Xét về nhiều mặt thì Zilber là điệp viên Đức thông minh nhất và thành đạt nhất trong những năm Thế chiến thứ nhất. Là người Đức, nhưng Zilber trông giống người Anh và nói tiếng Anh tuyệt vời. Phần lớn cuộc đời mình anh sống ở nước ngoài, ở những nước thuộc đế quốc Anh. Trong thời gian chiến tranh giữa Anh và thuộc địa, anh đã giúp người Anh được ít nhiều và đã có được giấy tờ chứng nhận. Trong những câu chuyện nhàn đàm đôi khi anh “quá lời” nói rằng trong thời gian chiến tranh anh đã quen với chàng quân nhân tình nguyện người Anh Winston Churchill, thậm chí còn có quan hệ bằng hữu với anh ta nữa. Nhưng chuyện đó lâu rồi, tất nhiên anh ta đã quên tôi, nhưng khi đó…” – rồi anh ta im lặng một cách đầy ngụ ý. Ngay đầu chiến tranh, tháng 9-1914 Zilber đã đến Anh qua Mỹ và Canada. Anh có hộ chiếu công dân của một quốc gia trung lập và giấy tờ khẳng định hoạt động phục vụ nước Anh chống người thuộc địa. Như thế đủ để người ta cho phép anh vào nước Anh và cư trú tại đó. Anh được lòng các quan chức địa phương, những người cần đến trình độ ngoại ngữ của anh. Zilber được mời vào làm việc tại văn phòng kiểm duyệt, bởi vì các thư từ được viết không những bằng các thứ tiếng châu Âu, mà còn bằng nhiều ngôn ngữ của các dân tộc phải thuần phục đế quốc Anh.
Những người kiểm duyệt của Anh nổi tiếng trung thực và tỷ mỷ. Nhờ thế mà đã bắt giữ và xử tội được mấy điệp viên Đức. Không ai có thể làm giảm nhẹ tính nghiêm khắc của kiểm duyệt. Hoàng hậu Hy Lạp Sofia (em gái của quốc vương Đức), hoàng hậu Thuỵ Điển (nguyên là công chúa Baden) và hoàng thái hậu Tây Ban Nha tỏ ra sùng Đức rõ rệt. Những bức thư gửi cho các bậc mệnh phụ này và những bức thư do họ gửi đi cũng đều được phân tích kỹ lưỡng và được giữ lại nếu tình hình yêu cầu. Nhiều trường hợp, như với nữ hoàng Hy Lạp, bà đã rơi vào danh sách những người bị tình nghi, và những bức thư của bà không được gửi đi. Một khi ban kiểm duyệt khẳng định rằng những mệnh lệnh gửi tới các điệp viên Đức và các tàu ngầm được chuyển theo đường thư tới Nam Phi bằng mật mã của chính phủ Thuỵ Điển thì tình báo Anh lập tức ra tay. Họ tổ chức sao cho hành vi của hoàng hậu Thuỵ Điển, em gái của Vilgelm, được cả Stokholm biết đến, và ở thủ đô Thuỵ Điển đã bùng lên một vụ bê bối ồn ào. Tất nhiên sau đó người Đức sẽ thôi không dùng đến bộ mật mã Thuỵ Điển nữa.
Nhưng những người kiểm duyệt Anh cũng là con người, và họ cũng biết thư giãn. Sau một ngày làm việc căng thẳng, ngồi bên các đồng sự đáng tin cậy với những vại bia ngon thì họ cũng chẳng giữ mồm giữ miệng làm gì. Tất nhiên là họ kể đủ mọi thứ chuyện trong các bức thư đọc được, ngoài ra họ còn thảo luận các thông tin quân sự và chính trị mà các tác giả thư từ trao đổi với nhau. Zilber là người vui tính, cởi mở nên luôn có mặt trong các nhóm đó. Anh còn có nhiều bạn ở các nơi khác. Tất cả bổ sung cho khối tri thức mà anh thu lượm được từ trăm ngàn bức thư trực tiếp qua tay anh kiểm duyệt.
Zilber làm việc một mình, không liên quan đến các điệp viên khác, với Trung Tâm anh cũng giữ quan hệ một chiều, không cần đến sự “giúp đỡ” và những lời khuyên của thượng cấp, thậm chí còn tìm cách tránh xa. Là người kiểm duyệt, tức là cấp kiểm tra cuối cùng, anh có khả năng tự do gửi đi những thông tin tình báo của mình. Để đảm bảo trước dấu triện thật của bưu điện, anh tự gửi cho mình từ khắp các nơi của London những bức thư không bị kiểm duyệt. Như thế anh dùng được những chiếc phong bì “có cửa sổ trong suốt”, dưới đó đã ghi sẵn địa chỉ. Khi nhận được bức thư đó, anh vứt đi tờ giấy vô ích có địa chỉ của mình, cài vào đó một thông tin có địa chỉ mới. Sau đó cộp lên phong bì con dấu “Đã kiểm duyệt quân sự” và gửi đến một nơi nào đó ở một nước trung lập. Zilber hầu như không bao giờ dùng một địa chỉ duy nhất. Anh khéo léo đa dạng hoá việc trao đổi thư từ của mình, xử lý tốt “danh sách các nhân vật tình nghi” mới nhất mà lúc nào anh cũng có bên mình, trong đó có địa chỉ những nhân vật có quan hệ với người Đức mà tình báo Anh cũng biết. Khi nhận được bức thư như vậy, người nhận phải chuyển ngay cho một điệp viên Đức. Ngay trong thời kỳ chiến tranh thư từ cũng đến rất nhanh chóng, cho nên phương pháp liên lạc này là nhanh nhất và chắc chắn nhất. Tất nhiên, cũng vẫn có hiểm họa là đụng phải “lưới” của tình báo Anh, nhưng nhờ trời, Zilber vẫn khéo léo gửi đi được các tin mật qua đường New York trong những túi riêng tới các hãng kinh doanh nổi tiếng. Anh cài thư từ của mình vào đó với ký hiệu “nhờ chuyển đi tiếp”, và không có trường hợp nào bị trục trặc cả. Là người cẩn thận, anh chỉ dùng phương pháp này một lần đối với một hãng. Cũng có những trường hợp anh lặng lẽ quan sát bọn phản gián Anh rình mò một điệp viên Đức. Anh không thể báo trước hoặc giúp đỡ người đó. Cũng có trường hợp ngược lại: anh phát hiện được điệp viên Anh ở Đức, nhưng không bao giờ anh nhúng tay vào và không giúp gì cho phản gián Đức, vì cho rằng sẽ làm hại chính mình.
Khi Zilber làm việc sát cạnh những kiểm duyệt viên khác, anh không thể làm đánh dấu thư hoặc chép lại thư, tất cả những thông tin mà anh thu được anh phải lưu giữ trong đầu, và đấy là một việc hết sức căng thẳng. Anh không bao giờ dám viết lách, tàng trữ thông tin trong căn hộ, mà phải đi thuê những phòng ở khác. Để ngụy trang, anh thường phải đi xem hát, anh mua vé, xé phần “kiểm tra”, rồi về vứt lung tung những vé “xem rồi” ở cạnh nhà hoặc nơi làm việc. Thường anh cũng mang về nhà những tài liệu cần thiết và chụp ảnh lại. Anh tốn rất nhiều phim, và anh phải mua ở nhiều nơi khác nhau trong thành phố. Một hôm có một tay chủ quán nghi ngờ Zilber và tự hắn theo dõi anh. Khi nhận thấy điều đó, anh liền báo cáo cấp trên, và cũng khuyên người bán hàng rất thận trọng kia hãy yên tâm làm việc của mình.
Một lần Zilber đọc được một lá thư quan trọng nhất trong suốt cuộc đời tình báo của anh. Một cô gái chia sẻ một niềm vui với một bạn gái: anh cô ta, một sĩ quan hải quân, bây giờ có thể được thường xuyên ở nhà, vì được bố trí công việc ở một cảng gần, làm một công việc bí mật liên quan đến việc trang bị cho những cảng cũ. Người tình báo hiểu rằng đây là một việc quan trọng, và ngay ngày nghỉ đầu tiên đã đến cái thành phố, nơi có cô gái nhẹ dạ gửi thư kia. Anh gặp cô với tư cách một sĩ quan kiểm duyệt quốc gia để cảnh cáo. Cô gái hoảng hốt và lo lắng lạy van Zilber đừng nói chuyện đó cho anh mình biết và đừng làm hại đường công danh của anh ấy. Trong câu chuyện anh biết chắc chắn là có một phương thức đấu tranh mới chống lại loại tàu ngầm Đức vẫn được gọi là “tàu mồi”. Ngay bản thân Zilber và bộ tham mưu các lực lượng hải quân Đức trước đây cũng chưa bao giờ nghe đến một chuyện như thế. Khi chia tay, Zilber hứa sẽ bỏ qua chuyện này và ngược lại cũng bắt cô gái hứa không nói gì với anh cô về cuộc gặp đó. “Đây là quyền lợi chung của hai chúng ta”, – anh nói thêm. Cô gái cũng hiểu như vậy. Ngày hôm sau Zilber gửi đi một tin hết sức quan trọng, trong đó nói rằng quân Anh đang sử dụng các “tàu mồi”. Đó là những tàu buôn cũ đặt các súng đại bác bắn nhanh được nguỵ trang kỹ và các vũ khí khác. Thành tàu được gia cố chắc, hầm tàu chứa bọt biển và các thiết bị giữ cho tàu nổi được khi trúng thuỷ lôi. (Về việc sử dụng các loại tàu này xin xem bài về “Edvard S. Miller”). Bộ chỉ huy Đức cũng đã biết về việc mất tích đột ngột mấy chiếc tàu ngầm, trước khi mất tích đã kịp báo là bị trúng thuỷ lôi địch. Bây giờ câu hỏi đó đã được giải thích. Nhưng sau khi người Đức biết rõ sự thực về “tàu mồi” thì vấn đề cũng không dễ dàng. Khi tàu ngầm Đức biết rằng bất kỳ một chiếc tàu nào trông bề ngoài đơn độc và không có vũ khí cũng có thể bất ngờ trở thành một tàu chiến hung hãn thì họ mất hết khả năng hành động chắc chắn. Đã có những trường hợp ban chỉ huy hãi hùng và không thể hoàn thành được nhiệm vụ của mình.
Zilber sống ở Anh cho đến khi chiến tranh kết thúc và không hề bị phát giác, sau đó trở về Đức an toàn, rồi kể lại những chuyện cũ của mình.