Ireland. Chức vụ mà Donovan được chỉ định vào ngày 11 tháng 7 năm 1941 ban đầu được gọi là “Người phối hợp cơ quan tình báo”. Nhưng bất chấp lệnh của tổng thống gửi tất cả các cơ quan chính phủ yêu cầu cung cấp cho Donovan thông tin mang tính chiến lược và chiến thuật, viên đại tá đã vấp phải sự chống đối ra mặt, sự không thông hiểu, sự ghen ghét của những người đại diện cho quyền lợi hẹp của các cơ quan và họ đã cản trở khiến công việc của ông gần như không thể thực hiện nổi. Thông tin do Ngoại Vụ viện, Quân đội và Hạm đội Hải quân cung cấp cho ông chẳng thể sử dụng vào mục đích gì. Những người có kinh nghiệm hoạt động tình báo trước yêu cầu đề nghị chuyển sang làm việc cho Donovan đều từ chối. Khi đó ông bèn chuyển hướng hành động và mời làm việc toàn những người ngoài cuộc, chưa hề hoạt động tình báo bao giờ như nhân viên các công ty, nhân viên các ngân hàng, luật sư, giáo sư các trường đại học, thậm chí là các linh mục.

Tháng 6 năm 1942, theo lệnh của tổng thống Roosevellt, Cục Thông tin quân sự được thành lập, còn sau đó là Cục Chiến lược do Donovan đứng đầu. Có ba nhiệm vụ được đặt ra cho ông là: tiếp tục thu thập những thông tin khoa học và phi chính thức; tiến hành tuyên truyền phá hoại; hoạt động phá hoại (có sự phối hợp của quân đội). Như vậy, do vấp phải sự chống đối của giới lãnh đạo Quân đội, Hải quân và Ngoại Vụ viện, Roosevelt và Donovan đã xây dựng được một cơ quan tình báo riêng rất mạnh hoạt động lấn át cả những tổ chức tình báo khác. Donovan nhận được những nguồn tiền rất lớn (chẳng hạn vào năm 1940 toàn bộ chi phí của quân đội Mỹ cho hoạt động tình báo gồm hai trăm bốn mươi nghìn đôla, mà riêng Cục chiến lược của Donovan trong năm 1945 được cấp ngân sách lên tới năm mươi chín triệu đôla). Lúc này Donovan đã có thể mời những chuyên gia cao cấp, nhà khoa học, giáo sư trong tất cả các lĩnh vực khoa học hiện đại, các nhà văn, nhà báo, nhạc công, các chuyên viên kỹ thuật, thợ lành nghề và thậm chí cả những tên lừa đảo chuyên nghiệp và những tay “đầu gấu”… làm việc cho mình. Tiền cũng như tình cảm trách nhiệm đối với Tổ quốc đóng vai trò quyết định. Trong thời hạn ngắn ngủi, Donovan đã tập hợp được một đạo quân gồm mười lăm nghìn điệp viên thực hiện nhiệm vụ do ông giao ở tất cả các nước trên thế giới. Điều thú vị là tất cả những con người này không phải là các nhà tình báo chuyên nghiệp, đã sáng tạo ra những phương pháp hoạt động tình báo và phá hoại độc đáo của riêng mình, mà những gián điệp chuyên nghiệp thường bị gò bó bởi thói quen, nguyên tắc và bệnh quan liêu thậm chí không thể tưởng tượng ra nổi.

Các tướng lĩnh thuộc quân đội và Hạm đội Hải quân, các đô đốc và quan chức ngoại giao thuộc Ngoại Vụ viện đến cuối cuộc chiến tranh đã buộc phải thừa nhận rằng tổ chức của Donovan “đã vượt xa họ và đến đích đầu tiên”. Riêng cơ sở của Cục Chiến lược đặt tại Bern do Allen Dulles chỉ đạo đã khai thác lượng thông tin về nước Đức phát xít nhiều hơn khối lượng thông tin do cả quân đội, Hạm đội Hải quân và Ngoại Vụ viện thu thập được. Ngoài ra, Dulles, như người ta biết, không chỉ hoạt động tình báo. Ông này còn duy trì mối quan hệ với Vatican, và với trùm tư bản độc quyền lớn nhất ở Đức là Krupp, một trong những nhân vật đứng đầu Đệ Tam Quốc xã Himmler, với lãnh đạo cao nhất của ngành tình báo Đức là Sellenberg. Thông qua nhà tình báo – nhà ngoại giao Nhật Bản Fudzimuru, ông ta chuyển thông điệp đến chính phủ Nhật Bản rằng “nước Mỹ sẵn sàng bắt đầu đàm phán về hòa bình vào bất cứ thời điểm nào để tước quyền bỏ phiếu của Liên Xô về vấn đề Trung Quốc”. Hơn thế nữa, ông ta còn thông báo cho người Nhật một trong những quyết định bí mật của Hội nghị Yalta về việc Liên Xô tham gia vào cuộc chiến tranh chống Nhật. Khi đó chính Dulles đã khuyên Roosevelt và Donovan không tiếc tiền của và sức người để làm suy yếu ảnh hưởng của Liên Xô và Anh tại các nước Đông Âu, biến Hungari và Ba Lan thành tiền đồn chống chủ nghĩa cộng sản trong tương lai. Năm 1943-1945 Donovan đã tổ chức thành công các chiến dịch tung gián điệp vào hậu phương của đối thủ ở Pháp, Italia, Miến Điện, Thái Lan, Algieri và các nước khác. Tiếc rằng rất nhiều gián điệp nhảy dù xuống Tiệp Khắc đã không có cơ hội sống sót.

Cuối năm 1943, Roosevelt đã tán thành đề nghị của Donovan về việc bắt đầu hợp tác với tình báo Xô Viết. Trước Giáng sinh năm 1943, Donovan bay sang Moscva. Ngày 25 tháng 12, ông ta cùng với đại sứ Harriman được Molotov tiếp. Donovan kể cặn kẽ về Cục Chiến lư¬ợc, về các nhiệm vụ, chức năng và hoạt động cụ thể của ông ta ở hàng loạt các nước, trong đó có các nước vùng Balcan. Sau đó Donovan gặp gỡ với người đứng đầu cơ quan tình báo nước ngoài Finitin. Kết quả các cuộc đàm phán được trình lên Stalin. Stalin đồng ý việc trao đổi đại diện và hoạt động hợp tác của cơ quan tình báo Xô Viết với Cục chiến lược của Mỹ.

Trở về Mỹ, Donovan gửi đến tất cả các phòng ban chỉ thị về việc: “Cục chiến lược có thể cung cấp cho Nga thông tin tình báo giá trị, hữu ích cho đất nước đang tiến hành cuộc chiến tranh chống Đức”. Đại diện Liên Xô ở Cục chiến lược là đại tá Graur và thành viên trong phái đoàn của ông đã sẵn sàng bay sang Mỹ. Đột nhiên ngày 16 tháng 3 năm 1944 từ Mỹ có một bức điện do Roosevelt gửi cho Harriman yêu cầu tạm hoãn vô thời hạn việc trao đổi các đoàn đại biểu. Quyết định đó được thông qua theo yêu cầu khẩn khoản của giám đốc FBI là E. Guver, người cho rằng mục đích của ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB) là thâm nhập vào các cơ quan nhà nước của Mỹ.

Donovan thực sự tức giận vì sự can thiệp của Guver nhưng tổng thống không thay đổi quyết định. Mặc dù vậy cuộc tiếp xúc giữa hai cơ quan tình báo vẫn được ấn định, nhưng thông qua người lãnh đạo phái đoàn đại diện quân sự của Mỹ tại Liên Xô là thiếu tướng J. P. Din.

Trong thời gian hợp tác giữa hai cơ quan tình báo, phía Mỹ đã cung cấp những thông tin chính trị và quân sự đặc biệt có giá trị trong  những năm chiến tranh, gồm: tin về tình hình tại Đức và các nước bị chiếm đóng, các bản tổng hợp tin tình báo về các vấn đề riêng rẽ, bản tổng kết phân tích khả năng của nền công nghiệp Đức; đánh giá tình hình trong giới lãnh đạo quốc xã của Đức, thông tin về tình hình Hungari, Rumani và Bungari. Trong thời gian diễn ra các cuộc đàm phán, Donovan phát biểu nguyện vọng muốn trao đổi tài liệu về máy móc kỹ thuật cho hoạt động phá hoại, nhưng ông chỉ cung cấp được một cuốn danh mục có ảnh minh họa loại vũ khí và máy chuyên dụng khiến các chuyên gia quan tâm. Gói hàng thứ hai của người Mỹ là mẫu các thiết bị nhỏ dùng cho vi phim do Cục chiến lược làm ra nhưng không sử dụng được vì các mẫu này được chế tạo bởi trình độ tay nghề quá thấp. Về phần mình, tình báo Xô Viết đã chuyển cho đối tác các báo cáo về tình hình quân đội Đức, tình trạng vũ trang, đánh giá tương lai chính trị của nước Đức; thông tin về các nhà máy hóa chất bí mật tại Đức và Ba Lan chuyên sản xuất chất độc; về nhà máy ngầm ở Svinemunde; về trạm thử nghiệm tên lửa tại Merzeburg; về tình hình Bungari với đánh giá tình thế chính trị bên trong nước này. Tháng 5 năm 1944, theo yêu cầu của Donovan, người ta đã chuyển cho ông ta thông tin về các bộ máy và phương pháp phá hoại, đặc biệt là về kinh nghiệm sử dụng mìn nổ chậm và về các khảo sát tìm tòi hoàn thiện phương tiện phá hoại. Năm 1944 – đầu năm 1945, tình báo Xô Viết đã giúp đỡ các đồng nghiệp Mỹ rất nhiều trong việc làm sáng tỏ số phận của một số nhóm điệp viên Mỹ nhảy dù xuống Tiệp Khắc và của những phi công lái máy bay đã bị giết ở đó. Toàn bộ những thông tin do tình báo Xô Viết cung cấp được phía Mỹ đánh giá rất cao.

Tháng 7 năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, Donovan thông báo cho Fitin về việc người ta đã bắt giữ tại Áo chỉ huy mạng lưới tình báo ở các nước vùng Balcan là Huttle – kẻ “mong muốn gây bất đồng ý kiến giữa Liên Xô với Mỹ, sẵn sàng chuyển giao toàn bộ phần còn lại của mạng lưới tình báo đang tồn tại cho Mỹ để sử dụng chống người Nga”. Donovan đề xuất việc thảo luận các giải pháp phối hợp nhằm xóa bỏ mạng lưới của Huttle và thông báo đã giao nhiệm vụ này cho trợ lý của mình là Allen Dulles. Vào tay Dulles, công việc vượt khỏi tầm kiểm soát của Donovan và bị ngừng lại. Donovan tìm cách cố làm được điều gì đó, kiên trì yêu cầu gặp riêng Fitin nhưng không được. Còn trong thời gian đó Dulles cùng với chỉ huy cơ quan tình báo của quân đội là tướng Siberto đã tiến hành những cuộc thương lượng với người đứng đầu cơ quan tình báo của Hitler ở mặt trận phía Đông là tướng Gehlen về các hoạt động phối hợp chống người Nga. Chống lại đề xuất của Donovan còn có cả nhóm liên minh chỉ huy các bộ tham mưu.  Họ cho rằng nhất thiết phải “thảo luận vấn đề nên hay không nên hợp tác với các sĩ quan Đức không thuộc Đảng Quốc Xã để thu thập tin tức tình báo về tiềm lực và các dự định của người Nga”. Hoạt động hợp tác giữa tình báo Xô Viết và Mỹ kết thúc ở vụ Huttle.

Donovan còn lại một mình đơn độc. Tổng thống Roosevelt mất ngày 12 tháng 4 năm 1945, còn tổng thống mới là Truman lại là người giữ lập trường chống Liên Xô kịch liệt. Thậm chí không thể nói đến chuyện hợp tác tiếp tục với tình báo Xô Viết. Rõ ràng Donovan rất tiếc. Ông ta viết trong một bức thư thể hiện sự ủng hộ “bầu không khí hợp tác hữu nghị” gửi Fitin như sau: “Tôi tin tưởng rằng thành công đã đạt được bấy lâu trong sự nghiệp chung của chúng ta chứng tỏ rằng chúng ta có thể là những đồng minh trong các hoạt động hợp tác, ít ra là trong lĩnh vực tình báo”.

Sau khi thắng Nhật, ngày 20 tháng 9, Truman ra lệnh giải tán Cục chiến lược. Tướng Donovan xin từ chức và trở về với nghề luật sư ở thành phố New York.

Hoạt động tình báo thời kỳ này lại được trao về dưới sự điều khiển của các chủ nhân cũ của nó là Ngoại Vụ viện và Bộ Quốc phòng. Không bao lâu sau đó, ngày 15 tháng 9 năm 1947, tổng thống Truman ký Luật về An ninh Quốc gia và lại một lần nữa thống nhất ngành tình báo làm một và chính thức đặt bước khởi đầu cho việc thành lập Cục Tình báo Trung ương Mỹ.

error: Content is protected !!